spot_img
19 C
Vietnam
Thứ ba,17 Tháng chín
spot_img

“Halo effect” – Hiệu ứng hào quang bạn đã từng nghe chưa?

Tân Thế Kỷ – Vì sao ta hay bị hút bởi vẻ ngoài bóng bẩy, tin ai đó giàu chỉ vì họ luôn tiêu rất nhiều tiền? Thực tế họ có thể chỉ đang mặc đồ hiệu giả và có 1 khoản nợ khổng lồ đằng sau vẻ hào nhoáng.

Hiệu ứng hào quang là gì?

“Ấn tượng đầu tiên của tôi về bạn trai cũ là 1 người con trai có học thức và tốt bụng vì anh ấy mặc áo sơ mi trắng, gọn gàng và trông rất tri thức. Anh ấy nhẹ nhàng hỏi tôi có cần giúp đỡ bưng bê bàn ghế hay không, tôi luôn nghĩ rằng anh ấy là 1 người cực kỳ tốt”, Minh chia sẻ.

Dù những người xung quanh nói rằng mối quan hệ của Minh với người yêu cũ vô cùng độc hại, người đó không tốt như vậy, cô bạn vẫn tiếp tục tin tưởng bản thân chỉ vì… ấn tượng đầu tiên của bản thân về người đó.

Minh không biết rằng lý do đằng sau tâm lý này chính là “Halo effect” – Hiệu ứng hào quang.

Theo Heath Line, hiệu ứng hào quang là một thành kiến nhận thức, trong đó ý kiến của chúng ta về một người ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận và suy nghĩ về tính cách của họ trước khi thật sự hiểu họ. Ví dụ, nếu chúng ta gặp một người đàn ông cao lớn, quyến rũ và đẹp trai, chúng ta có thể cho rằng anh ta giống như bạch mã hoàng tử, 1 người anh hùng và 1 người đàn ông tốt bụng.

trai dep nhat viet nam 3 1
Nếu chúng ta gặp một người đàn ông cao lớn, quyến rũ và đẹp trai, chúng ta có thể cho rằng anh ta giống như bạch mã hoàng tử, 1 người anh hùng và 1 người đàn ông tốt bụng. – Ảnh minh họa. – Nguồn: Internet

Đây là lý do khiến chúng ta đôi khi không hiểu rằng ai đó đang dùng vẻ ngoài và sự hào nhoáng do họ tạo dựng lên để đánh lừa ta. Bạn thậm chí sẽ biện minh cho hành vi xấu và những việc làm sai trái của ai đó bởi vì trong đầu bạn nhận định họ là một người tốt.

Giống như cách Minh luôn tự biện minh những hành động như thao túng tâm lý, tính cách không dịu dàng như tưởng tượng hay sai lầm của bạn trai rằng đó là một phút nông nổi. “Tôi nghĩ rằng ai mà chẳng có lúc nóng giận, anh ấy chỉ muốn tốt cho tôi, đến 1 ngày quá nhiều người xung quanh nói rằng nó không ổn và tôi cần suy nghĩ lại”.

Hiệu ứng này chỉ đến việc chúng ta luôn gắn vầng “hào quang” cho người khác, tựa như nghĩ rằng 1 ai đó là người giàu có vì họ thường dùng đồ hiệu, luôn tiêu rất nhiều tiền, nhưng lại chỉ là vỏ bọc tạo lên để lừa 1 ai đó. Họ có thể chỉ đang sử dụng lại đồ hiệu cũ hoặc đồ giả, chi tiền bằng thẻ tín dụng và có 1 khoản nợ khổng lồ đằng sau vẻ hào nhoáng của bản thân.

Nguồn gốc hình thành hiệu ứng hào quang

Những khái niệm liên quan đến hiệu ứng hào quang lần đầu được biết đến qua bài báo “The Constant Error in Psychological Ratings” (tạm dịch: Sai lầm kinh điển khi đánh giá tâm lý) của Edward Thorndike vào năm 1920. Sau bài báo này, thuật ngữ “hiệu ứng hào quang” đã trở thành hiện tượng được các nhà nghiên cứu và tâm lý học quan tâm, tìm hiểu.

hieu ung hao quang 02
Edward Thorndike – người đầu tiên bàn luận về hiệu ứng hào quang. – Nguồn: nghenghiep.vieclam24h.vn

Trong nghiên cứu của mình, Thorndike đã yêu cầu các cán bộ chỉ huy trong quân đội đánh giá những phẩm chất của cấp dưới. Những phẩm chất này bao gồm các yếu tố: ngoại hình, khả năng lãnh đạo, sự thông minh, lòng trung thành, mức độ tin cậy,… Kết quả của thí nghiệm như sau:

Người lính có 1 yếu tố được đánh giá cao, những phẩm chất khác cũng được đánh giá cao.

Người lính có yếu tố nào đó không tốt, những phẩm chất khác cũng bị đánh giá tiêu cực theo.

Trước kết quả này, nhà tâm lý học Thorndike đã đưa ra kết luận rằng thứ hạng của những người lính sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt từ cách cấp trên cảm nhận về người đó. Ví dụ như tốt, ổn hoặc tệ. Từ những cảm nhận này, cấp trên sẽ đưa ra những đánh giá về phẩm chất của một người lính. Và hiệu ứng hào quang chính thức được ra đời từ nghiên cứu này.

Có thể thấy, việc chúng ta nhận định một ai đó dựa trên cảm xúc chủ quan của bản thân là điều hiển nhiên và vô thức. Nghĩa là chúng ta không hề nhận ra bản thân mình đang “thiên vị” và thiếu công bằng. Khi có ấn tượng tốt với điều gì đó, não bộ của chúng ta sẽ luôn nhìn nhận tích cực về điều đó. Thậm chí, chúng ta còn tìm mọi cách để chứng minh cảm quan của bản thân mình là đúng. Đây chính là yếu tố tác động mạnh mẽ đến tâm lý của con người.

Nó có thể tác động đến tâm lý con người

Thực tế hiệu ứng lan tỏa ảnh hưởng và tác động lên rất nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề chứ không chỉ xoay quanh con người. Tùy theo cách chúng ta đón nhận nó mà những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực sẽ khác nhau nhưng không thể phủ nhận những tác động đến tâm lý liên quan đến vấn đề này là rất lớn.

Hiệu ứng hào quang còn được đánh giá là một dạng “thiên vị nhận thức”, bởi khi mà chúng ta đánh giá cao về một người, một vật, một sự kiện thì kéo theo tâm lý của chúng ta cũng tự động tăng cao vị thế của đối tượng đó, cho dù chúng ta không hề hiểu về bản chất của nó.

hieu ung hao quang 4
Một người có ngoại hình xinh đẹp thường dễ gây ấn tượng và được nhiều ưu tiên hơn. – Ảnh minh họa. – Nguồn: tapchitamlyhoc.com

Nó có thể khiến chúng ta có nguy cơ hiểu nhầm những người tốt chỉ đơn giản vì họ không tạo được ấn tượng tốt ban đầu. Hiệu ứng hào quang khiến chúng ta nhìn cuộc sống bằng hai màu đen trắng và quên rằng màu xám cũng tồn tại. Chúng ta hình thành một phán quyết và từ chối tin rằng một người có thể đã thay đổi hoặc có thể đã đưa ra một phán đoán sai lầm.

“Tôi có thói quen nhìn vào đôi giày để xem liệu đó có phải 1 người cẩn thận không. Tôi cho rằng những người đi dép ‘xuề xòa’ sẽ không bao giờ làm việc chi tiết và chu đáo. Điều đó khiến tôi không muốn làm việc với họ dù chưa từng thật sự bắt đầu thử”, 1 cô gái giấu tên chia sẻ.

Bạn từ chối để họ có 1 cơ hội khác để tìm hiểu kỹ càng hơn dù có 1 sự thật rằng chẳng ai có thể nhận định đúng về 1 người ngay lần đầu gặp mặt. Cuối cùng, bạn cứng nhắc với quan điểm cá nhân đến mức từ chối thay đổi ý kiến của mình ngay cả khi bạn được đưa ra bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Điều này làm giảm khả năng phán đoán của bạn và đôi khi khiến bạn tin tưởng nhầm người trong cuộc sống.

Làm thế nào áp dụng hiệu ứng hào quang đúng cách?

Hiệu ứng hào quang mang đến cả những tác động tiêu cực và tích cực, việc bạn ứng dụng nó như thế nào sẽ quyết định nó mang lại kết quả ra sao. Halo Effect sẽ không hề xấu nếu bạn nhìn nhận nó một cách đúng cách, cân bằng được cảm xúc lẫn lý trí.

Luôn nhìn nhận 2 mặt của vấn đề

Không thể phủ nhận rằng chúng ta dễ đánh giá vấn đề theo cảm quan, ấn tượng đầu tiên của bản thân, tự mình đánh lừa chính bản thân mình. Tuy nhiên khi đã hiểu về hiệu ứng hào quang, bạn cần học cách suy nghĩ chậm hơn, nhìn nhận mọi khía cạnh của vấn đề rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Không lạm dụng “ánh sáng” của bản thân

Khi áp dụng hiệu ứng, bạn có thể duy trì những điểm tích cực của bản thân. Đây là những ưu điểm thật sự đáng để người khác chú ý và khen ngợi. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng những điểm sáng của bản thân mà “nhấn chìm” hoặc “chôn vùi” các yếu điểm. Tốt nhất, bạn ứng dụng hiệu ứng vừa đủ, đúng cách để tránh khiến những người xung quanh cảm thấy bị “ngộp thở”.

Nâng cấp ngoại hình

Nâng cấp và chăm sóc ngoại hình là một bí quyết giúp bạn tạo ra hiệu ứng. Tuy nhiên, ngoài việc tập trung vào ngoại hình, bạn cũng cần đảm bảo sự tự tin và duy trì sức khỏe ổn định. Một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân đối và rèn luyện thể thao chính là bí quyết giúp bạn cải thiện sức hút của bản thân.

Bồi dưỡng kiến thức và đạo đức

Để tạo dựng một hình ảnh tích cực, bạn cần trau dồi vẻ đẹp từ bên trong. Đó chính là bồi dưỡng kiến thức, đạo đức và nhân cách của mình. Nếu muốn người khác thật sự tôn trọng mình, bạn phải là người có kiến thức chuyên môn, tử tế và đạo đức tốt. Việc thể hiện lòng tốt và ý thức xã hội qua các hành động giúp đỡ chính là nền tảng để bạn xây dựng danh tiếng tích cực.

Xoay chuyển góc nhìn theo nhiều chiều hướng khác nhau

Cuộc sống là một “bức tranh đa sắc màu”. Chính vì thế, bạn không nên chỉ nhìn nhận hoặc đánh giá một người hay sự việc chỉ với một góc nhìn. Bạn có thể xoay chuyển góc nhìn của mình theo nhiều khía cạnh khác nhau, từ tích cực đến tiêu cực, từ điểm mạnh đến điểm yếu để đưa ra quyết định cuối cùng. Tốt nhất, bạn hãy giữ bình tĩnh và suy nghĩ chậm hơn để đánh giá mọi vấn đề khách quan hơn.

Hiệu ứng hào quang có thể đem lại nhiều phản ứng cả tiêu cực và tích cực, tùy theo cách chúng ta ứng dụng và tiếp nhận nó. Tuy nhiên nếu bạn đón nhận nó một cách tích cực thì hoàn toàn có thể đem đến cho bản thân rất nhiều giá trị, đặc biệt phát triển và hoàn thiện bản thân.

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg 1

“Tam quan” không hợp mãi mãi chỉ như người dưng qua đường, vậy “tam quan” là gì?

Chạy đua kiếm tiền, sống tằn tiện để nghỉ hưu sớm rồi hối hận

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều