Evergrande đang phải ôm quả bom nợ lên đến 300 tỉ USD (tương đương 2% GDP Trung Quốc), trong bối cảnh doanh thu từ hoạt động kinh doanh không còn được như kỳ vọng và chiến dịch trấn áp tình trạng đầu cơ tràn lan trong lĩnh vực bất động sản của Bắc Kinh.
Khu đất Evergrande vừa bán rộng 10.377m2 ở quận Nam Sơn, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Bên mua đã chi ra 7,5 tỉ nhân dân tệ (1 tỉ USD).
Evergrande đã mua khu đất này với giá 5,5 tỉ nhân dân tệ (hơn 760 triệu USD) vào năm 2017 khi chuyển trụ sở chính đến Thâm Quyến. Tầm nhìn của công ty là xây dựng địa điểm này thành tòa nhà chọc trời cao 394 mét vào năm 2024.
Evergrande sau đó phải chuyển trụ sở về Quảng Châu, nơi công ty thành lập vào năm 1997, sau khi rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản.
Evergrande cũng mất quyền kiểm soát tòa nhà chính ở Hong Kong. Trung tâm China Evergrande ở quận Loan Tể (Wan Chai), Hong Kong, đã được một cơ quan bất động sản tiếp quản.
Ngoài ra, Evergrande đã trả lại một khu đất dự kiến xây sân vận động bóng đá 80.000 chỗ ngồi ở Quảng Châu, trước khi một nhóm đầu tư được chính quyền thành phố hậu thuẫn mua lại.
Evergrande đã cố gắng giảm bớt tài sản trong những tháng gần đây. Tình hình tài chính của công ty đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể kể từ năm ngoái.
Hồi tháng 12-2021, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tuyên bố Evergrande đã rơi vào tình trạng vỡ nợ, phản ánh việc tập đoàn không có khả năng trả lãi cho hai loại trái phiếu được định giá theo đồng đô la.
Những khó khăn của Evergrande là biểu tượng của cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Các công ty nhỏ hơn cũng vỡ nợ hoặc phải vật lộn để huy động tiền mặt sau khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp kìm hãm đòn bẩy tài chính trong lĩnh vực bất động sản vào năm 2020.
Các chủ đầu tư lớn bao gồm Evergrande rơi vào tình trạng khó khăn về thanh khoản và phải tìm cách huy động tiền mặt từ nhiều nguồn. Các công ty đã không thể hoàn thành các dự án, làm dấy lên các cuộc tẩy chay và phản đối từ người mua nhà.
Hồi đầu tháng, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đã công bố các biện pháp sâu rộng để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, bao gồm hỗ trợ tín dụng cho các nhà phát triển gặp khó khăn để đảm bảo hoàn thành và bàn giao các dự án cho chủ nhà.
Theo TTO