Tân Thế Kỷ – Việt Nam có hai cuộc họp về Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc. Các cuộc họp này diễn ra trong khuôn khổ các cuộc họp giữa ASEAN – Trung Quốc về Biển Đông diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 15 đến 20/5.
Bàn về Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông
Thông tin được ông Vũ Hồ – Đại sứ, quyền trưởng SOM ASEAN Việt Nam đưa ra tại cuộc họp ngày 8/5 của các quan chức cao cấp (SOM) của ASEAN tại Labuan Bajo (Indonesia). Cuộc họp nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao thứ 42 sắp diễn ra.
Đại sứ Vũ Hồ đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các hợp tác của ASEAN cùng nhiều vấn đề đáng quan tâm khác. Ông cũng thông báo kế hoạch tổ chức một số cuộc họp tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 15 đến 20/5.
Trong đó có Đối thoại ASEAN – Hàn Quốc thứ 27, họp SOM ASEAN – Trung Quốc về DOC lần 20 và cuộc họp nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về DOC thứ 39.
DOC là viết tắt của Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông. ASEAN và Trung Quốc đạt được DOC vào năm 2002.
Hiện hai bên đang đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông. Hội nghị hẹp ngoại trưởng ASEAN tháng 2 vừa qua đã nhất trí sớm hoàn tất đàm phán COC.
DOC – Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông còn gọi là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea), viết tắt là DOC, là một văn kiện được các nước ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) và Trung Quốc ký kết ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại Phnom Penh, Campuchia nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8.
Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Việc ký văn kiện này là kết quả nỗ lực của các nước ASEAN, đặc biệt là của 4 nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Một số nội dung của DOC:
Các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC), năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốc) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước.
Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các ám tiêu, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng.
Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm:
Tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng.
Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa.
Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết/hỗn hợp sắp diễn ra.
Trao đổi trên cơ sở tự nguyện những thông tin liên quan.
Trong khi chờ đợi một sự dàn xếp toàn diện và bền vững những tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác như là: Bảo vệ môi trường biển. Nghiên cứu khoa học biển. An toàn hàng hải và thông tin trên biển. Hoạt động tìm kiếm cứu hộ. Đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, kể cả nhưng không hạn chế trong hoạt động buôn lậu các loại thuốc cấm, hải tặc và cướp có vũ trang trên biển, hoạt động buôn bán trái phép vũ khí.
Cũng trong ngày 8/5, nhóm công tác Hội đồng điều phối ASEAN về kết nạp Timor Leste đã nhóm họp.
Cuộc họp đã thảo luận, hoàn tất dự thảo lộ trình Timor Leste trở thành thành viên của ASEAN. Trong đó đề ra các tiêu chí cụ thể Timor Leste cần đạt để trở thành thành viên đầy đủ.
Timor Leste cũng sẽ được hỗ trợ để bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ thành viên. Theo kế hoạch, dự thảo sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần 42 xem xét thông qua.
Vũ Nam tổng hợp.
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*