Hàng nghìn chiếc ô tô hạng sang bao gồm Porches, Audi và Bentley đã bị tạm giữ tại các cảng của Hoa Kỳ với cáo buộc chứa các bộ phận được sản xuất thông qua lao động cưỡng bức ở Tân Cương, Trung Quốc.
Theo tờ Financial Times, các thương hiệu trên đều thuộc sở hữu của gã khổng lồ Volkswagen của Đức và chúng đều chứa các linh kiện điện tử đến từ “miền Tây Trung Quốc” và bị nghi ngờ vi phạm luật chống chế độ nô lệ.
Báo cáo cho biết Volkswagen đã mua những linh kiện này từ một nhà cung cấp mà không biết rõ nguồn gốc. Chính nhà cung cấp này đã phát hiện ra vấn đề sau khi truy tìm chuỗi cung ứng của mình và cảnh báo cho Volkswagen. Ngay khi Volkswagen biết được nguồn gốc của các bộ phận này, hãng đã ngay lập tức thông báo cho chính phủ Hoa Kỳ.
Báo cáo cũng dẫn lời hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết – các bộ phận này bị phát hiện đã vi phạm “Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” của Hoa Kỳ. Vì lý do này, Volkswagen đã hoãn việc giao xe cho các đại lý cho đến cuối tháng 3 năm nay.
“Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” của Hoa Kỳ đã được thực thi từ năm 2021. Luật này cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ ở phía tây Tân Cương và các khu vực khác ở Trung Quốc.
Những người liên quan hiện chưa sẵn sàng xác nhận liệu những bộ phận này có được sản xuất tại Tân Cương hay không, nhưng những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ rằng những chiếc xe bị ảnh hưởng bao gồm hàng nghìn xe thể thao và SUV của Porsche, hàng trăm xe Bentley và hàng nghìn xe Audi.
Hãng tin Agence France-Presse của Pháp đưa tin rằng – Tập đoàn Volkswagen đã xác nhận tin tức trên và cho biết các bộ phận điện tử nhỏ được đề cập trên “đang được thay thế”.
Volkswagen nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng – họ “rất coi trọng các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong công ty và trong chuỗi cung ứng của mình, bao gồm mọi cáo buộc về vấn đề cưỡng bức lao động”
Tuyên bố cho biết thêm: “Chúng tôi đã điều tra vấn đề ngay sau khi nhận được thông tin về các cáo buộc liên quan đến một trong những nhà cung cấp phụ của công ty. Chúng tôi sẽ làm rõ sự thật và sau đó thực hiện các biện pháp thích hợp. Nếu cuộc điều tra của chúng tôi xác nhận những vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi sẽ không loại trừ việc việc chấm dứt mối quan hệ với nhà cung cấp đó.”
Các câu hỏi xung quanh lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm đối với Volkswagen – công ty đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nhóm nhân quyền cũng như các nhà đầu tư vì một cơ sở mà họ đồng sở hữu ở thủ đô Urumqi của Tân Cương.
Vào năm 2013, Volkswagen và SAIC Motor đã mở một nhà máy ở Urumqi, Tân Cương – nơi từ lâu đã bị thế giới bên ngoài nghi ngờ về khả năng vi phạm nhân quyền.
Theo báo cáo của Cơ quan báo chí Đức vào ngày 14/2, Volkswagen đang thảo luận về “phương hướng kinh doanh trong tương lai liên quan đến Tân Cương” với SAIC Motor. Ngoại giới hiện đang chú ý đến việc liệu Volkswagen có thể rút khỏi Tân Cương trong tương lai hay không.
Trong khi các quan chức Trung Quốc bảo vệ lập trường là các chương trình làm việc trong khu vực Tân Cương nhằm giúp tạo việc làm cho người dân, tuy nhiên cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc cho biết hành động của Trung Quốc có thể cấu thành “tội ác chống lại loài người”.
Vào ngày 1 tháng 2 năm nay, tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch đã công bố một báo cáo có tựa đề – “Thiếu sự chú ý: Các công ty ô tô trở thành đồng lõa với lao động cưỡng bức ở Trung Quốc” .
Trong đó đề cập đến thực tế là các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, bao gồm General Motors, Tesla, BYD, Toyota và Volkswagen, đã không thể giảm thiểu nguy cơ người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động trong chuỗi cung ứng nhôm của họ, và các nhà sản xuất ô tô lớn của Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể cũng liên quan.
Tổ chức này đã kiểm tra các báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc, báo cáo của các công ty và tuyên bố của chính phủ. Họ phát hiện ra rằng chính phủ Trung Quốc đã gửi người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác đến Tân Cương cũng như các khu vực khác để tiến hành lao động cưỡng bức. Ngành công nghiệp nhôm và các nhà máy cung cấp nhiên liệu hóa thạch đều sử dụng những lao động cưỡng bức này trong quá trình sản xuất của họ.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng hầu hết nhôm sản xuất ở Tân Cương được vận chuyển đến các tỉnh khác ở Trung Quốc và nấu chảy với các kim loại khác thành hợp kim nhôm để sử dụng trong ô tô cùng các ngành công nghiệp khác.
Theo Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền, ngành công nghiệp ô tô có trách nhiệm xác định, ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng lao động cưỡng bức cũng như các hành vi vi phạm nhân quyền khác trong chuỗi cung ứng của mình.
Jim Wormington, nhà nghiên cứu cấp cao và người ủng hộ trách nhiệm doanh nghiệp tại Tổ chức Human Rights Watch, nói với giới truyền thông vào thời điểm đó rằng: “Ngành công nghiệp ô tô căn bản không biết chuỗi cung ứng nhôm của họ có mối liên hệ như thế nào với lao động cưỡng bức ở Tân Cương, nhưng người tiêu dùng cũng nên biết rằng ô tô của họ có thể chứa các vật liệu liên quan đến lao động cưỡng bức hoặc vi phạm nhân quyền khác ở Tân Cương.”
Hoàng Dung (t/h)
Theo NTDTV, Financial Times
Xem Thêm:
Tạp chí Di truyền Quốc tế rút 18 bài báo của Trung Quốc vì lo ngại vấn đề nhân quyền
5 thay đổi trong xã hội nông thôn Trung Quốc qua những quan sát dịp Tết
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*