spot_img
21 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Người người chạy đua… ‘bắt trend’ để làm gì: Phải thử cho biết để không lạc hậu?

Tân Thế Kỷ – Sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội khiến việc tiếp cận các xu hướng trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết. Vì vậy, không quá khó để một người có thể tìm bắt kịp một xu hướng mới nhất. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, người người chạy theo xu hướng để làm gì?

Quá dễ để tìm một xu hướng mới?

Vài tháng trước, một cơn sốt mang tên “gỏi gà măng cụt” xuất hiện khắp nơi trên các nền tảng mạng xã hội. Gõ từ khóa này vào công cụ tìm kiếm trên Internet, có khoảng 712.000 kết quả trong 0,61 giây với hàng loạt trang web hướng dẫn cách chế biến.

Trong một nhóm về măng cụt trên Facebook với gần 20 nghìn người tham gia, mỗi ngày có hàng chục bài đăng về việc đăng bán, hỏi mua măng cụt xanh. Sôi động hơn, nền tảng mạng xã hội video Tiktok có hàng trăm nghìn clip chế biến, thưởng thức món ăn một cách trực quan nhất, đánh vào cảm xúc, tâm lý của người xem.

Phạm Vũ Nghi (28 tuổi ở Hà Nội) cũng không nằm ngoài “cơn bão” mang tên gỏi gà măng cụt. Khi thấy bạn bè, người thân đăng hình lên mạng xã hội chia sẻ đang tìm măng cụt xanh để chế biến món gỏi, Nghi cũng tò mò muốn thử. Dù định sẽ làm thử vào 2 ngày cuối tuần nhưng từ đầu tuần, hễ lướt Tiktok là món này lại đập vào mắt, khiến cô phải tìm mua cho bằng được.

“Càng xem nhiều video chế biến món gỏi gà măng cụt, tần suất gặp những video tương tự càng tăng khi lướt mạng”, Nghi chia sẻ lý do khiến bản thân bị cuốn vào vòng xoáy của trào lưu.

Trái gọt sẵn giá đắt, hơn nửa triệu đồng/ kg nên Nghi quyết định mua trái xanh về gọt, dù từng xem nhiều video cảnh báo công việc này khá mất thời gian.

Và sự thật giống như những gì cô thấy trong những video. Nghi mất hơn 2 tiếng để gọt nửa ký trái xanh. Thưởng thức thành quả, cô gái chia sẻ thật sự món này lạ miệng, nhưng chỉ nên ăn cho biết.

“Mình muốn thử xem gọt quả măng cụt xanh có khó không như mọi người chia sẻ không, hơn nữa chưa ăn bao giờ thì phải thử cho biết”, Nghi chia sẻ thêm lý do khiến mình phải ăn món này cho bằng được.

edit goiga 16880348731201286837136
Măng cụt xanh cắt lát để trộn gỏi gà. – Ảnh: Oanh Trần

Lê Quốc Anh (29 tuổi) một người dân ở thủ phủ măng cụt Bình Dương chia sẻ, từ lâu người dân vùng này vẫn dùng trái xanh làm gỏi để thay đổi khẩu vị. Món này cũng nằm trong thực đơn của một số quán ăn gia đình mỗi dịp đầu hè. “Năm nay bỗng sốt mạng khiến tôi cũng bất ngờ không thể hiểu nổi”, chàng trai nói.

Theo khảo sát nhanh của phóng viên Thanh Niên, trong 10 người được hỏi rằng: “Bạn sẽ ăn lại món gỏi gà măng cụt vào năm sau chứ?, thì đến hơn một nửa trả lời là “không”. Như vậy,  “hot trend” của năm nay chưa chắc vẫn còn tồn tại trong tương lai.

Hay gần đây, có trend mới đó là trend chụp ảnh xe hoa. Check-in cùng chiếc xe chở mùa Thu Hà Nội trên phố. Những ngày này, đi dọc các con đường cộp mác mùa thu Hà Nội như Thanh Niên, Phan Đình Phùng… đều bắt gặp các gánh hàng hoa và dòng người chen nhau tạo dáng. Lên mạng xã hội, đâu đâu cũng tràn ngập các “nàng thơ”.

xe hoa ha noi 05
Gần đây, có trend mới đó là trend chụp ảnh xe hoa. – Ảnh: studiochupanhdep.com

Không chỉ ở Hà Nội thôi đâu, không khí mùa thu Hà Nội năm nay đã được lan toả đi khắp ba miền thông qua hình ảnh các gánh hàng hoa. Từ Cao Bằng, Tuyên Quang… đến Sơn Tây (Hà Nội), Hải Phòng, Thái Bình… về tới Quảng Trị, Huế hay Gia Lai… TP HCM. Nơi nào có xe hoa đều trở thành tâm điểm.

Chủ nhân của những gánh hàng hoa, có khi chỉ là những cô cậu sinh viên, những người trẻ nhìn thấy cơ hội kinh doanh. Họ đã đưa mùa thu Hà Nội về, biến tấu và kết hợp, sao cho vừa giữ được nét đẹp ban đầu mà cũng vẫn có đặc trưng của nơi mình sống. Hay có cả những quán cafe, homestay, thương hiệu kinh doanh, cũng mượn hình ảnh đó như một cách truyền thông, thu hút khách hàng, tăng độ nhận diện.

Chẳng cần biết lợi hại, cứ thấy trend là bắt nhanh như chớp

Khi một trào lưu xuất hiện, chẳng cần biết nó tốt xấu thế nào người ta lập tức chạy theo. Ai cũng sợ mình bắt trend muộn hơn người khác sẽ hết hot. Ai cũng sợ người ta không biết bản thân cũng giỏi chạy theo trend.

Và thế là chẳng cần biết nó tốt hay xấu, chỉ cần thỏa mãn niềm vui nhất thời là người ta lại chạy theo trend để làm video đăng tải lên mạng xã hội. Khi những bữa cơm 5 nghìn, 10 nghìn đồng xuất hiện hàng loạt bạn trẻ đã thử trend cầm theo 5 nghìn, 10 nghìn đồng ra chợ mua thịt.

Thậm chí nhiều người còn cho nó là thú vui khi “chọc” được các cô bán hàng nổi đóa. Và thế là chỉ khổ những người lao động ngày ngày mong chờ vào khách hàng. Cả buổi sáng tiếp khách thật thì ít mà tiếp những bạn trẻ chạy theo trend thì nhiều. Thử hỏi ai cũng cầm 5 nghìn, 10 nghìn đồng đi mua thịt thì sẽ như thế nào? Vẫn biết rằng mỗi người sẽ có một nhu cầu riêng nhưng không thể cả buổi sáng có 5 khách thì cả 5 khách đều mua 5 nghìn thịt được.

co gai du trend vao dam cuoi nguoi la an ke gay phan no
Không ít bạn trẻ sẵn sàng trà trộn vào đám cưới người khác chỉ để quay video đi ăn cỗ.  – Ảnh: kienthuc.net.vn

Sự phiền toái nhất phải kể đến trào lưu “đi ăn cưới người lạ”. Không ít bạn trẻ sẵn sàng trà trộn vào đám cưới người khác chỉ để quay video đi ăn cỗ. Gần đây là một cô gái ở Nam Định hào hứng lên đồ lộng lẫy review từng món ăn trên bàn tiệc người lạ. Nào là tôm như thế nào, gà ra sao, lẩu như thế nào. Thậm chí bữa cỗ này còn được tổ chức trong nhà hàng khiến cô gái cảm thán “hôm nay thực hiện thử thách lại vớ được cỗ hời”. Mặc dù sau đó cô gái này có bỏ phong bì tiền mừng nhưng điều đó vẫn khiến khán giả bức xúc.

Thử đặt địa vị bản thân là cô dâu, chú rể, trong ngày trọng đại, thiêng liêng nhất của cuộc đời lại có người lạ đến làm trò. Chưa kể đãi tiệc trong nhà hàng mỗi gia đình đều đã có dự trù số lượng cỗ đủ với khách mời. Việc một người lạ đột ngột tới ăn sẽ chiếm chỗ của người thân cô dâu, chú rể thật sự. Thử tưởng tượng nếu trào lưu này phổ biến, hàng loạt người học theo thì ngày lễ trọng đại trong cuộc đời sẽ biến thành cái gì?

Do tâm lý đám đông hay muốn gây sự chú ý?

Báo cáo của Digital năm 2021 của công ty quảng cáo kỹ thuật số We Are Social (Anh), có khoảng 72 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Điều này cho thấy, cũng ngần ấy người dân có thể tiếp cận được các trào lưu mới trên mạng xã hội và làm theo một cách nhanh chóng.

Chuyên gia tâm lý, ThS Đặng Hoàng An chia sẻ: “Tâm lý con người mang tính lịch sử – xã hội, nên một khi có những trào lưu đang diễn ra thịnh hành trở thành xu hướng thì tâm lý con người cũng sẽ bị tác động. Một trong những nguyên nhân chính đến từ từ tâm lý đám đông, trào lưu đó thịnh hành nên có không ít người dùng cũng muốn gây sự chú ý, được quan tâm đến nội dung của mình”.

Tất cả tạo thành một làn sóng, buộc chúng ta phải đi theo, dù có quan tâm hay không. Thi thoảng, chúng ta sẽ tự hỏi, có những điều mình đang làm vì thích, hay chỉ vì đang chạy theo xu hướng mà tất cả những người xung quanh đang đi theo?

Khi cứ mải chạy theo những xu hướng mà người khác thích, chúng ta nhiều khi sẽ không còn biết mình là ai trong thế giới này, và cũng chẳng còn biết điều gì mới là điều tốt nhất dành cho mình. Rồi chợt giật mình nhận ra, trở lại với những mong muốn nguyên bản, thì hiểu đúng, làm đúng, sống đúng mới là điều quan trọng nhất.

Nhưng có những người trẻ sẽ phản bác lại ngay, chạy theo xu hướng có gì là sai?

“Chúng tôi làm chạy theo xu hướng đấy, thì sao nào? Chúng tôi thích phong trào đấy, thì ảnh hưởng đến ai nào?”.

“Có những xu hướng tốt lắm, ngầu lắm đúng không?”

Như là #challengeforchange – thử thách dọn rác, khi mà để chạy theo xu hướng này, người ta phải rất tâm huyết và bỏ ra nhiều công sức. Hoặc #lessplastic, #eco-friendly (những xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường), hoặc phong trào lên án việc lái xe khi say xỉn.

Đó đều là những xu hướng khơi gợi được bản năng tốt đẹp trong mỗi chúng ta. Đôi khi, chúng ta không hẳn quá thờ ơ với môi trường, với những người xung quanh, chỉ là chưa đủ dũng khí để có thể nói, để làm những điều tốt đẹp, thì xu hướng chính là một sự thúc đẩy, một động lực đánh thức những giá trị đó trong mỗi người.

Thay vì chỉ trích việc chạy theo xu hướng, có chăng, chúng ta nên điều chỉnh nó một chút, trở thành động lực để chúng ta dũng cảm hơn. Sau đó, hãy vì bản thân mình để nghiêm túc tìm hiểu, và làm đúng.

Trào lưu nhất thời liệu có trở thành lối sống?

Cũng trong năm nay, trào lưu trộn kem lạnh cùng với các món ăn khác cũng thu hút hơn 400 nghìn lượt người dùng tham gia, dựa theo số hastag đếm được.

#ThuThachTronKem được giới thiệu đã tạo ra “cơn chấn động” trên nền tảng Tiktok. Theo đó, đã có hơn 400 triệu lượt xem những video chia sẻ biến tấu, trộn và ăn kem lạnh kết hợp với mì, súp cua hoặc thậm chí là mắm tôm…

Tuy nhiên, chính vì việc làm này chỉ mang tính giải trí, thỏa mãn sự tò mò nhất thời và đem lại không ít trải nghiệm khó chịu nên nhanh chóng bị lãng quên.

Bên cạnh đó, cũng có một số trào lưu sống được với người dùng mạng xã hội.

Nguyễn Lương Ngọc (28 tuổi ngụ quận Gò Vấp) biết đến nhóm dọn rác Pandawara ở Indonesia, với hơn 100 triệu lượt thích trên kênh Tiktok.

edit z44738897093808a542b8ba4d3cb58ff73b47a508b3a7f 1688035828296245177965
Trưởng nhóm Lương Ngọc (áo đen) và Nhật Duy (áo cam) cùng 2 thành viên kỳ cựu dọn rác tại một con kênh thuộc P.Linh Trung, TP.Thủ Đức hồi tháng 1. Ảnh: Phan Diệp

Cuối năm ngoái, một ý tưởng dọn rác ở các kênh rạch ô nhiễm ở TP.HCM được khởi xướng từ đây. Ngọc rủ thêm những người bạn của mình, ban đầu chỉ vài thành viên, họ tận dụng thời gian rảnh sau giờ làm dọn rác ở những con kênh ngập rác từng biết.

Ngọc chia sẻ, từ việc nhìn thấy những dòng kênh sạch rác, cùng sự ủng hộ của nhiều người trên mạng xã hội khiến cả nhóm có thêm nhiều động lực để nhặt rác. Sau hơn 2 tháng làm việc, đến đầu năm nay, câu chuyện của nhóm Sài Gòn Xanh do Ngọc làm “chỉ huy” được nhiều báo đài chia sẻ, ca ngợi về hành động lan tỏa vì môi trường.

Ngô Nhật Duy (25 tuổi) thành viên kỳ cựu của nhóm từ những ngày đầu chia sẻ, đến nay Sài Gòn Xanh đã tiến đến bước chuẩn bị thành lập một doanh nghiệp xã hội, không còn làm việc theo cảm hứng như trước nữa. Hiện tại, nhóm không chỉ đi dọn rác ở kênh mà còn tổ chức đi dọn rác ở miệng cống, khơi thông dòng chảy, dọn rác ở bờ biển.

edit thuytien 168803551296894296115
Hoa hậu Thùy Tiên dọn rác cùng nhóm Sài Gòn Xanh hồi tháng 3. – Ảnh: Nhóm Sài Gòn Xanh

“Thú thật, lúc trước mình cũng từng xả rác, nhưng từ khi tham gia nhặt rác, đăng video lan tỏa trên mạng xã hội, mình không cho phép bản thân làm điều đó nữa. Từ việc học theo nhóm bạn trẻ ở Indonesia, bọn mình đã biến nhặt rác, bảo vệ môi trường thành thói quen, lẽ sống của mình”, Nhật Duy chia sẻ.

Nhiều người bình luận nhóm Sài Gòn Xanh “làm màu”, “câu view”, sống theo trào lưu, chỉ được dăm ba bữa sẽ bỏ cuộc.

Nhưng kết quả là có thật. Từ 5 thành viên ban đầu, sau hơn nửa năm nhóm có hơn 300 thành viên. Mỗi đợt ra quân dọn rác thu hút khoảng 50 bạn trẻ tham gia. Tổng lượng rác gom được khoảng 1.000 tấn.

“Nhiều trường đại học, tổ chức và những người nổi tiếng như hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, diễn viên Nhật Kim Anh… cũng từng đồng hành cùng nhóm”, Nhật Duy chia sẻ.

ThS Đặng Hoàng An phân tích thêm, xu hướng phần lớn sẽ mang tính nhất thời, có thể bị dập tắt bởi một trào lưu mới hấp dẫn, cuốn hút hơn. Trong khi đó, thói quen và lối sống là những hành vi được con người thực hiện một cách thường xuyên, được lặp đi lặp lại nhiều lần, được hình thành trong một khoảng thời gian dài và mang tính ổn định.

“Vì thế, việc một ai đó chạy theo xu hướng một khoảng thời gian sẽ khiến họ thay đổi ít nhiều. Sự thay đổi đó có thể là tiêu cực hoặc tích cực”, vị chuyên gia nói.

Để xu hướng chỉ là khởi điểm, bạn hãy hiểu đúng, làm đúng, sống đúng. Đừng vì chạy theo xu hướng mà đánh mất đi chính bản thân mình. Vì mỗi chúng ta là một cá thể đặc biệt, bạn thể thử xu hướng nhưng nên chọn lọc xu hướng tích cực để thúc đẩy bản thân mình ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg 3

Khủng hoảng tuổi 30, chính xác thì bạn phải làm gì để thoát khỏi nó?

Nhiều người hối hận vì kết hôn muộn

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều