Ông Sunny Verghese, CEO một trong các công ty kinh doanh nông sản lớn nhất thế giới, nhận định: “Thế giới đã trải qua nhiều cuộc chiến vì dầu mỏ. Thế giới sẽ còn chứng kiến các cuộc chiến lớn hơn vì lương thực và nước”.
Người đứng đầu của một trong những công ty kinh doanh nông sản lớn nhất hành tinh cảnh báo rằng thế giới sẽ nổ ra các cuộc chiến vì lương thực trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu dẫn đến xung đột giữa các quốc gia.
Ông Sunny Verghese, CEO công ty kinh doanh nông sản Olam Agri, nhận định: “Thế giới đã trải qua nhiều cuộc chiến vì dầu mỏ. Thế giới sẽ còn chứng kiến các cuộc chiến lớn hơn vì lương thực và nước”.
Phát biểu tại một hội nghị người tiêu dùng vào tuần trước, ông Verghese cho biết rào cản thương mại mà chính phủ các nước áp đặt nhằm củng cố nguồn dự trữ trong nước đã làm trầm trọng thêm lạm phát lương thực.
Theo tờ Financial Times, các công ty kinh doanh nông sản lớn đã thu lợi nhuận kỷ lục trong năm 2022 sau khi chiến sự Nga – Ukraine khiến giá lương thực tăng vọt. Các công ty này bị cáo buộc kéo giá thực phẩm lên cao để kiếm lời, làm khuếch đại lạm phát.
Song, ông Verghese khẳng định lạm phát giá thực phẩm tăng cao một phần là do sự can thiệp của các chính phủ. Theo ước tính của vị CEO, vào năm 2022, 154 quốc gia đã ban hành tổng cộng 1.266 biện pháp hạn chế thương mại để phản ứng với cuộc chiến ở Đông Âu.
Ông Verghese lập luận: “Điều này đã khuếch đại chênh lệch cung – cầu”.
Các nước giàu nhanh chóng tích lũy những hàng hóa chiến lược, dẫn đến nhu cầu tăng cao và giá cả cũng theo đó đi lên. Vị CEO cho biết: “Ấn Độ, Trung Quốc, tất cả các quốc gia đều có kho dự trữ. Điều này càng khiến rắc rối của thế giới trầm trọng thêm”.
Giá thực phẩm bắt đầu đi lên trong đại dịch COVID-19 và nhảy vọt sau khi giao tranh giữa Nga và Ukraine khiến một số hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón bị cản trở. Tình cảnh này khiến tình trạng mất an ninh lương thực ở những quốc gia nghèo càng trở nên sâu sắc và gây ra khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên khắp thế giới.
Đà tăng giá nhanh chóng và bất ngờ cùng với biến đổi khí hậu đã cản trở hoạt động sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu, dẫn đến việc ngày càng nhiều chính phủ áp dụng chính sách bảo hộ.
Năm 2022, Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ để bảo vệ thị trường địa phương. Năm ngoái, Ấn Độ hạn chế bán ra nước ngoài một số loại gạo nhằm nỗ lực kiềm chế đà tăng của giá cả trong nước sau khi sự biến động thất thường của gió mùa làm gián đoạn sản xuất và dấy lên nỗi sợ về thiếu hụt nguồn cung.
Ông Verghese bình luận: “Những biện pháp hạn chế xuất khẩu là hành động sai lầm. Nhưng chúng ta sẽ thấy có thêm nhiều nước làm như vậy”.
Olam Agri, công ty chuyên chế biến và cung cấp ngũ cốc, hạt có dầu, dầu ăn, gạo và bông là một phần của Olam Group. Tập đoàn này cung cấp nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và chất xơ cho các thương hiệu toàn cầu từ Nestlé đến Unilever.
Olam Group đã có một năm khó khăn khi lợi nhuận năm 2023 lao dốc 56% xuống còn khoảng 205 triệu USD. Lý do tập đoàn tập đoàn đưa ra là lãi suất cao và “tổn thất đặc biệt” do năng suất thấp từ các vườn hạnh nhân ở Australia.
Xem thêm:
Lương thực tế của người Nhật giảm 25 tháng liên tiếp, vượt kỷ lục cũ
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*