spot_img
26 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Tạp chí Di truyền Quốc tế rút 18 bài báo của Trung Quốc vì lo ngại vấn đề nhân quyền

Một tạp chí di truyền thuộc sở hữu của một nhà xuất bản khoa học hàng đầu thế giới đã rút lại 18 bài báo từ Trung Quốc, do những lo ngại về nhân quyền trong các bài báo. Đây là lần đầu tiên vào năm 2024, giới học thuật rút lại các bài báo của Trung Quốc trên quy mô lớn do lo ngại về nhân quyền.

Tạp chí Di truyền Quốc tế rút 18 bài báo của Trung Quốc vì lo ngại vấn đề nhân quyền
18 bài báo của Trung Quốc bị Tạp chí di truyền quốc tế rút lại vì lo ngại vấn đề nhân quyền. Ảnh: Hector Rio/AFP qua Getty Images

Hôm thứ Tư (15/2), Tờ The Guardian của Anh đưa tin – 18 bài báo học thuật của Trung Quốc bị rút lại đã từng được công bố trên tạp chí Molecular Genetics & Genomic Medicine (MGGM – tạm dịch “Di truyền phân tử và Y học gen”) – một tạp chí di truyền được xuất bản bởi công ty xuất bản học thuật Wiley của Hoa Kỳ.

Các bài báo đã được rút lại trong tuần này sau khi tổng biên tập tạp chí Suzanne Hart đạt được thỏa thuận với công ty xuất bản. Trong quá trình xem xét kéo dài hơn hai năm, các nhà điều tra đã tìm thấy “sự không nhất quán” giữa các nghiên cứu và mẫu đơn đồng ý do các nhà nghiên cứu cung cấp và có những lo ngại về nhân quyền.

Theo đó, các bài bào là của các tác giả khác nhau nhưng đều dựa trên nghiên cứu về các mẫu DNA được thu thập từ Trung Quốc. Một số bài báo đã sử dụng mẫu từ các nhóm được coi là bị ảnh hưởng bởi sự đàn áp và áp bức của chính quyền Trung Quốc, dẫn đến lo ngại rằng những người cung cấp mẫu có thể không tự nguyện ký vào bản đồng ý nghiên cứu.

Một trong những bài báo bị rút lại đã nghiên cứu DNA của cư dân ở Lhasa, thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng, họ sử dụng các mẫu máu thu thập được từ 120 người Tây Tạng. Bài báo nêu rõ rằng “tất cả các cá nhân đều đồng ý bằng văn bản” và đã được Ủy ban Đạo đức của Đại học Phúc Đán chấp thuận.

Nhưng thông báo rút lại các báo cáo được công bố vào hôm thứ Hai (13/2) cho biết – trong quá trình xem xét đạo đức, tạp chí đã “tìm thấy mâu thuẫn giữa mẫu đơn đồng ý và nghiên cứu của bài báo; mẫu phiếu đồng ý không có đủ chi tiết để trả lời các câu hỏi được đặt ra”.

Tác giả của bài báo tương ứng là Tạ Kiến Huy (Xie Jianhui) đến từ Khoa Pháp y tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải. Ông Tạ đã không trả lời yêu cầu bình luận, nhưng thông báo rút lại lưu ý rằng cả ông Tạ và các đồng tác giả của ông ta đều không đồng ý rút lại bài báo.

Một số đồng tác giả của Tạ Kiến Huy có quan hệ với các cơ quan an ninh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm cả Cục Công an Tây Tạng. Tây Tạng được coi là một trong những khu vực dân tộc thiểu số chịu sự giám sát và kiểm soát nghiêm ngặt nhất của ĐCSTQ.

Một bài báo khác bị rút lại đã sử dụng mẫu máu của 340 người Duy Ngô Nhĩ ở thành phố Kashgar của Tân Cương, để nghiên cứu mối liên hệ di truyền của họ với người Duy Ngô Nhĩ từ các vùng khác. Bản thân các nhà nghiên cứu mô tả dữ liệu này như một nguồn tài nguyên cho “DNA pháp y và di truyền dân số” của Trung Quốc cung cấp.

18 bài báo của Trung Quốc bị rút lại này đều được xuất bản từ năm 2019 đến năm 2021.

Banner 1

Yves Moreau, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Leuven ở Bỉ, lần đầu tiên liên hệ với tạp chí MGGM vào tháng 3 năm 2021 để nêu lên lo ngại về tính đạo đức của các bài báo với tổng biên tập Suzanne Hart.

Ông nói rằng ông phát hiện ra một số nhà nghiên cứu Trung Quốc có mối quan hệ với cơ quan an ninh của ĐCSTQ, điều này chứng minh đầy đủ rằng các mẫu đơn đồng ý cho bài báo là không hợp lệ.

Được biết, 8 trong số 25 biên tập viên của tạp chí di truyền MGGM đã từ chức sau khi Moreau bày tỏ lo ngại về mặt đạo đức đối với các bài báo của Trung Quốc đăng trên tạp chí Di truyền.

Được biết, Tạp chí MGGM đề cập đến di truyền học ở người, phân tử và y tế, đồng thời chủ yếu xuất bản các nghiên cứu về ứng dụng y tế của di truyền học.

Ông Moreau cho biết vì các tạp chí di truyền pháp y khác bắt đầu xem xét kỹ các bài báo của Trung Quốc, chủ yếu là các nghiên cứu được công bố trên mẫu DNA của các nhóm dân tộc thiểu số, nên nhiều báo cáo nghiên cứu từ Trung Quốc đã chuyển sang tạp chí MGGM.

MGGM sau đó đã thêm một ghi chú vào năm 2023 rằng – tạp chí của họ “không xem xét nghiên cứu liên quan đến phân tích di truyền pháp y.”

David Curtis, giáo sư di truyền học tại Đại học College London, cho biết việc xuất bản tương đối dễ dàng trên tạp chí MGGM đã thu hút các nhà nghiên cứu Trung Quốc muốn công bố báo cáo trên các tạp chí tiếng Anh.

MGGM là một tạp chí di truyền cấp trung trong giới học thuật, có hệ số tác động là 2,473.

Ông Curtis, người từng là tổng biên tập Annals of Human Genetics, đã từ chức do công ty xuất bản học thuật Wiley không sẵn lòng xem xét việc tẩy chay các bài báo học thuật của Trung Quốc vì vấn đề đạo đức trong việc thu thập DNA.

Vào năm 2023, nhà xuất bản học thuật Elsevier của Hà Lan cũng đã rút lại một bài báo nghiên cứu của Trung Quốc vì sử dụng mẫu máu và nước bọt của người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan ở Tân Cương.

Hoàng Dung (t/h)

Theo The Epoch Times, RFI

Xem Thêm:

Chính phủ Venezuela đình chỉ hoạt động của văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Caracas

Trung Quốc: Hơn 2000 ca cấp cứu ở 1 bệnh viện chỉ trong 3 ngày Tết

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều