Tân Thế Kỷ – Chị em dâu trong gia đình tuy không phải ruột ra thân thích nhưng là có duyên phận với nhau mới về chung một nhà. Làm thế nào để sống hoà hợp hạnh phúc cùng nhau? Một số câu chuyện của người kia sẽ giúp ích cho chúng ta về chủ đề này.
Hà thị quan tâm và yêu thương các em chồng
Cuốn “Khuê Phạm” cũng ghi lại câu chuyện về Hà thị khả kính thời nhà Tống. Bà Hà là vợ của Vương Mộc Thúc ở huyện Vĩnh Gia, tỉnh Chiết Giang. Khi bà mới kết hôn với Vương Mộc Thúc, nhà họ Vương thập phần bần khốn. Bà Hà cần kiệm gánh vác gia đình, cộng với nỗ lực khoa cử của chồng, dấn thân vào sự nghiệp, cuộc sống dần dần được cải thiện.
Một hôm, bà Hà nói với chồng: “Chàng hiện tại sắp xuất sĩ làm quan, nhưng cuộc sống của gia đình các em còn thập phần gian nan. Chúng mình có thể chia số tiền dư dả trong nhà cho họ, để cuộc sống của họ dễ dàng hơn.” Vương Mộc Thúc nghe xong rất vui vẻ: “Đó chính là điều mà tôi muốn làm.” Cùng ngày đó, bà Hà đã phân phát số tiền dư của gia đình cho các em của mình, ngay cả chiếc khuyên tai kẹp tóc cũng không giữ lại.
Đến khi Vương Mộc Thúc làm quan, bà Hà nói với chồng: “Gia đình các em vẫn đang túng thiếu, chúng ta có một ít đất đai trong tay, tại sao chúng ta không tặng nó cho họ?” Vương Mộc Thúc cười lớn: “Đây chính là điều tôi muốn làm.” Vì vậy, bà Hà đã giao đất cho các em chồng. Mọi người trong quận nghe chuyện, đều gọi bà là “hiền phụ”.
Xưa nay dân gian đều biết “lấy vợ lấy hiền”, nhưng làm thế nào để trở thành người vợ hiền đức, thì cổ nhân sớm đã nói cho chúng ta biết câu trả lời.
Chúng ta thường nghe rất nhiều người hiện đại nói rằng, ngoài mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, thì mối quan hệ giữa chị dâu em chồng cũng rất khó ứng xử. Có lẽ con người ngày nay với thói quen tư duy của xã hội hiện đại, cho nên rất hiếm khi nghĩ đến việc đứng trên quan điểm của đối phương để suy xét vấn đề. Chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian, xem người xưa thuyết giảng về đạo nghĩa chị dâu em chồng như thế nào.
Tô thiếu đễ năng hòa hợp với các chị dâu
Trong cuốn “Khuê Phạm” do Lã Khôn, một nhà văn, nhà tư tưởng nổi tiếng thời nhà Minh, có một phân khúc là “tỉ đễ chi đạo”. Tỉ đễ ý tứ tương đồng với chị dâu và em dâu, tức là cách gọi vợ của anh cả, vợ của anh thì gọi là “tỉ”, vợ của em thì gọi là “đễ”; “Tỉ đễ chi đạo” là đạo làm chị em dâu. Họ là những người khác họ và không cùng huyết thống, có thể khiến anh em càng thân thiết hữu ái, cũng có thể khiến anh em quay lưng lại với nhau. Do đó dân gian có thuyết pháp “Huynh đệ nhất khối nhục, phụ nhân thị đao chùy; Huynh đệ nhất phủ canh, phụ nhân thị diêm mai”, đại ý là nói sự thân mật giữa anh em ruột thịt giống như một cục thịt, mà vợ là con dao sắc cứa vào cốt nhục; anh em ruột thịt như món canh thủy nhũ giao dung, mà vợ thì như gia vị chua hay mặn.
Vậy thì, những người phụ nữ hiền đức cổ đại làm sao để xử lý mối quan hệ chị em dâu? Có một câu đối như vậy trong từ đường của họ Thôi ở Hà Nam ngày nay: “Tô thiếu đễ năng hòa trục lý; Đường phu nhân thiện sự cô chương.” Câu đối sau nói rằng bà tổ mẫu Đường phu nhân Thôi Viễn thời Đường đối đãi chí hiếu với mẹ chồng, mỗi ngày từ sáng sớm đều cho mẹ chồng bú sữa. Câu đối trước kể về câu chuyện của một người phụ nữ thời nhà Tống, tên là Tô thiếu đễ, đã bằng thiện tâm cảm hóa các chị dâu của mình.
Tô thiếu đễ, họ nguyên là Nhan thị, kết hôn với con trai út của Tô gia, vì vậy bà được gọi là “Tô thiếu đễ”. Tô gia gia cảnh không tồi, có năm anh em trai, bốn anh lớn đều đã lấy vợ. Giữa các chị em dâu có mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi, mà nô tì của họ cũng thường xuyên truyền miệng nhau những lời lẽ khó nghe mà họ nghe được từ người khác, dẫn đến giữa các chị em dâu hàng ngày cãi vã, thậm chí còn xảy ra xô xát trong lúc cãi vã.
Đương nhiên, nhà họ Thôi cũng đã nghe nói về mối bất hòa giữa các anh em và nàng dâu nhà họ Tô. Trước khi Tô thiếu đễ kết hôn, gia đình và người thân của bà đã rất lo lắng cho bà, nhưng Tô thiếu đễ nói: “Giả thử là gỗ, đá, cầm, thú, thì tôi không cách nào giao tiếp với họ, nhưng có ai trên thế giới này là người không thể tương xử?” Có lẽ, theo quan điểm của Tô thiếu đễ, chỉ cần bản thân phó xuất chân tâm, sẽ nhất định có thể tương xử hòa thuận với họ.
Vì vậy, sau khi Tô thiếu đễ lấy chồng, bà đối xử với bốn chị dâu phi thường cung kính và lễ phép. Nếu chị dâu thiếu thứ gì, Tô thiếu đễ sẽ nói “Em có”, và đưa cho họ không hối tiếc. Nếu mẹ chồng sai chị dâu làm việc gì đó, chị dâu “nhìn nhau không muốn làm”, Tô thiếu đễ sẽ chủ động tiến lên trước nói với mẹ chồng: “Con là út nhất và là nàng dâu cuối cùng vào nhà mình, việc này nên do con làm.”
Thỉnh thoảng khi gia đình mẹ ruột mang cho trái cây và những món ăn ngon khác, Tô thiếu đễ gọi các cháu trai cháu gái đến và chia sẻ với chúng. Sự rộng lượng và vị tha của Tô thiếu đễ tất nhiên các chị dâu đều nhìn thấy trong mắt.
Tô thiếu đễ cũng rất thủ lễ. Khi ăn cơm, nếu chị dâu chưa động đũa, bà sẽ tuyệt đối không ăn trước. Khi các chị dâu phàn nàn với bà về lỗi của người khác ở nơi riêng tư, Tô thiếu đễ thường chỉ cười không nói, cũng không nói là lỗi của ai. Thấy bà như vậy, các chị dâu dần bớt so đo.
Một ngày nọ, nô tì của Tô thiếu đễ kể lại cho bà những gì nghe được từ các chị dâu khác, Tô thiếu đễ lập tức trách phạt nô tì, nói với chị dâu rằng nô tì của mình không hiểu sự, cảnh giới họ.
Một lần, khi Tô thiếu đễ đang bế cháu trai nhỏ của mình, cháu trai nhỏ đột nhiên đại tiện làm bẩn bộ y phục hoa mỹ của bà. Chị dâu vội vàng bế đứa trẻ lên, sợ em dâu sẽ tức giận, nhưng Tô thiếu đễ nói: “Đừng căng thẳng như vậy, đừng làm đứa trẻ sợ hãi.” Trong ngôn từ không có chút ý kinh tởm vì y phục bị dính bẩn.
Ai cũng đều có cảm thông, nhất ngôn nhất hành của Tô thiếu đễ đã dần dần ảnh hưởng đến bốn chị dâu. Hơn một năm sau, bốn chị dâu nói với nhau: “Ngũ thẩm đại hiền, ngã đẳng phi nhân hĩ. Nại hà nhược đại niên, vi bỉ sở tiếu.” ý tứ là vợ chú năm đại hiền đức, chúng ta không bằng em dâu thì không phải là người. Chúng ta đều là những bậc lớn tuổi, phẩm đức lại kém xa, làm sao có thể để cô ấy cười cho chứ.
Kể từ đó, bốn người chị dâu cũng khiêm nhường tôn kính như Tô thiếu đễ, đại gia đình tương xử hòa thuận, cả đời không còn bất kỳ lời phàn nàn oán thán nào, Tô gia trên dưới đều hòa khí như vậy kể từ đó. Đức hành của người con dâu út đã ảnh hưởng đến các chị dâu, khiến người một nhà càng thêm hữu ái, hòa thuận. Khi Lã Khôn bình phẩm về đức hành của Tô thiếu đễ, ông nói: “Tam tranh tam nhượng, thiên hạ vô tham nhân hĩ; Tam nộ tam tiếu, thiên hạ vô hung nhân hĩ.” (ý tứ là ba người tranh ba người nhường thì thiên hạ không có người tham lam, ba người tức giận ba người cười, thì thiên hạ không có ai hung hãn).
Âu Dương Thị đối xử với em chồng tốt hơn cả con gái
Vào thời nhà Tống có một người tên là Liêu Trung Thần, lấy con gái nhà Âu Dương làm vợ. Sau khi Âu Dương Thị về nhà chồng hơn một năm thì cha mẹ chồng qua đời vì dịch bệnh, để lại cô bé Nhuận Nương mới vài tháng tuổi còn đang bú sữa. Khi đó Âu Dương Thị cũng vừa sinh con gái, thế là nàng đồng thời nuôi hai đứa bé bằng sữa của mình. Cứ như vậy vài tháng, sữa của Âu Dương Thị không đủ cho hai đứa trẻ, nàng bèn đem con gái mình nhờ hàng xóm nuôi giúp, còn bản thân chuyên tâm nuôi dưỡng Nhuận Nương.
Hai bé gái cùng tuổi dần dần lớn lên, tình yêu thương của Âu Dương Thị đối với Nhuận Nương còn hơn cả với con ruột của mình. Con gái không lý giải được, hỏi mẹ nguyên nhân tại sao. Âu Dương Thị nói: “Con là con gái của mẹ, tiểu cô là con gái của bà nội con. Con còn có mẹ, tiểu cô không còn mẹ, mẹ đối với hai người làm sao như nhau đây?” Nói xong, nàng rơi nước mắt. Con gái hiểu tấm lòng của mẹ, từ đó gặp việc gì cũng nhường Nhuận Nương, không hề tranh giành.
Về sau, Liêu Trung Thần đến huyện Thanh Hà làm quan. Hai cô gái cũng đã đến tuổi cập kê. Các gia đình giàu có, quyền quý ở địa phương lũ lượt nhờ người mai mối đến cầu hôn con gái của Liêu Trung Thần. Âu Dương Thị nói với bà mối: ‘Nhuận Nương vẫn chưa xuất giá, con gái của tôi làm sao dám gả trước cho người khác đây?”
Bởi vì Âu Dương Thị có suy nghĩ như vậy, nên cuối cùng đã có một gia đình giàu có hỏi cưới Nhuận Nương. Âu Dương Thị chuẩn bị hồi môn hậu hĩnh cho em chồng, từ trang sức đến quần áo và các vật dụng hàng ngày, đầy đủ mọi thứ. Tất cả đều được đóng gói trong những chiếc hộp đẹp đẽ cùng nàng dâu bước về nhà chồng. Sau này khi con gái ruột của mình xuất giá, của hồi môn mà Âu Dương Thị chuẩn bị cho con so với em chồng thì kém xa.
Âu Dương Thị cả đời đối xử rất tốt với em chồng, Nhuận Nương thường nói với mọi người rằng: “Chị dâu của tôi, chính là mẹ ruột của tôi.”
Sau khi Âu Dương Thị qua đời, Nhuận Nương đau buồn mãi không thôi, thậm chí khóc đến thổ huyết, cũng vì thế mà bệnh hơn một năm. Thâm tình dành cho chị dâu của nàng khiến mọi người không khỏi xúc động, nghe thấy tiếng khóc của nàng, không ai không rơi lệ.
Lữ Khôn, nhà văn và là nhà tư tưởng nổi tiếng triều Minh đã nhận xét trong cuốn “Khuê Phạm” do ông biên soạn rằng: “Những người làm dâu trên đời này nếu đều hiền đức như Âu Dương Thị, thì cả thế giới là Nhuận Nương rồi.”
“Trần Đường Tiền” cao nghĩa độ lượng
Vào thời nhà Tống, tại huyện Lạc ở Hán Châu (nay là phía bắc huyện Quảng Hán tỉnh Tứ Xuyên) có một nữ nhân là Vương Thị, khi chưa xuất giá đã rất tiết tháo, rộng lượng và trọng nghĩa.
Khi Vương Thị 18 tuổi, nàng được gả cho Trần An Tiết ở cùng quận. Ai ngờ, chẳng lường được số trời, kết hôn mới hơn một năm thì Trần An Tiết đã qua đời, để lại cho Vương Thị đứa con còn đang quấn tã, cha mẹ chồng tuổi đã cao và cô em gái còn thơ ấu.
Vương Thị cảm nhận được áp lực cuộc sống, nuốt nước mắt nói với cha mẹ chồng: “Người ta nuôi con trai, vốn là hy vọng có thể phụng dưỡng song thân, gánh vác công việc gia đình. Bây giờ đến tình cảnh như thế này, cũng thật sự không thể làm gì được. Con nguyện ý giống như con trai của cha mẹ lúc tại thế, chèo chống gia đình, phụng dưỡng song thân, nuôi dưỡng em gái cùng con của con.” Cha mẹ chồng mừng rỡ nói: “Quả là như thế, vậy thì con trai của chúng ta vẫn giống như chưa qua đời vậy.”
Sau khi mai táng chồng, Vương Thị tự mình gánh vác gia đình, hơn nữa rất có quy củ. Cha mẹ chồng rất vừa ý, cảm thấy mười phần an ủi. Ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ chồng, Vương Thị còn tự thân giáo dục con trai và em chồng nhỏ tuổi. Cô em chồng đến tuổi cập kê, Vương Thị tìm mối hôn sự gả chồng cho nàng, cũng chuẩn bị rất nhiều của hồi môn.
Khi con trai sắp trưởng thành, Vương Thị mời thầy Nho danh tiếng trong vùng dạy bảo. Con trai 20 tuổi sau khi được đội mũ (nghi thức đánh dấu tuổi trưởng thành của nam tử vào thời xưa) thì vào Thái học để học tập, nhưng không ngờ năm 30 tuổi thì đột nhiên qua đời. Vương Thị lần nữa phải nhận chịu nỗi bi thương, nhưng nàng vẫn kiên cường đối mặt, tiếp tục dưỡng dục hai cháu trai Trần Cương và Trần Phất. Về sau, hai cháu trai đều chuyên tâm học hành và có danh vọng.
Cha mẹ chồng sau khi qua đời, em gái đã xuất giá thỉnh cầu Vương Thị chia cho gia sản, mà những gia sản này phần lớn là nhờ Vương Thị vất vả gây dựng lên. Vương Thị không hề xem trọng, đem phần lớn tài sản trong nhà chia cho cô em chồng, không chút luyến tiếc.
Tuy nhiên, chưa đến thời gian 5 năm, tài sản cô em chồng có được toàn bộ đều bị người chồng phá sạch, cô em chồng đành phải mang con quay về nhà mẹ đẻ, trong lòng tràn đầy hối hận. Đối với việc em chồng trở về nhà, Vương Thị vẫn rất rộng lượng, mua ruộng dựng phòng ở cho em, cũng giúp đỡ dưỡng dục cháu trai, coi như con của mình. Từ đầu đến cuối, nàng đều không có một lời oán trách.
Đối với những người họ hàng nghèo khó cùng đường, Vương Thị đều ra tay giúp đỡ, tận lực chiếu cố họ. Có đến ba, bốn chục người nhận sự trợ giúp của nàng. Thậm chí cách xa hơn trăm dặm có một người họ hàng họ Cam, bởi vì nghèo khó mà bất đắc dĩ đem bán con gái nhỏ của mình cho tửu quán. Vương Thị sau khi biết chuyện, cũng xuất tiền chuộc lại cô bé.
Rất nhiều việc thiện và nghĩa cử của Vương Thị đã khiến bà con trong thôn cảm động, họ cũng rất kính trọng nàng. Mọi người đều không gọi nàng bằng họ mà tôn xưng nàng là “Đường Tiền”. “Đường Tiền” vốn là cách xưng hô của con cái trong nhà đối với mẹ mình, để bày tỏ tình cảm rất tôn kính đối với Vương Thị, người trong thôn đã lấy cách xưng hô với mẹ để gọi nàng.
Việc làm của Vương Thị có ảnh hưởng rất lớn đến đời sau. Sau khi nàng qua đời, con cháu tuân theo di huấn, năm thế hệ chung sống rất hòa thuận, được xưng là gia đình Nho giáo hiếu thuận ở địa phương. Triều đình biết sự tích của nhà họ Vương, đã đặc biệt hạ lệnh khen thưởng.
Lữ Khôn đánh giá Vương Thị là: “Đường Tiền hiếu dưỡng cha mẹ chồng, giáo dục con cháu, giúp đỡ họ hàng, rộng bày công đức, trau dồi danh tiết, không việc nào là không thiện. Mà tình nghĩa chị dâu em chồng, thật hiếm có trên đời.”
Xem xong những câu chuyện nhỏ này, có lẽ chúng ta cũng có thể cảm nhận được phần nào về đạo nghĩa giữa chị dâu em chồng của người xưa. Qua đó cũng có thế học tập để có thể xây dựng một mối quan hệ chị em dâu tốt đẹp hơn.
Chân Tâm t/h
Tham khảo: epochtimesviet, dkn
Xem thêm: