spot_img
19 C
Vietnam
Thứ năm,21 Tháng mười một
spot_img

Vì sao thanh niên Trung Quốc đổ xô sang châu Phi?

Tân Thế Kỷ – Gần đây, làn sóng thanh niên Trung Quốc đổ xô sang Châu Phi tìm việc đang ngày càng trở nên phổ biến. Lý do là vì sao?

Theo The Epoch Times – Tình hình kinh tế suy thoái và tìm kiếm việc làm khó khăn ở Trung Quốc đã khiến nhiều thanh niên nước này phải đến Châu Phi để kiếm sống.  

Đối với những người trẻ tuổi thất vọng về thị trường việc làm Trung Quốc, Châu Phi là một lối thoát nhưng cũng là đường lui cho họ.

Vì sao thanh niên Trung Quốc đổ xô sang châu Phi?
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng vọt, khiến nhiều người đến Châu Phi tìm lối thoát. Ảnh: AFP

Tại sao đến Châu phi?

Tôn Viện (Sun Yuan), tác giả của cuốn sách “Công xưởng thế giới tiếp theo” xuất bản năm 2017, cho biết: “Nhiều thứ mà người Mỹ mua trong các cửa hàng được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc. Nhưng nơi sản xuất không phải Trung Quốc, mà ở Châu Phi”.

Tôn Viện đã đề cập đến Lesotho – một quốc gia nhỏ ở miền nam châu Phi. Hàng chục nhà máy may tại địa phương này đã cung cấp quần jean cho các thương hiệu nổi tiếng như Levi’s, Kohl’s và Walmart. Công nhân trong các nhà máy có thể là người Lesotho, nhưng ông chủ là người Trung Quốc.

Kể từ đầu thế kỷ 21, khi Trung Quốc gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp và doanh nhân Trung Quốc đã hướng sự chú ý đến các nước kém phát triển nhất ở châu Phi. 

Trong hai thập kỷ qua, đặc biệt sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền và thực hiện chính sách “Vành đai và Con đường”, ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc đổ xô đến châu Phi để tham gia vào các ngành như xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại và khai thác mỏ.

Ngoài việc thuê lao động địa phương giá rẻ, một số lượng lớn sinh viên trẻ không còn hy vọng sống sót ở Trung Quốc cũng lên đường đến Châu Phi. Một số họ đã kể với giới truyền thông những câu chuyện và lý do tại sao họ đến làm việc tại Châu lục nghèo nhất thế giới này.

Momo, 22 tuổi, tốt nghiệp trường đại học 985 ở Quảng Châu vào tháng 7 năm 2022 với bằng thạc sĩ quản lý. Cô cho biết một trong những lý do khiến cô đến Châu Phi là vì trước đây cô đã từng đến Châu Phi để thực hiện một dự án của trường. 

Cô làm việc cho một công ty công nghệ tư nhân của Trung Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Nhiều đồng nghiệp Trung Quốc xung quanh cô nói rằng họ đến làm việc ở Châu Phi là vì mức lương cao ở đây. 

Theo như hiểu biết của cô, mức lương cho người nước ngoài ở Châu Phi bao gồm hai phần: phần bình thường là 15.000 đến 20.000 nhân dân tệ mỗi tháng cho bằng thạc sĩ, phần này không chênh lệch nhiều so với mức lương cho vị trí tương tự ở Trung Quốc. Một phần khác là trợ cấp ở nước ngoài, công ty sẽ trợ cấp dựa trên các điều kiện khác nhau của quốc gia mà bạn được cử đến. “Đất nước bạn đến càng hỗn loạn và nguy hiểm, thì bạn càng nhận được trợ cấp cao” – cô Momo nói.

BN 1 jpeg 1

Một người khác, Tằng Khả Y (Zeng Keyi) tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Pháp tại đại học ở Trung Quốc vào năm ngoái. Cô làm công việc bán hàng cho một công ty tư nhân ở Cameroon. Cô nói: “Mục đích đến Châu Phi là để kiếm tiền. Tôi và các bạn cùng lớp đều muốn có một sự đảm bảo về vật chất. Chúng tôi chỉ làm việc ở đây hai, ba năm rồi quay lại Trung Quốc để mua nhà”.

Đa số người trẻ Trung Quốc đến châu Phi là vì mức lương béo bở.

Một người dùng Zhihu có nick name “Mo Dao Bu Jue Xiao” tiết lộ trong một bài báo vào tháng 8 năm 2021 rằng – anh đang ở Châu Phi và đã làm việc lâu năm trong một doanh nghiệp nhà nước có tiền tố Trung Quốc ở ba quốc gia Châu Phi.

Anh cho biết, đây là nơi ngập tràn “vàng”. Lý do chính là thập kỷ vàng của châu Phi bắt đầu từ năm 2000. Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã xâm chiếm châu Phi một cách mạnh mẽ, và nhiều doanh nghiệp khác bắt nguồn từ đó sẽ kiếm được tiền miễn là họ sẵn sàng làm việc. Tuy nhiên, do dịch bệnh và tình hình kinh tế không ổn định, nên số doanh nghiệp đã giảm hơn một nửa.

Những công ty kiếm được nhiều tiền nhất là Huawei và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. 

Anh chia sẻ: “Những người làm việc ở Huawei tiết lộ rằng họ có khoản trợ cấp 100 đô la Mỹ mỗi ngày ở nước ngoài, cộng với nhiều khoản thưởng khác nhau và lương hiệu suất từ ​​400.000 đến 500.000 nhân dân tệ một năm ( đối với nhân viên cấp thấp nhất)”.

Ngoài ra, giống như các doanh nghiệp trung ương mà anh đang làm việc, ở Châu Phi thăng tiến rất nhanh. Lương của hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước phụ thuộc hoàn toàn vào chức vị, lúc đầu là hơn 100.000 nhân dân tệ một năm, hiện tại là hơn 300.000 nhân dân tệ, về phần tiền thưởng hay phụ cấp thì anh không tiện tiết lộ.

Anh ấy cho rằng – nếu điều kiện gia đình không khá hoặc trung bình, thì sẽ dễ dàng mua được một hoặc hai căn nhà ở Trung Quốc sau khi làm việc chăm chỉ ở Châu Phi trong sáu hoặc bảy năm (không tính Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến).

Theo báo cáo, mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp khi sang châu Phi về cơ bản gấp hai hoặc ba lần so với vị trí tương tự ở Trung Quốc đại lục, đây là một kiểu “kiếm tiền nhanh” nhưng không bền vững. Trên thực tế, những người trẻ tuổi hiếm khi nghĩ về tương lai lâu dài.

Những vấn đề khi sống và làm việc tại Châu Phi

Ấn tượng của nhiều người về Châu Phi là rất nóng, chủ yếu là sa mạc rộng lớn, phát triển lạc hậu, chiến tranh và bệnh tật. Khi tuyển dụng, các công ty Trung Quốc sẽ liên tục trao đổi với ứng viên để xác nhận rằng họ thực sự hiểu tình hình.

Theo báo cáo, tình hình thực tế là Bắc Phi tương đối hiện đại, Tây Phi và Nam Phi không tệ, còn Trung Phi thì hỗn loạn hơn.

Thông thường các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ xây dựng các khu vực làm việc bao gồm cả ký túc xá, đây là một khuôn viên vừa có nơi làm việc vừa có nơi sinh hoạt chung. Đối với các hoạt động như ra ngoài mua sắm,công ty thường sẽ lái xe tập thể, ai muốn đi riêng thì báo cáo.

Tuy nhiên an toàn vẫn là một vấn đề lớn ở Châu Phi, vấn nạn trộm cắp và cướp đoạt tài sản thường xảy ra ở các nước này.

Theo báo cáo của truyền thông đại lục, ưu điểm khi làm việc ở Châu Phi là công ty sẽ giải quyết hầu hết các vấn đề sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho nhân viên, nên người làm sẽ tiết kiệm tiền dễ dàng hơn. Còn nhược điểm là địa điểm giải trí và tiêu dùng của những người trẻ tuổi rất khan hiếm, và các vấn đề y tế  hay an ninh cũng rất phức tạp. 

TTK 4 01

Lao động Trung Quốc bất hợp pháp ở Châu Phi

Các công ty Trung Quốc ở châu Phi có thể được chia thành ba loại, một là các công ty công nghệ cao, như Huawei, ZTE, OPPO, DJI, v.v.; thứ hai là các doanh nghiệp nhà nước tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng như China Construction; thứ ba là doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động thương mại.

Một số người thực hiện ước mơ làm giàu, trong khi những người khác lại vỡ mộng tại châu Phi – và hầu hết họ là lao động bất hợp pháp.

Trong bài báo đồng tác giả có tựa đề “Lao động bất hợp pháp Trung Quốc ở Châu Phi” của Vương Đào (Wang Tao), giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi của Đại học Vân Nam, và tiến sĩ Vương Mẫn (Wang Meng) cho biết – Với số lượng người Trung Quốc đến châu Phi tham gia các hoạt động kinh doanh ngày càng tăng, theo ước tính của các nhà nghiên cứu phương Tây, hiện có hơn 1 triệu người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại châu Phi.

Theo phân tích của tác giả, có bốn loại lao động bất hợp pháp của Trung Quốc đến châu Phi: thứ nhất – những người chưa xin được “giấy phép lao động” nhưng đã đến làm việc ở châu Phi; thứ 2 – những người tiếp tục làm việc khi giấy phép lao động hết hạn; thứ 3, những người đến làm việc ở Châu Phi thông qua các thủ tục không chính thức, chẳng hạn như những người vào nước này thông qua thị thực du lịch.

Lao động nhập cư bất hợp pháp đến từ Trung Quốc thường sẽ vướng phải nhiều vấn về luật pháp tại các nước châu Phi này. Trong đó nhiều người bị bắt giữ và tống tiền. 

Tại Nigeria, lao động bất hợp pháp cũng làm gia tăng sự thù ghét của người dân nước này đối với người Trung Quốc, thậm chí đã xảy ra nhiều vụ cướp giật và tấn công người Trung Quốc ở Nigeria.

Ghana là nước sản xuất vàng lớn thứ hai ở châu Phi. Những người Trung Quốc đến Ghana đào vàng sớm nhất đến từ Hắc Long Giang vào cuối những năm 1990, sau đó những người từ Chu Châu, Hồ Nam đã lần lượt đến đây, mà phần lớn là lao động bất hợp pháp. 

Năm 2006, Ghana ban hành “Luật khoáng sản và khai thác” mới, trong đó quy định rõ quyền khai thác các mỏ nhỏ có diện tích dưới 25 mu (khoảng 152 mu) trong nước chỉ được cấp cho công dân Ghana đủ 18 tuổi, và người nước ngoài không được chấp nhận hoặc mua quyền khai thác mỏ cũng như không được phép tham gia khai thác vàng quy mô nhỏ. Cùng năm đó, một số lượng lớn thợ đào vàng từ Quảng Tây đã tràn vào Ghana, và một số người trở nên giàu có nhờ điều này.

Năm 2009, hơn 12.000 thợ đào vàng Trung Quốc đã đến khai thác vàng ở Ghana. Họ không có giấy phép khai thác vàng chuyên nghiệp, nhưng họ mua máy khai thác vàng từ Trung Quốc và tham gia vào các hoạt động khai thác vàng bằng cách hối lộ những thủ lĩnh địa phương.

Nhưng các hoạt động khai thác trái phép của người Trung Quốc không được đảm bảo.

Từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2012, Cục Nhập cư Ghana và đồn cảnh sát đã liên tiếp bắt giữ hàng chục đến hàng trăm người Trung Quốc khai thác vàng trái phép và giết chết một trong số họ. 

Từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2013, phía Ghana đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ những người khai thác vàng trái phép của Trung Quốc, dẫn đến cái chết của nhiều người. 

Dưới sự bảo trợ của Tổng thống Ghana John Dramani Mahama, 5 bộ và ủy ban của Ghana đã thành lập một nhóm công tác để làm sạch hoạt động khai thác vàng trái phép. Tổng cộng có 4.592 người Trung Quốc đã bị bắt và bị đưa trở lại Trung Quốc, đồng thời các thiết bị khai thác vàng của họ bị tịch thu và tiêu hủy.

Châu Phi có lẽ là lựa chọn cho những người trẻ Trung Quốc mơ về một nơi làm việc nhẹ nhàng và kiếm tiền nhanh chóng, tuy nhiên thách thức và nguy hiểm luôn song hành cùng mộng tưởng.

Hoàng Dung biên dịch

Theo The Epoch Times

Xem Thêm:

Trung Quốc: Kinh tế ảm đạm, lợi nhuận công nghiệp sụt giảm

Hoa Kỳ – Hà Lan hợp lực tấn công ngành sản xuất chip Trung Quốc

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều