Tân Thế Kỷ – Lời mở đầu: Bài viết này thông qua hành vi khác biệt của người thợ may để nói lên một đạo lý nhân sinh: đừng quên quá khứ và hãy trân quý hiện tại.
Có câu rằng:
Nhân sinh vô thường vi thùy mang,
Sầu khổ tương bạn kỷ đa thương.
Đăng hạ thác tai tế tư lượng,
Ngã mệnh chân ý tại hà phương?
Tạm dịch:
Nhân sinh vô thường vì ai vội,
Sầu khổ song hành đỗi đau thương.
Dưới đèn nâng cằm mãi nghĩ tưởng,
Ý nghĩa sinh mệnh tại chốn phương?
Câu chuyện này xảy ra ở Trung Á vào thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, chính là lưu vực sông Amu Darya ngày nay. Tại đây có một người thợ may, những bộ y phục ông may không chỉ vừa vặn, mà còn được thiết kế vô cùng phù hợp với phong cách của từng người. Người ta sẽ mặc những bộ y phục có kiểu dáng khác nhau trong những dịp lễ khác nhau, nhưng ông đều có thể thiết kế ra những bộ y phục độc lạ, làm tăng thêm không ít vẻ đẹp cho khách hàng.
Chỉ có điều, khi thiết kế bất kỳ bộ y phục nào, thì ông đều có một yêu cầu, đó là: Khi may một bộ y phục mới, khách hàng phải mang theo một miếng vải của bộ y phục cũ đã mặc khi làm một việc để lại ấn tượng sâu sắc trong quá khứ. Đó là miếng vải của bản thân họ hoặc của người có ảnh hưởng sâu sắc đến họ. Không cần quá lớn, một miếng nhỏ thôi là được rồi.
Ban đầu, mọi người đều nghĩ rằng vị thợ may này thật đặc biệt, nhưng lại không hiểu được dụng ý của ông. Về sau, khi người ta đã quen thuộc với điều này, ông cũng đã nói ra ngọn nguồn vì sao cần phải làm như vậy.
Ông nói rằng: Cuộc đời của mỗi con người trong từng giai đoạn khác nhau đều sẽ có những ký ức nông sâu khác nhau. Những ký ức này có lúc khiến ta vui sướng, nhưng cũng có lúc khiến ta buồn phiền và đau khổ. Cho dù tâm tình hiện tại của một người ra sao, hay hoàn cảnh cuộc sống như thế nào, đều là bắt nguồn từ quá khứ. Một mảnh vải nhỏ bé của quá khứ được may trên bộ y phục mới, chính là để chúng ta ngay cả khi khoác lên người bộ y phục mới, hướng tới một cuộc sống mới, vẫn có thể không quên quá khứ. Cho dù quá khứ là huy hoàng hay nuối tiếc, thì đều là nhờ có quá khứ mới có hiện tại. Còn nói về tương lai, hiện tại cũng chính là quá khứ của tương lai. Quá khứ không thể cải biến, chỉ có thể ghi nhớ, và từ đó rút ra kinh nghiệm, hoặc nhận được sự khích lệ.
Có một người chăn cừu nghèo khổ nọ đến nhờ người thợ may, may cho anh ta một bộ y phục mới. Anh ta mang theo mảnh vải từ bộ y phục của mẹ mình trước khi qua đời, người thợ may đặt nó tại vị trí trước ngực bên trong chiếc áo mới, với hy vọng rằng người chăn cừu sẽ luôn nhớ tới người mẹ của mình.
Có một vị vương công quý tộc đến để may một bộ y phục mới, ông ấy mang theo một mảnh vải nhỏ lấy từ bộ y phục cũ mà ông yêu thích nhất. Người thợ may đã may nó vào dưới ống quần của bộ y phục mới, ý tứ rằng: ông ấy đã nhận được sự yêu mến của người khác, và sẽ ngày càng trở nên tốt hơn.
Có một bệnh nhân đến may y phục, mang theo mảnh vải được lấy từ bộ y phục mà ông ấy đã mặc khi còn khỏe mạnh. Người thợ may đã đặt nó vào phần vai bên trong bộ y phục mới, hy vọng rằng ông ấy sẽ sớm hồi phục sức khỏe.
Quốc Vương cũng đến, mang theo một mảnh vải từ bộ y phục thô ráp của một người hầu trước đây có ơn cứu mạng ông. Người thợ may đặt nó vào trong cổ tay áo, để khi đức vua xắn tay áo lên, liền có thể nhìn thấy nó (tay áo của trang phục khi ấy thường xuyên được xắn lên). Thời khắc đó sẽ nhắc Quốc Vương ý thức được rằng, những người dân nghèo khổ và bình thường mới chính là trụ cột của quốc gia này; vì vậy, khi làm bất cứ việc gì, đều nên đứng từ góc độ của những người thường dân mà suy xét cẩn thận.
* * *
Người thợ may đã dùng cách thức khác biệt như vậy với mọi người để làm ra những bộ y phục trong suốt mười mấy năm. Một ngày nọ, có một vị tăng nhân đến từ Trung Nguyên muốn may một chiếc áo cà sa mới. Khi người thợ may đem ý tứ của mình nói với vị hòa thượng, hòa thượng liền cười nói: “Nhân sinh bất luận là đau khổ hay hạnh phúc, đều chỉ là hư không. Quá khứ không thể thay đổi, vậy tại sao không buông nó xuống? Trân trọng hiện tại mới là điều nên làm! Thế này đi, ông hãy khoét một lỗ nhỏ trên chiếc áo cà sa của tôi, rồi sau đó khâu vá cho kín lại, như vậy sẽ không đến mức bị hư hại. Điều này sẽ thường xuyên nhắc nhở tôi rằng, cho dù trong quá khứ tôi cũng có trạng thái lúc tốt lúc xấu, có những lúc no lúc đói, nhưng tất cả đều là hư không, đều đã là quá khứ rồi.”
Người thợ may suy ngẫm lại, thấy điều này cũng có đạo lý, liền làm theo lời vị hòa thượng.
Trải qua sự việc này, người thợ may cũng có lĩnh ngộ mới về nhân sinh. Trong quá trình may y phục sau này, ông không còn yêu cầu khách hàng mang mảnh vải cũ đến nữa, mà thường may một cái túi nhỏ bên trong y phục mới, cái túi này rất nhỏ, chỉ là để trang trí mà thôi. Nó có ý nghĩa là mang theo quá khứ, nhưng không nên quá để ý vào quá khứ, và cần trân quý hiện tại. Tất cả những gì của quá khứ cũng đều là sự chuẩn bị cho hiện tại. Bởi vậy, nếu tận dụng tốt quá khứ, thì nó cũng có thể trở nên thiết thực hoặc tô điểm thêm cho hiện tại.
Sau đó, rất nhiều người thợ may trong vùng đều học theo cách này, kiểu trang trí này ở vùng đất Trung Á đã được lưu truyền và lan rộng.
Thực tế, rất nhiều phong tục hoặc tập quán hiện nay trong dân gian đều là những điều ước định thành tục lệ, hoặc nghe nhiều thành quen. Tuy nhiên, tất cả đều có nguyên do, thậm chí tràn đầy sự kính úy đối với Thiên thượng và cảm ngộ nhân sinh. Và tất cả đều là nhờ kinh qua những thời kỳ lịch sử lâu dài mà đặt định nền móng. Chỉ là, rất nhiều điều là do niên đại quá xa xôi khiến con người dần đánh mất hoặc lãng quên mà thôi.
Thạch Phương Hành thực hiện
Bảo Mi (Epoch Times Việt) biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ