spot_img
22 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Những đứa con mãi không chịu ‘lớn’: 29 tuổi vẫn điệp khúc ‘Má ơi, cho xin mấy trăm’

Tân Thế Kỷ (TTK) – Hiện nay, nhiều bạn trẻ sớm trưởng thành, tự lập cuộc sống để khẳng định mình. Nhưng cũng có không ít đứa con mãi không chịu “lớn”, cứ sống bám cha mẹ, thậm chí bám tới cả vào những đồng lương hưu ít ỏi.

Nhiều người đến 30 – 40 tuổi vẫn chưa rời được cha mẹ. Vì sao, có giải pháp nào? Dù cảnh nhà chẳng dư dả gì, một số người con lớn tuổi vẫn có thói quen dựa dẫm gia đình. Thích thì làm không thì nghỉ, lúc hết tiền họ sẽ… xin tiền cha mẹ.

Dự tính làm công nhân tại một công ty may ở quận 12 (TP.HCM), anh Lê Văn Phước (đã được đổi tên, 29 tuổi, ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) bàn với vợ xin tiền mẹ để đi khám sức khỏe, hoàn chỉnh hồ sơ. Chị Nguyệt (vợ anh) cũng chẳng còn cách nào khác vì trong túi chỉ còn mấy chục ngàn đồng.

Điệp khúc xin tiền mẹ

“Không biết nó đã xin tiền làm hồ sơ bao nhiêu lần rồi. Cứ làm chỗ này ba bữa nửa tháng nó lại đùng cái nghỉ, qua chỗ khác cũng không thọ. Đợt Tết vừa rồi tôi có nói thôi ráng làm đi mà nó không chịu nghe”, bà Linh (55 tuổi, mẹ của Phước) cho biết.

Không chỉ xin tiền làm hồ sơ, Phước có đủ lý do để lúc thì mè nheo, lúc hờn giận khi xin tiền mẹ. Dù con lấy vợ sáu năm nay, dường như tuần nào bà Linh cũng chịu hết nổi bởi những cuộc gọi ỉ ôi của con.

Bà tâm sự rằng không cho thì thấy tội, cho hoài thì như Phước mặc định đó là trách nhiệm của bà. “Tôi làm mướn nên không dư dả gì. Mình thương con thương cháu mới nhín nhút cho chút đỉnh. Không biết mai mốt tôi già không đi làm nữa, nó xin ai…”, bà mệt mỏi nói.

Kể lý do chồng cứ đi làm vài bữa là nghỉ, chị Nguyệt cho biết tính chồng dễ tự ái rồi bỏ việc “ngang hông”. Từ làm công nhân, phụ việc quán phở, giao hàng… anh đều trải qua. Có nơi anh làm được một năm rồi cũng nghỉ do “nhiều việc mệt lắm” hoặc bị chủ “nói này nói nọ”.

Không muốn phàn nàn nhưng nhiều lúc chị quá mệt mỏi. “Năm ngoái, công ty gặp khó nên cho nghỉ việc, vợ chồng đều thất nghiệp. Có bữa chẳng còn gói mì để ăn, nói gì sữa cho con. Tôi nói ngọt lẫn nặng lời chuyện lo tìm việc, ảnh nổi sùng xách xe đi kiếm chầu nhậu của bạn”, chị kể.

Sốt ruột vì con đang tuổi ăn tuổi lớn, chị Nguyệt đi tìm việc mới. Không dám than với mẹ chồng vì sợ Phước biết sẽ sinh sự cãi nhau, chị chỉ còn cách âm thầm chịu đựng.

Khi họ hàng giới thiệu công việc hoặc gợi ý hướng làm ăn, Phước nghe rồi phớt lờ. Ở nhà anh cũng không quan tâm con nhỏ. Ngoài bữa trưa, còn lại anh luôn cắm mặt vào điện thoại chơi game, lướt TikTok.

Gần cuối tháng tiền trong túi chị Nguyệt thường hết sạch. Chị phải mượn bạn bè chi tiêu hoặc xin người nhà. Vợ chồng cũng không dành dụm được khoản nào. Chị tâm sự: “Nhiều đêm tôi thủ thỉ với ảnh là hai đứa ráng làm lo cho con, rồi mai mốt buôn bán nhỏ nhỏ. Ảnh cũng ừ ừ rồi không thấy thay đổi”.

Nếu có đi làm, Phước thường “hên xui”, lúc vui thì đưa vợ vài trăm, buồn đi nhậu. Mà số lần buồn nhiều hơn vui. Lúc túng thiếu, biện pháp anh đưa ra không phải là nhanh chóng tìm việc, mà là… xin tiền mẹ!

18 tuổi mới lần đầu… rửa chén

Sinh trong gia đình khá giả, Nguyễn Thu Trinh (26 tuổi, huyện Châu Phú, An Giang) và em trai 15 tuổi được cha mẹ cưng chiều. Gia đình buôn bán ở chợ, song từ nhỏ Trinh chẳng phải động móng tay vào việc gì, “chỉ cần lo ăn học”.

Chẳng thiếu thốn vật chất, cũng không làm việc nhà trừ khi được nhờ khiến chị dần ỷ lại. “Lâu lâu tôi mới phải quét nhà, bắc nồi cơm lên, đem đồ bỏ vào máy giặt rồi bấm nút chứ cũng không cần đi phơi.

Nhiều khi ba tôi nhờ làm cái này cái kia mà mẹ không cho, kêu tôi lo học thôi, còn lại có ba mẹ lo hết”, Trinh kể. Lâu dần chị không còn hứng thú với việc nhà bởi không biết làm gì, cộng thêm “bệnh” làm biếng.

Ngày học cấp I, mỗi lần chơi với đám bạn trong xóm, mẹ chị quan sát xem con có bị ngã, nếu đổ mồ hôi thì đem áo cho thay, nước cho uống. Được bao bọc từ nhỏ, khi rời quê lên thành phố học đại học, chị bối rối trước cuộc sống tự lập.

Cha mẹ chị phải ngừng việc buôn bán, đưa con đi tìm chỗ trọ, mua đồ dùng, dẫn tới trường đóng học phí. Năm 18 tuổi, chị lần đầu tiên… rửa chén và đã làm bể luôn.

Untitled 5 3
Ảnh minh họa. – Nguồn: Dân trí

Những năm trọ học, số lần vào bếp của Trinh đếm trên đầu ngón tay. Ngoài cắm cơm, nấu mì, chiên trứng và luộc rau, chị không biết thêm món nào. Chị từng học nấu ăn từ mẹ mỗi khi về quê, nhưng vài ngày là quên nếu không thực hành. Thường xuyên ăn ngoài, chị không thể tiết kiệm, không ít lần phải xin thêm tiền dù mức trợ cấp của chị khi đó được xem là nhỉnh hơn bạn bè…

Nay đã lập gia đình, việc nhà của Trinh dù lên tay nhưng cũng không bao nhiêu. Chị vẫn vụng về, hay làm đổ bể đồ đạc. Chị kể cha mẹ vẫn phải quan tâm hai vợ chồng thèm món gì để gửi nguyên liệu đã sơ chế hoặc nấu sẵn. “Tôi biết nấu một số món cơ bản mà không ngon lắm. Món nào thèm mà không quá cầu kỳ, tôi sẽ gọi video nhờ mẹ hướng dẫn”.

Trinh tâm sự nhà chồng có vẻ không thích do chị chẳng thể đảm đang như em dâu…

Chuyện riêng từng nhà và xu hướng xã hội

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – viện trưởng Viện Social Life, khi xã hội Việt Nam chuyển biến từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ đã ít nhiều làm thay đổi cách thức tương tác của các thành viên trong gia đình.

Trước đây thường tất cả các thành viên trong gia đình phải làm việc, chăm sóc nhau, cha mẹ sẽ đầu tư dạy dỗ con cái, xây dựng cho con nhận thức về chữ hiếu, biết quan tâm người lớn tuổi, và khi cha mẹ già thì con cái có nghĩa vụ ngược lại. Trong xã hội nông nghiệp, người ta xem đó như chiến lược đầu tư, bảo hiểm cho tuổi già.

Còn hiện nay, điều kiện kinh tế được cải thiện, đứa con thường được chăm bẵm, được phục vụ. Cùng với khuynh hướng tỉ lệ sinh ở Việt Nam suy giảm, mỗi gia đình chỉ có một, hai con nên người ta có tâm lý phải gìn giữ, bảo bọc con.

“Nói chung nguyên nhân là do những thay đổi cấu hình xã hội so với nhận thức chung. Trong khi đó, chúng ta chưa có giải pháp hình thành giáo dục cho đứa trẻ về cách sống thích ứng với sự thay đổi xã hội đó để đứa trẻ có lối tư duy độc lập nhưng cũng biết quan tâm đến người khác”, ông Lộc nói.

nhung bo doi 30 tuoi don dung khong di lam bytuong com e1505358050584
Xuất phát từ tình thương nhưng vô hình trung điều này làm nên một sự bảo bọc thái quá, dần làm con cái mất đi khả năng sống độc lập. – Ảnh minh họa. – Nguồn: vmax.vn

TS Đức Lộc dẫn chứng một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đã có những trường hợp cha mẹ chết đi thì con cái không tự lo cho mình được, tài sản cha mẹ làm ra cũng tiêu tán hết.

“Ở Việt Nam cũng có nhiều trường hợp tương tự, hậu quả về mặt xã hội là mối tương quan với người khác trở nên lạnh lẽo hơn, ngay cả với người thân trong gia đình. Ngoài ra đứa con sẽ mất khả năng sinh tồn, chống chịu với rủi ro”, ông nói.

Có những người con khi không được thỏa mãn vật chất đã nói dối, trách mắng cha mẹ, đe dọa bạo lực để vòi tiền, thậm chí… đốt nhà.

Theo Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA), kết quả khảo sát xứ kim chi trên 14.538 người trưởng thành ở 9.999 hộ gia đình năm 2021, có 29,9% nam và nữ giới độ tuổi 19 – 49 đang sống chung với cha mẹ họ, và cứ 10 người lớn dưới 50 tuổi thì có 3 người sống chung với cha mẹ.

Trong nhóm những người sống cùng cha mẹ, phụ nữ độc thân chiếm 69%, còn nam giới độc thân là 60,9%. Đặc biệt, những người độc thân sống cùng cha mẹ cao gấp 20 lần nhóm đã kết hôn ở Hàn Quốc.

Ở một số nước khác như Trung Quốc, tình trạng con cái lớn vẫn sống dựa vào cha mẹ cũng phổ biến đến mức phải cảnh báo.

Nguyên nhân thật sự là do đâu?

Có một thực trạng tôi nhận ra là có không ít bạn mà tuổi đời và sự trưởng thành dường như là một phương trình không hề cân xứng.

Có không ít các bạn sinh viên, hay thậm chí các bạn đã đi làm nhiều năm nhưng lại thiếu kiến thức xã hội, chưa hoàn thiện nhận thức quan, thiếu kỹ năng sống một cách trầm trọng.

Ông bà, cha mẹ chúng ta đã trải qua một quá khứ không đủ đầy, thiếu thốn, khi mà ăn no và mặc ấm còn là một thứ gì quá đỗi xa xỉ, cho nên họ có xu hướng bù đắp cho con cháu sau này để mong muốn cho con mình một tương lai tốt hơn.

Xuất phát từ tình thương nhưng vô hình trung điều này làm nên một sự bảo bọc thái quá, dần làm con cái mất đi khả năng sống độc lập, hoàn toàn thiếu sức đề kháng trước những tình huống lạ, khó và trước những va vấp của cuộc đời.

Còn những đứa trẻ sẵn lười biếng, không biết suy nghĩ, lại chẳng có lòng tự trọng, thêm cách dạy dỗ sai của cha mẹ từ nhỏ như vậy thì rất khó thay đổi từ chính họ. Chỉ khi cuộc đời “tát” cho tỉnh thì mới tỉnh nổi thôi.

Nhìn chung, hiện trạng giáo dục gia đình ngày nay tồn tại một số khuynh hướng, ví như: 1. Đặt nặng vấn đề học tập tri thức, xem nhẹ giáo dục đạo đức làm người; 2. Nặng về bảo hộ che chở, xem nhẹ giáo dục con tự lập; 3. Coi trọng vật chất, xem nhẹ tinh thần; 4. Chỉ giáo dục suông, không lấy bản thân làm gương mẫu; 5. Nặng về quản thúc kiểm soát, xem nhẹ việc dẫn dắt tích cực.

Vấn đề giáo dục gia đình này là giáo dục nhân sinh rất quan trọng, nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu được tầm quan trọng của nó, cũng không quá coi trọng về hành vi. Rất nhiều người thậm chí còn suy nghĩ rằng: “Từ xưa đến nay, cha mẹ giáo dục con cái, nào có nói trách nhiệm gì, nguyên tắc gì? Con của mình, thích quản như thế nào thì quản như thế ấy”.

Trên thực tế, trong văn hóa truyền thống luôn có truyền thống tốt đẹp là coi trọng giáo dục gia đình.

Phương pháp giáo dục con của người xưa

Người xưa coi việc giáo dục con cái là trách nhiệm quan trọng của bậc làm cha mẹ, nuôi con phải dạy dỗ, nuôi mà không dạy thì không chỉ nguy hại cho mình, cũng gây nguy hại cho người khác, lại càng nguy hại hơn cho đất nước. Triết học gia Trình Di thời Tống có nói: “Nhân sinh chi nhạc, vô như độc thư; chí yếu, vô như giáo tử” (Tạm dịch: Niềm vui của đời người không gì sánh bằng đọc sách; điều trọng yếu nhất của cuộc đời không gì ngoài giáo dục con cái).

Giáo dục gia đình xưa chú trọng giáo dục lập chí

Người xưa không chỉ cho rằng lập chí là quan trọng, mà còn đề ra lập “Chí” như thế nào cho tốt. Dương Kế Thịnh thời Minh nói rằng: Người cần phải lập chí… Con nỗ lực lập chí muốn làm người quân tử, thì không so đo làm quan hay không làm quan, người người đều kính trọng con, cho nên ta muốn ngươi trước tiên phải lập nên chí khí.

Có thể thấy rằng, người xưa cũng không phải quá coi trọng việc làm quan, mà là nhấn mạnh phải hiểu đạo lý, trước tiên cần phải làm một bậc quân tử chính trực.

me hien day con
Người xưa coi việc giáo dục con cái là trách nhiệm quan trọng của bậc làm cha mẹ, nuôi mà không dạy thì không chỉ nguy hại cho mình, cũng gây nguy hại cho người khác, lại càng nguy hại hơn cho đất nước. – Ảnh minh họa. – Nguồn: epochtimes.com

Quan điểm “lập chí” và “làm người” này gắn liền với nhau. Trong thời đại ngày nay, quan điểm này xem ra đã trở thành một điều hiếm thấy. Chúng ta thường xuyên nghe được cha mẹ nói với con cái phải như thế này như thế kia, tương lai sẽ trở thành “chuyên gia” này, “lãnh đạo” kia, “giáo sư” nọ. Xã hội dĩ nhiên cần các “chuyên gia”, “giáo sư” hay “lãnh đạo”, nhưng nếu muốn xây dựng nên một xã hội an bình ổn định, thì càng cần những con người lòng mang chí lớn, chính trực thấu hiểu đạo lý làm người.

Người xưa giáo dục con cái chú trọng giáo dục cần kiệm giản dị, liêm khiết

Lấy cần kiệm làm gốc, trân quý từng manh áo từng hạt cơm, đây là một phần giáo dục vỡ lòng về đạo đức nhân sinh. Giáo dục gia đình Trung Quốc cổ đại cũng tôn sùng cần cù, tiết kiệm, giản dị, cho rằng con người từ tiết kiệm đi đến xa hoa rất dễ, từ xa hoa về tiết kiệm thì rất khó.

Hiện nay có không ít người đã đánh mất đạo đức truyền thống tốt đẹp, thường cho rằng để cho con cái hưởng thụ là một “trách nhiệm quan trọng” của người làm cha mẹ. Kỳ thực, cứ tiếp tục như thế, đứa trẻ sau khi lớn lên sẽ có tố chất tâm lý, năng lực chịu đựng cũng như ý chí tương đối kém, khó khăn gian khổ khó lòng vượt qua.

Giáo dục gia đình xưa không chỉ tôn sùng cần kiệm, mà còn chú trọng giáo dục chính trực liêm khiết, coi trọng “thanh bạch truyền gia”.

Người xưa dạy con không tán thành nuông chiều 

Người xưa dạy con chú trọng “từ ái” và phản đối “nịch ái” (nuông chiều). Câu nói “Từ mẫu bại tử” (Mẹ hiền có con hư) là đạo lý mà người xưa đúc rút ra bài học giáo huấn cho chính mình. Đạo lý này giống như lời cảnh báo, nhắc nhở những bậc cha mẹ không nên nuông chiều con cái, mà nên chú trọng giáo dục luân lý đạo đức làm người.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn tham khảo: Tuổi trẻ

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 19

Gốc rễ của giáo dục là gì?

Mẹ Việt học cách dạy con Âu, Mỹ mà quên cẩm nang quý của ông bà mình

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều