Chiều 28.11, Tổng LĐLĐVN tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.
1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 8,8%).
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngừng việc tập thể là do người lao động trải qua thời gian vô cùng khó khăn, giảm sút thu nhập, tích lũy sau hơn 2 năm ảnh hưởng đại dịch COVID-19; tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh trong năm 2020, 2021; nhiều doanh nghiệp không tăng lương, thậm chí còn cắt giảm các khoản trợ cấp, phụ cấp, phúc lợi của người lao động; một số doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH của người lao động; người lao động đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp theo mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Về tình hình cắt giảm việc làm, lao động trong các doanh nghiệp, Tổng LĐLĐVN cho biết, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động vào khoảng 1.230 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó, DN dân doanh là 646 doanh nghiệp (chiếm 52,27%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 590 (47,73%).
Trong 472.000 lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp, ngoài số bị mất việc, số bị giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động là 91,2%. Có 30.300 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và hơn 9.400 người đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới một tuổi.
Việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí. Nguyên nhân là hàng loạt doanh nghiệp mất đơn hàng dịp cuối năm khi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cắt giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn về nguyên liệu, chi phí tăng cao lẫn chịu biến động từ tình hình thế giới.
Đến cuối tháng 11, cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể tại các khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân phần lớn vẫn liên quan đến lương, phúc lợi bị cắt giảm hoặc chưa được điều chỉnh trong khi lao động giảm sút thu nhập, tích lũy sau hai năm đại dịch.
T.H