spot_img
21 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Việt Nam phòng chống nạn mua bán người

Tân Thế Kỷ (TTK) – Sáng 8/5, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Việt Nam phòng chống nạn mua bán người
8 bị cáo trong đường dây đưa 37 người sang Campuchia bán thận, lớn nhất từ trước đến nay, bị đưa ra xét xử – VNE/TTK

Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2022, cả nước phát hiện 440 vụ với hơn 1.200 nạn nhân (phụ nữ chiếm 58%). Trong số này 19 vụ bóc lột tình dục; 132 vụ cưỡng bức lao động; 4 vụ để lấy bộ phận cơ thể.

Năm 2012-2020, mục đích mua bán người chủ yếu đưa ra nước ngoài (chiếm trên 85% tổng số vụ). Tuy nhiên, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều giao dịch ở trong nước, tỷ lệ 45-50%.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho hay còn xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Một số vụ mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tổ chức thiện nguyện.

“Nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba”, bà Hoa thông tin thêm.

1.240 nạn nhân – mua bán nam giới có xu hướng tăng

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong kỳ báo cáo (2018-2022), trên cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, với 1.240 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết nội dung đáng chú ý khi mua bán người ở trong nước và mua bán nam giới có xu hướng tăng lên, nhằm cưỡng bức lao động trên tàu cá.

Việt Nam phòng chống nạn mua bán người
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa. – Hoàng Phong/VNE

Hai “chiêu trò dụ dỗ’ thường gặp

Trong các thủ đoạn, theo Ủy ban Tư pháp, nổi lên chiêu dụ dỗ nạn nhân làm “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Nạn nhân muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn, có thể lên đến 10.000 USD.

BN 3 jpeg

Dạng thứ hai, tội phạm lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân. Sau khi ra khỏi Việt Nam, nạn nhân bị thu giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bước lao động, mại dâm, ép thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bốn năm qua, cơ quan có thẩm quyền phối hợp giải cứu 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 người trở về.

Ủy ban Tư pháp nhận định các thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng “tinh vi, vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ trong và ngoài nước”. Nguyên nhân do Việt Nam có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Tình trạng thiếu việc làm; lợi nhuận khổng lồ từ mua bán người cũng khiến nhiều người tham gia vào đường dây mua bán người.

Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác quốc tế đặc thù về phòng, chống mua bán người, hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ giữa Việt Nam với một số nước có nhiều nạn nhân là người Việt Nam chưa đầy đủ. Tiêu chí xác định hành vi mua bán người của Việt Nam với các nước chưa đồng nhất nên nhiều vụ án bị kéo dài hoặc bị tạm đình chỉ.

Dự luật phòng chống mua bán người

Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), tập trung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Chính phủ tạo chính sách khuyến khích, tạo công ăn việc làm thu hút lao động tại địa phương hạn chế tình trạng người dân đi lao động trái phép ra nước ngoài. Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết hiệp định về dẫn độ tội phạm; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống mua bán người; quản lý di biến động về dân cư.

Phá đường dây mua bán nội tạng lớn nhất ” lấy ý tưởng từ Trung Quốc”

Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, 8 bị cáo trong đường dây đưa 37 người sang Campuchia bán thận, lớn nhất từ trước đến nay, bị đưa ra xét xử.

Ngày 23/3, Đào Đức Hai Việt (28 tuổi), Hoàng Đức Tùng (31 tuổi), Phạm Quang Cảnh (26 tuổi), Huỳnh Linh Tâm (30 tuổi) cùng 4 đồng phạm bị TAND TP HCM xét xử về tội Mua bán bộ phận cơ thể người theo Điều 154 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 12 năm đến chung thân.

Là người có vai trò cầm đầu, Tôn Nữ Thị Huyền (46 tuổi) đã chết trong quá trình điều tra bổ sung do bị suy thận, nên được đình chỉ điều tra. Đây là đường dây mua bán thận lớn nhất từ trước đến nay bị triệt phá.

Theo cáo trạng, năm 2009, Huyền sang Trung Quốc ghép thận nên quen Đào Thành Nhân (chưa rõ lai lịch), sống tại Campuchia. Cuối năm 2016, Huyền qua Campuchia gặp lại Nhân và được người này giới thiệu với bác sĩ tên Trần (người Singapore) làm việc tại bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh.

Ông này nói Huyền về Việt Nam tìm người bán thận đưa sang ghép cho người có nhu cầu với giá 15.000-17.000 USD (350-400 triệu đồng). Huyền được bác sĩ này hướng dẫn cách tuyển chọn người và phương pháp làm các xét nghiệm như: HLA, PRA, kiểm tra đối chiếu chéo.

Khi về nước, Huyền phối hợp Đào Đức Hai Việt (quen khi sang Campuchia bán thận) lên mạng xã hội tìm kiếm người bán thận. Mỗi quả thận được ghép thành công, Việt được trả công 15-25 triệu đồng. Những người bán thận sau đó về nước tiếp tục tìm “khách” cho đường dây của Huyền.

Vũ Nam tổng hợp.

Xem thêm:

Canada nhất trí thông qua Dự luật chống buôn bán nội tạng

Chín nghị sỹ quốc hội Phần Lan kêu gọi Trung Quốc đưa những tội phạm cưỡng bức thu hoạch nội tạng ra công lý

Vụ đỉa trong nước uống đóng chai, Bộ Y Tế vào cuộc

 

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều