Không rõ liệu có một quan chức Trung Quốc nào sẽ có mặt tại phi trường Bắc Kinh để chia tay Ngoại trưởng Antony Blinken khi ông kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Trung Quốc hôm 26/04 hay không, nhưng dù sao thì cuộc tiễn đưa đó đã diễn ra một cách lặng lẽ, và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã coi thường nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ quốc khi ông kết thúc chuyến đi không suôn sẻ của mình.
Ngoài ra, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Trung Quốc đã không trải thảm đỏ đón ông đến Thượng Hải hôm 24/04. Chỉ có một quan chức cấp thấp có mặt để chào đón ông Blinken khi ông bước xuống phi cơ.
“Chính phủ Trung Quốc đã bỏ qua các nghi thức quốc tế tại phi trường khi ngoại trưởng Blinken đến Thượng Hải và khởi hành từ Bắc Kinh,” ông Charles Burton, thuộc tổ chức nghiên cứu Sinopsis có trụ sở tại Praha kiêm cựu nhà ngoại giao Canada từng làm việc tại Bắc Kinh, nói với Gatestone. “Hành động này thật nhỏ nhen.”
“Thậm chí còn hơn thế. Bên cạnh sự xúc phạm có tính toán đối với phẩm giá của Hoa Kỳ, hành động này cho thấy ông Tập Cận Bình đang thể hiện rõ rằng các chuẩn mực ngoại giao thông thường sẽ không còn được Trung Quốc tôn trọng nữa.”
Ông Blinken tới Trung Quốc để thảo luận về danh sách ngày càng nhiều những bất đồng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh. Không có gì ngạc nhiên khi ông không đạt được bất cứ điều gì ở đó ngoài việc đưa ra những khiếu nại của Hoa Kỳ về những vấn đề như Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine và đối xử bất công với các công ty Hoa Kỳ. Trong mọi vấn đề quan trọng, Hoa Kỳ và Trung Quốc luôn có quan điểm khác nhau, và người Trung Quốc rõ ràng đã từ chối thỏa hiệp. Ông Blinken đã tha thiết đề nghị hợp tác dù cảm thấy mất mặt.
Kết quả là, Mỹ quốc đang sử dụng lối nói ‘đối thoại-là-tiến bộ’. “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhấn mạnh giá trị — trên thực tế, sự cần thiết — của việc cùng nhau đối thoại trực tiếp và lâu dài, tìm ra những khác biệt thực sự của chúng ta, tìm cách giải quyết những trở ngại này, cũng như tìm cách xây dựng hợp tác ở những phương diện chúng ta có thể,” ông Blinken nói với ông Trần Cát Ninh (Chen Jining), Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải, trước cuộc hội đàm tại thủ đô của Trung Quốc.
Sau khi kết thúc những phiên họp không có kết quả ở Bắc Kinh — ông Blinken đã gặp ông Tập và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, cùng với những người khác — tất cả những gì vị ngoại trưởng này có thể làm là nêu bật các vấn đề đối thoại mới. “Tôi vui mừng thông báo rằng trước đó trong ngày hôm nay, chúng tôi đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán Mỹ-Trung đầu tiên về trí tuệ nhân tạo sẽ được tổ chức trong những tuần tới,” ông nói trong một cuộc họp báo hôm 26/04, khi kết thúc chuyến đi tới Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ chia sẻ quan điểm của mình về những rủi ro và mối lo ngại về an toàn liên quan đến AI tân tiến cũng như cách quản lý những vấn đề này một cách tốt nhất.”
Bình luận của ông Blinken lặp lại bình luận của Tổng thống Joe Biden sau cuộc gặp hôm 15/11 với ông Tập ở Woodside, California. Vì vậy, về thực chất thì ông Blinken ở Bắc Kinh vẫn chỉ nói về việc đối thoại mà thôi.
Chắc chắn rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là một chủ đề quan trọng, đặc biệt là khi nói đến việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ nên tìm kiếm một thỏa thuận với Trung Quốc về chủ đề đó.
“Màn thể hiện lúng túng gần đây nhất của chính phủ Tổng thống Biden là khi Ngoại trưởng Antony Blinken hạ mình trước chủ tịch suốt đời Tập Cận Bình của Trung Quốc về một bộ quy định mới để quản lý phát triển trí tuệ nhân tạo giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia đóng góp nhiều nhất cho cả sự tiến bộ của AI và việc vũ khí hóa công nghệ này,” ông Brandon Weichert, một nhà phân tích an ninh quốc gia tại The National Interest, nói với Gatestone. “Mặc dù việc tạo ra các quy định như vậy nghe có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng đó dường như là một ý tưởng tồi nếu Hoa Thịnh Đốn đơn phương đồng ý hạn chế các hoạt động của chính mình.”
“Đơn phương ư”? Ông Burton và ông Weichert cho biết Trung Quốc không bao giờ tôn trọng các thỏa thuận, vì vậy bất kỳ thỏa thuận nào với Bắc Kinh cũng giống như một lời cam kết đơn phương.
Ông Weichert, đồng tác giả của cuốn sách “Biohacked: China’s Race to Control Life,” (“Tấn công sinh học: Cuộc đua kiểm soát sự sống của Trung Quốc”) cho biết: “Trung Quốc rất quyết tâm vũ khí hóa AI và sẽ lấy làm mừng nếu người Mỹ về căn bản lại giới hạn chính mình bằng một quy định như vậy.”
Ông cho rằng Hoa Kỳ nên dành thời gian kêu gọi thế giới hạn chế thương mại công nghệ với Trung Quốc “hơn là cầu xin sự thương xót của ông Tập Cận Bình.”
Về mặt AI, điều đáng tuyên dương là chính phủ Tổng thống Biden đã hạn chế việc bán vi mạch bán dẫn và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn, đồng thời buộc các quốc gia khác hợp tác, đặc biệt là Hà Lan, quê hương của nhà sản xuất thiết bị ASML.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa – Trung Quốc có thể mua vi mạch bán dẫn trên thị trường chợ đen. Chẳng hạn, Reuters đưa tin trong tháng này rằng bất chấp các quy định của Hoa Kỳ, 10 công ty Trung Quốc vẫn có thể mua vi mạch bán dẫn trí tuệ nhân tạo của Nvidia thông qua các đại lý.
Rủi ro hiện tại đó là chính phủ Tổng thống Biden sẽ đánh đổi những hạn chế của mình để lấy những lời hứa hẹn vô nghĩa từ những người cộng sản Trung Quốc.
Tổng thống Biden sẵn sàng ký các thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc vì ông tin rằng họ chỉ đơn thuần là một “bên cạnh tranh,” từ chối xem họ là đối thủ và chắc chắn không sử dụng thuật ngữ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc dành cho Hoa Kỳ: kẻ thù. Ông và những người tiền nhiệm không muốn thừa nhận rằng Đảng này, như họ đã công khai tuyên bố, đang tìm cách hủy diệt Hoa Kỳ.
Kẻ thù? Vào tháng 05/2019, tờ Nhân dân Nhật báo, được Đảng này tự mô tả là cơ quan ngôn luận và do đó là ấn phẩm có thẩm quyền nhất ở Trung Quốc, đã đăng một bài viết quan trọng tuyên bố về một “cuộc chiến tranh nhân dân” nhắm vào Hoa Kỳ.
Cụm từ này có ý nghĩa đặc biệt. “Một cuộc chiến tranh nhân dân là một cuộc chiến tổng lực, chiến lược và chiến thuật của cuộc chiến này đòi hỏi phải huy động tổng thể các nguồn lực chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quân sự và các nguồn lực khác, sử dụng tổng hợp nhiều hình thức đấu tranh và phương pháp chiến đấu,” một bài viết đăng vào tháng 04/2023 trên tờ Nhật báo PLA (Quân Giải phóng Nhân dân), một trang web tin tức chính thức của Quân Giải phóng Nhân dân, cho biết.
Vì vậy, các biện pháp của Tổng thống Biden cũng như của các tổng thống tiền nhiệm là chưa thỏa đáng.
Mỹ quốc vẫn chưa thể đánh giá được mức độ thù địch và tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Blinken rời Trung Quốc và nói về lợi ích của Hoa Kỳ khi Trung Quốc thịnh vượng. Tuy nhiên, nhờ Hoa Kỳ thúc đẩy đầu tư và thương mại, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành “chiến tranh không giới hạn” (Siêu hạn chiến) nhắm vào Hoa Kỳ trong nhiều thập niên. Chiến tranh không giới hạn của Bắc Kinh gồm việc sát hại hàng chục ngàn người Mỹ mỗi năm bằng fentanyl, tương đương với một vụ tai nạn phi cơ mỗi ngày và số người Mỹ thiệt mạng nhiều hơn cả con số tử vong từ các cuộc chiến tranh Việt Nam, Afghanistan, và Iraq cộng lại.
Giờ đây, ông Tập nghĩ rằng mình đang chiếm thế thượng phong. Từ lúc ông Blinken đặt chân đến Thượng Hải cho đến lúc ông rời đi, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tìm mọi cách để làm bẽ mặt Ngoại trưởng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng đã thể hiện sự kiên nhẫn bền bỉ trước sự sỉ nhục này.
Thật không may, việc chấp nhận bị đối xử thô bạo lại gây ra hậu quả, bởi sự hiền lành khiến chính quyền Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể làm những gì họ muốn, khiến họ càng trở nên kiêu ngạo và hung hãn hơn. Tổng thống Biden vẫn chưa nhận ra điều đó.
Ông Tập gặp ông Blinken hôm 26/04 nhưng vị lãnh đạo Trung Quốc này đã để máy quay ghi lại thái độ coi thường vị khách của mình. Vài giây trước khi Ngoại trưởng bước qua nửa căn phòng để bắt tay, ông Tập hỏi một phụ tá: “Khi nào ông ấy sẽ rời đi?”
Lẽ ra ông Blinken phải là người trả lời rằng: “Không sớm đâu.”
Lẽ ra ngay từ đầu Ngoại trưởng không nên đến Trung Quốc.
(Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tân Thế Kỷ).
Doanh Doanh biên dịch từ The Epoch Times.
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*
Xem thêm:
Điều khiến ĐCSTQ sợ hãi nếu cựu TT Trump trở lại Tòa Bạch Ốc
Các nền kinh tế châu Á đang không tăng trưởng và cũng không gặp khủng hoảng