spot_img
19 C
Vietnam
Chủ Nhật,6 Tháng mười
spot_img

Đám cưới không chú rể, trào lưu mới của phụ nữ Nhật Bản

Ngày càng có nhiều “đám cưới không chú rể” được tổ chức tại Nhật Bản khi phụ nữ ở nước này có xu hướng kết hôn muộn hoặc lựa chọn sống độc thân và họ muốn một lần được mặc bộ váy cưới xinh đẹp.

Tuy nhiên, trào lưu này làm dấy lên sự tranh luận của cộng đồng, vì với rất nhiều người, đặc biệt trong quan niệm của văn hóa truyền thống Trung Hoa và Nhật Bản thì hôn nhân là chuyện đại sự của đời người nên không thể đối đãi tùy tiện.

Ý nghĩa thiêng liêng của việc kết hôn trong văn hóa truyền thống

Trong văn hóa truyền thống, hôn nhân là sự việc thiêng liêng và tốt đẹp. Thời khắc hai người quyết định kết hôn nghĩa là đã cam kết bên nhau cả cuộc đời.

Theo truyền thuyết khi Thần tạo ra con người, đã ghép một người nam với một người nữ với nhau, cũng chính là sự phối hợp tương hỗ giữa âm và dương, thế nên nhân loại mới sinh sôi nảy nở, khiến cuộc sống con người thêm hạnh phúc và thú vị. Trong tất cả các mối quan hệ của con người thì mối quan hệ hôn nhân là thiêng liêng, trang nghiêm và tươi đẹp nhất.

Chế độ một vợ một chồng là văn minh nhất trong lịch sử nhân loại, trong mấy chục năm chung sống vui buồn có nhau đã tạo ra tình cảm lớn lao giữa hai người không có mối quan hệ huyết thống. Người xưa nói “Gia hòa vạn sự hưng”, gia đình hòa thuận thì mọi sự đều hưng thịnh. Có một gia đình hoàn chỉnh chính là phương thức sinh sống mà nhân loại mưu cầu. Cùng sống bên nhau đến “Bạch đầu giai lão” chính là kết cục tốt đẹp mà các cặp vợ chồng đều theo đuổi và mơ ước:

Lúc tử sinh hay khi cách biệt
Chẳng bỏ nhau lời quyết thệ rồi
Cầm tay nàng hẹn mấy lời:
“Sống bên nhau mãi đến hồi già nua”.
(Kinh Thi – Tạ Quang Phát dịch).

Hôn nhân con người là duyên tiền định, tức là được an bài tùy theo mối nhân duyên, tùy theo ân oán cùng với đức và nghiệp của những đời trước. Đối với con người mà nói, bất kể bạn cho là tốt hay không tốt thì đó cũng là sự an bài tốt nhất. Nếu hai người giữa đường đứt gánh, đường ai nấy đi thì chính là làm loạn sự an bài này, đã từ bỏ con đường an bài tốt nhất này mà đi theo đường rẽ, thì kết quả thường chỉ có thể là xấu tệ hơn mà thôi.

Vì vậy kết hôn với người xưa trở thành một sự kiện trọng đại, thiêng liêng trong cuộc đời. Sự kết đôi của 2 người phải có sự chứng giám của Thần linh, sự cho phép của tổ tiên, cha mẹ. Vì vậy trong lễ kết hôn, cô dâu chú rể phải bái kiến thiên địa, làm lễ trước bàn thờ tổ tiên và quỳ lạy trước các bậc sinh thành để làm chứng cho lời thề sắc son của họ.

phu the giao bai
Trong lễ kết hôn, cô dâu chú rể phải bái kiến thiên địa, làm lễ trước bàn thờ tổ tiên và quỳ lạy trước các bậc sinh thành để làm chứng cho lời thề sắc son của họ (Ảnh minh họa)

Người xưa vô cùng coi trọng lời thề, hai vợ chồng vô luận là bần cùng hay phú quý đều sống cùng nhau. Trong lịch sử, có nhiều tấm gương mẫu mực về tình cảm vợ chồng sâu sắc, cả đời không thay lòng đổi dạ. Kết hôn và giữ gìn mối quan hệ vợ chồng bền vũng cũng là luân thường đạo lý lớn của đạo làm người.

Đây là lý do vì sao người xưa không tồn tại hiện tượng kết hôn đồng tính, sống thử trước hôn nhân hay kết hôn một mình như trong xã hội hiện đại.

Mối quan hệ vợ chồng, là luân thường đạo lý lớn của đạo làm người (Ảnh: pixabay)
Mối quan hệ vợ chồng, là luân thường đạo lý lớn của đạo làm người (Ảnh: pixabay)

Đám cưới không chú rể: Trào lưu ngày càng phổ biến với nhiều phụ nữ Nhật Bản

Theo xu hướng ngày càng phổ biến tại Nhật Bản, nhiều phụ nữ lựa chọn tổ chức “đám cưới không chú rể” nơi họ “kết hôn” với chính mình.

Lý do cho những đám cưới “độc thân” này rất khác nhau. Một số người muốn một lần được mặc trang phục cô dâu, trong khi những người khác muốn kỷ niệm một cột mốc đặc biệt hoặc thậm chí thể hiện tình cảm dành cho một người nổi tiếng.

ket hon mot minh
Một phụ nữ chụp ảnh cưới độc thân tại một studio ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: The New York Times)

Một phụ nữ tên Hanaoka đã tổ chức lễ cưới riêng tại một nhà hàng ở Tokyo, mời 30 người bạn và chi tổng cộng 1.600 USD.

Cô chia sẻ: “Kết hôn với chính mình không có nghĩa là tôi không muốn kết hôn với đàn ông. Tôi đã đọc về đám cưới không chú rể trong bài viết của một blogger và nghĩ rằng mình không thể làm được. Nhưng khoảng ba năm trước, tôi bắt đầu làm những việc khiến mình hạnh phúc như mặc quần áo đẹp, thưởng thức đồ ăn ngon. Đó là lúc tôi bắt đầu nghĩ đến việc kết hôn với chính mình.”

Những người tổ chức đám cưới không chú rể khác cho biết họ “muốn tổ chức lễ kết hôn bình thường nhưng không có cơ hội” hoặc “không hài lòng với trang phục mặc trong đám cưới thực sự của mình” nên quyết định chụp ảnh riêng sau đó.

Yuko Miyamoto sống tại Osaka gần đây đã sử dụng dịch vụ tổ chức hôn lễ một mình để biến sinh nhật lần thứ 50 trở thành một ngày đặc biệt.

Miyamoto giải thích: “Nếu tôi cứ chờ đợi một người bạn đời xuất hiện, có thể tôi sẽ không bao giờ có cơ hội được tổ chức đám cưới. Tôi muốn được một lần mặc váy cưới cho chính mình.”

Một lý do khác khiến cô quyết định tổ chức đám cưới độc thân là vì cô bị ung thư vú vài năm trước và cô hy vọng có thể chụp ảnh khi còn khỏe mạnh.

Xu hướng này đã làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi ở cả Nhật Bản và Trung Quốc.

Một số người ca ngợi trào lưu này giúp thúc đẩy sự độc lập của phụ nữ khi cho rằng có nhiều cách để đạt được hạnh phúc và điều quan trọng nhất là phải yêu bản thân mình trước tiên.

Trong khi đó, những người khác lại coi đây chỉ là một cách để tránh bị chê cười vì chưa kết hôn và việc tự đeo nhẫn cưới vào ngón tay trông có vẻ hơi cô đơn.

Nhưng người hiểu được mục đích chân chính của việc kết hôn cho rằng, hôn nhân là sự kiện có ý nghĩa thiêng liêng, quan trọng trong đời người, không thể đối đãi tùy tiện hay thuận theo trào lưu nào đó.

Nếu thấu được ý nghĩa sâu xa, chân chính của hôn nhân, mỗi người chúng ta cho dù sống trong tư tưởng xã hội hiện đại, ly khai khỏi các giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống cũng sẽ có sự lựa chọn và quyết định và hành xử đúng đắn trong vấn đề hôn sự của cuộc đời.

Nghi Vân (t.h)

BÀI CHỌN LỌC:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều