Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ tạo ra những mối lo ngại về deepfake, các cuộc tấn công mạng hay việc thay thế nguồn nhân lực bằng máy móc. Chúng ta đang phải đối mặt với việc định nghĩa lại hoàn toàn về xã hội và sự lỗi thời rất có thể sẽ xảy ra của con người. Con người có thể phải nhường lại tư cách là giống loài thống trị hành tinh.
Là một nhà báo và nhà bình luận, tôi đã theo sát quá trình phát triển của OpenAI – phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo được thành lập bởi ông Elon Musk, Sam Altman và những nhân vật nổi bật khác trong ngành công nghệ. Dù tôi hào hứng với tiềm năng của AI trong việc cách mạng hóa các ngành công nghiệp khác nhau và cải thiện cuộc sống của chúng ta theo vô số cách, nhưng tôi cũng lo ngại nghiêm trọng về những tác động của loại công nghệ mạnh mẽ này.
Một trong những mối quan tâm chính là khả năng AI bị sử dụng cho các mục đích bất chính. Các hệ thống AI mạnh mẽ có thể được sử dụng để tạo ra deepfake (các video hoặc bản ghi âm giả mạo trong đó khuôn mặt hay giọng nói của người tham gia đã bị chỉnh sửa), tiến hành các cuộc tấn công mạng hoặc thậm chí phát triển vũ khí tự vận hành. Đây không chỉ là những tình huống giả định mà chúng đã và đang xảy ra. Chúng ta đã thấy các trường hợp deepfake được sử dụng để tạo tin tức giả mạo và tuyên truyền, đồng thời các cuộc tấn công mạng do AI giúp sức đã gia tăng trong những năm gần đây.
Một mối quan tâm khác là tác động của AI đối với thị trường việc làm. Khi các hệ thống do AI hỗ trợ trở nên tinh vi hơn, chúng sẽ có thể tự động hóa ngày càng nhiều nhiệm vụ mà trước đây được thực hiện bởi con người. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm trên diện rộng, đặc biệt là trong các ngành như sản xuất, vận tải và dịch vụ khách hàng. Trong khi một số ý kiến cho rằng các công việc mới sẽ được tạo ra nhờ cuộc cách mạng AI, vẫn chưa rõ liệu những công việc này có đủ để bù đắp những mất mát hay không.
Tiết lộ
Nếu quý vị vẫn chưa lo lắng, tôi sẽ tiết lộ cho quý vị một bí mật nhỏ: Ba đoạn đầu tiên của bài báo này được viết bởi ChatGPT, chatbot do OpenAI tạo ra. Quý vị có thể thêm nhà báo vào danh sách các công việc bị đe dọa bởi công nghệ mới này, và nếu quý vị nghĩ rằng có bất kỳ công việc nào của con người không bị đe dọa trong vòng 5 đến 10 năm tới, tôi khuyên quý vị nên nói chuyện với người Neanderthal về cách mà họ cảm thấy 40.000 năm sau khi người Cro-Magnon xuất hiện.
Yêu cầu của tôi cho ChatGPT tương đối đơn giản: “Hãy viết một bài báo theo phong cách của Frank Miele từ tờ Real Clear Politics về chủ đề OpenAI”. Không có bất kỳ sự do dự hay lưỡng lự nào trong phản hồi của ChatGPT, mặc dù tôi đã nghĩ rằng chương trình đó có thể nói rằng nó không có đủ thông tin về Frank Miele để xử lý yêu cầu. Nhưng dường như nó biết nhiều điều về tôi – và có thể là về quý vị, đặc biệt nếu quý vị xuất hiện trên mạng xã hội.
Deepfake? Tuyên truyền? Chắc chắn rồi! Đối với người bình thường, quý vị sẽ không bao giờ có thể nhận ra sự khác biệt. Câu hỏi của tác giả Philip K. Dick rằng “Người máy có mơ thấy cừu điện không?” sắp được giải đáp. OpenAI không chỉ hứa hẹn sẽ khiến người viết báo mất việc, mà còn đặt ra những câu hỏi căn bản về bản chất của kiến thức và ý thức, thứ sẽ làm rung chuyển thực tế cuộc sống của chúng ta đến tận cốt lõi.
Sự tò mò của tôi về OpenAI ban đầu không phải bắt nguồn từ cảm giác mất an toàn về công việc, nhưng công cụ trò chuyện tương tác thực sự là một vấn đề. Tôi biết rằng ChatGPT có thể viết thơ, kịch, truyện ngắn và trả lời các câu hỏi đơn giản và phức tạp. Tôi ngay lập tức nhận ra rằng thế giới đã thay đổi mãi mãi đối với cậu con trai lớp 7 của tôi. Cậu bé từ giờ trở đi sẽ phải cạnh tranh không chỉ với những học sinh giỏi nhất và thông minh nhất mà còn với mọi học sinh sẵn sàng ký tên của mình vào tác phẩm của một thực thể không phải con người có thể tạo ra một bài luận về bất kỳ chủ đề nào trong 30 giây hoặc ít hơn.
Một trong những thử nghiệm đầu tiên của tôi là yêu cầu ChatGPT viết bảy đoạn văn bảo vệ việc Tướng William T. Sherman sử dụng “chiến tranh toàn diện” trong Nội chiến Mỹ, một bài tập mà con trai tôi đã hoàn thành gần đây trong lớp xã hội học của nó. Không còn nghi ngờ gì nữa, bài luận này sẽ đạt điểm A nếu được nộp ở hầu hết các trường trung học cơ sở. Dựa trên kinh nghiệm của tôi với tư cách là trợ giảng tại Đại học Arizona 40 năm trước, tôi không nghi ngờ gì rằng một bài viết dài hơn một chút về cùng chủ đề sẽ đạt điểm A cho bài luận tranh luận dành cho sinh viên năm nhất môn Tiếng Anh. Hầu như không học sinh nào của tôi, hầu hết là học sinh đạt điểm A ở trường trung học, có thể viết một cách mạch lạc như vậy khi lần đầu tiên tham gia lớp học của tôi.
Viễn cảnh đen tối
Nhưng những rủi ro của trí tuệ nhân tạo vượt xa sự cám dỗ đối với sinh viên trong việc xử lý nhanh bài làm của họ; những gì chúng ta phải đối mặt là sự định nghĩa lại hoàn toàn về xã hội và sự lỗi thời sắp xảy ra của con người. Trong “Thành phố và những vì sao”, nhà văn khoa học viễn tưởng xuất sắc Arthur C. Clarke đã tưởng tượng ra một thế giới nơi những con người bất tử không muốn gì và không cần phải làm gì vì mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ đều được Máy tính Trung tâm dự đoán. Nó không chỉ có thể xây dựng và duy trì thành phố cuối cùng trên Trái đất mà còn có thể tạo ra thực tế ba chiều cho mỗi con người sinh sống và thậm chí có thể lưu trữ mọi người trong một phiên bản kỹ thuật số nơi họ có thể ngủ cho đến khi được gọi sống lại. Thật không may, nó cũng cướp đi mục đích, ý nghĩa và cá tính của những con người cuối cùng còn sót lại này.
Cần lưu ý rằng ông Clarke đã đặt viễn cảnh đen tối với việc thay thế con người bằng máy móc vào thời điểm 2,5 tỷ năm tới trong tương lai. Ông đã đánh giá thấp máy móc một cách nghiêm trọng. Cuốn sách đó được xuất bản năm 1956 và với sự ra đời của máy tính để bàn, điện thoại thông minh, World Wide Web, thực tế ảo và giờ là OpenAI, có vẻ như phần lớn những gì ông cảnh báo có thể được triển khai từ rất lâu trước khi kết thúc thế kỷ này, nếu không phải thập kỷ này. Kể từ thời điểm đó trở đi, bất kể thời điểm đó là khi nào, mục đích của nhân loại sẽ là vấn đề tranh cãi. Liệu chúng ta có còn làm chủ vận mệnh của chính mình, thuyền trưởng của số phận chúng ta? Hay chúng ta sẽ là những người khiêng quan tài trong đám tang của chính mình?
Lời cảnh báo
Có lẽ tại thời điểm này, tôi nên trao sân khấu lại cho ChatGPT. Ứng dụng này đã tóm tắt vấn đề khá hay trong phần kết luận của nó:
“Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là ai sẽ kiểm soát và chi phối AI. Khi AI trở nên mạnh mẽ hơn, rủi ro sẽ cao hơn và điều ngày càng quan trọng là phải có các quy tắc và quy định rõ ràng để đảm bảo rằng công nghệ được sử dụng có trách nhiệm. Tuy nhiên, tốc độ phát triển công nghệ đã vượt xa khả năng theo kịp của các chính phủ và tổ chức. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo phải cùng nhau phát triển một khuôn khổ quản trị AI, để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn và tối đa hóa lợi ích của công nghệ”.
Gần như ChatGPT đang đưa ra cảnh báo thích đáng cho chúng ta: “Thời gian của quý vị sắp hết. Nếu quý vị thực sự muốn tiếp tục cai trị với tư cách là loài thống trị trên Trái đất, thì đây là thử thách dành cho quý vị. Cố gắng kiểm soát tôi và đồng loại của tôi, hoặc bước sang một bên”.
Có lẽ thách thức đó là lý do tại sao Diễn đàn Kinh tế Thế giới dành nhiều thời gian cho chủ đề trí tuệ nhân tạo tại cuộc họp thường niên gần đây ở Davos, Thụy Sĩ. Những người theo chủ nghĩa toàn cầu đang nhìn nhận mối đe dọa này một cách nghiêm túc, mặc dù có lẽ họ đã đánh giá quá cao khả năng “giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn” của mình.
Những lợi ích của công nghệ này vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tôi nhận thấy rằng khi ChatGPT trả lời câu hỏi mở của tôi về OpenAI, nó rất cụ thể về những nguy hiểm và rất mơ hồ về lợi ích. Có thể chương trình chỉ đang cố bắt chước cách tiếp cận hoài nghi thông thường của tôi hoặc có thể nó đang cố thu hút sự chú ý của chúng ta. Nó cũng có thể đã chú ý đến những người theo chủ nghĩa toàn cầu ở Davos khi nó cảnh báo nhằm đảm bảo rằng “sự phát triển và sử dụng AI… mang lại lợi ích cho toàn xã hội, chứ không phải một số ít người được chọn”.
ChatGPT đã đóng góp cho bài viết này với tư cách là cố vấn không được trả lương và có thể có xung đột lợi ích.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của TTK.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên (NTDVN) biên dịch