Người đàn ông thăng quan, phát tài, thường thường ai cũng cho đó là việc tốt. Nhưng vợ của một người đàn ông trong câu chuyện dưới đây lại không nghĩ như vậy.
Trong sách Liệt Nữ Truyện của Lưu Hướng thời Tây Hán có truyện “Đào Đáp Tử Thê”, kể rằng Đáp Tử làm quan tại xứ Đào được ba năm, chẳng có tiếng tăm gì, nhưng của cải trong nhà tăng lên gấp ba lần.
Vợ của ông đã mấy lần khuyên ông đừng thâu nạp những tài vật riêng tư cho mình như vậy. Sau khi làm quan được năm năm, nhà ông có trăm cỗ xe. Lúc Đáp Tử về hưu thì họ hàng dắt trâu, mang rượu đến chúc mừng ông, nhưng vợ của ông lại ôm lấy đứa con đứng qua một bên khóc một mình.
Người mẹ chồng nhìn thấy, tức giận nói: “Ngươi thấy con trai của ta công thành danh toại thoái quan mà đứng đó khóc, thật là xui xẻo mà”.
Người con dâu nói:
“Chồng của con tài năng nhỏ mà chức quan lại lớn thì thế nào cũng sẽ gặp họa, chẳng có công lao gì mà gia đạo lại rất hưng vượng, đây chính là tích lũy tai ương. Năm xưa quan Lệnh Doãn của nước Sở là Tử Văn làm việc cho quốc gia, gia đạo tuy nghèo mà đất nước giàu có, Quốc vương vô cùng kính trọng ông, dân chúng cũng rất yêu thương ông, thế nên phúc lộc đều truyền lại cho con cháu, danh tiếng được lưu truyền hậu thế. Chồng của con hiện giờ không phải là người như thế, chỉ tham cầu phú quý, vinh quang hiển hách mà không suy xét đến hậu quả”.
“Con nghe nói ở Nam Sơn có một con báo đen, khi trời mưa có sương mù trong bảy ngày nó đã nhịn ăn, vì sao vậy? Là vì nó muốn dưỡng cho lông của nó trở nên óng mượt và có vằn nên nó náu mình để tránh xa họa hoạn. Còn con heo thì một ngày cái gì nó cũng ăn, mỗi ngày đều ăn, ăn đến nỗi thân thể béo mập, chỉ đợi đồ tể đến giết mạng mà thôi. Ngày nay chồng của con trị lý ở ấp Đào này, trong nhà mỗi ngày đều trở nên giàu có, mà vùng đất nơi anh ấy cai quản thì càng ngày càng nghèo, nhà Vua cũng xem thường anh ấy, nhân dân bá tính cũng không ủng hộ anh, điềm báo tai họa đã hiện ra rõ ràng, nên con muốn đưa con của con rời khỏi nơi đây”.
Mẹ chồng của nàng rất tức giận, đã đuổi nàng ra khỏi nhà. Một năm sau, Đáp Tử quả nhiên bị khép vào tội tham ô, mẹ già do tuổi tác cao mà được miễn tội, vợ của ông cùng đứa con quay về phụng dưỡng mẹ chồng cho đến ngày bà nhắm mắt.
***
“Chu Tử Gia Huấn” có câu: “Đức bất phối vị, tất hữu tai ương”, nghĩa là đức hạnh không tương xứng với địa vị thì ắt có tai ương. Đức hạnh của con người ví như nền nhà, còn địa vị, quyền lực, của cải ví như căn nhà; khi nền móng rất nông, mà nhà rất cao tầng, căn nhà sẽ xuất hiện nguy hiểm, có thể bị sập. Đáp Tử trong câu chuyện trên không lo bồi dưỡng đức hạnh mà chỉ lo tích lũy tiền tài, vợ của ông đã sớm nhìn ra tai hoạ từ khi nó còn chưa phát sinh, quả là một phụ nữ giàu trí tuệ.
Trong xã hội hiện nay, do bị đoạn đứt với văn hoá truyền thống nên nhiều người đã không còn tin Nhân – Quả, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không lo cái hoạ về sau; nhiều người vợ thậm chí còn hùa theo chồng kiếm tiền bất chính. Kinh Dịch viết: “Nhà tích thiện, ắt có dư phúc lành; nhà tích bất thiện, ắt có thừa tai ương”. Phụ nữ chỉ cần tu dưỡng bản thân, làm tròn bổn phận, cảm hoá người thân trong gia đình hành thiện tích đức, thì gia đạo sẽ vững bền, hưng thịnh.
Hoàng Nam (DKN).
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*
Xem thêm:
Lá thư từ Tác giả ” Chúa tể của những chiếc nhẫn” và sự tử tế của người xưa