Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có tổng chiều dài 16km, chảy qua 5 quận gồm Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, 1, 3 và đổ ra sông Sài Gòn tại khu vực xưởng đóng tàu Ba Son cũ. Sau sự kiện dồn ứ hàng trăm tấn rác khi gián đoạn thu gom gần đây, câu hỏi về nguồn gốc của rác một lần nữa được nhiều người quan tâm.
Và điểm bắt đầu của dòng kênh là từ cửa cống hộp giao giữa đường Lê Bình và Út Tịch thuộc quận Tân Bình.
Một ngày đầu tháng 5-2024, phóng viên Tuổi Trẻ theo chân các công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM tham gia vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Chuyến đi ngược dòng có thể là một góc nhìn giải mã phần nào nguồn gốc của rác sau sự kiện dồn ứ hàng trăm tấn rác khi gián đoạn thu gom gần đây.
Thủ phạm từ cống xả thải?
Ca vớt rác hôm ấy có sáu công nhân chia ra ba tàu, ai nấy đều cầm sẵn trên tay các “vũ khí” chuyên dụng gồm vợt, cào và thùng đựng rác… Ông Trương Văn Hổ (tổ trưởng đội vớt rác) đưa cho tôi áo phao và không quên nhắc: “Kênh này không quá sâu, nhưng lỡ rớt xuống dính bùn rác về nhà tắm cả tháng chưa hết mùi đâu”.
Ba chiếc tàu bắt đầu tiến về hướng cầu Hoàng Hoa Thám, vừa đi hai chiếc càng gắn bên hông tàu xòe ra cật lực lùa rác.
Ông Hổ chỉ tay về hướng cống xả nước dân sinh từ các nhà dân giải thích đó là một trong những vị trí mà rác “vớt hoài không hết”. “Ngày nào rác cũng ồ ạt từ các đường cống đó xả thẳng ra đoạn kênh này” – ông Hổ nói.
Càng đi sâu vào gần các “điểm đen” về rác, chúng tôi tá hỏa bởi lượng rác càng ken đặc. Hàng trăm loại rác sinh hoạt như bịch ni lông, hộp xốp, chai nhựa, vải… và cả xác chết động vật đang phân hủy đã bốc mùi trôi lềnh bềnh mặt kênh.
Với lượng rác thế này, chẳng mấy chốc rác đã đầy ắp túi đựng. Khi nửa tấn rác ở khu vực trên vừa được vớt xong cũng là lúc một chiếc tàu đã đầy ắp rác, phải quay về bến tàu đưa đi trung chuyển.
Hai chiếc tàu còn lại tiếp tục xuôi theo dòng hướng về rạch Xuyên Tâm.
Rốn rác – rạch Xuyên Tâm
Chúng tôi không khỏi sửng sốt trước khung cảnh “chỉ thấy rác chứ không thấy nước” ở khu vực rạch Xuyên Tâm. Một anh công nhân cho biết có thể nói rạch Xuyên Tâm là “rốn rác”, bởi đây cũng là vị trí có rác trôi ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhiều nhất.
Chưa kịp dứt câu, bất ngờ chiếc tàu đứng khựng lại. Bủa vây xung quanh là rác, tiếng máy tàu gầm rú liên hồi bất lực.
Người lái tàu cho biết bánh lái “chân vịt” của tàu đã bị rác cuốn vào nên không thể tiếp tục di chuyển. Tuy vậy, dường như trục trặc này đã trở nên quá quen thuộc với công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Người lái tàu nhanh chóng tắt động cơ để công nhân vớt bớt rác ra khỏi chân vịt, cho chân vịt xoay đổi chiều một lúc và tàu hoạt động bình thường trở lại.
Tiến sâu hơn vào phía trong rạch Xuyên Tâm là hình ảnh các đường ống nước thải sinh hoạt của các nhà dân ven rạch được đấu nối xả thẳng ra ngoài.
Nước giặt giũ, rửa chén bát của người dân liên tục tạt xuống kênh. Đoạn kênh này nổi bọt trắng xóa nhưng vẫn không che nổi màu nước đen và đặc quánh như nhớt do ô nhiễm.
“Có những ngày lượng rác bị xả ra rạch Xuyên Tâm đột ngột tăng, chúng tôi phải lấy dây căng (loại phao nổi) để ngăn rác chảy ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Tuy nhiên, tình trạng xả rác ngày qua ngày vẫn tái diễn khiến lượng rác bị dồn ứ cục bộ gây ô nhiễm trầm trọng và mất mỹ quan đô thị” – ông Hổ nói.
Theo ông, trung bình mỗi ngày các công nhân vớt khoảng 8-10 tấn rác, trong đó hơn phân nửa là rác sinh hoạt. Việc xả rác bừa bãi hiện nay, ngoài việc dồn ứ lượng rác thải lớn, theo ông Hổ còn là một trong những nguyên nhân chính lâu lâu cá chết hàng loạt, xác cá nổi lềnh bềnh trên mặt kênh.
“Nếu chỉ có bấy nhiêu đây người vớt rác, trong khi lượng người xả quá lớn chắc vớt hoài cũng không thể hết rác.
Chúng tôi chỉ mong bà con có ý thức, bỏ rác đúng nơi đúng chỗ. Bà con hãy nghĩ xa hơn, nếu đời chúng ta mà cứ xả rác như vầy thì đến đời con cháu sẽ không còn nơi sạch sẽ, trong lành để mà tận hưởng”, ông Hổ nghẹn ngào.
Hình ảnh vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Việc giữ gìn kênh, rạch không bị rác bao vây gây ô nhiễm không chỉ cần những nhân viên thu gom làm việc mỗi ngày mà cần sự giúp sức và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của tất cả người dân – Ảnh: Nhóm phóng viên
Người vớt, người xả thì rất khó!
Sự cố ùn ứ hơn 100 tấn rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cách đây vài tháng cho thấy khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất chủ yếu từ đoạn cầu số 1, 2 về hướng đường Lê Bình (quận Tân Bình). Trong đó, đoạn gần cầu số 1 đọng hơn 100 tấn rác.
Ngoài ra, nhiều đoạn thuộc kênh này cũng bị cạn trơ đáy ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài sinh vật.
Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy TP.HCM Nguyễn Ngọc Tuấn nói trong thời gian chờ UBND TP.HCM phê duyệt phương án tái ký hợp đồng với đơn vị dọn rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trung tâm có phương án thay thế tạm.
“Tuy nhiên về lâu dài, tôi đề nghị chính quyền địa phương cùng các đơn vị chức năng hỗ trợ và cùng ngăn chặn việc xả rác. Nếu một người vớt, nhiều người xả rác thì rất khó” – ông Tuấn nói.
Xem thêm:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*