Màn hình TV chiếu bản tin phát sóng với cảnh quay về vụ thử tên lửa của Triều Tiên, tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc vào ngày 6/10/2022. Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo vào ngày 6/10 để phản ứng trước các cuộc tập trận quân sự chung của Hoa Kỳ và Hàn Quốc. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images)
Triều Tiên hôm thứ Năm (6/10) tiếp tục phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào Biển Nhật Bản một ngày sau khi Hoa Kỳ điều một tàu sân bay đến vùng biển trong khu vực để đáp trả việc Bình Nhưỡng phóng một tên lửa vào Nhật Bản hôm thứ Ba (4/10).
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) và văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida xác nhận vụ phóng tên lửa vào sáng ngày 6/10 theo giờ địa phương từ gần thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.
[Emergency alert (Correction)]
North Korea has launched a suspected ballistic missile. More updates to follow.— PM’s Office of Japan (@JPN_PMO) October 5, 2022
Tờ Reuters dẫn lời Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, họ đã phát hiện ra các vụ phóng diễn ra lần lượt lúc 6h01 và 6h23 sáng nay (giờ Hàn Quốc) tại khu vực Samsok ở gần thủ đô Bình Nhưỡng. Hai vụ phóng cách nhau 22 phút.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên trong cuộc họp báo: “Đây là lần thứ sáu trong thời gian ngắn chỉ tính từ cuối tháng 9. Điều này tuyệt đối không thể chấp nhận được”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada thông báo, tên lửa đầu tiên đạt độ cao 100km và bay xa 350km, trong khi tên lửa thứ hai bay cao 50km, đạt tầm xa 800km và nhiều khả năng “sử dụng quỹ đạo bất thường” trong hành trình.
Đáp lại, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang tăng cường vị thế giám sát và duy trì sự sẵn sàng trước sự hung hăng của Bình Nhưỡng.
Tàu USS Ronald Reagan và nhóm tác chiến đã đột ngột được tái triển khai sau khi quân đội Hàn Quốc và Mỹ tiến hành các cuộc tập trận tên lửa hiếm hoi ở phía Đông Triều Tiên.
Quân đội Hàn Quốc cho biết sự trở lại của nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ thể hiện “ý chí kiên định” của các đồng minh của nước này trong việc chống lại các hành động khiêu khích và đe dọa của chế độ hiếu chiến.
Triều Tiên coi các cuộc tập trận gần bán đảo của Hàn Quốc và các đồng minh là một cuộc diễn tập xâm lược. Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích việc Mỹ tái điều động tàu sân bay đến khu vực, cho rằng hành động này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của bán đảo, theo Reuters.
Trước đó, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung qua Nhật Bản và ra Thái Bình Dương buộc công dân Nhật Bản phải tìm nơi trú ẩn. Các chuyên gia nghi ngờ đó là tên lửa Hwasong-12 có khả năng vươn tới lãnh thổ Guam ở Thái Bình Dương của Mỹ và thậm chí còn xa hơn nữa. Đây là vụ thử vũ khí đầu tiên trong vòng 5 năm.
Liên quân Mỹ, Hàn đáp trả
Mỹ và Hàn Quốc cho đến nay đã đáp trả các hành động khiêu khích của Triều Tiên bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật, bao gồm phóng tên lửa đạn đạo xuống biển và thả bom dẫn đường chính xác từ máy bay chiến đấu.
Một trong những vụ phóng tên lửa Hyumoo-2 của Hàn Quốc đã gặp trục trặc khi cất cánh và đâm vào một căn cứ không quân hôm thứ Tư (5/10) nhưng không có báo cáo thương vong.
Cộng đồng quốc tế đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Albania, Na Uy và Ireland đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên đã thực hiện một số vụ thử tên lửa kỷ lục trong năm nay trong bối cảnh quan hệ ngoại giao với Mỹ bị đình trệ từ lâu.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân khác vào giữa tháng 10 trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 và trước thềm đại hội Đảng của Trung Quốc lần thứ 20, dự kiến diễn ra vào ngày 16/10.
Theo giới quan sát, Triều Tiên đặt mục tiêu mở rộng kho vũ khí hạt nhân để tăng cường đòn bẩy trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là con rối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà theo đó, Trung Quốc coi Bình Nhưỡng như “một quốc gia vùng đệm quan trọng”, khiến Washington phải tốn sức bảo vệ Đông Á trước các hệ thống vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói với các phóng viên rằng đất nước của ông sẽ đảm bảo an ninh thông qua liên minh với Hoa Kỳ và hợp tác với Nhật Bản. Ông cũng xác nhận tàu sân bay Mỹ đã đi vào vùng biển ngoài khơi Hàn Quốc vào cuối ngày 5/10.
Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về các cuộc thử nghiệm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết Tokyo đã đưa ra một “phản đối kịch liệt” với Triều Tiên về việc phóng thử hôm thứ Năm thông qua các phái đoàn ở Bắc Kinh.
Nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) gần đây nhất của Triều Tiên được thiết kế để bay trên quỹ đạo thấp hơn và có khả năng cơ động, làm phức tạp nỗ lực phát hiện và đánh chặn chúng.
Ông Hamada nói với các phóng viên: “Triều Tiên đã không ngừng và đơn phương leo thang các hành động khiêu khích, đặc biệt là kể từ đầu năm nay”.
Phản ứng của Nga và Trung Quốc
Triều Tiên đã phóng khoảng 40 tên lửa trong năm nay. Lịch trình kỷ lục của nước này bắt đầu vào tháng Giêng với việc phóng một “tên lửa siêu thanh” mới, và tiếp tục phóng các tên lửa hành trình tầm xa. Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) phóng ra từ toa tàu, sân bay và tàu ngầm; tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên được Bình Nhưỡng phóng từ năm 2017, và gần đây nhất được phóng qua Nhật Bản, theo Reuters.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã tăng cường phô trương lực lượng quân sự trong khu vực, nhưng dường như đạt rất ít triển vọng về các lệnh trừng phạt quốc tế hơn nữa từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vốn đã thông qua các nghị quyết cấm phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc và Nga hôm thứ Tư đã tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bằng cách ngăn chặn các nỗ lực tăng cường các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng về vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo.
Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp quốc, Geng Shuang, nói rằng Hội đồng Bảo an cần đóng một vai trò mang tính xây dựng “thay vì chỉ dựa vào những lời hùng biện hoặc tăng cường gây sức ép”.
Ông nói: “Các cuộc thảo luận và cân nhắc nên góp phần vào giảm căng thẳng, hơn là thúc đẩy leo thang”.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc, Anna Evstigneeva, nói với Hội đồng Bảo an rằng “việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên là một ngõ cụt” và “không mang lại kết quả”.
Vào tháng 5, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới, đánh dấu đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc công khai sự bất đồng kể từ khi họ bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng vào năm 2006.
Nguồn The Epoch Times
Đăng theo NTDVN