spot_img
18 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Miền Tây sạt lở nghiêm trọng, sông Mê Kông “đói” cát, “khát” phù sa

Tân Thế KỷSạt lở đã trở thành nỗi đau chung của hàng triệu dân miền Tây từ hai thập kỷ nay.

Sạt lở ngày càng nghiêm trọng 

Truyền thông trong nước đưa tin, tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở mức báo động với 585 điểm, dài trên 741 km. Trong đó, 87 điểm với 135 km thuộc nhóm đặc biệt nguy hiểm – ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư, hạ tầng quan trọng dù được bảo vệ bởi đê, theo Cục quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Còn lại là sạt lở nguy hiểm (155 điểm – 306 km) và bình thường (343 điểm – 300 km).

Hiện trường vụ sạt lở tuyến kênh Đốc Phủ Hiền, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc - Ảnh: LONG SA
Hiện trường vụ sạt lở tuyến kênh Đốc Phủ Hiền, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc (Ảnh TTO)

Sạt lở bờ sông, kênh, rạch tập trung ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, và các khu vực chuyển tiếp giữa vùng chịu ảnh hưởng của triều và thượng nguồn như Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, đến ven biển như Cà Mau, Sóc Trăng. Theo các chuyên gia, từ năm 1992 đến nay, sạt lở thoát ra khỏi quy luật tự nhiên và ngày càng tăng cấp.

Từ năm 2005 về trước, ĐBSCL được bồi đắp 100 ha/năm thì 15 năm trở lại đây mất từ 350 – 500ha đất/năm. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Tình hình sạt lở sông, kênh, rạch ĐBSCL ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi của các đợt sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn thường lớn hơn hạ nguồn sông thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long”. Hiện tượng xói lở thường xảy ra ở những khu vực trực diện với biển.

Theo số liệu khảo sát năm 2020 và 2022, bờ biển từ Sóc Trăng đến mũi Cà Mau có tác động xói lở, bồi lắng phụ thuộc vào mùa gió là chủ yếu, nhìn chung bờ biển vùng này xu thế xói vượt trội. Hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra trên hầu hết đoạn bờ biển này, tốc độ xói lở khoảng 10- 50m/năm tùy theo vị trí. Đặc biệt là khu vực biển Đông thuộc tỉnh Cà Mau tại vị trí mặt cắt bờ biển ấp Hố Gùi (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn), mặt cắt bờ biển ấp Xẻo Mắm (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), có tốc độ sạt lở từ 70m/năm đến 90m/năm. Hệ quả là nhiều diện tích đất và rừng phòng hộ bị biển nuốt chửng chỉ trong vòng một năm.

Số điểm sạt lở có xu hướng ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ĐBSCL đã xảy ra 145 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch – nhiều hơn số điểm của cả năm 2022. Tại An Giang, số vụ lở trong 7 tháng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, Bạc Liêu ghi nhận số vụ lở tăng gần gấp đôi so với mọi năm.

Dân không dám ngủ vì sợ bị cuốn xuống sông

Theo TTO, vào lúc 21h30 ngày 1-6, trên địa bàn ấp Phụng An xảy ra sạt lở một đoạn bờ sông Rạch Mọp với chiều dài 70m, lấn sâu vào bờ khoảng 23m, làm thiệt hại lộ nông thôn, tuyến ống dẫn nước sinh hoạt, đường dây điện, ảnh hưởng đến lưu thông đi lại và sản xuất của bà con trong khu vực.

Ông Đạo cho biết hiện nay đang vào mùa mưa và xung quanh nơi đây đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt, trong khi dòng chảy ở khu vực sông này rất lớn, khả năng trong thời gian tới sạt lở tiếp tục xảy ra.

Tương tự, tại tỉnh Hậu Giang tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi như huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, TP Ngã Bảy… Riêng tại huyện Châu Thành từ giữa đến cuối tháng 5-2023 xảy ra ít nhất ba vụ sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng nhà cửa người dân, hàng trăm mét đường giao thông bị chia cắt.

Tại tỉnh Tiền Giang, cuối tháng 5 đoạn đường huyện 54B cặp sông Ba Rài dài hơn 50m thuộc xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy bị sạt lở xuống sông. Vụ sạt lở đã chia cắt, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhất là vào thời điểm đang thu hoạch trái cây.

Trước đó, trên sông Trà Lọt thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè cũng đã xảy ra một vụ sạt lở khiến việc đi lại của hàng chục hộ dân gặp khó khăn. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Tiến, nhà nằm ngay điểm sạt lở, đã không dám ngủ trong nhà vì lo sợ bị cuốn xuống sông bất cứ lúc nào.

Đoạn đường huyện 54B dài hơn 50m bị đổ sụp xuống sông Ba Rài, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Tiền Giang - Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Đoạn đường huyện 54B dài hơn 50m bị đổ sụp xuống sông Ba Rài, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Tiền Giang (Ảnh TTO)

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, trong những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch của tỉnh Tiền Giang ngày càng nghiêm trọng với quy mô, mức độ lớn, có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại.

Tình trạng sạt lở cũng diễn ra tại các tỉnh Long An, An Giang… làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người dân.

Cấp bách khắc phục sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long -0
Sạt lở bờ sông Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) làm sụp 8 căn nhà của người dân. (Ảnh CAND)

ĐBSCL “đói” phù sa và cát

Theo VnExpress, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sạt lở tại ĐBSCL là thiếu cát và phù sa, tạo nên những dòng nước đói, theo ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt của WWF khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khi dòng sông không còn trầm tích để lấp các hố sâu dưới đáy, “cơn đói” sẽ ăn vào đất hai bên bờ.

Chuỗi ngày thiếu phù sa được kích hoạt khi loạt đập thuỷ điện ở Trung Quốc – thượng nguồn Mekong – đi vào hoạt động. Tải lượng phù sa mịn tại hạ nguồn đã giảm khoảng 50% – từ 160 triệu tấn mỗi năm (1992) còn 85 triệu tấn (2014), theo Uỷ hội sông Mê Kông (MRC). Dự báo sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu hoàn tất, tải lượng phù sa mịn sẽ giảm thêm một nửa, từ 85 còn 42 triệu tấn. Đến năm 2040, chỉ còn 4,5 triệu tấn trầm tích đổ về ĐBSCL.

Hệ quả là tỷ lệ xói – bồi ngày càng chênh lệch ở hầu hết địa phương. Các tỉnh dọc sông Tiền như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… sạt lở nhiều hơn khu vực sông Hậu do lưu lượng dòng chảy lớn.

uoc luong

Trong khi cát từ thượng nguồn về hạ lưu ngày càng khiêm tốn, nhu cầu sử dụng lại tăng đột biến. Cả dòng sông và con người đều trong cơn “khát” cát. Khi mất đi nguồn dinh dưỡng tự nhiên, dòng sông đòi lại những gì đã cho con người trước đó.

10 năm trước, tại chính cù lao An Bình này, dòng sông đã đưa ra cảnh báo về cơn giận của mình.

21h ngày 29/10/2012, bãi bồi ở ấp An Long, xã An Bình – cách nhà ông Thảo 10 km, bất ngờ sạt lở. Khoảng 8.000 m2 đất bị “nuốt chửng” cùng 4 ao và 23 bè cá của 8 hộ dân.

song mekong
Khu vực từng xảy ra sạt lở tại cù lao An Bình (Vĩnh Long) hiện bị lục bình phủ kín, tháng 6/2023 (Ảnh VnEpress)

5 tháng sau vụ sạt lở, nguyên nhân được Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam (SIWRR) xác định là khai thác cát và nạo vét lòng dẫn. Cù lao An Bình khi đó bị bủa vây bởi các mỏ cát ở hai bên bờ, ngày đêm hút cát từ lòng sông.

“Hiện tượng sạt lở có mối quan hệ nhân quả, mà trong đó lòng sông là tiền đề, và bờ lở là kết quả”, ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia Dự án Quản lý Cát Bền vững WWF – Việt Nam, nói.

Theo WWF – Việt Nam, các nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra rằng ĐBSCL đang mất cân bằng trầm tích nghiêm trọng. Mỗi năm, khối lượng cát đổ về vùng châu thổ này là 6,8-7 triệu tấn, trong khi lượng khai thác cát là 28-40 triệu tấn. Cùng với lượng cát đổ ra biển khoảng 6,5 triệu tấn, mỗi năm, đồng bằng bị thâm hụt ít nhất 27,5 triệu tấn cát.

Hệ lụy là nhiều đoạn sông không còn cát. Một số đoạn do bị khai thác cát sỏi quá mức đã tạo nên các “lòng chảo”. Lòng sông bị hạ thấp, dẫn đến cao độ mực nước trên các tuyến sông giảm, thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy.

Trong khi đó, ở cửa biển, lớp “áo giáp” bảo vệ đồng bằng cũng tả tơi vì thiếu phù sa, bất lực trước những cơn sóng ập vào bờ. Hậu quả là gần 400 km bờ biển của ĐBSCL đang sạt lở nghiêm trọng.

Nghi Vân (t.h)

Nguồn VnExpress, TTO, SGGP, KTĐT

Hanhtrinh140x72 2

Xem thêm:

> Sóc Sơn: Đất đá tràn xuống là do xây nhà trái phép

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều