spot_img
19 C
Vietnam
Thứ năm,21 Tháng mười một
spot_img

Vì sao lại nói “Khó nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”?

Dân gian vẫn có câu: “Khó nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, cũng có nơi nói: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Vậy tu luyện rốt cuộc là tu thứ gì? Vì sao tu tại gia lại là điều khó nhất?

Vì sao lại nói “Khó nhất là tu tại gia”?
(Ảnh minh họa: Vectorx2263, Shutterstock)

Tu luyện là tu thứ gì?

Người ta thường quan niệm rằng tu luyện thì phải xuất gia vào chùa, đoạn tuyệt thế sự, chịu khổ mà tu luyện như các đạo sư hoặc lạt ma Tây Tạng ngồi thiền trên núi tuyết hay trong những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống. Kỳ thực đây chỉ là một loại hình thức tu luyện mà thôi.

Đạo Phật quan niệm trong mỗi người đều có cả Phật tính và Ma tính. Vậy nên đạo của Phật Đà nằm ở tu “Thiện”, ức chế Ma tính, khơi gợi và phát triển Phật tính trong bản thân mỗi người. Khi các tâm không tốt ấy bị ức chế, ức chế cho đến khi mất đi, cũng là lúc con người đạt được sự thăng hoa về tâm linh. Vậy nên cũng nói, con đường tu luyện mà Phật Thích Ca giảng là Giới-Định-Huệ, loại bỏ những chủng nhân tâm không tốt thông qua các giới luật.

Đạo sĩ tu luyện 300 năm trong núi sâu vén mở bí mật về công năng đặc dị
Có phải chỉ có xuất gia vào chùa hay lên chốn thâm sơn cùng cốc thì mới là tu luyện?

Đạo gia giảng tu Chân, khởi đầu từ làm người chân thật, cuối cùng trở thành Chân Nhân. Tu của Đạo gia yêu cầu tâm cảnh đạt đến vô vi thanh tịnh, không vướng bụi phàm, nên thường thường yêu cầu độc tu nơi thâm sơn cùng cốc. Năm đó Lão Tử không truyền rộng đạo của mình mà chỉ lưu lại cuốn kinh thư “Đạo Đức Kinh” rồi cưỡi trâu rời khỏi chốn phàm tục. Phần tu luyện tâm tính của Đạo gia thực chất nằm trong “Đạo Đức Kinh”. Đạo gia cũng gắn liền với việc tu luyện thân thể người, có các động tác khác nhau, ví như Thái Cực quyền pháp.

Xuất hiện muộn hơn vào khoảng 2.000 năm trước, tại vùng đất nằm giữa Á và Âu, Chúa Jesus cũng truyền đạo pháp của mình. Tâm điểm của tín ngưỡng Kitô là tình yêu và tha thứ, đức tin, ý nghĩa của sự tồn tại và sự giải thoát dành cho con người. Niềm tin này đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống, đạo đức, văn hóa và con người phương Tây trong hàng nghìn năm sau đó.

Dù khác biệt về hình thức tu luyện như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v, nhưng tựu chung lại việc tu luyện trong các tôn giáo đều xuất phát từ việc tu dưỡng đạo đức và tâm tính của con người.

Tu luyện như một phần tự nhiên đã có sẵn trong huyết mạch của nhân loại. Bắt đầu từ làm người tốt theo giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống, sau đó con người dần tẩy tịnh thân tâm để thăng hoa tới những cảnh giới cao hơn. Tu tâm mới là cốt lõi của tu luyện.

Vì sao “tu tại gia” là điều khó nhất?

Con người sống trên đời dẫu là ai, địa vị sang hèn ra sao, thì cũng đều chẳng thể thoát khỏi ba chữ “Danh, Lợi, Tình”. Người tu luyện khi vào chùa hay ẩn thân ở chốn thâm sơn cùng cốc mục đích để xa lánh đời thường, đoạn tuyệt với thế tục và thoát khỏi sự cám dỗ của “Danh, Lợi, Tình”. Từ đó họ mới có thể tịnh tâm thiền định, tu luyện.

Không rõ nguyên nghĩa của câu “Khó nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa” này là ý gì, bởi nó cũng có nhiều dị bản, mỗi dị bản lại có nghĩa riêng. Nhưng từ quan điểm tu luyện mà xét câu nói này thì cũng có thể đưa ra mấy lời thiển đàm như sau:

Khi những ràng buộc trong cuộc sống thế tục được buông xuống, cũng tương đương với việc môi trường xung quanh trở nên đơn giản hơn và những xung đột về nhân tâm giảm đi rất nhiều. Khi ấy tâm của con người sẽ trầm lắng hơn, dục vọng và cảm xúc sẽ được kiểm soát tốt hơn. Giống như trong một môi trường hoà ái, không ai động chạm tới lợi ích của bản thân mình thì cũng chẳng có mâu thuẫn. Lúc này điều lớn nhất con người phải đối mặt có lẽ chỉ là sự cô đơn. Vậy ta cứ tạm gọi đây là “tu chùa”. Các bậc cao tăng đắc đạo khi xưa cũng thường là xuất từ trong chùa chiền đạo quán hoặc ẩn tu, mật tu.

Khi con người phải bươn chải mưu sinh trong xã hội thế tục, khi đối mặt với đủ kiểu người với những tính cách khác nhau, sự xung đột về lợi ích khác nhau, mới dễ khiến lòng người “dậy sóng”. Để có thể cân bằng tốt những mối quan hệ trong cuộc sống và làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với xã hội, sẽ đòi hỏi không ít thời gian và tâm sức của mỗi người. Đứng giữa dòng đời đầy “Danh Lợi Tình”, chọn làm giọt nước trong hay trôi theo dòng nước đục, vẫn luôn là mối khắc khoải của biết bao nhịp đập trái tim. Biết bao bi hài trong dòng trường giang của cuộc đời cứ nối tiếp hết trang này tới trang khác. Điều này tạm gọi là “tu chợ”. Hòa thượng thời xưa phải vân du khất thực, cũng có thể tạm coi là hình thức “tu chợ” này.

Nhưng có lẽ, với những người thân yêu nhất trong gia đình, khi sự ràng buộc về tình cảm, về mọi phương diện trong cuộc sống trở nên thiết thân nhất, thì mối quan hệ ấy càng khiến con người phải hao tâm tổn sức. Bạn có thể không động tâm khi con cái ốm đau? Khi cha mẹ già yếu bệnh tật? Khi xung đột với người bạn đời? Những mối quan hệ thân thiết là những thứ quan trọng nhất đối với hầu hết mọi người chúng ta, cũng là điều chúng ta khó dứt bỏ nhất.

Khi vào chùa tu luyện, con người có thể đoạn tuyệt hết thảy nhân duyên tại thế gian, người thân cũng đều trở thành “thí chủ” xa lạ. Nhưng khi tu luyện giữa đời thường, họ vừa phải làm tròn trách nhiệm của bản thân với vai trò là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ; lại phải dốc tâm tu luyện, quả thực không phải điều dễ cân bằng. Hình thức tu như thế này là khó khăn nhất.

Không ngụ ý cao thấp

Trong quá khứ, việc tu luyện đắc đạo hầu như không thấy xuất hiện trong đời thường. Nguyên nhân là vì các phương pháp tu luyện phổ biến của nhân loại đều truyền ra dưới hình thức tôn giáo, có trường sở cụ thể như nhà thờ, chùa chiền, đạo quán, v.v., dẫu sao vẫn có ý lánh đời bên trong. Dù cho những nhân vật nổi tiếng trong sử Việt như Trần Nhân Tông, cũng phải có thời kỳ ẩn tu trên núi cao, rồi đi khất thực, chứ không chọn ở trong cung điện giữa triều đình mà tu.

Có thể nói sự sắp xếp thứ tự “tại gia”-“chợ”-“chùa” (mà ta tạm gọi ở trên) không phải là sự sắp xếp về thế nào là tu cao, thế nào là tu thấp, mà có hàm ý rằng điều gì là khó khăn cho việc tu luyện. Tu giữa người thường là khó tu nhất, có thể khiến phần lớn người tu vấp ngã, mê đắm, không còn thực sự là tu nữa.

Mặc dù tu giữa đời thường là khó nhất, nhưng ở trong hoàn cảnh phức tạp nhất ấy, đối mặt với đủ loại mâu thuẫn từ gia đình tới xã hội, nếu tu lên được, thì sẽ là hình thức tu luyện chắc chắn nhất. Bản thân phương pháp tu luyện ấy cũng phải có một bộ hệ thống tương ứng, giúp người tu có thể phù hợp tối đa với xã hội, không trở thành những kẻ quái dị giữa đời thường, cũng không phải là kẻ lánh đời, tránh bước ra ngoài đường, từ bỏ công việc và trách nhiệm trong xã hội. Điều này không phải pháp tu nào cũng có thể làm được.

phap luan trang phap image
(Ảnh: Sơn Vũ)

Kỳ thực tu luyện vẫn là tu tâm, buông bỏ sự tự tư, buông bỏ cái tình. Vượt trên cái tình ấy, người tu luyện sẽ tu xuất tâm từ bi. Khi ấy họ không chỉ yêu thương những gì thuộc về bản thân mình, mà sẽ đối xử với hết thảy những người xung quanh như thể người thân của mình vậy. Người tu luyện đắc đạo cũng sẽ không vì bị tổn thương và lợi ích của cá nhân mình bị tổn hại mà quay lưng lại với gia đình, hay hành xử theo kiểu hơn thua “ăn miếng trả miếng”. Lòng từ bi của họ sẽ có thể hoá giải hết thảy nỗi oán hận và những mâu thuẫn, tranh đấu thiệt hơn; cảm hoá nhân tâm, dẫn dắt con người quay trở về với chính đạo. Vậy nên tu luyện giữa đời thường vừa có ích cho bản thân, vừa có ích cho xã hội. Hoàn cảnh khó khăn có thể khiến ngọc nát vàng tan, nhưng cũng sẽ mài giũa ra được trân bảo quý giá nhất.

Dù tu luyện nơi đền chùa miếu mạo, ở ẩn tu đạo trong núi sâu rừng già hay tu luyện giữa đời thường, tất cả cũng chỉ khác nhau về hình thức. Bản chất của việc tu luyện vẫn là tu tâm dưỡng tính, tẩy tịnh thân tâm. Dù tu ở đâu, nếu không đạt được điều này thì chỉ là công dã tràng. Điểm cốt lõi ấy qua hàng ngàn năm vẫn không hề thay đổi.

  • Tìm hiểu môn tu luyện giữa đời thường tại đây

Theo Thiên Cầm, TTVN

Vi sao co nhan loai

Xem thêm:

Tây Du Ký: Ý nghĩa cái tên Bát Giới và 8 điều Bát Giới vượt qua trong hành trình thỉnh kinh

Con đường giác ngộ thành Phật của một tiểu hòa thượng

Vì sao nói “khó nhất là tu tại gia”?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều