TP. HCM: 2.500 cây xanh “hy sinh” để nhường chỗ cho 4 dự án giao thông
Với 4 dự án giao thông đang và sắp triển khai tại TP.HCM, có đến hơn 2.350 cây xanh các loại từ 10 đến hơn 100 năm tuổi bị đốn hạ và bứng dưỡng.
Thời gian qua, hàng nghìn cây xanh ở TPHCM bị di dời, đốn hạ để nhường chỗ cho các dự án giao thông. Tuy nhiên, diện tích mảng xanh trồng mới chưa đủ bù được số cây xanh bị đốn hạ khiến mảng xanh của TPHCM đang thiếu lại càng thiếu.
1. Nút giao thông An Phú
Dự án xây dựng nút giao An Phú có vốn đầu tư 3.408 tỉ đồng với quy mô xây dựng 3 tầng. Dự án có phần đường từ 10 – 12 làn xe, 3 hầm chui 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh có 2 làn xe. Đường Lương Định Của (TP Thủ Đức, TP. HCM) dài chỉ khoảng 2,3km, làm 9 năm nhưng chưa xong do thiếu mặt bằng. Dự án được triển khai cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2025.
Để triển khai công trình này, đã có hơn 1.500 cây xanh bị ảnh hưởng, bao gồm cả việc chặt hạ và di chuyển. Những loại cây được bứng và chặt hạ, đa phần thuộc giống bàng, xà cừ, lim… được trồng khoảng 20 năm trở lại.
Ban giao thông thành phố cam kết khi dự án hoàn thành, khu vực này sẽ được trồng nhiều cây xanh để bù đắp lại.
2. Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám kết nối nhà ga T3 – sân bay Tân Sơn Nhất
Sáng 4/5/2024, đường Hoàng Hoa Thám, Phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh inh ỏi tiếng máy cưa đốn hạ khoảng gần 100 cây xanh để thi công mở rộng nền đường vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhiều vị trí khác trên tuyến đường này, hàng chục gốc cây cổ thụ khác cũng đã được công nhân đốn hạ, di chuyển đi nơi khác. Trên đường chỉ còn lại những gốc cây có vết cắt mới ròng, đường kính từ 0,5 đến hơn 1m.
Người dân địa phương cho biết, sau lễ 30/4 – 1/5, công nhân bắt đầu khẩn trương đốn hạ cây xanh trên đường này, phục vụ mở rộng đường vào sân bay Tân Sơn Nhất. “Việc đốn cây được thực hiện khẩn trương. Mỗi ngày có hơn 10 gốc được di dời. Tôi nghe nói đốn cây để mở rộng đường”, bà Thu (38 tuổi) cho biết.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, việc đốn cây phục vụ dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám lên 22m, dài khoảng 800m từ chân cầu vượt giao đường Cộng Hòa đến điểm giáp sân bay.
Nhiều cây được đốn hạ để lấy mặt bằng thi công, không thể bứng dưỡng vì khó sống và tốn kém. Số gỗ thu được sẽ được Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật TP HCM bán đấu giá, nộp vào ngân sách.
3. Đường nối Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa (Tân Bình)
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, dài hơn 4km, mở rộng 25-48m, 6 làn xe, khởi công tháng 12/2023 với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục hầm chui tại nút giao Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện là gói thầu đầu tiên triển khai.
Được biết, để triển khai dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, công trình lấy một phần đất của công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình. Phần đất nêu trên nằm bên phía tuyến Phan Thúc Duyện giao với đường Trần Quốc Hoàn. Phần đất này đang được phá dỡ, làm đường tạm phục vụ thi công hạng mục hầm chui, do vậy hơn 300 cây xanh ở khu vực này bị đốn hạ để triển khai dự án. Cụ thể, các loại cây bị đốn hạ có lim xanh, sọ khỉ, bò cạp nước, xoài, bàng,…
Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2024, nhằm kết nối đồng bộ nhà ga T3 và giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hệ thống tại quận Tân Bình.
4. Đốn hạ hơn 400 cây xanh làm Metro Bến Thành – Tham Lương
Để xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (metro Bến Thành – Tham Lương), có tổng cộng 453 cây xanh dọc các tuyến đường Lê Lai, Trương Định, Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh,… Trong số này có 404 cây sẽ phải chặt hạ, còn lại di dời. Những cây này thuộc loại sao đen, bằng lăng, bàng, dầu, giá tỵ, me chua, sọ khỉ, me tây, lim sét…
Nhà đầu tư MUAR cho biết việc xử lý hệ thống cây xanh dọc tuyến sẽ triển khai theo 2 giai đoạn. Trong đó, từ nay đến cuối tháng 7, những cây nằm trong phạm vi thi công di dời, tái lập các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước…) sẽ chặt hạ, di dời trước. Đối với các cây trên vỉa hè, chưa ảnh hưởng việc thi công hạ tầng kỹ thuật sẽ tạm thời giữ lại. Đến giai đoạn sau, toàn bộ cây thuộc phạm vi thu hồi đất cho dự án sẽ bị đốn hạ hoặc di dời.
Được biết, việc di dời và đốn hạ hệ thống cây xanh dọc tuyến có chi phí hơn 1,4 tỉ đồng.
Việc đốn hạ hàng nghìn cây xanh trong một thành phố đông dân như TP. HCM đã gây ra nhiều tranh cãi và sự nuối tiếc.
Trước đó, con đường từng được mệnh danh là “con đường rợp bóng mát” của TPHCM với hàng trăm cây cổ thụ, nhưng sau đó bị đốn hạ để làm cầu Ba Son nên giờ đây đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) trở nên trơ trụi, trở thành “lò nung” khi nắng nóng gay gắt vừa qua. Cách đó không xa, đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ gần hết cây xanh để phục vụ thi công tuyến Metro số 1.
Tại công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1), trước đây cũng có nhiều cây xanh nhưng sau khi triển khai dự án chỉnh trang mở rộng lên 18.600m2 thì cây xanh theo đó cũng “mất tích”.
Việc phải di dời và đốn hạ cây xanh được các cơ quan chức năng đánh giá là bất khả kháng do nằm trong phạm vi, mặt bằng xây dựng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cho biết luôn hạn chế việc đốn hạ, nếu có thì sẽ bù đắp và trồng lại cây, mảng xanh khác sau khi dự án hoàn thành.
Các nước nghiêm ngặt bảo vệ cây xanh khi xây dựng công trình hạ tầng (Theo Tuổi Trẻ)
Singapore là quốc gia ý thức mạnh mẽ về vai trò của không gian xanh trong đô thị và đến nay đảo quốc sư tử vẫn đang xây dựng danh tiếng của mình với định hướng trở thành “thành phố thiên nhiên” theo Kế hoạch Singapore xanh vào năm 2030.
Là một quốc gia trẻ với nhiều cơ sở hạ tầng đang xây dựng, Chính phủ Singapore đã ban hành những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ mảng xanh trong thành phố. Vườn lan quốc gia thuộc Vườn bách thảo Singapore cho biết cây cối phải được đặt trong khu vực bảo tồn trước khi khởi công xây dựng bất kỳ công trình nào xung quanh.
Khu vực bảo tồn phải có diện tích gấp đôi độ rộng của bộ rễ. Do đó giới chức Singapore khuyên chủ đầu tư nên thuê các chuyên gia môi trường để có thể đưa ra phương pháp bảo tồn tối ưu từ quá trình bắt đầu khởi công xây dựng cho đến khi hoàn thành dự án.
Chủ đầu tư phải thiết lập hàng rào bảo vệ cây trước thời điểm thi công. Đồng thời, trong quá trình xây dựng, doanh nghiệp không được phép đổ, đào hoặc lưu trữ các mảnh vụn hoặc vật liệu xây dựng trong khu vực này.
Ngoài ra, một số quy định khác tại Singapore yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm cung cấp đủ lượng nước, cũng như bảo tồn bộ rễ và thân cây trong suốt quá trình xây dựng. Nếu có bất cứ vấn đề gì phải lập tức báo lên cơ quan phụ trách chuyên môn để xử lý kịp thời.
Còn ở đặc khu Hong Kong cũng đưa ra quy định cho các chủ doanh nghiệp về việc xử lý cây xanh từ quá trình khởi công xây dựng đến khi hoàn thành dự án. Cục Phát triển Hong Kong yêu cầu tất cả cây trong khu vực phải được tiến hành kiểm tra và đánh giá một cách kỹ lưỡng và quyết định xem cây nào có thể giữ lại và cây nào nên chặt bỏ, từ đó xây dựng chu trình bảo tồn hợp lý nhất.
Chủ đầu tư phải phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định xem cây có khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường hay không, đồng thời phải chắc chắn về diện tích đất đủ để xây dựng khu vực bảo tồn.
Đại diện Cục Phát triển Hong Kong nhận định yếu tố then chốt khi bảo tồn cây trong quá trình xây dựng là giảm thiểu đốn hạ cây xanh ở mức thấp nhất có thể vì hiện nay có rất ít phương pháp phục hồi thiệt hại gây ra bởi các tổn thương từ quá trình thi công.