Ngày 8/7, UBND TP Đà Lạt cho biết qua kiểm tra 265 công trình toàn thành phố, cơ quan chuyên môn xác định có trên 60 điểm có nguy cơ sạt trượt, nghiêng lún, mất an toàn. Những vị trí được cảnh báo chủ yếu nằm ở các phường 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11 và các xã như Xuân Trường, Trạm Hành, Tà Nung, Xuân Thọ.

Theo UBND TP Đà Lạt, những công trình này thuộc phía taluy dương, tiếp giáp các kè chắn đất (gồm kè đá, tường chắn bê tông) có chiều cao lớn; thiếu hệ thống gom nước đỉnh kè, chân kè.

Bên cạnh đó là các công trình thuộc vị trí taluy âm, khi chủ đầu tư tổ chức xây dựng có khối đế công trình – gồm tường chắn bê tông, đắp đất, hoặc làm kè đá. Tuy nhiên, những công trình này vẫn còn thiếu sót việc xây dựng mương thu nước tại chân kè.

da lat canh bao hon 60 diem co nguy co sat truot 1
Chính quyền đặt biển cảnh báo sạt lở ở TP Đà Lạt. Ảnh: Hoàng Giám

Trước tình trạng này, UBND yêu cầu các xã, phường rà soát lại những điểm nguy cơ sạt trượt, nghiêng lún nói trên để có hướng xử lý, đảm bảo an toàn.

Với các công trình đang thi công tại khu vực nguy cơ sạt lở, địa phương cần rà soát, kịp thời đình chỉ trong trường hợp chưa tuân thủ quy định xây dựng, phòng, chống nguy cơ sạt trượt.

Đối với công trình không đảm bảo giải pháp an toàn nhưng không bị kiểm tra, lãnh đạo các phường, xã phải chịu trách nhiệm trước UBND TP Đà Lạt.

da lat canh bao hon 60 diem co nguy co sat truot 2
Taluy công trình ở Đà Lạt bị sạt lở, hồi cuối tháng 6/2023. Ảnh: Hoàng Giám

Đà Lạt có địa hình dốc, nhiều đồi núi, những năm gần đây, địa phương này thường xảy ra mưa ngập cục bộ, đặc biệt là sạt lở. Theo thống kê, trong hai ngày 28-29/6/2023, TP Đà Lạt xảy ra 13 vụ sạt lở, làm 2 người chết, hơn một chục căn nhà bị sập, hư hỏng. Trong đó, vụ sạt lở bờ taluy trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám (phường 10) làm 2 người chết, 5 người bị thương khi chủ đầu tư đang cho đắp đất để tạo mặt bằng thi công.