Tân Thế Kỷ – Trong khi mối đe dọa từ đại dịch COVID-19 vẫn đang gây lo ngại thì lại xuất hiện thêm một nỗi lo từ một loại vi rút mới có tên Langya henipavirus. Vi rút Langya có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, khi nó gây sốt cao và các triệu chứng hô hấp nghiêm trọng.
Tạp chí khoa học Nature Communications vừa công bố nghiên cứu của Đại học Queensland (Úc) cho biết: loài người đang ở ‘thời khắc quan trọng’ với nhiều hiện tượng vi rút lây lan từ động vật sang người.
Tiến sĩ Ariel Isaacs – nhà nghiên cứu tại Trường Hóa học và Khoa học sinh học phân tử tại Đại học Queensland (Úc) – cho biết đó là vi rút Langya có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.
Dấu hiệu nhiễm vi rút Langya là sốt và các triệu chứng hô hấp nghiêm trọng, có thể dẫn đến viêm phổi gây tử vong.
Vi rút Langya được phát hiện lần đầu tiên năm 2018 tại các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam (Đông Bắc TQ) nhưng chỉ được xác định chính thức vào năm 2022 sau khi TQ ghi nhận số ca nhiễm gia tăng lên tới 35 ca. Theo nghiên cứu được Viện Vi sinh vật và dịch tễ học Bắc Kinh công bố, vi rút Langya được xác định sau khi giới chức y tế TQ triển khai một đợt kiểm tra sức khỏe vì một số bệnh nhân bị sốt và có tiền sử tiếp xúc với động vật.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cảnh báo đây không phải là lần đầu tiên vi rút Langya thuộc họ Henipavirus xuất hiện.
Các vi rút thuộc họ Henipavirus có bộ gene dài. Vật chủ của nó – ổ chứa vi rút – là một số loài dơi nhỏ, dơi ăn quả, lây truyền sang cho người, lợn, ngựa qua nước tiểu, nước bọt hoặc phân.
Triệu chứng phổ biến nhất của người nhiễm vi rút Langya là sốt (tất cả bệnh nhân đều gặp phải), mệt mỏi (54%), chán ăn (50%), đau cơ (46%), ho (50%), buồn nôn (38%), đau đầu và nôn mửa (35%). Một số bệnh nhân cũng có các diễn tiến bất thường về tế bào máu và các dấu hiệu của tổn thương gan và thận.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), họ henipavirus rất nguy hiểm. Vi rút Langya được xếp cùng họ henipavirus với các vi rút có độc tố cao dễ gây tử vong khác là Nipah và Hendra. Hiện chưa có vaccine phòng vi rút họ henipavirus cho người.
Theo nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Ariel Isaacs, vi rút Langya có liên quan chặt chẽ nhất với vi rút Mòjiāng. Giống như COVID-19, Langya và Mòjiāng gây ra bệnh viêm phổi nặng.
Vi rút Mòjiāng có xu hướng gây ra các vết mờ trên phim X-quang phổi ở những người bị nhiễm bệnh, cũng như hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (ARDS) thường gây tử vong, theo một bài báo năm 2020 trên tạp chí Frontiers in Public Health.
Vi rút Mòjiāng được phát hiện vào năm 2012, đã làm 6 thợ mỏ mắc bệnh và giết chết 3 người có tiếp xúc với dơi trong mỏ Tongguan ở Mòjiāng, Trung Quốc.
Nhóm vi rút này hiện đã được đưa vào danh sách các bệnh mà WHO đang ưu tiên nghiên cứu vắc xin và phương pháp điều trị, bởi nó gây tỉ lệ tử vong cao và vật chủ của nó là loài dơi ăn quả thường di cư trên phạm vi toàn cầu dễ gây lây lan rộng.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Isaacs đang tiếp tục công việc phát triển vắc xin phổ rộng có thể ngăn chặn vi rút họ Henipavirus ở người.
Tiến sĩ Daniel Watterson, một nhà nghiên cứu cũng tại Trường Hóa học và Khoa học sinh học phân tử tại Đại học Queensland, cho biết: “Đây là những loại vi rút có thể gây bệnh nghiêm trọng và có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát nếu chúng ta không chuẩn bị đúng cách”.
Hoàng Dung (t/h)
Xem Thêm:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*