spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Trại tị nạn Rafah trúng đòn không kích Israel

Sắp về đến lán trại, Haila bỗng thấy chớp sáng và loạt tiếng nổ liên hồi, rồi cả khu lều trại cho người tị nạn chìm trong biển lửa.

Trại tị nạn Rafah trúng đòn không kích Israel

“Cơ thể tôi như đóng băng vì sợ hãi”, Mohammad Al-Haila, 35 tuổi, người tị nạn từ miền trung Dải Gaza, kể lại khoảnh khắc anh chứng kiến khu trại ở ngoại ô Rafah bị đánh bom vào đêm 26/5. “Tôi thấy lửa bùng lên. Những thi thể cháy đen. Mọi người chạy toán loạn, kêu gào xin giúp đỡ. Chúng tôi hoàn toàn bất lực”.

Haila mất đi 7 người thân trong vụ tấn công, trong đó có một cụ già và 4 trẻ em. Thi thể họ cháy đen, đến sáng hôm sau mới có thể xác định được danh tính.

Ít nhất 45 người chết và 249 người bị thương trong đòn tập kích của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vào “Trại Hòa bình Kuwait 1” ở Tal al-Sultan, ngoại ô thành phố Rafah ở miền nam Dải Gaza.

Dù IDF ban đầu tuyên bố sử dụng “đạn chính xác” để hạ hai thành viên Hamas, con số thương vong dân thường quá lớn đã buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 27/5 thừa nhận vụ tập kích là “sai lầm bi thảm“.

AFP 20240526 34TZ9YM v2 HighRe 6027 6786 1716880618
Một bé gái bị thương sau cuộc không kích của Israel vào Rafah ngày 26/5. Ảnh: Reuters

Hình ảnh do Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine (PRCS) công bố cho thấy đêm 26/5 tại “Trại Hòa bình Kuwait 1” là một trong những sự kiện thảm khốc và hoảng loạn nhất của người dân Dải Gaza kể từ khi chiến sự bùng phát hơn 7 tháng trước. Lực lượng cứu hộ lao đến hiện trường, giữa lúc đám cháy càng lúc càng lan rộng, hối hả sơ tán người bị thương và đưa thi thể ra khỏi khu vực.

“Vụ tập kích diễn ra khi chúng tôi vừa xong buổi cầu nguyện tối”, một phụ nữ trong khu trại kể lại với Reuters. “Bọn trẻ đã ngủ say. Đột nhiên chúng tôi nghe thấy âm thanh rất lớn, rồi lửa bùng lên bao vây tứ phía. Trẻ con la hét. Âm thanh đó thật khiếp đảm”.

Ahmed Al-Rahl, 30 tuổi, di tản từ phía bắc Dải Gaza đến Rafah, không ngừng ám ảnh về những tiếng thét trong đêm tập kích. Khi bom của Israel giáng xuống khu trại, anh và người thân đang dọn chỗ ngủ. Sóng xung kích từ vụ nổ khiến căn lều rung lên bần bật.

“Ai cũng bối rối không hiểu điều gì vừa xảy ra. Rồi bọn trẻ từ những căn lều khác chạy đến, cầu xin chúng tôi đi cứu bố mẹ chúng đang chết cháy”, Al-Rahl kể lại.

Anh cầm bình chữa cháy lao đến khu vực hỏa hoạn, rồi kinh hoàng và bất lực chứng kiến mức độ tàn phá của trận bom. Khu trại không có đủ nước để chữa cháy. Lều vải và bạt nhựa khiến lửa bùng lên mạnh hơn, còn bình ga dùng để nấu nướng đã trở thành những quả bom.

“Tôi không thể làm gì để giúp những người đang bị thiêu đốt. Tôi nhìn quanh và thấy mọi thứ như thể bị nung chảy”, Rahl kể lại. “Tôi chứng kiến một người cầu xin giúp đỡ trong đám cháy, nhưng tôi không thể làm gì để cứu anh ấy”.

Hiện trường vụ tập kích của Israel tại trại tị nạn ở Rafah, miền nam Dải Gaza, vào đêm 26/5. Ảnh: Reuters
Hiện trường vụ tập kích của Israel tại trại tị nạn ở Rafah, miền nam Dải Gaza, vào đêm 26/5. Ảnh: Reuters

Mohammad Abu Shahma, 45 tuổi, chạy vội đi kiểm tra tình hình họ hàng khi nghe tin có cháy trong khu trại. Anh đã nghĩ em trai mình vẫn an toàn vì túp lều cách vị trí bị tập kích khoảng 400 m. Nhưng khi đến nơi, Shahma phát hiện em trai cùng cháu gái 3 tuổi đã chết vì mảnh bom văng vào lều.

Trụ sở dã chiến của tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF), cách trại tị nạn vài km, tiếp nhận khoảng 180 người bị thương vì mảnh bom và hỏa hoạn, theo điều phối viên MSF tại Gaza Samuel Johann.

Bác sĩ Ahmed al-Mokhallalati, nhân viên phòng khám thuộc tổ chức Lực lượng Y tế Quốc tế (IMC) ở phía tây Rafah, nói mình đã thấy rất nhiều ca thương tích nghiêm trọng vì mảnh bom sau vụ tập kích, trong đó nhiều trường hợp cần phẫu thuật đoạn chi. Ông và đồng nghiệp đã thực hiện liên tiếp nhiều ca phẫu thuật trong hơn 12 tiếng, cho đến khi phòng khám không còn những vật tư thiết yếu để điều trị vết thương hở.

Hai bệnh viện chủ lực của Rafah đều phải sơ tán khi Israel đẩy mạnh tập kích liên tục và bao vây thành phố. Bệnh viện Kuwait với quy mô nhỏ hơn cũng đã ngừng hoạt động vào đầu tuần trước vì lo ngại an ninh. Các trường hợp chấn thương nghiêm trọng, vượt quá khả năng điều trị của các bệnh viện dã chiến, chỉ còn hy vọng chuyển đến bệnh viện Al-Aqsa ở miền trung Dải Gaza.

Vị trí vụ tập kích đêm 26/5. Đồ họa: Washington Post
Vị trí vụ tập kích đêm 26/5. Đồ họa: Washington Post

Khu trại tị nạn trúng bom ở Tal al-Sultan vốn nằm ngoài khu vực IDF yêu cầu sơ tán tại Rafah và giáp ranh những “vùng nhân đạo” do Israel chỉ định. Người dân địa phương cũng không nhận được bất kỳ thông báo sơ tán nào trước đêm 26/5. Nhiều người đã tin rằng khu vực cũng là vùng an toàn.

Giới chức quân đội Israel khẳng định nhiều biện pháp hạn chế thương vong dân thường đã được triển khai trước vụ tập kích, trong đó có do thám trên không, đánh giá tình báo và sử dụng đạn có độ chính xác cao. IDF mô tả thương vong dân thường trong lúc tác chiến là “đáng tiếc”, trong khi người phát ngôn chính phủ Israel Avi Hyman nói “vụ cháy không rõ nguyên nhân đã cướp đi nhiều sinh mạng”.

Ismail al-Thawabta, lãnh đạo cơ quan truyền thông của Hamas, cáo buộc IDF đánh bom khu trại tị nạn cách xa vùng giao tranh, nằm trong khu vực an toàn do chính Israel chỉ định. Juliette Touma, người phát ngôn Cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA), nói địa điểm trúng tập kích nằm gần một trong những cơ sở lớn nhất của tổ chức này ở phía tây bắc Rafah.

“Không còn nơi nào an toàn ở Dải Gaza. Không ai được an toàn nữa, kể cả tình nguyện viên cứu trợ”, Touma nhấn mạnh.

DN 1

Theo VNE.

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm:

Trái cây Thái giá rẻ tràn ngập chợ Việt

Sông ngòi ở Alaska chuyển màu cam vì băng vĩnh cửu tan chảy

TP.HCM: Doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm người lao động

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều