spot_img
19 C
Vietnam
Thứ năm,19 Tháng chín
spot_img

Nhiều ngành khát nhân lực sao vẫn khó tuyển sinh?

Tân Thế Kỷ (TTK) – Theo Bộ GD-ĐT, xã hội đang rất cần nguồn nhân lực từ những nhóm ngành như khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản, môi trường và bảo vệ môi trường… nhưng các trường đại học có đào tạo những nhóm ngành này lại tuyển sinh được rất ít.

Vài năm trở lại đây, nhiều trường đại học có xu hướng mở thêm nhiều ngành nghề mới để bắt kịp được nhu cầu của xã hội cũng như người học. Nông – Lâm nghiệp và Thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học cơ bản, KH sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường… là nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao.

Tuy nhiên những ngành này hiện không còn nhiều sức hút với người học. Những năm qua, các trường đã làm nhiều cách để thay đổi tình hình nhưng thực trạng tuyển sinh vẫn “nhạt nhòa”.

Lý do vì sao các ngành này khát nhân lực vẫn rất khó tuyển sinh?

Nhiều thí sinh dễ dàng lựa chọn các ngành “hot” như kinh tế, marketing, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, thay vì thử thách ở những ngành đặc thù như khoa học tự nhiên, xã hội, nông nghiệp hay môi trường hay nhiều ngành nghề truyền thống khác.

Theo TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác Chính trị Sinh viên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, các ngành khoa học cơ bản đang thiếu người học nguyên nhân do kén người học; xã hội chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của các ngành này, đầu ra để có việc làm hấp dẫn cũng không quá nhiều.

Tại Trường ĐH Tây Nguyên, ThS Phạm Văn Thuận – Trưởng phòng Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh cho biết, mấy năm nay, một số ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khó tuyển sinh nên không đủ chỉ tiêu. Nhiều công ty, doanh nghiệp về trường để tuyển dụng việc làm, với mức lương khởi điểm là 8 – 15 triệu đồng/tháng (tùy từng vị trí việc làm).

Có công ty về trường tuyển dụng 400 lao động nhưng nhà trường không đủ sinh viên để đáp ứng chỉ tiêu. “Có thể nói, ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản rất “khát” nhân lực, sinh viên ra trường “đắt như tôm tươi”. Tiếc là, nhiều gia đình, học sinh không mặn mà với lĩnh vực truyền thống này”.

Đủ cách tuyển người học

Thực trạng nhiều ngành học trọng điểm cần nhu cầu nhân lực nhưng không tuyển được người học diễn ra vài năm nay. Dù các trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hút người học (gia tăng chính sách học bổng, miễn học phí, cam kết đầu ra việc làm) nhưng sự chuyển biến vẫn chưa nhiều.

Thống kê số liệu tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD&ĐT cho thấy trong tổng số 440 ngành thì có 94 ngành tuyển kém, tuyển sinh đạt dưới 50% chỉ tiêu. Những ngành học có tỉ lệ tuyển sinh thấp gồm Dịch vụ xã hội, Toán và thống kê, Khoa học Tự nhiên, Thú y, Khoa học sự sống, Dịch vụ vận tải, Nông – Lâm nghiệp và Thủy sản, Môi trường và bảo vệ môi trường…

Đáng chú ý, 3 năm liền, bốn lĩnh vực Nông – Lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học Tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách kém sức hút với người học. Sự thờ ơ của người học còn thể hiện ở mức điểm trúng tuyển các nhóm ngành trên nhiều năm nay gần như không tăng, chưa kể học phí cũng thuộc dạng “bét bảng” mà người học vẫn không mặn mà.

tuvantuyensinh tai thanh hoa 12 1read only 16178882060611844807925
Cần làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp để học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp. – Ảnh: tuoitre.vn

Thống kê của các trường về mức lương sau tốt nghiệp của sinh viên nhóm ngành trên khá ổn so với thu nhập trung bình từ 6 – 8,7 triệu đồng/tháng. Nhu cầu săn đón nhân lực của doanh nghiệp với nhóm ngành trên rất lớn. Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) – nhìn nhận nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đau đầu cần giải quyết.

Hàng năm, Tập đoàn HAGL tuyển dụng hàng trăm sinh viên chuyên ngành nông nghiệp nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng phát triển của doanh nghiệp. Hiện tại, HAGL đang có nhu cầu tuyển dụng bình quân hơn 100 kỹ sư chuyên ngành thú y và hàng trăm kỹ sư nông nghiệp khác/quý. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó vì nguồn nhân lực lĩnh vực này còn hạn chế.

“Để giải quyết bài toán trên, Tập đoàn HAGL thời gian qua đã ký kết hợp tác với các trường đại học chuyên về đào tạo kỹ sư nông nghiệp để tìm kiếm nguồn tuyển cũng như định hình tốt hơn cho xu hướng nông nghiệp công nghệ cao”, ông Đức nói.

Các trường có đào tạo nhân lực chất lượng cao khối ngành nông nghiệp trên cả nước hiện còn không nhiều. Những cái tên còn duy trì nhóm ngành học trên có thể kể tên như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Lạt, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, ĐH Văn Lang, ĐH Cửu Long, ĐH Trà Vinh… Các nhóm ngành đào tạo như: Nông học, Công nghệ sau thu hoạch, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật, Công nghệ sinh học, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Nông nghiệp công nghệ cao….

Tuy vậy, số lượng chỉ tiêu cho nhóm ngành trên tại các trường hàng năm không nhiều, dao động từ 50 – 120 chỉ tiêu/ngành vậy mà tuyển sinh rất hiếm trường đạt chỉ tiêu 100%. Điều đó phần nào phản ánh rõ thực tế khan hiếm nhân lực nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.

Có chung hoàn cảnh là nhóm ngành Khoa học cơ bản khi tỉ lệ tuyển sinh và chỉ tiêu các trường có đào tạo nhóm ngành này đều không tăng. Thống kê năm 2022 ở hàng loạt trường có đào tạo nhóm ngành Khoa học cơ bản ứng dụng như: Hóa học, Kỹ thuật địa chất, Vật lý, Công nghệ sinh học, Hải dương học, Khí tượng và khí hậu học, Tài nguyên và môi trường nước… việc tuyển sinh chỉ đạt 30 – 65%/tổng chỉ tiêu từng ngành.

Giải pháp nào lấp đủ thí sinh?

Nhân lực nhóm ngành Khoa học cơ bản, Nông nghiệp chất lượng cao ngày càng thiếu hụt, doanh nghiệp thì sẵn sàng săn đón, nhưng người học thì chưa sẵn sàng thay đổi tư duy về nhóm ngành nông nghiệp. Theo TS Nguyễn Duy Tân – Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang, đây chính là trở ngại lớn cần sớm tháo gỡ từ chính sách thu hút, cơ chế đặc thù trong đào tạo cho đến sức hút từ thu nhập ngành nghề.

TS Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang – cho rằng, việc học sinh không chọn học những ngành Khoa học cơ bản lỗi là của nhà trường, xã hội và cả chính sách khi công tác truyền thông cho học sinh thấy rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhóm ngành nghề này trong các hoạt động hướng nghiệp còn quá mờ nhạt.

“Chúng ta không cho học sinh thấy tầm quan trọng của nhóm ngành trên trong nền kinh tế mà chỉ chăm chăm nêu bật những thành tựu của công nghệ, dịch vụ và kinh tế – những ngành học theo xu thế, tên gọi hấp dẫn… thì không thể trách học sinh thờ ơ với nhóm ngành Khoa học cơ bản, nông nghiệp mà tìm kiếm ngành học đón đầu xu thế. Thực tế, khó khăn lớn nhất chính là việc thiếu chính sách ưu đãi, thu hút cho nhân lực nhóm ngành này”, TS Phương nói.

Diem Thi Dai Hoc Hai
Mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều thí sinh vẫn chọn ngành đăng ký xét tuyển theo số đông. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Để thích ứng bối cảnh mới và duy trì những ngành học khó tuyển, ngành học thuộc về thương hiệu của nhà trường, nhiều trường đã và đang xây dựng nhiều chính sách đi kèm nhằm hỗ trợ tối đa cho sinh viên. Trong đó, chính sách học bổng, việc làm là những chính sách “xương sống” nhằm đảm bảo cho sinh viên và tạo thêm sức hút cho ngành học.

Theo TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, hiện nay góc nhìn và tư tưởng chưa đúng, chưa thấu đáo về nhóm ngành nghề Nông – Lâm – Ngư nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thấm sâu vào đời sống một bộ phận không nhỏ người trẻ, nhất là với người trẻ xuất thân từ đô thị. Vì vậy, việc các trường làm mọi cách như đổi tên ngành, gia tăng hàng loạt chính sách thu hút về tài chính nhưng tỉ lệ học sinh chọn theo học vẫn chưa tăng nhiều.

“Sinh viên nhóm ngành nghề: Nông học, Thú y, Chăn nuôi, Công nghệ chế biến lâm sản của Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh 3 năm trở lại đây được doanh nghiệp săn đón nhiều với mức lương không thấp. Đây là thực tế mà các bạn trẻ cần tỉnh táo nhìn nhận, đánh giá và lựa chọn hướng đi lập thân. Nhiều bạn thích nuôi thú cưng, muốn theo học ngành Thú y nhưng bố mẹ lại sợ ngành học ấy “không sang” nên rẽ hướng với ngành khác rồi hụt hẫng và thất bại.

Thực tế, nhóm ngành này lại đang cực hot và có mức thu nhập ổn định. Vì vậy, lời khuyên cho thí sinh là phải biết lựa chọn ngành học từ đam mê bản thân nhưng cũng đừng quên tỉnh táo phân tích nhu cầu nhân lực thị trường qua các kênh thông tin chính thống”. – TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg 3

Xét tuyển y khoa bằng môn văn: Lo ngại chất lượng tuyển sinh

Những trường hợp nào được tuyển thẳng vào đại học năm 2023?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều