spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Điểm mặt những thành viên NATO ủng hộ, phản đối Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công Nga

Tính đến nay, một số quốc gia thành viên NATO đã lên tiếng về việc Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ của phương Tây để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Từ quốc gia thành viên NATO thứ hai cho phép

Chính phủ Thụy Điển đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga, truyền thông địa phương ngày 26/5 đưa tin.

Pháo tự hành Archer do Thụy Điển cung cấp cho Ukraine.
Pháo tự hành Archer do Thụy Điển cung cấp cho Ukraine.

Theo trang Ukrinform, trả lời phỏng vấn báo địa phương Hallandsposten, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson cho biết, chính phủ đồng ý cho Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.

“Ukraine là mục tiêu tấn công của Nga. Theo luật pháp quốc tế, Ukraine có quyền tự vệ thông qua các hành động quân sự nhằm vào lãnh thổ của đối phương nếu những hành động này tuân thủ luật pháp và quy tắc chiến tranh. Thụy Điển ủng hộ luật pháp quốc tế và quyền tự vệ của Ukraine”, ông Jonson trả lời câu hỏi của báo Thụy Điển Hallandsposten.

Thụy Điển là quốc gia thành viên NATO thứ hai sau Anh nêu quan điểm về vấn đề trên. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố Anh không phản đối Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.

Ukraine đã tung xe bọc thép chiến đấu CV90 ra tiền tuyến ở vùng Kharkiv.
Ukraine đã tung xe bọc thép chiến đấu CV90 ra tiền tuyến ở vùng Kharkiv.

“Theo quan điểm của chúng tôi, Ukraine có quyền quyết định về các vũ khí mà họ sử dụng nhằm mục đích tự vệ. Chúng tôi không có bất cứ giới hạn nào với Ukraine. Nga đã tấn công Ukraine và Ukraine có quyền đáp trả”, ông Cameroon nói.

Bình luận của Ngoại trưởng Anh sau đó đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Nga. Moscow cảnh báo sẽ tấn công nhằm vào các mục tiêu của Anh bất kể ở đâu nếu Ukraine sử dụng vũ khí do London cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga.

“Các mục tiêu của Anh trên lãnh thổ Ukraine hay ngoài biên giới Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công của Nga nếu viễn cảnh đó xảy ra”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 23/5.

Tên lửa phòng không vác vai RBS 70 do Thụy Điển sản xuất.
Tên lửa phòng không vác vai RBS 70 do Thụy Điển sản xuất.

Trong cuộc xung đột đang diễn ra, Thụy Điển đã cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí khác nhau, bao gồm xe bọc thép chiến đấu CV90, tên lửa chống tăng TOW, tên lửa phòng không vác vai RBS 70, pháo tự hành Archer và nhiều vũ khí khác.

Theo giới quan sát, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi đồng minh phương Tây cho phép sử dụng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga nhưng lời kêu gọi chủ yếu nhắm vào Mỹ.

Ukraine muốn Mỹ cho phép sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa trong lãnh thổ Nga vì loại tên lửa này có khả năng gây thiệt hại đáng kể nếu tấn công nơi Nga tập kết binh sĩ hoặc khí tài quân sự.

Đến hai cường quốc NATO kiên quyết phản đối

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni khẳng định các nước này phản đối việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Truyền thông Đức ngày 26/5 đưa tin Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định nước này phản đối việc Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Đức cung cấp.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm 75 năm ra đời “Luật Cơ bản” ở Đức, Thủ tướng Scholz cho biết: “Hiện có những quy định rõ ràng về việc cung cấp vũ khí mà chúng tôi đã thực hiện giữa Berlin và Kiev. Và những quy định đó vẫn có hiệu lực.”

Ông nhấn mạnh chính sách của Berlin nhằm ngăn chặn xung đột Nga-Ukraine leo thang.

Cùng ngày 26/5, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã nhắc lại sự phản đối của Rome đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Các phát biểu của lãnh đạo Đức và Italy được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 24/5 kêu gọi các quốc gia đồng minh của Ukraine “xem xét dỡ bỏ một số hạn chế áp đặt đối với việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine.”

Theo đó, trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo The Economist của Anh, ông Stoltenberg cho rằng các đồng minh của Ukraine nên cân nhắc việc cho phép nước này sử dụng vũ khí do NATO cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga, thay vì chỉ hạn chế sử dụng trên lãnh thổ Ukraine.

Liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, lãnh đạo một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tới Praha, Cộng hòa Séc, vào ngày 28/5 tới theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Petr Fiala để thảo luận vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine và hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Thông cáo báo chí của Chính phủ Séc cho biết: “Cuộc họp tập trung thảo luận về sáng kiến viện trợ đạn dược của Séc, phòng không của Ukraine và hợp tác công nghiệp quốc phòng ở châu Âu.

Trong hai ngày 30-31/5, ngoại trưởng các nước thành viên NATO cũng sẽ tham dự hội nghị không chính thức ở Praha. Với chủ đề chính là cuộc xung đột ở Ukraine, hội nghị tại Praha là sự chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới tại thủ đô Washington (Mỹ).

Uyên Huỳnh (Theo Tri thức & Cuộc sống, TTXVN)


ắc quy xe điện điện năng

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều