Tổng tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009, lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng hơn 4 lần). Đặc biệt, mức tăng rất nhanh trong giai đoạn 2009 – 2014 (20%/năm). Mức tăng trung bình khoảng 7%/năm ở giai đoạn 2015-2023 (trừ 2 năm Covid-19).
Tiêu thụ đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18,5 lít/người năm 2009, lên thành 66,5 lít/người năm 2023 (tăng ở mức 350%). Theo ước tính của Euromonitor (công ty nghiên cứu thị trường), tiêu thụ sẽ tăng trung bình 6,4% mỗi năm trong giai đoạn 2023- 2028, tổng giai đoạn tăng 36,6%.
Thông tin được đưa ra tại tọa đàm cung cấp thông tin báo chí về thực trạng tiêu thụ, tác hại của sử dụng đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong kiểm soát tiêu dùng do Bộ Y tế tổ chức ngày 15/11 ở Hà Nội.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là một trong các giải pháp can thiệp quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ và các tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe cộng đồng.
Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường các quy định về ghi nhãn thực phẩm như ghi nhãn dinh dưỡng, hàm lượng đường ở mặt trước; yêu cầu ghi cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do tiêu thụ nhiều đường; nâng cao nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của đồ uống có đường lên sức khỏe… Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc bán, quảng cáo, tiếp thị, tài trợ các sản phẩm đồ uống có đường.
Đề xuất áp thuế 40% với đồ uống có đường
Bộ Y tế đề nghị áp thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường, hoặc 30%, sau tăng lên 40% theo lộ trình, và có thể chia theo hàm lượng đường để có mức thuế khác nhau, tương tự như nhiều nước đang áp dụng.
Đồ uống có đường gồm các loại đồ uống có chứa đường tự do như: Nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ; chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn; và đồ uống sữa có pha chế hương liệu.
Về đối tượng chịu thuế, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, bổ sung theo lộ trình các loại đồ uống có đường khác, để phù hợp với định nghĩa của WHO.
Theo WHO, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, bao gồm: Nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ; chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn; và đồ uống sữa có pha chế hương liệu.
Theo định nghĩa này, theo đề xuất, thì còn một số loại chưa được bao hàm trong khái niệm nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam.
- Xem thêm: Gương vỡ lại lành, hạnh phúc gia đình thật sự trở về…
- Xem thêm: Nguồn gốc con người không phải trên Trái Đất?
Xem thêm:
Bà Vanga dự đoán rùng mình về năm 2025: Sự khởi đầu của ngày tận thế
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*