spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Sách giáo khoa mới: NXB lãi cao, phụ huynh cứ đến hẹn lại… lo

Tân Thế Kỷ – Nỗi ám ảnh của phụ huynh và học sinh các năm gần đây, bên cạnh việc giá sách giáo khoa tăng “phi mã” còn là tình trạng khan hiếm, các nhà xuất bản in “nhỏ giọt” khiến phụ huynh chạy khắp nơi vẫn chưa mua đủ sách cho con.

Báo cáo tài chính của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận doanh thu bán hàng năm ngoái đạt 2.387 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2021 và cao hơn 14% so với kế hoạch đề ra. Đây là nguồn thu từ sản xuất hơn 206 triệu bản sách giáo khoa. Phụ huynh thì phải “gánh” giá sách tăng “phi mã” mà vẫn không có để mua.

SGK mới đã được phê duyệt sớm hơn 1 tháng

Cử tri nhiều địa phương nêu nhiều băn khoăn, kiến nghị tới Bộ GD-ĐT xung quanh tình trạng thiếu sách giáo khoa (SGK) mấy năm gần đây. Tình trạng này nghiêm trọng ở những lớp chỉ còn học SGK theo chương trình cũ năm cuối cùng và SGK ở năm đầu tiên thực hiện thay sách.

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đối với SGK lớp 8, 11, để tổ chức dạy, học từ năm học 2023 – 2024 tới, Bộ đã sớm phê duyệt để các địa phương lựa chọn. Như vậy, lớp 8 và 11 đã phê duyệt SGK sớm hơn 1 tháng so với lớp 7, 10 năm học trước.

“Để bảo đảm cung cấp đầy đủ SGK mới của những lớp tiếp theo, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản (NXB) căn cứ vào số lượng đăng ký của các địa phương tổ chức in và phát hành đủ theo nhu cầu cụ thể của địa phương”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định.

Tuy nhiên, việc Bộ GD-ĐT phê duyệt SGK mới sớm hơn cũng không phải là yếu tố quyết định việc SGK sẽ có sớm.

Nhưng Bộ không thể chỉ huy được hiệu sách trong khâu phát hành

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội diễn ra cuối năm 2022, trước nhiều chất vấn của đại biểu về tình trạng thiếu SGK dù đã bước vào năm học mới một thời gian, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng:

“Các đại biểu nói về chỗ này, chỗ kia có “sạn” hay chất lượng thẩm định thì Bộ GD-ĐT chắc chắn phải giám sát, thẩm định tốt hơn nữa. Tuy nhiên, với việc thiếu SGK thì Bộ không thể chỉ huy được hiệu sách trong khâu phát hành. Cái này thì chủ tịch UBND cấp tỉnh phải điều phối để làm thế nào đó sách đến được với các trường theo nhu cầu của họ. Chúng tôi không thể chỉ đạo hiệu sách này mang các sách a, b, c xuống các trường kia. Chúng tôi chỉ có thể khẩn khoản, nài nỉ chủ tịch UBND tỉnh hãy điều phối ngay để sách tới được với học sinh”.

Thời điểm cuối tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục VN (NXB GDVN), cho hay mới có một số ít địa phương công bố danh mục lựa chọn SGK lớp 4, 8, 11 và hầu hết chưa có số lượng đăng ký sách cần cung ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT.

a 1 trang 17 192 16890063999541783991420
Phụ huynh, học sinh TP.HCM mua sách giáo khoa chương trình mới lớp 4 vào chiều qua (10.7). – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

“Thực tế này là khó khăn rất lớn đối với các NXB, cả về số lượng, thời điểm và phương thức triển khai công tác in; làm sao vừa đảm bảo yêu cầu của Bộ GD-ĐT về cung ứng SGK phục vụ năm học mới, vừa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác in và phát hành”, ông Tùng chia sẻ.

Đến ngày 9.7, NXB GDVN thông tin: hiện, NXB đã phát hành SGK lớp 4, 8, 11 tại cửa hàng của các đơn vị thành viên ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ. Thầy cô, các bậc phụ huynh và học sinh có thể đến các cửa hàng thuộc hệ thống của NXB GDVN để mua sách trực tiếp hoặc trên kênh bán sách trực tuyến. Ngoài ra, SGK các lớp 4, 8, 11 đang tiếp tục được chuyển tới các địa phương trong tháng 7 này để đảm bảo cung ứng đầy đủ trước ngày khai giảng năm học mới.

Tuy nhiên, NXB cũng bày tỏ lo ngại khi hiện vẫn còn một số địa phương chưa gửi đăng ký số lượng SGK về NXB GDVN nên có khó khăn trong việc tổ chức cung ứng đầy đủ, kịp thời SGK tới các địa phương phục vụ năm học tới.

Giá SGK lớp 4, 8, 11 thấp hơn SGK lớp 3, 7, 10 ?

NXB GDVN công bố giá SGK mới của các lớp 4, 8, 11 ở hai bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Công ty cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục VN (VEPIC) cũng đã có giá bộ Cánh diều. Đây là 3 bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt sau khi thẩm định, làm cơ sở để các trường học lựa chọn, giảng dạy từ năm học 2023 – 2024.

Theo đó, SGK lớp 4 có 14 – 15 cuốn. Trong đó, môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh có 2 tập, giá dao động 250.000 – 280.000 đồng/bộ. Bộ Cánh diều dù chưa có sách tiếng Anh nhưng giá đã ở mức 230.000 đồng/bộ. Sách lớp 8 đủ 14 cuốn của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có giá 270.000 – 300.000 đồng/bộ. Những bộ sách còn lại thiếu môn tiếng Anh nhưng giá cũng dao động 250.000 – 270.000 đồng/bộ. Bộ SGK lớp 11 được bán với giá khoảng 350.000 – 390.000 đồng/bộ.

20230710150645 16890277269861071323781
Sách giáo khoa mới khối lớp 4, 8, 11 đã được bày bán ở một số nhà sách tại TP.HCM. – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

So với SGK theo chương trình cũ, SGK lớp 8 và 11 mới có giá cao hơn 2 – 3 lần. Số tiền này được tính tương đối trên giá đơn lẻ của 16 cuốn; trong đó có 9 cuốn thuộc các môn bắt buộc ở chương trình mới, 4 cuốn sách môn lựa chọn và 3 sách chuyên đề. Riêng bộ Cánh diều sẽ có mức giá cao hơn khi có đủ sách tiếng Anh.

Như vậy, dù nhiều ý kiến trong vài năm gần đây về việc cần giảm giá SGK nhưng giá SGK mới vẫn tăng 2 – 3 lần so với SGK của chương trình cũ. Lý giải về điều này, mới đây, đại diện NXB GDVN cho biết: năm 2023, mặc dù các chi phí đầu vào (vật tư, công in) không ngừng tăng, song NXB GDVN tiếp tục thực hiện tiết giảm các chi phí để giảm giá bán SGK các lớp 4, 8, 11. Các bộ SGK của NXB GDVN đang có mức giá thấp nhất trong các bộ sách đã được phê duyệt.

Cùng với việc tiết giảm lợi nhuận và các chi phí khác, NXB GDVN khẳng định: “Đã tiếp tục thực hiện tiết giảm phí phát hành (chiết khấu) để giá SGK lớp 4, 8, 11 thấp hơn so với năm trước. Giá SGK lớp 4, 8, 11 thấp hơn từ 4 – 6% so với SGK lớp 3, 7, 10 áp dụng từ năm học trước trên cơ sở so sánh đơn giá bình quân một trang sách (tổng giá bìa trên tổng số trang của bộ sách)”.

Để sách giáo khoa không là gánh nặng tài chính cho phụ huynh

Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 hồi tháng 6.2022, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.

Trong phiên họp chiều 21.6.2022, nguyên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội… về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa. Khi đó, ông Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn.

sachgiaokhoa2 16869118513091904399383
Giá sách giáo khoa mới luôn là vấn đề “nóng” từ khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến nay. – Ảnh: Ngọc Dương

Việc Nhà nước có chủ trương dùng ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là việc làm thiết thực giúp đỡ phụ huynh, học sinh đầy tính nhân văn và nhân ái.

Để sách mượn được sử dụng dài lâu, thiết nghĩ trước hết là nhà trường cần giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn sách vở cẩn thận, không được viết vẽ bậy vào sách. Cuối năm, nhà trường nên xem xét tuyên dương, khen thưởng những học sinh biết bảo quản sử dụng sách có hiệu quả và xem đó là một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm học sinh cần được phát động duy trì thường xuyên.

Ngoài ngân sách của Nhà nước mua sách, nhà trường nên vận động các cá nhân, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp… ủng hộ kinh phí để có thêm sách cho nhiều học sinh được mượn; phát động phong trào ủng hộ sách cho thư viện…

Chúng ta cũng có thể thực hiện xã hội hóa tủ sách dùng chung trong phụ huynh, học sinh. Đối với những phụ huynh có điều kiện tham gia đóng góp sách để chia sẻ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn được hưởng lợi từ tủ sách xã hội hóa.

Tiếp đến, nhà trường cần tính đến kế hoạch mua sách giáo khoa đã sử dụng trong những năm học trước từ phụ huynh, học sinh.

Vào dịp lễ tổng kết và phát thưởng cuối năm, nhà trường có thể phát thưởng những bộ sách giáo khoa, giúp các em có sách để học.

Chúng ta có nhiều bộ sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần xây dựng chương trình có tính ổn định lâu dài tránh thay đổi trong thời gian ngắn.

Sách giáo khoa cần có tuổi thọ nhất định, không phải thay đổi nhiều về nội dung, nếu có chỉ là bổ sung, cập nhật sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự phát triển của xã hội, tránh được việc phải mua sách mới khác để học cũng như khi chuyển đến học từ trường này đến trường khác, địa phương này sang địa phương khác.

Đường dây nóng hỗ trợ mua SGK

Để hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua SGK nhanh chóng, thuận tiện, trong thời gian cao điểm từ tháng 5 – tháng 9, đường dây nóng của NXB GDVN tiếp tục được duy trì. Phụ huynh, học sinh, nhà trường có thể liên lạc số điện thoại 0344181018 khi cần hỗ trợ về mua sách hay phản ánh các vấn đề liên quan SGK.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Thanhnien.vn

BN 1 jpeg

Nhà xuất bản Giáo dục lãi cao kỷ lục trong lịch sử

 

Giáo dục thấm nhuần từ bên trong là như thế nào?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều