spot_img
20 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Là ngẫu nhiên hay thiên ý? Lưu Bá Ôn để lại bức tranh cổ đoán trước ‘cái chết bi kịch’ của hoàng đế Sùng Trinh

Thế đạo hưng suy, triều đại đổi thay đều là ý trời, dù người sau có bình phẩm thế nào đi chăng nữa, thì cũng là đứng ở tầng diện của con người mà giảng. Con người chỉ là một phần tử trong biến hóa của thiên tượng, mà vận mệnh của mỗi người kỳ thực ngay từ khi mới sinh ra đã được an bài đâu vào đấy cả rồi, tất nhiên hoàng đế cũng như vậy cả? Cái chết bi thảm của hoàng đế Sùng Trinh kỳ thực cũng là thiên ý, Lưu Bá Ôn từ sớm đã tiên đoán trước điều này.

ming chongzhen
Một bức chân dung của Hoàng đế Sùng Trinh của triều đại nhà Minh (Ảnh: bức tranh thế kỷ 17, bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở San Francisco)

Sau khi hoàng đế Sùng Trinh đăng cơ, đối diện với mớ hỗn độn do triều đại trước để lại, ông rất cần mẫn trong công việc chính sự, mọi việc đều phải tự mình làm. Ông thường thức đêm không ngủ để xử lý tấu chương. Sau khi hoàng đế Sùng Trinh loại bỏ Thôi Trình Tú, vây cánh của Ngụy Trung Hiền, đồng thời xét xử lại những vụ án oan sai và sử dụng lại các quan chức đã bị cách chức trong những năm Thiên Khải. Hoàng đế Sùng Trinh khi đó mới ngoài 20 tuổi mà trên đầu đã có tóc bạc, lộ ra dấu hiệu già trước tuổi. Trong sử sách viết về hoàng đế Sùng Trinh như vậy: “Nghe tiếng gà gáy đã thức dậy, nửa đêm không ngủ, thường lao lực quá độ thành bệnh, trong cung không có bày chuyện yến tiệc và mấy trò tiêu khiển”. Điều này đủ để thấy thái độ chuyên cần chính sự và tính tiết kiệm của ông không phải tầm thường.

Mặc dù như vậy, các nơi thiên tai liên tiếp, dị tượng không ngừng. Theo ghi chép trong “Hán Nam Tục Quận Chí”: “Vào năm đầu Sùng Trinh, toàn bộ Thiểm Tây trời đỏ như máu. 5 năm nạn đói, 6 năm lũ lụt, 7 năm nạn châu chấu vụ thu, nạn đói lớn, 8 năm 9 tháng vùng Tây Hương hạn hán, vùng Lược Dương ngập lụt, nhà dân bị ngập. 9 năm nạn châu chấu, 5 năm mạ non mùa thu không sống được, 11 năm châu chấu mùa hè bay kín trời… 13 năm hạn hán khốc liệt … 14 năm hạn hán”.

Phía nam có đại quân của Lý Tự Thành, phía bắc có quân Thanh đang nhòm ngó chằm chằm. Vào tháng Giêng năm Sùng Trinh thứ 17 (năm 1644), Lý Tự Thành thống lĩnh 50 vạn đại quân đông chinh đến Bắc Kinh. Ngày 8 tháng 3 âm lịch, quân Lý Tự Thành đã đến Dương Hòa. Vào ngày 11, quân đội Đại Thuận tiến vào phủ Tuyên Thành. “Mọi người trong thành đều xôn xao vui mừng, chăng đèn đốt hương nghênh đón”. Hoàng đế Sùng Trinh khẩn trương điều động quan Tổng binh vùng Liêu Đông Ngô Tam Quế, Tổng đốc vùng Kế Liêu Vương Vĩnh Cát, Tổng binh vùng Xương Bình Đường Thông, Tổng binh vùng Sơn Đông Lưu Trạch Thanh tiến vào kinh thành, và kêu gọi các quan chức trong thành Bắc Kinh quyền góp tiền bạc, lương thực.

Tiền bạc, lương thực chưa quyên góp được, binh mã các lộ vào bảo vệ kinh thành còn chưa đến, thì đại quân của Lý Tự Thành đã tiến vào kinh thành. Khi Lý Tự Thành được thái giám Vương Đức Hoa dẫn đường, tràn vào từ cổng Đức Thắng, qua cổng Thừa Môn tiến vào nội điện. Lúc này, hoàng đế Sùng Trinh dẫn theo thái giám Vương Thừa Đức lên núi Môi Sơn quan sát tình hình, sau đó trở về cung Càn Thanh, các quan đại thần đều chạy tan tác, cuối cùng hoàng đế Sùng Trinh đến Cảnh Sơn treo cổ tự vẫn, sử sách gọi là “Giáp Thân chi biến”. Lý Tự Thành ra lệnh “lễ táng” hoàng đế Sùng Trinh, bố trí cúng tế long trọng bên ngoài cổng Đông Hoa,  sau đó chuyển thi hài Sùng Trinh vào Phật tự. Ngày 27, ông được chôn cất trong ngôi mộ Điền quý phi, đây là câu chuyện sau này.

1595240633057
Chân dung của Lưu Bá Ôn (Ảnh: từ [Qing Dynasty] “Tiểu sử của những cây tre trong sảnh đêm cười”)

Theo ghi chép trong cuốn “Tam Cương Thức Lược”: Đại nội cung Minh Hoàng có một căn phòng bí mật, từ khi Chu Nguyên Chương khai quốc về sau, cánh cửa của căn phòng bí mật này chưa từng được mở. Tương truyền trong căn phòng này có ghi chép bí mật của khai quốc công thần triều Minh là Lưu Bá Ôn, nếu không phải biến cố rất hệ trọng thì tuyệt đối không được mở, chìa khóa của ổ khóa đặc biệt có nội giám bảo quản. Sau khi quân đội của Lý Tự Thành bao vây kinh thành, hoàng đế Sùng Trinh bỗng nhớ tới chuyện này, vội gọi nội giám đến mở mật thất, chỉ thấy trong mật thất có một chiếc hộp nhỏ màu đỏ. Nội giám bê chiếc rương đến trước mặt hoàng đế Sùng Trinh, chỉ thấy trên đó viết: “Sùng Trinh ngày nào tháng nào năm nào mở ra”, nhìn qua thì vừa khéo lại đúng ngay ngày hôm đó.

Hoàng đế Sùng Trinh thấy vậy càng thêm kinh hãi, đợi đến khi ông mở chiếc hộp nhỏ màu đỏ, bên trong có ba bức tranh. Bức tranh đầu tiên cho thấy quan văn võ mấy nghìn người, tất cả đều cầm cái hốt trên tay, xõa tóc bỏ chạy tán loạn. Hoàng đế Sùng Trinh hỏi quan nội thần, quan nội thần dập đầu và trả lời rằng: “E rằng quan viên quá nhiều, kỷ cương rối loạn”. Sau đó lại mở bức tranh thứ hai, bên trong bức tranh vẽ cảnh binh tướng cởi bỏ áo giáp, vứt bỏ khí giới, người dân dắt nhau bỏ chạy. Hoàng đế Sùng Trinh lại hỏi nội thần của mình, nội thần lại khấu đầu trả lời rằng: “Hay là quân sĩ và người dân đã phản bội ngài”. Lúc này, sắc mặt của Sùng Trinh đã rất khó coi.

Quan nội thần cầu xin đừng xem nữa, nhưng hoàng đế Sùng Trinh không nghe, bèn mở bức tranh thứ ba. Bức chân dung rất giống với gương mặt của hoàng đế Sùng Trinh, thân trên mặc áo bán tụ màu trắng, chân để trần, đi tất và giày màu đỏ, đầu bù tóc xõa treo cổ trên cây. Hoàng đế Sùng Trinh sau khi xem xong thì mặt biến sắc, nội giám đi theo đều lộ vẻ mặt sợ hãi, sau đó hoàng đế Sùng Trinh ủ rũ rời đi.

Hoàng đế Sùng Trinh treo cổ tự vẫn vì đất nước đã được Lưu Bá Ôn biết trước, như vậy xem ra hết thảy mọi thứ trên đời đều đã có định số, cũng chính là nói đều đã được an bài, kể cả khi người ta biết được rồi thì có thể làm được gì đây?

Theo Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều