Tân Thế Kỷ – Ghen tức, tật đố là biểu hiện của cái ác. Có người vì ghen tức, tật đố mà không bất chấp thủ đoạn xấu. Tuy nhiên, đó là hành động hại người tạo tội nghiệp khiến bản thân tổn hao phúc báo. Trong quá khứ đã có rất nhiều bài học giáo huấn cho việc này.
Tâm tật đố là gì?
Đố kỵ là một trạng thái tâm lý rất xấu và cũng rất đáng sợ. Người có lòng đố kỵ mạnh mẽ khi nhìn thấy tài năng, thành tựu hay những gì mà người khác sở hữu, tự họ liền cảm thấy bất công và oán hận, từ đó mà tìm cách hại người, phá hoại chuyện tốt của người khác. Rất nhiều tội ác đều là do lòng đố kỵ của con người mà ra. Đố kỵ như con dao hai lưỡi, đã hại người lại hại chính mình.
Bản chất của tâm đố kỵ cũng được thể hiện thông qua chiết tự chữ Hán của từ “Tật đố” (nghĩa là ghen ghét, đố kỵ). “Tật đố” (嫉妒) là một từ ghép, trong đó cả hai từ đơn “Tật” (嫉) và “Đố” (妒) đều có ý nghĩa là ghen ghét, đố kỵ. Một điểm đặc biệt dễ nhận thấy là hai chữ này đều có bộ Nữ (女) đứng đầu, khiến một số người cho rằng tâm tật đố thường có ở nữ giới, là đặc trưng của nữ giới. Có thật vậy không? Theo thiển ý của người viết, có lý nhưng không hẳn là như vậy, vì nam giới có tâm tật đố cũng rất nhiều.
Người có tấm lòng rộng mở, họ dốc sức vì lý tưởng cao thượng, coi thiên hạ là trách nhiệm bản thân, “lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”. Coi danh lợi nhạt như nước, coi vinh nhục như khói mây, gặp thất bại trắc trở không nản lòng, gặp đắc ý không phù phiếm, gặp cảnh ngộ vẫn ung dung, có tâm cảnh “Giậu đông hái đóa cúc nhà, Nam sơn thanh thản cho ta ngóng về”, có sự phóng khoáng siêu thoát “leo lên tuyệt đỉnh, thì ta là đỉnh núi”, có sự cao khiết “hoa mai ngạo tuyết càng tươi đẹp”.
Trái lại, người lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ, ích kỷ, tầm nhìn hạn hẹp, so đo tính toán chỉ vì những việc cỏn con. Họ hôm nay lo sợ ai đó hơn họ, ngày mai lại lo lắng ai đó bước trước họ, cả đời không được yên ổn. Thậm chí còn có người do tâm đố kỵ sai khiến mà vu cáo hãm hại người tốt, làm đủ mọi việc xấu, tuy họ được đắc ý nhất thời, nhưng cuối cùng chỉ khiến họ thành kẻ cô độc, ắt không thoát khỏi sự trừng phạt của lịch sử.
Nhà Phật thường gọi tâm lý đố kỵ của con người là “tâm tật đố”, đây là một loại tâm hết sức không tốt mà mọi người tu hành đều phải vứt bỏ. Vì tâm tật đố mà người ta có thể làm chuyện xấu, gây họa loạn xã hội,… nên nhà Phật cho rằng những ai chưa bỏ được tâm này thì tuyệt đối không thể tu thành đắc Đạo.
Tâm này hiện nay nổi cộm ở tất cả chúng ta, nó hiện diện ở mọi mặt trong cuộc sống như lúc còn đi học, cho tới khi đi làm và đã lập gia đình. Tâm ghen tị, tật đố khiến con người có cái nhìn không thoáng đãng với người khác. Tật đố với hạnh phúc, thành công của người khác thúc đẩy người ta làm việc xấu, tăng thêm nghiệp lực.
Có nhiều người vì tâm tật đố mà làm hại người khác, thậm chí hại cả người thân bạn bè của mình. Khi thấy người khác có thứ gì mà mình không có thì sinh ra tâm tật đố: anh em vì tật đố quyền lực mà tương tàn, bạn bè vì không thỏa lợi ích mà không màng tình nghĩa, anh hùng vì không có mỹ nhân mà khởi binh làm loạn, nữ nhân cũng có thể vì ghen tuông mà làm chuyện xấu xa,… Cuối cùng hại người hại mình, còn gây ra bao hỗn loạn cho xã hội.
Bất luận là nhìn từ khía cạnh lịch sử hay tôn giáo, những người xuất phát từ tâm tật đố, độc ác làm hại người khác, rốt cuộc đều là “vác đá đập vào chân mình”, hoặc là để tiếng xấu ngàn năm, hoặc trở thành trò cười cho thiên hạ. Dù họ nhất thời đắc ý vì có quyền hành trong tay, rốt cuộc cũng không thoát được sự trừng phạt của quy luật nhân quả báo ứng.
Bao dung người hơn mình được người đời tôn kính
Người xưa nói: “Biển nạp trăm sông, bao dung nên rộng lớn. Vách cao ngàn thước, không ham dục nên cứng rắn”. Dùng thái độ khoan dung rộng mở để đối đãi với người khác, đó là một loại mỹ đức, một loại phong độ, một cảnh giới nhân ái vô tư. Con đường nhân sinh cần đối đãi với người một cách khoan dung, con đường thành công cũng cần đối đãi với người một cách khoan dung.
Dám bao dung những người vượt hơn mình, Âu Dương Tu, lãnh tụ văn đàn Bắc Tống, chính là người thực hiện tín điều này. Việc ông tiến cử Tô Thức là một bằng chứng. Sử sách ghi chép, tháng 2 năm Gia Hựu thứ 2, Âu Dương Tu đảm nhiệm chức quan chủ khảo với thân phận là Hàn lâm học sĩ. Khi ông đọc đến bài văn “Hình thưởng trung hậu luận”, ông vô cùng cao hứng, chuẩn bị xếp bài này vị trí số 1. Do tên của thí sinh trên bài thi đã được niêm phong, Âu Dương Tu cho rằng bài văn này là của Tăng Củng, học trò của ông viết. Để tránh tị hiềm, ông chỉ xếp bài này là tiến sĩ vị trí thứ 2. Thực ra, “Hình thưởng trung hậu luận” là của Tô Thức, người khi đó mới 20 tuổi viết. Trong bài thi, Tô Thức đã triển hiện tài học trác việt của mình, sau này lại thi đỗ trong kỳ thi điện (thi đình). Tô Thức rất khâm phục quan chủ khảo, sau đó lại chuyển mấy bài văn xin Âu Dương Tu chỉ bảo.
Âu Dương Tu được biết “Hình thưởng trung hậu luận” không phải là Tăng Củng, đệ tử của ông viết, mà là Tô Thức, người mới chập chững bước vào văn đàn viết, thì trong tâm ông cảm thấy rất có lỗi với Tô Thức, vì đã để Tô Thức chịu oan xếp thứ 2. Ông thấy những bài văn mà sau đó Tô Thức gửi đến, thì ca ngợi không ngớt. Thế là ông viết một bức thư cho Mai Nghiêu Thần, người có danh vọng rất cao đương thời, và nói: “Văn chương của Tô Thức quả thực là rất hay, tôi nên nhường đường, để anh ấy cao hơn tôi. Thật đáng mừng, đáng mừng”. Tô Thức được Âu Dương Tu, người nổi danh trên văn đàn chỉ dẫn, nên văn chương càng ngày càng hay, sau này quả nhiên xuất sắc hơn người.
Có người nói với Âu Dương Tu rằng: “Tài học của Tô Thức cực kỳ phong phú, nếu ông đề bạt người này, e rằng sau 10 năm, thiên hạ chỉ biết người này mà không biết đến ông”. Âu Dương Tu chỉ mỉm cười cho qua, bằng cảnh giới cái tâm rộng lớn, tấm lòng dám bao dung người, thực sự mong muốn người khác tiến bộ, trưởng thành, vượt hơn mình, ông đã dìu dắt những người như Tô Thức, Tăng Củng, Tô Triệt… đã đặt nền móng cho sự phát triển phồn vinh của văn đàn Bắc Tống. Sau này, mấy người này đều trở thành một trong những “Đường Tống Bát đại gia”.
Tháng 8 năm Chí Hòa thứ nhất, Tống Nhân Tông điều Âu Dương Tu đến Thái sử cục của Mật thư tỉnh để biên soạn “Tân Đường thư” cùng với Tống Kỳ. Sau khi hoàn thành sách, theo thông lệ, trên sách chỉ ký tên một viên quan có vị trí cao nhất trong Thái sử cục. Đương thời, chức quan của Âu Dương Tu cao hơn Tống Kỳ, vì vậy, ngự sử quyết định chỉ ký họ tên của Âu Dương Tu lên “Tân Đường thư”. Tuy nhiên, Âu Dương Tu lại nói: “Tống Công là người có công lớn ở phần ‘Liệt truyện’, thời gian lại lâu dài, sao có thể che lấp và đoạt công của ông ấy được?”. Sau khi Tống Kỳ biết chuyện thì rất cảm động. Âu Dương Tu khiêm nhường, không chiếm công của người khác, có tấm lòng biển nạp trăm sông, được người đời sau tôn kính.
Ví dụ như gian thần Lý Lâm Phủ đời Đường, biết bản thân danh tiếng rất xấu trong triều đình, hễ trong các đại thần có ai đó năng lực hơn ông ta, và những quan chức được Đường Huyền Tông coi trọng, “ắt dùng trăm phương trừ bỏ”. Ông ta nham hiểm xảo trá, bề ngoài lời ngon tiếng ngọt kết giao, sau lưng thì âm mưu ám hại, người thời đó gọi ông ta là “khẩu mật phúc kiếm” (bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao). Những trung thần cùng là tể tướng như Trương Cửu Linh, Bùi Diệu Khanh, Lý Thích Chi… lần lượt đều bị ông ta bài xích và bị bãi chức tể tướng. Vì chuyên quyền cố vị, ông ta dốc hết sức bịt đường ngôn luận, vu cáo hãm hại người tốt, xây dựng nhiều nhà tù lớn, bài trừ những người bất đồng.
Có lần, Đường Huyền Tông trên lầu Cần Chính, sau tấm rèm cửa nhìn ra xa, thấy Binh bộ Thị lang Lư Huyến cưỡi người đi qua dưới lầu. Đường Huyền Tông thấy Lư Huyến có phong độ rất đẹp, buột miệng khen mấy câu. Ngày hôm sau, Lý Lâm Phủ biết được việc này, bèn giáng chức Lư Huyến làm Thứ sử Hoa Châu. Lư Huyến đến nhậm chức không lâu thì lại bị vu cáo là ông có bệnh, không đảm nhiệm được chức vụ, lại bị giáng chức.
Lý Lâm Phủ làm tể tướng 19 năm, các đại thần tài năng chính trực, tất cả đều lần lượt bị bài xích, bị giết hoặc bị giáng chức, từng loạt từng loạt tiểu nhân xu nịnh trục lợi được trọng dung đề bạt. Lý Lâm Phủ chuyên quyền ngỗ ngược, là tai họa của quốc gia, là tai ương của nhân dân. Thời gian này, cảnh tượng phồn vinh “Khai Nguyên chi trị” đã bị hủy hoại không còn lại gì, tiếp theo đó xuất hiện “loạn Thiên Bảo” (Thiên Bảo là niên hiệu thời kỳ cuối của Đường Huyền Tông). Sau khi Lý Lâm Phủ chết, mọi người mới thở một hơi nhẹ nhõm, và đều nguyền rủa hắn “chết chưa hết tội”. Lúc này, có nhiều người tố giác Lý Lâm Phủ và phiên tướng A Bố Tư mưu phản, Đường Huyền Tông liền cắt bỏ quan tước của Lý Lâm Phủ, tịch thu gia sản, con trai, con rể ông ta bị đi lưu đày. Mọi người đều nói Lý Lâm Phủ “ác có ác báo”, tội có báo ứng.
Thiện lương, khoan dung là mỹ đức, còn đố kỵ là đáng hổ thẹn. Chỉ có tấm lòng rộng mở và đại lượng bao dung người khác, thì mới có thể đem lại cho người ta sự ấm áp, cảm hóa và tỉnh ngộ. Bởi vì đó là sức mạnh của thiện, nó có thể động đến bản chất của sinh mệnh, có thể loại bỏ những thứ bất chính, có thể bao gồm hết thảy, có thể làm được hết thảy, giống như có triết gia từng nói: Rộng lớn hơn lục địa là đại dương, rộng lớn hơn đại dương là bầu trời, rộng lớn hơn bầu trời là tấm lòng con người.
Chân Tâm t/h
Tham khảo Minh Huệ Net, DKN
Xem thêm: