Theo tờ Fortune, trong khi cả thế giới tập trung vào vụ điều trần của CEO Tiktok Shou Zi Chew thì một cuộc điều trần trước Nghị viện Mỹ khác cũng đang diễn ra không kém phần căng thẳng.
Cựu CEO Howard Schultz huyền thoại của chuỗi cà phê Starbucks đã phải điều trần trước Nghị viện ngày 29/3/2023 về cách công ty đối xử với nhân viên cũng như công đoàn trước những cáo buộc vi phạm luật pháp với người lao động.
Trớ trêu thay, điều khiến ông Schultz bực mình ở phiên điều trần lại chẳng phải những câu hỏi liên quan đến chủ đề chính mà là việc người điều hành phiên họp này, nghị sĩ Bernie Sanders lại liên lục nhắc đến cựu CEO Starbucks như một tỷ phú.
“Hãy nói về cái danh hiệu ‘tỷ phú’ này của tôi nhé. Tôi lớn lên trong một khu nhà trợ cấp của liên bang, bố mẹ tôi chưa bao giờ sở hữu một căn nào, tôi đi lên hoàn toàn từ con số 0. Thế nhưng những gì tôi đạt được trong cuộc đời đều là nhờ vào giấc mơ Mỹ. Đúng vậy, tôi có cả tỷ USD trong tài khoản nhưng đó là do tôi kiếm được, chẳng có ai cho không tôi cả”, Cựu CEO Schultz bức xúc.
Ông Schultz đã 2 lần làm chủ tịch và CEO của chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks trong khoảng thời gian 1986-2000 và 2008-2017, trước khi quay về tiếp tục làm CEO một lần nữa vào năm 2022. Vị giám đốc huyền thoại này mới chỉ từ bỏ chức vị CEO vào tuần trước.
Trong khoảng thời gian đỉnh cao của mình năm 1992, Starbucks dưới thời Schultz đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng thành công (IPO) và trở thành chuỗi cà phê nổi tiếng nhất thế giới với tổng mức vốn hóa lên đến 118 tỷ USD.
Với thành tựu đó, tổng tài sản của Schultz cũng lên mức 3,7 tỷ USD tính đến năm 2023 theo ước tính của tạp chí Forbes.
Tuy nhiên, sự giàu có này của Schultz lại khiến nhiều chính trị gia không hài lòng khi cho rằng có sự bất bình đẳng giữa quản lý và nhân viên tại Starbucks.
“Ông là một tỷ phú trong khi họ chỉ là những nhân viên quèn. Sự mất cân bằng quyền lực và quyền lợi là rất rõ ràng. Bởi vậy đó là lý do các lao động muốn thành lập nên tổ chức công đoàn riêng của mình”, nghị sĩ Tina Smith chỉ trích trong phiên điều trần.
Cựu CEO Schultz bày tỏ sự thất vọng khi bị nghị sĩ Smith mô tả với hình ảnh một tỷ phú như vậy, đồng thời cũng khó chịu khi người chủ trì phiên điều trần, nghị sĩ Sanders liên tục dùng đi dùng lại từ ngữ này.
“Đó là biệt danh các ngài liên tục gán cho tôi và nó thật không công bằng”, ông Schultz nói với nghị sĩ Sanders.
Giàu không phải là tội
Theo tài liệu năm 2011 của tờ New York Times, ông Schultz có tuổi thơ cơ cực tại khu nhà công tại Brooklyn. Thậm chí khi chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, vị Cựu CEO Starbucks này cũng luôn nhắc đến quãng đời gây dựng sự nghiệp, vươn lên thoát nghèo làm giàu của mình.
Thế nhưng theo bài điều tra năm 2019 của tờ Washington Post, những hình ảnh về tuổi thơ của Schultz đang bị “làm màu” quá đà dẫn đến hiểu lầm. Dù hồi nhỏ vị tỷ phú này từng sống trong khu nhà công ở Brooklyn nhưng theo một cựu cư dân sống cùng khu có quen biết gia đình Schultz, khu nhà này khá chất lượng và giành cho tầng lớp trung lưu Mỹ chứ chẳng phải nghèo khó gì.
Quay trở lại phiên điều trần, nhiều nghị sĩ có cùng quan điểm với ông Sanders khi cho rằng Schultz đang làm giàu trên sự bất công của nhân viên.
“Tôi đồng quan điểm với ngài Sanders khi cho rằng giới CEO đang tha hóa khi họ trở nên giàu có. Nếu bạn kiếm được nhiều tiền thì bạn sẽ bắt đầu tha hóa dần”, nghị sĩ Marwayne Mullin nói.
Tuy nhiên không chỉ nhắm đến Schultz, nghị sĩ Mullin còn quay sang chỉ trích chính người cùng cấp đồng quan điểm là nghị sĩ Sanders.
“Mặc dù vậy, tôi cũng thắc mắc là nghị sĩ Sanders cũng rất thành công. Tôi mừng cho ngài về điều đó. Ngài đã tại vị được 28 năm và cùng với vợ, gia đình ngài đã có khối tài sản hơn 8 triệu USD”, nghị sĩ Mullin nói khi cho biết ông Sanders kiếm được khoản tiền lớn nhờ bán sách vào tháng trước.
Phản pháo lại, nghị sĩ Sanders cho biết lời của ông Mullin là dối trá.
Theo điều tra của tờ Politico vào năm 2019, tổng tài sản của nghị sĩ Sanders chỉ vào khoảng 2 triệu USD nhờ kinh doanh bất động sản và gửi tiền cho quỹ đầu tư.
“Điều mà phiên điều trần này hướng tới là liệu người lao động Starbucks có được tham gia công đoàn theo đúng luật pháp Mỹ hay không. Bằng chứng của Ủy ban lao động quốc gia (NLRB) rất rõ ràng rằng hết lần này đến lần khác, bất chấp những lời bào chữa của ông Schultz, Starbucks đã vi phạm luật khi ngăn cấm người lao động tham gia công đoàn để tự thương lượng mức lương cũng như phúc lợi riêng”, nghị sĩ Sanders cố gắng đưa câu chuyện trở về vấn đề chính.
Một trong những lý do diễn ra phiên điều trần là NLRB cáo buộc Starbucks từ chối đàm phán với những tổ chức công đoàn mới thành lập, qua đó vi phạm luật pháp Mỹ.
Trên thực tế, tờ Fortune nhận định Cựu CEO Schultz từ lâu đã có thái độ chống đối các công đoàn, tuy nhiên vị tỷ phú này phủ nhận việc ông cùng Starbucks có bất kỳ hành vi vi phạm luật lao động nào.
Nguồn Fortune
Bản dịch Cafebiz
Xem thêm:
> Lý do đằng sau việc CEO TikTok không cho con cái sử dụng TikTok
> CEO TikTok nói con ông không được dùng ứng dụng này
> TikTok thuê công ty tư vấn có liên hệ mật thiết với Biden để tiếp tục “tồn tại”
> Báo động: hàng chục trẻ em thiệt mạng vì các “thử thách chết chóc” trên Tiktok