Tân Thế Kỷ – Bất chợt một hôm, đứa con yêu dấu của bạn đặt câu hỏi: “Mẹ ơi! học để làm gì?” thì phản ứng của bạn ra sao, giải đáp cho con như thế nào cho hợp lý nhất?
“Mẹ ơi! Học để làm gì?” – câu hỏi có vẻ rất phổ biến và đơn giản, nhưng lại rất khó để cha mẹ đưa ra lời giải đáp thuyết phục cho các con. Học để có một công việc mơ ước ư? Hay học để có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn? Hoặc đơn giản học vì sau này “cầm bút nhẹ hơn cầm cuốc”?
Nhưng nhiều câu trả lời của bố mẹ khiến con chưa thấy thỏa đáng. Chúng có thể phản bác. Ví dụ: “Sao mẹ nói nghề nào cũng đáng quý?”; “Con không cần nhiều tiền, đủ sống là được rồi”. Là cha mẹ, bạn sẽ nói gì với con mình?
Hơn nữa, chẳng phải người ta thường khuyên rằng nên học tập không ngừng sao? Người xưa còn có quan điểm “Sống đến già, học đến già”, vậy thì rốt cuộc họ học để làm gì? Chính cha mẹ đôi khi cũng bối rối khi nghĩ về mục đích thực sự của việc học, thậm chí họ còn tự hỏi giờ đây bản thân họ có cần phải học tập nữa không.
Chúng ta cùng xem các bậc tiền nhân trả lời câu hỏi này như thế nào nhé.
Trong sách Tam Tự Kinh có viết:
Ngọc bất trác, bất thành khí
Nhân bất học, bất tri nghĩa
Tạm dịch
Ngọc không mài giũa, không thành đồ quý
Người mà không học, không biết nghĩa lý
Theo đó, trước hết học là để biết đúng sai. Nghĩa ở đây là điều đúng đắn, hợp với đạo lý. Tuy con người sinh ra với bản tính lương thiện, nhưng khi lớn dần lên, tiếp xúc với môi trường gia đình và xã hội thì sẽ phải biết cách cư xử phù hợp trong từng hoàn cảnh. Họ cần phải học để biết phân biệt tốt và xấu, biết lẽ phải và làm theo lẽ phải.
Người ta học còn để giúp bản thân mình mỗi ngày một tốt hơn. Nếu một người thực sự trân quý chính mình, họ sẽ thấy được niềm vui của việc học, vì nhờ đó mà tri thức của họ dần phong phú hơn, hiểu biết sâu rộng hơn và tư duy, tầm nhìn trở nên cao xa hơn. Mỗi khi bước lên một nấc thang mới, thì khung trời trước mắt lại càng thêm rộng mở. Những ai học tập nghiêm túc đều sẽ trải nghiệm được điều ấy.
Lương Hạo triều Tống là một hình tượng như thế. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã thi và đã trượt rất nhiều lần, nhưng ông không hề nản chí. Khi con ông đỗ trạng nguyên, ông vẫn học hành chăm chỉ như trước. Người xung quanh bàn tán xôn xao, cả khuyên can lẫn cười chê, ông vẫn điềm nhiên không để ý. Cuối cùng ông đỗ trạng nguyên ở tuổi 82. Có người nói, vì sao ông phải mệt như vậy, con ông đỗ đạt là ông cũng có danh giá, có tiền bạc rồi mà. Nhưng ông không học vì danh hay vì tiền, mà học vì nâng cao chính mình, nên chỉ có ông mới cảm nhận được sự kì diệu mà việc học tập mang đến.
Những đứa trẻ trong quá khứ thường được khuyến khích “lập chí” – lập định chí hướng ngay từ khi còn nhỏ. Tinh thần quân tử nói chung là tu dưỡng bản thân, làm một người tốt, và có trách nhiệm với gia đình, với những người xung quanh, và với đất nước. Vậy thì dù là làm người tốt trong gia đình hay ngoài xã hội, dù lập chí làm quan hay trở thành doanh nhân thì cũng cần học tập chăm chỉ mới có thể dần dần thực hiện được chí hướng của mình.
Tăng Sâm nói: “Sỹ bất khả bất hoằng nghị, nhiệm trọng nhi đạo viễn.” (Người trí thức có chí hướng rộng lớn, ý chí kiên cường, bởi vì trách nhiệm của họ trọng đại, và con đường phải đi thì rất xa). Đối với những đứa trẻ ngày xưa, ước mơ được gọi là chí hướng, và chí hướng đó có một kế hoạch thực hiện cụ thể, bao gồm học tập chăm chỉ, quyết tâm mạnh mẽ, ý chí kiên cường… Cha mẹ có thể giúp con hiểu được trách nhiệm của chúng và định hướng cho con một con đường đúng đắn, thì đứa trẻ sẽ nghiêm túc hơn đối với việc tu dưỡng bản thân và cũng sẽ cảm thấy ý nghĩa và niềm vui của việc học tập.
Có người cho rằng: “Con tôi không có ước mơ gì đặc biệt”. Thực ra, ngày nay chúng ta rất bận rộn với công việc, nên nhiều người luôn luôn vội vàng trước mặt con cái: Vội vàng khi cho con ăn, vội vàng khi dạy con học, vội vàng khi con làm sai mà cha mẹ phải giải thích lí do… Tuy chúng ta đang làm việc vì lo cho tương lai của con, nhưng điều đáng giá nhất chúng ta có thể có được trong đời này không phải chính là các con mình sao? Nếu cha mẹ có thể chậm hơn một chút, kiên nhẫn hơn một chút và dành cho con thêm một chút thời gian mỗi ngày, có thể cha mẹ sẽ khám phá ra những điều bất ngờ và rất tuyệt vời từ con của mình. Tìm hiểu ước mơ của con, chúng ta sẽ giúp con định hướng tương lai ngay từ bây giờ, giúp con đưa ra lựa chọn tốt và phát hiện những lầm tưởng của trẻ về tương lai (nếu có) trước khi quá muộn.
Để tìm cho mình cách nuôi dạy con tốt nhất, các bậc phụ huynh có thể tham khảo thêm các bài giảng của tiến sĩ Trần Ngạn Linh – một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực giáo dục tại Hoa Kỳ tại đây.
Nếu bây giờ con bạn hỏi bạn: “Cha mẹ ơi, con học để làm gì?”, chắc hẳn bạn đã có câu trả lời rồi phải không?
Hồng Ngọc
VIDEO CHỌN LỌC
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*