Trong nền văn minh nhân loại dù ở phương Đông hay phương Tây, số 7 mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Ví dụ, Thượng đế trong văn hóa phương Tây dùng 6 ngày tạo ra trời đất, vạn vật, ngày thứ 7 nghỉ ngơi. Lại có thuyết 7 tông tội lớn nhất của con người. Mỗi tuần có 7 ngày tuần hoàn một lần. Ánh mặt trời có 7 sắc màu tổ hợp thành…
Tại sao lại có sự trùng hợp thần kỳ đến như vậy? Số 7 có mang màu sắc huyền bí gì?
Ngày ‘Nhân nhật’ và ‘ngày Chủ Nhật’
Người Trung Hoa xưa gọi ngày mùng 7 Tết âm lịch là “Nhân nhật”.
Theo truyền thuyết trong thần thoại Trung Hoa, trước khi Nữ Oa tạo ra nhân loại đã tạo ra những động vật có liên quan mật thiết với con người, gọi chung là “lục súc”. Từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 6, bà lần lượt đã tạo ra gà, chó, lợn, dê, trâu, ngựa, đến ngày thứ bảy mới hoàn thành kế hoạch tạo ra nhân loại. Vì vậy cổ nhân cho rằng, ngày 7/1 âm lịch chính là ngày sinh nhật của tất cả nhân loại.
Còn trong văn hóa phương Tây, cũng có câu chuyện liên quan đến số 7, chuyện về Thượng đế tạo ra con người.
Điều khác biệt đó là, trong truyền thuyết ‘Sáng thế tạo nhân loại’ ở phương Tây, con người được tạo ra vào ngày thứ 6, sớm hơn 1 ngày so với Nữ Oa. Ngày thứ 7 là ngày Thượng Đế nghỉ ngơi, một tuần của phương Tây có bảy ngày, chính là từ đây mà ra.
Từ những câu chuyện ở phương Đông và phương Tây, việc thiết lập ngày 7/1 âm lịch là ngày ‘Nhân nhật’ tức ngày sinh nhật của toàn nhân loại. Có lẽ cũng chính là người xưa đang kỳ vọng dân số có thể sinh sôi nảy nở, vì vậy số 7 ở đây cũng mang ý nghĩa là ‘sinh’.
Ngày 7 tháng 7 âm lịch và “Lễ Thất Tịch”
Theo quan niệm của người Trung Hoa cổ, ngày 7/7 âm lịch là ngày vô cùng đặc biệt, là ‘Lễ Thất Tịch’. Lễ Thất Tịch là ngày Valentine của Trung Quốc.
Buổi tối mồng 7/7 âm lịch thường có thời tiết mát mẻ, cây cỏ ngát hương, người Trung Quốc còn gọi Lễ Thất Tịch là “Khất Xảo Tiết”, nghĩa là Lễ hội thể hiện tài năng, hoặc được gọi là “Ngày con gái”. Lễ Thất Tịch là ngày lễ mang màu sắc lãng mạn nhất trong các ngày lễ truyền thống của Trung Quốc, cũng là lễ hội được các cô gái ngày xưa coi trọng nhất.
Lễ tiết này của người Hoa có liên quan tới câu chuyện Ngưu Lang, Chức Nữ nổi tiếng.
Mỗi năm một lần vào ngày Thất tịch (mùng 7/7 âm lịch) trên chiếc cầu Ô Thước do đàn quạ trời tạo nên cho phép Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau
Vào ngày này trời thường mưa, người ta gọi là mưa ngâu, nhiều người cũng xem mưa ngâu này là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau. Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ trong đêm mùng 7/7 thì sẽ được mãi mãi bên nhau.
Số 7 trong văn hóa Nhật Bản
Là một quốc gia mà người dân đa số theo Phật giáo, số 7 có ý nghĩa khá quan trọng trong đời sống tâm linh của người Nhật. Theo đó, một người có thể được tái sinh 7 lần trước khi vào được cõi Niết Bàn.
Trong văn hóa Nhật có “7 vị thần may mắn”. Theo đó, 7 vị thần này thường được miêu tả đang chèo trên một con thuyền đầy châu báu và sẽ cập bến vào ngày đầu năm mới.
Họ sẽ phân phát quà và sức khỏe đến những người thực sự xứng đáng. Những phong bao lì xì đầu năm thường có hình của 7 vị thần này, tượng trưng cho một năm may mắn và đầy tài lộc.
Số 7 cũng gắn liền với lễ kỷ niệm sự sống và cái chết của con người. Người Nhật thường tổ chức lễ mừng 7 ngày sau sinh của trẻ con. Ngược lại, người ta cũng cho rằng 7 ngày là khoảng thời gian cần thiết để linh hồn người chết về với cõi âm. Nhiều lễ hội của Nhật cũng được tổ chức liên quan đến số 7 như ngày lễ 7-5-3 của trẻ con hay lễ Tanabata vào 7/7.
“Con dao 7 lỗ”
Trong nhiều ngôi mộ cổ được khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều con dao bằng ngọc hoặc bằng đá. Chúng được tìm thấy trong những vật tuẫn táng theo người quá cố. Điều kỳ lạ là mặt sau của những con dao này được mài bóng và có 7 lỗ tròn, vì vậy chúng được gọi là “dao 7 lỗ”.
Thông qua trắc định, người ta phát hiện niên đại của những ngôi mộ có những con dao này thường có lịch sử hơn 3.000 năm trước. Ví dụ, dao bằng ngọc bích bảy lỗ thời nhà Hạ được khai quật tại di chỉ Yển Sư, Hà Nam Trung Quốc vào năm 1975…
Và trên thế giới còn có rất nhiều sự việc, hiện tượng liên quan tới con số 7 như: lễ cúng Thất cho người quá cố, nhạc phổ có 7 nốt nhạc; độ PH của nước là 7; chuyện cổ tích của trẻ nhỏ cũng có 7 chú lùn; còn trong thần thoại có câu chuyện về 7 tiên nữ…và dân số thế giới hiện khoản 7 tỷ người.
*****
Mặc dù chúng ta không thể giải mã hết những bí ẩn xung quanh con số ‘7’, nhưng từ các câu chuyện ở trên, chúng ta có thể thấy đây là một con số cực kỳ đặc biệt. Nó mang một ý nghĩa thần thánh trong các nền văn hóa và tôn giáo trên thế giới. Và chúng là con số có liên quan đến sinh tử.
Minh Đăng
Xem thêm:
Dung tục hóa hình tượng Thần Phật, quả báo khôn cùng
Chụp quét xác ướp Từ Hiền pháp sư, phát hiện nhục thân 1.000 năm bất hoại
Bí ẩn chưa giải đáp: Chiếc cầu thang xoắn ốc không trụ của Thánh Giu-se
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực