spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Hướng Thần cầu nguyện vì sao không linh, tự cầu nhiều phúc bằng cách nào?

Hướng Thần cầu nguyện vì sao không linh, tự cầu nhiều phúc bằng cách nào?
Hướng thần cầu nguyện vì sao không linh? Thần linh minh giám, không gì là không biết, trước sau luôn công chính như nhất. Ảnh: Pixabay

Đường Hiến Tông Lý Thuần từng hỏi Tể tướng Lý Phiên: “Việc cúng tế Thần linh khi có thiên tai để cầu phúc có thực tế và đáng tin cậy không?” Nói cách khác, việc hướng Trời cầu nguyện có hiệu quả không?

Tể tướng Lý Phiên không nói lời xu nịnh. Ông ấy trả lời câu hỏi của Hiến Tông như thế nào? Lý Phiên đã dùng ví dụ thực tế để trả lời câu hỏi của Đường Hiến Tông. Trong số những ví dụ này, có người nhận thức được phúc từ đâu đến, cũng có một số người cầu khẩn với Thần những gì họ muốn nhưng không được ban phúc.

Sở Chiêu vương hiểu rõ nguyên nhân khổ nạn là do tội lỗi của mình

Xưa, khi Sở Chiêu Vương (khoảng 523 TCN – 489 TCN) lâm bệnh, người bốc quẻ nói rằng chính Thần sông Hoàng Hà đã gây họa. Chiêu Vương tuy lâm bệnh nhưng tâm trí rất minh mẫn. Ông nói: “Quả nhân tuy không có đức hạnh, nhưng nguyên nhân gây ra khổ nạn không phải ở Thần sông. Việc cúng tế của các Tiên vương nước Sở trong quá khứ chẳng qua chỉ ở trong biên giới quốc gia là bốn con sông Giang, Hán, Thư và Chương.” Hơn nữa, Chiêu Vương còn nói rằng, nếu ông không có lỗi lầm lớn thì làm sao Trời có thể giáng tai họa lên bản thân? Chắc hẳn ông đã phạm đại tội, có tội thì nên chịu trừng phạt. Vì vậy, ông không cử hành lễ tế xin giải trừ tai họa.

Trong “Tả Truyện” ghi chép, Sở Chiêu Vương xuất binh cứu nước Trần. Trong lúc lâm trọng bệnh ở quân doanh, ông nhìn thấy cảnh tượng “những đám mây giống như một đàn quạ lớn màu đỏ bay cùng mặt trời.” Ba ngày sau, Chiêu Vương phái sứ giả đến gặp Chu Thái sử, mô tả chi tiết sự việc cho ông ấy và hỏi biện pháp đối ứng.

2aa2ef8f2a90518bb1fc7b0de1aec5bc
Sở Chiêu Vương mộng thấy điềm xấu. Ảnh: Pixabay

Chu Thái Sử trả lời rằng giấc mộng này có nghĩa là Sở Vương sẽ gặp tai họa. Để tiêu trừ họa này, Ngài ấy có thể lập lễ tế vinh, dời họa cho Lệnh doãn (*Tướng quốc.)

Sau khi các tướng nước Sở biết chuyện, họ đã thỉnh cầu được gánh chịu tai họa cho Chiêu Vương. Chiêu Vương không đồng ý, ông nói: “Chư tướng giống như chân tay của Quả nhân vậy. Bây giờ nếu Quả nhân chuyển tai họa của mình lên thân các vị, chẳng phải tai họa đó vẫn ở trên thân Quả nhân sao? Tai họa này rốt cuộc cũng không thoát được!” Chiêu Vương lại nói: “Nếu lần này Quả nhân phải mất đi, đó là do ta vô đức, ngày trước vui chơi quá độ!” Không lâu sau, Sở Chiêu Vương qua đời, quân Sở bãi binh hồi quốc. Trước khi lâm chung, Sở Chiêu Vương muốn nhường ngôi cho ba người em trai, nhưng họ đều từ chối vương vị. Sau đó, ba người này đều tôn con trai của Chiêu Vương và Việt Cơ hiền huệ lên kế vị.

Khi đó, Khổng Tử đang ở nước Trần. Ông đã khen ngợi: “Sở Chiêu Vương thông hiểu đại Đạo, nên sẽ không bị mất nước!”

Hán Văn Đế kính Thần nhưng không cầu khẩn, Đường Văn Tông kính Thần nhận lỗi
Mỗi lần Hán Văn Đế tổ chức đại lễ tế tự quốc gia xã tắc, ông đều ra lệnh cho quan Lễ Ti “cung kính nhưng không cầu khẩn,” tức là dùng đại lễ tế tự để kính Thần minh, thể hiện kính ý kiền thành đối với Thần minh, nhưng không cầu khẩn Thần ban phúc hoặc phù hộ .v.v.

Vào giữa niên hiệu Khai Thành thời Đường Văn Tông, hạn hán kéo dài, không có hạt mưa nào. Hoàng đế đã ra lệnh cho vị quan đứng đầu các quận đến điện Tử Thần trong cung điện để cúng tế và cầu nguyện. Vẻ mặt của Văn Tông đầy lo lắng, các tể thần đều có thể nhìn thấy. Một vị tể thần bẩm báo với Hoàng đế Văn Tông nội dung thượng tấu của quan ở thiên văn tinh. Bản tấu nói: “Tình trạng hạn hán kéo dài này phản ánh Thiên thời và Thiên tượng. Thỉnh Thánh thượng đừng quá lo nghĩ.”

Hoàng đế Văn Tông trịnh trọng nói: “Trẫm làm quân chủ thiên hạ, vì vô đức không thể bảo vệ dân chúng mới dẫn đến nạn hạn hán này. Bây giờ trẫm lại chịu sự trách phạt của Thiên thượng. Nếu trong ba ngày tới trời không mưa, trẫm nên thoái vị và lựa chọn một vị vua hiền minh khác để dẫn dắt thiên hạ.” Sau khi nghe lời này, các quan tể đều rơi lệ. Mỗi người đều tự nhận lỗi và cầu xin miễn chức vị. Đêm hôm đó, trời mưa kịp lúc thấm nhuần đất khô hạn.

Hán Văn Đế có cái nhìn rất sáng suốt và đức hạnh lớn. Đường Văn Tông kính Thần và tự nhận lỗi. Họ đều kiền thành lễ kính Thần minh, hết mực phản tỉnh. Các vị Hoàng đế không cầu xin Thần ban phúc nhưng phúc phận tự nhiên giáng lâm. Lý Phiên, tể tướng thời Đường Hiến Tông, đã khuyên Hoàng đế như sau:

Nếu Thần linh vô tri thì không thể giáng phúc cho con người. Nếu Thần linh hữu tri thì họ sẽ không giáng phúc cho những người cầu khẩn tư lợi và nịnh bợ. Bởi vì quân tử không bao giờ vui vẻ chấp nhận hành vi ‘hữu sở cầu,’ huống là Thần minh trên Thiên thượng! Từ đây mà xét, nếu con người dốc lòng tín thành với con người và vạn vật, thuận theo ý chỉ của Thiên thượng thì Thần tự nhiên sẽ bảo hộ cho những người đó. Nếu không làm như vậy thì khi hướng Trời cầu nguyện cũng không cách nào cầu được phúc đến.

Bạo ngược bất nhân, cầu Thần bất linh

Nước Quắc là một nước nhỏ thời Xuân Thu. Vị quân vương cuối cùng là Quắc Công Sửu, cai trị vô đạo, tàn bạo và ngu ngốc. Ông ta xem thường dân chúng, lại tham lam, hống hách. Về mặt đối ngoại, ông ta có hành vi không tốt đẹp, lại thường dùng bạo lực.

Có một năm vào đầu mùa thu, Quắc Công mộng thấy Thần giáng lâm đến đất Sằn ở Quắc quốc. Quắc Công phái Chúc Ứng, Tông Khu và Sử Ngân chuẩn bị tế phẩm thịnh soạn để cúng tế Thần. Quắc Công tế Thần không phải vì thành kính mà để xin Thần linh ban đất đai cho mình. Ông ta mộng thấy Thần ban cho mình ruộng đất.

Sử Ngân nói: “Nước Quắc sắp diệt vong rồi! Ta nghe nói: Nước sắp hưng thịnh thì nghe tiếng lòng của dân. Khi nước sắp diệt vong thì cầu xin Thần. Thần là bậc toàn trí, luôn công chính như nhất. Thần dựa vào hành vi của con người để quyết định họa phúc của người đó. Quắc Công đạo đức bại hoại, sao có thể có được đất đai?” Quan nội sử của Thái tử Chu đến nước Quắc để khảo xét chuyện này cũng nói rằng: “Quắc quốc chắc chắn sắp diệt vong. Quân chủ tàn bạo vô đức nhưng lại còn cầu xin Thần.” Sau này, quân đội của Tấn Hiến Công đã tiêu diệt Quắc quốc. Quắc Công Sửu mất nước và trở thành vị quân vương cuối cùng của Quắc quốc.

Vương Mãng, người soán ngôi nhà Hán, cũng xây dựng miếu thờ để cầu nguyện Thần linh. Theo “Hán thư – Vương Mãng truyện hạ,” Vương Mãng là tặc thần ngụy quân tử, “bên ngoài ra vẻ ưa chuộng lễ nghĩa xưa, nhưng bên trong thực sự gian tà,” “giả vờ nhân nghĩa mà hành vi trái ngược.” Ông ta giả vờ nhân nghĩa để lừa dối người khắp thiên hạ, lợi dụng lúc Hán thất suy vi để cướp ngôi. Hơn nữa, Vương Mãng còn tự cho mình là con cháu của Hoàng đế, của vua Ngu, vua Thuấn. Thậm chí, ông ta tự cho mình là Hoàng đế và Ngu, Thuấn tái xuất.

Sau khi Vương Mãng soán ngôi, ông ta cai trị không thuận theo thời lệnh, gây ra nạn đói. Sách lược cai trị phiền nhiễu, giáo hóa dân chúng hà khắc khiến bách tính oán hận. Vương Mãng vẫn cư nhiên cho rằng điều đó là bình thường. Ông ta còn ra lệnh xây dựng chín ngôi miếu để tổ chức tế lễ linh đình dành riêng cho tổ tông của triều đại mới và cúng tế thần chỉ xã tắc. Ông ta cúng tế cầu phúc, ham muốn đến cùng cực.

Vương Mãng chiêu tập nhiều thợ thủ công và nhiều tranh họa, hơn nữa còn trưng thu tiền, ngũ cốc của quan lại và dân chúng để hỗ trợ xây dựng. Ông ta đã phá hủy hơn mười cung quán trong Tây Uyển trước đây, lấy gỗ, ngói để xây dựng chín ngôi miếu.

Banner 1 1

Trong quá trình xây dựng, trời đổ mưa rất to trong hơn sáu mươi ngày. Chín ngôi miếu được xây dựng vô cùng tinh xảo và tiêu tốn số tiền rất lớn, hàng chục ngàn thợ xây đã thiệt mạng. Lúc này, đất nước đầy rẫy người đói, nạn trộm cắp hoành hành. Vương Mãng vẫn ban thưởng hàng ngàn vạn tiền cho Tư Đồ và Đại Tư Không đang quản lý miếu. Các quan từ Thị Trung, Trung Thường Thị trở xuống đều được gia phong. Vương Mãng kiêu ngạo, bạo ngược, làm hại dân sinh. Ngay cả hài cốt trong mộ cũng không tha. Ông ta phá hủy hai ngôi miếu của Hán Hiếu Vũ và Hán Hiếu Chiêu, dùng phần đất này để chôn cất con cháu của mình.

Trong thiên hạ có rất nhiều người bị đói. Chỉ riêng ở Thanh Châu và Từ Châu, có hàng trăm ngàn người vì đói mà phạm tội trộm cắp. Cuối cùng, Vương Mãng bị mỹ nhân trong cung tiết lộ hành tung và bị hành thích tại Tiệm Đài. Đầu của ông ta bị chặt đứt. Hàng chục binh lính xông tới tranh nhau xẻ thịt, chặt tứ chi, lóc da, xương của ông ta. Đây là kết quả do Vương Mãng vô đạo, bị người đời oán hận, Thần linh phẫn nộ.

“Thi Kinh – Đại Nhã – Văn Vương” cho rằng tu đức là để “tự cầu nhiều phúc:” “Vô niệm nhĩ tổ, duật tu quyết đức, vĩnh ngôn phối mệnh, tự cầu đa phúc.” (Tạm dịch: không quên lời dạy tổ tiên, lo tu dưỡng đức bản thân, thuận theo mệnh Trời, tự cầu nhiều phúc.) Họa hay phúc giáng lâm là tùy theo những gì con người đã làm cảm ứng mà đến. Sinh mệnh vĩnh viễn không nên quên việc tu dưỡng đức hạnh, không rời xa Thiên Đạo, có như vậy mới hưởng được phúc báo dài lâu.

Nếu những gì làm ra trái với chính Đạo, nhưng lại hướng Trời cầu nguyện thì làm sao có thể linh nghiệm? Sao có thể cầu được phúc phận? Trong “Thư Kinh” nói: “Huệ địch cát, tòng nghịch hung” (Tạm dịch: Thuận với đạo thì tốt, theo với nghịch thì xấu,) còn nói rõ đạo lý: “Thuận thiên tắc cát, nghịch thiên tắc hung” (Tạm dịch: thuận theo Trời thì tốt, ngược với Trời thì hung.) Tại sao có người cung kính cúng tế cầu nguyện cũng không linh nghiệm? Bởi vì họ tác oai tác quái, xa rời đức hạnh, vô đạo nên tất nhiên họ sẽ không nhận được sự phù hộ của Thần linh.

Sách tham khảo: “Thái bình ngự lãm,” “Xuân Thu tả truyện chính nghĩa,” “Sử ký,” “Hán thư – Vương Mãng truyện,” “Liệt nữ truyện – Tiết nghĩa – Sở Cơ Việt Cơ,” “Thi kinh,” “Thư Kinh.”

Tịnh Tâm/ETviet biên dịch

Theo Epoch Times Hoa ngữ

Xem Thêm:

Ngoại tình và tạo nghiệp ác, chịu quả báo bị sét đánh

Bài học trong truyện ngắn O. Henry: ‘Đánh mất chính mình khi phô trương vẻ ngoài’

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều