Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra và vấn đề là khi nào chứ không phải có xảy ra hay không.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa cảnh báo rằng đại dịch tiếp theo chắc chắn sẽ xảy ra, trong bối cảnh các nước thành viên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này.
Vào ngày cuối cùng của kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) hôm 1.6, cuộc họp thường niên quyết định các chính sách của 194 nước thành viên, WHA đồng ý gia hạn việc đạt thỏa thuận đến cuộc họp năm sau.
Trước đó, quá trình đàm phán 2 năm kết thúc hôm 24.5 mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng nào, chủ yếu do sự bất đồng giữa các nước và những nước cảm thấy bị lạc lõng trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo Reuters, ông Tedros cho rằng việc gia hạn đàm phán là một “quyết định lịch sử”, thể hiện mong muốn chung của các nước về việc bảo vệ người dân, bảo vệ thế giới khỏi nguy cơ các đại dịch tương lai, cũng như những tình trạng y tế khẩn cấp.
“Quyết định gút lại thỏa thuận về đại dịch trong năm tới cho thấy các quốc gia mong muốn điều đó mạnh mẽ và khẩn cấp như thế nào, bởi vì đại dịch tiếp theo là vấn đề khi nào chứ không phải là có hay không”, ông phát biểu.
Trước đó, tờ The Guardian ngày 20-4 dẫn khảo sát do chuyên gia Jon Salmanton-Garcia tại Đại học Cologne (Đức) tiến hành, liên quan đến 187 nhà khoa học cấp cao. Kết quả cho thấy các nhà khoa học cho rằng, cúm là mầm bệnh nhiều khả năng gây một đại dịch chết chóc mới trong tương lai gần.
Ông Salmanton-Garcia cho biết: “Cúm vẫn tồn tại ở mức độ rất lớn, là mối đe dọa số một về khả năng gây đại dịch trong mắt phần lớn các nhà khoa học thế giới. Mỗi mùa đông cúm lại xuất hiện. Bạn có thể mô tả những đợt bùng phát này như những đợt dịch nhỏ. Chúng ít nhiều được kiểm soát vì các chủng khác nhau không đủ độc tính, nhưng điều đó không nhất thiết sẽ mãi như vậy”. Thế giới đã từng trải qua nhiều đại dịch cúm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có thảm họa dịch cúm Tây Ban Nha vốn cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trên thế giới hồi năm 1918. Kể từ đó, đã có 3 đại dịch cúm xảy ra, lần lượt vào các năm 1957, 1968 và 2009, khi đại dịch cúm lợn H1N1 khiến 18.500 người tử vong tại 214 quốc gia.
Kết quả khảo sát còn cho thấy 21% các nhà khoa học tin rằng, đại dịch tiếp theo sẽ do một loại vi sinh vật chưa được xác định xuất hiện bất ngờ, giống như virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra bệnh Covid-19 bắt đầu lây nhiễm sang người vào năm 2019. Các nhà khoa học gọi đó là virus gây “bệnh X” mà con người vẫn chưa biết đến.Với các vi sinh vật gây chết người khác, chẳng hạn như virus Lassa, Nipah, Ebola và Zika, chỉ có 1% đến 2% số các nhà khoa học đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng toàn cầu.
Các nhà khoa học còn cảnh báo virus “thây ma” (zombia) có thể được giải phóng và hồi sinh do hiện tượng băng tan, biến thành đại dịch bí hiểm cho thế giới. Lớp băng vĩnh cửu bao phủ 1/5 bán cầu bắc, che phủ mặt đất trong nhiệt độ dưới 0 độ C hàng trăm nghìn năm qua, tạo ra môi trường lạnh, thiếu ánh sáng và thiếu oxy. Đây là điều kiện hoàn hảo để bảo quản vật liệu sinh học.
Các nhà khoa học tin rằng, tầng sâu nhất của lớp băng vĩnh cửu ẩn chứa các chủng virus hàng triệu năm tuổi, trong khi loài người được cho là chỉ mới xuất hiện khoảng 300.000 năm trước. Tuy nhiên, do hiện tượng nóng lên toàn cầu, các tầng băng tại Canada, Siberia hay Alaska đều đang tan chảy, gây mất cân bằng môi trường Bắc Cực, khu vực được đánh giá có nhiệt độ tăng nhanh gấp nhiều lần tốc độ trung bình của thế giới. Băng tan ở Bắc Cực sẽ giải phóng nhiều vi sinh vật con người chưa từng tiếp xúc. Hệ thống miễn dịch của con người vì thế chưa thể chống chọi được, gây ra quan ngại về viễn cảnh virus bí hiểm lây lan cho loài người, làm bùng phát tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu mới.
Nghi Vân (Theo RT, ANTĐ, TNO)
Xem thêm:
Bị ung thư chỉ còn sống được 2 tháng, gặp được kỳ ngộ khối u biến mất thần kỳ
Bản đồ mức độ hấp thụ hạt vi nhựa của con người trên 109 quốc gia
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*