Vì chưa nhìn thấy loài rồng ngoài đời thật nên trong tư tưởng nhiều người, loài linh thú này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng và hư cấu. Nhưng vì sao từ rất lâu rồi, từ trong hình ảnh, câu chuyện, lời kể truyền miệng,… loài rồng đều được mô tả giống nhau. Thậm chí có những ghi chép khoa học và chứng tích cho thấy loài vật này có thật.
Sinh vật đầu tiên và được nhắc đến nhiều trong văn hóa nhân loại
Cuốn sử thi lâu đời nhất Trái đất Gilgamesh, được viết vào năm 2.000 TCN tại Lưỡng Hà đã miêu tả lại sinh vật Humbaba có hình dạng đặc biệt. Nó có chiếc bờm sư tử, mặt rắn, sừng khắp thân, chân có móng vuốt của kền kền, trên đầu có sừng của bò, miệng có thể phun lửa và nước.
Ngay cả trong Kinh Thánh cũng mô tả về sinh vật huyền ảo này và Daniel được ghi nhận là người giết “rồng” đầu tiên. Sau khi thấy người Babylon thờ phụng một loài bò sát khổng lồ có cánh, biết phun lửa và bay, Daniel đã chứng minh, con vật to lớn, hình dáng quái dị này chỉ gây đảo lộn, sát hại mạng sống con người mà thôi.
Dù có ra sức chứng minh nhưng nhiều người không tin. Bởi vậy mà Daniel đã lên kế hoạch giết nó bằng cách cho nó ăn nhiều chất béo, tóc, các vật dễ cháy rồi làm cho con vật nổ tung.
Truyền thuyết được biết đến nhiều ở châu Âu là về St. George – người vô tình đến một thị trấn lạ và bị đe dọa bởi con rồng to lớn, đáng sợ. Ở đây, ông đã cứu sống một thiếu nữ, bảo vệ bản thân bằng cây Thánh giá và cuối cùng giết chết con quái thú.
Những cư dân của thị trấn yêu mến lòng dũng cảm và đức tin của St. George, ngay lập tức đã đồng lòng đi theo Thiên chúa giáo. Một câu chuyện tương tự về St. Columba, người vào năm 565 đã tiêu diệt một con quái vật khổng lồ dưới nước. Điều thú vị cả 2 đều là những hiệp sĩ có thật trong lịch sử.
Những lần rồng xuất hiện ở các triều phong kiến Trung Quốc
Điểm lại qua các triều đại phong kiến của Trung Quốc, lịch sử ghi nhận sự xuất hiện của rồng không dưới 10 lần. Cụ thể:
- “Ký sự về Huyện Nghĩa” từ triều đại nhà Thanh viết như sau: “Vào năm 1503 triều Minh, năm Hồng Di thứ 16, 5 con rồng đã bay lượn trên không trung khoảng 4,8 km phía bắc cổng thành của huyện Nghĩa, tỉnh Hà Nam. Sau một lúc lâu ở trên cao, chúng bay xuống đất, và không thấy bay lên nữa”. “Sau đó có hai vị thần xuất hiện và 5 con rồng đã bay lên và biến mất cùng hai vị đó”.
- “Ký sự về thiên triều Gia Tĩnh”, cũng kể một câu chuyện tương tự: Vào tháng 9 năm 1588 sau Công nguyên, một con rồng trắng đã được phát hiện trên hồ Bình thuộc huyện Bình Hồ, tỉnh Triết Giang. Nó đã bay lượn trên mặt hồ, chiếu sáng một nửa bầu trời với ánh sáng đỏ.
- “Ký sự về thiên triều Tống Giang” đã ghi chép một sự việc được chứng kiến xảy ra 20 năm sau sự kiện con rồng trắng được trông thấy ở huyện Bình Hồ. Vào tháng 7 năm 1608 sau Công nguyên, một con rồng trắng giống như con rồng xuất hiện trên hồ Bình đã được nhìn thấy trên sông Hoàng Phố ở huyện Tống Giang, Thượng Hải. Cũng có một vị Thần đứng trên đầu con rồng.
- “Ký sự về triều Hậu Hán” đã ghi chép một trường hợp nhìn thấy rồng trong hoàng cung. Các sách lịch sử địa phương từ triều Minh và triều Thanh cũng có chép những trường hợp nhìn thấy rồng. Theo “Ký sự về thiên triều Lâm An”, năm Sùng Trinh thứ 4 (1631 sau Công nguyên), một con rồng lớn đã được nhìn thấy trên hồ Kỳ Long (nghĩa là “hồ Rồng kỳ lạ”), phía đông nam huyện Thạch Bình, tỉnh Vân Nam. Bản ghi chép đã viết: “Râu, chân, và vảy của con rồng nổi trên mặt nước, và con rồng dài khoảng vài chục mét”. Con rồng này có thể đã xuất hiện nhiều hơn một lần ở núi Long Sơn và hồ Kỳ Long. Điều này giải thích cho việc đặt tên cho những địa danh này.
- “Ký sự bổ sung của triều Đường” đã ghi chép rằng vào một ngày trong năm trị vì cuối cùng của Hoàng đế Hàm Thông, một con rồng đen đã rơi xuống mặt đất trong vùng lãnh thổ của huyện Thông Thành, và chết ở đó vì một vết thương trên cổ. “Chiều dài đầy đủ của con rồng đo được là 30 mét, một nửa số đó là đuôi. Cái đuôi có hình phẳng. Vảy của nó như vảy cá. Trên đầu có 2 cái sừng. Râu của nó mọc bên cạnh miệng dài khoảng 6m. Chân của nó, mọc ra từ dưới bụng, có một lớp màng màu đỏ che phủ”.
- “Thất Kinh Thư” của Long Anh chép rằng vào một ngày trong năm trị vì cuối cùng của hoàng đế Thành Hóa, triều Minh, một con rồng đã rơi xuống trên bãi biển huyện Tân Thủy, tỉnh Quảng Đông. Nó đã bị những người dân chài địa phương đánh chết. Con rồng cao như một người lớn, và dài hàng chục mét. Nó trông rất giống con rồng trong những bức tranh cổ chỉ trừ cái bụng của nó màu đỏ.
- Một con rồng đã chết được tìm thấy bên bờ hồ Thái Bạch vào năm Thiếu Hưng thứ 32, triều Nam Tống (1162 sau Công nguyên). Nó có râu dài và những cái vảy rất lớn. Cái lưng màu đen và cái bụng màu trắng. Những cái vây mọc ra từ lưng, và hai cái sừng thò ra từ đầu. Nó bốc mùi xa hàng dặm. Những người địa phương đã phủ nó lại bằng một tấm chiếu. Quan lại đã cho người đến làm lễ cúng tế tại đó. Tuy nhiên, sau một đêm sấm sét dữ dội, con rồng đã biến mất. Chỉ còn lại một cái mương nơi nó đã nằm.
- “Biên sử về Thiên triều Vĩnh Bình” chép rằng, vào mùa hè năm Đạo Quang thứ 19 (1839 sau Công nguyên), một con rồng đã rớt từ trên trời xuống vùng hạ lưu sông Luân Hà, ở huyện Lao Đình. Con rồng nằm quay đơ, ruồi bọ vây quanh. Người dân địa phương làm một cái mái che để bảo vệ nó khỏi nắng, và phun nước lên người nó. Ba ngày sau, sau một đêm giông bão, con rồng đã bay đi.
Dấu vết rồng trong thời hiện đại
Trong cuốn “Biên niên sử thành phố Doanh Khẩu” (của NXB Sách Trung Quốc) và “Lịch sử Doanh Khẩu” (của NXB Nhân dân Hắc Long Giang) đều đã từng đề cập tới vụ việc này. Theo những ghi chép trong đó thì mùa hè năm 1934, tại Doanh Khẩu đột ngột xuất hiện mưa to liên tiếp trong 40 ngày. Mưa lớn khiến cho nước sông Liêu dâng nhanh và biến vùng đầm lau sậy tại bờ bắc sông thành vùng nước mênh mang.
Sau khi hết mưa, người dân sinh sống ở đây đã phát hiện ra một con rồng khổng lồ bị mắc kẹt trong đám lau sậy. Lúc bấy giờ, người ta cho rằng rồng trên trời xuống là điềm may mắn. Lo sợ con rồng bị chết khô nên nhiều người đã đan lau sậy thành tấm che nắng và đổ nước lên người con rồng để tránh cho nó bị chết khô. Nhiều nhà sư và người dân đã tới để cầu nguyện, siêu độ cho tới khi lại xuất hiện một đợt mưa dài ngày nữa và con rồng biến mất mới dừng lại.
Hơn 20 ngày sau đó, con rồng này lại xuất hiện tại đám lau sậy cách cửa sông Liêu 10 km. Tuy nhiên, lần này, con rồng đã không phải là một sinh vật sống nữa mà nó đã chết, thịt bắt đầu thối rữa với một mùi tanh hôi khó chịu.
Sau đó, đồn cảnh sát số 6 của thành phố đã đến để phân hủy và mang bộ xương con rồng đến một vùng đất trống ở gần bến sông cửa biển Tây Hải để người dân có thể chiêm ngưỡng trong vài ngày. Tờ “Thịnh Kinh thời báo” lúc bấy giờ có đăng tin về sự kiện này.
Bài đăng trên tờ Thịnh Kinh còn chia sẻ thêm rằng con rồng bị mắc cạn trong 1 cái hố dài 17m, rộng tới 8m, trên thành của miệng hố có những vết móng cào rất rõ ràng. Nó có 2 sừng trên đầu và 4 móng vuốt trên bụng.
Miêu tả này khá tương đồng với những ghi chép trong cuốn “Biên niên sử thành phố Doanh Khẩu” về độ dài và chi tiết có sừng trên đầu. Ngoài ra, cuốn sách này còn cho biết con rồng có tới 29 đốt sống lưng. Cũng theo cuốn sách thì bộ xương của con rồng đã được làm thành mẫu vật và giao cho Trường trung học thủy sản Doanh Khẩu trưng bày.
Tiến sĩ Donald Stewart – nhà nghiên cứu sinh vật học khi làm việc tại hồ Morar ở Scotland mô tả một sinh vật giống như rồng, có bướu trên lưng, dài khoảng 6m. Vào tháng 8/1969, trong lần ra câu cá ở hồ Morar, hai người đàn ông Duncan McDonnell và Bill Simpson phát hiện thấy một con quái vật dài gần 8m khi nó đâm vào xuồng máy của họ. Nó có lớp da dày, màu nâu sậm với 3 cái bướu màu đen trên lưng, chiếc đầu giống rắn, sau đó nó biến mất thật nhanh vì bị một người đánh bằng mái chèo và người kia nổ súng.
Tìm thấy hóa thạch rồng ở Hàm Đan, Hà Bắc
Năm 1988, một người dân ở thôn Khương Dao, Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc Trung Quốc phát hiện ra hóa thạch một bộ xương của một sinh vật, giống rồng, dài tới 369m. Ở mỗi đoạn xương sống của rồng đá, các chuyên gia còn tìm thấy một số sợi nối nhạt màu còn sót lại. Họ cho rằng đây có thể là một loại keo nối đặc biệt từ thời xưa để tạo ra phần tủy của rồng đá. Nhưng loại keo gì mà có thể tồn tại qua hàng chục nghìn năm?
Không những vậy, thôn dân còn đào được thêm 9 con rồng đá nhỏ hơn. Dù nhỏ hơn nhưng chiều dài của chúng cũng từ hai đến ba trăm mét. Điều kỳ lạ là mặt cắt ngang của những cột đá nằm đó có rất nhiều vòng tròn với đường nét rõ ràng. Thoạt nhìn, chúng rất giống những vòng sinh trưởng của một cái cây lớn. Màu sắc bên ngoài của cột đá nhạt hơn, càng vào bên trong thì màu càng sẫm. Loại đá này chưa ai từng nhìn thấy. Thậm chí, cả những người từng làm thợ đá cũng cho biết, rất khó tìm thấy loại đá nào có thể chạm khắc thành một con rồng đá có kích thước lớn như vậy trong bán kính hàng chục km quanh thôn.
Sau khi biết tin, chính quyền địa phương lập tức phong tỏa hiện trường và mời một nhóm chuyên gia tới làm việc. Đánh giá từ kết quả kiểm tra, những con rồng đá này có niên đại từ cách đây ít nhất 30.000 năm.
Con rồng lớn nhất nằm ở giữa, bên trái có 5 con rồng và bên phải có 4 con rồng nhỏ. Thôn dân cho biết, cách sắp xếp này được gọi là thập long quy tụ. Ngoài ra, bên cạnh những con rồng, người dân còn tìm thấy nhiều hòn đá hình dáng giống như những quả trứng rồng.
Mặc dù các nhà khoa học cố gắng giải thích những con rồng đá này hoặc là sản phẩm nhân tạo, hoặc là do thiên tạo gây ra bởi những biến đổi địa chất thay vì chấp nhận những con rồng đá này chính là hóa thạch của loài rồng. Những giải thích khoa học này còn rất nhiều sơ hở và khiên cưỡng, câu hỏi về mười con rồng đá ở Hàm Đan vẫn còn bỏ ngỏ.
Với sự phổ biến trong văn hóa cùng những ghi nhận rõ ràng trên lịch sử, chúng ta vẫn có thể hy vọng loài bò sát khổng lồ sống trong hang động, vùng biển hay các thung lũng, cánh rừng mà con người ít đặt chân đến mang tên “rồng” là có thật.
Nghi Vân (t.h)
Theo NTDVN, Livepterosaur, Mysterious,…
Xem thêm:
Việt Nam có hang động lớn nhất thế giới, hơn 3 triệu tuổi, đủ chứa tòa nhà 40 tầng của Mỹ
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*