spot_img
24 C
Vietnam
Thứ Hai,9 Tháng Chín
spot_img

Những yếu tố nào tạo nên gia đình hạnh phúc, gia tộc hưng thịnh với “Cửu đại đồng đường”?

 

Tân Thế KỷGia đình là nền tảng căn bản của xã hội. Một gia đình, gia tộc hưng thịnh hay không được tạo nên từ nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố cần kiệm, hiếu thảo, hoà thuận, đặc biệt là phải biết “nhẫn”, điều giúp một gia tộc hưng thịnh với “Cửu đại đồng đường” (chín thế hệ trong một nhà). 

Cần kiệm giữ gìn gia sản

Tăng Quốc Phiên là bậc đại quan văn võ song toàn của triều Mãn Thanh. Mặc dù cả đời ông đều tham dự việc triều chính bận rộn tối ngày, nhưng ông lại rất mực coi trọng vun đắp cho gia đình. Ông nói: “Gia đình thịnh vượng bởi chưng hòa thuận, hiếu thảo và cần kiệm!”.

photo 2023 05 16 19 13 27
Tăng Quốc Phiên dạy con cần kiệm – Ảnh: Internet

Không những có một sự nghiệp tấn tới, công việc buôn bán, giao thương mở rộng và phát đạt, ông còn xây dựng gia quy, nền nếp, giúp gia đình hưng thịnh, ấm êm. Những lời răn dạy của ông truyền lại đã giúp gia tộc họ Tăng phát triển trường thịnh.

Tăng Quốc Phiên cho rằng: “Gia đình thịnh vượng bởi chưng hòa thuận, hiếu thảo và cần kiệm!”.

Người Trung Quốc cũng lại có câu rằng: “Gà gáy ngàn năm vượng, chó sủa vạn sự hưng, hòa khí tốt may mắn đến”, tức là gia đình hòa thuận, náo nhiệt (có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa) thì mới hưng vượng, phát đạt.

Tại sao Tăng Quốc Phiên lại cho rằng “hòa thuận”, “hiếu thảo” và “cần kiệm” sẽ mang lại sự hưng thịnh cho gia đình?

Chữ “cần” nghĩa là siêng năng, chăm chỉ, là cần mẫn, cần cù, lại thêm chữ “kiệm” trong tiết kiệm, tức là sự dành dụm, chắt chiu, tạo nên đức tính “cần kiệm” đáng quý của mỗi người, mỗi nhà. 

Sách “Tăng Quốc Phiên gia thư” (Thư nhà của Tăng Quốc Phiên) có chỉ rõ: “Siêng năng tiết kiệm, không lo không giàu; xa xỉ lười biếng, chắc chắn nghèo túng”.

Tăng Quốc Phiên rất giỏi trong việc quản giáo. Ông là bề trên, rất đặt tâm dạy dỗ con cháu trở thành những trụ cột trong gia đình. Tăng gia có rất nhiều người tài, đều nhờ vào sự cần kiệm rèn luyện được dưới sự chỉ bảo của ông.

Một gia đình theo đuổi sự xa hoa, gia phong ắt hẳn sẽ thấp kém, con cháu cũng không biết trân trọng của cải, mồ hôi, công sức của cha mẹ, thậm chí còn hỗn hào, xấc xược. Một gia đình như vậy chắc chắn sẽ không bền vững, mâu thuẫn tầng tầng sẽ xảy ra, càng không thể nói đến hưng thịnh.

Chỉ có những gia đình cần kiệm, cho dù họ có tài hay không, thì chí ít họ vẫn có của ăn của để, con cái cũng không ngông cuồng, phung phí, họ sẽ tích tiểu thành đại. Bởi vậy mới nói, có cần kiệm mới giữ gìn được gia sản.

Hiếu thảo là nền móng vững chắc của gia đình

Quỷ Cốc Tử từng nói: “Việc thiện trên thế gian gồm: Trung và Hiếu; mưu hay trong thiên hạ gồm: Đọc sách và Cày cấy”.

Cổ nhân cũng dạy: “Trời vô pháp, không thông suốt; nhà vô phép, mới tiêu tán”.

Lại có câu rằng: “Trăm việc thiện, chữ Hiếu đứng đầu”.

Quả đúng là, phép tắc lớn nhất trong gia đình, tế bào của xã hội, suy cho cùng chính là sự hiếu kính cha mẹ.

qa2vnm 20181005 than tien giup nguoi con hieu thao chua benh cho me de lai loi tien doan phi thuong 1150 1 2
Hiếu thuận là điều cần thiết cho một gia đình hưng thịnh – Ảnh minh hoạ: Internet

Hiếu thảo không phải qua lời nói mà phải bằng cử chỉ, hành động. Một người không tôn trọng cha mẹ mình, hẳn sẽ bị xã hội lên án. Nếu không tròn đạo hiếu với bậc phụ mẫu, hỏi con cái sẽ noi gương thế nào? Liệu rằng, gia đình ấy được mấy đời êm ấm, hay chẳng mấy chốc đã ly tán?

Nếu muốn một gia tộc trường tồn, ắt phải truyền dạy cho con cháu lòng hiếu thảo, dạy con cháu biết kính trọng người già và yêu mến trẻ nhỏ. Có vậy, gia đình mới sum vầy.

Hòa thuận 

“Xử thế huyền kính” (gương soi việc xử thế) có ghi: “Không có tính tình ngang ngạnh, thì nhà không suy bại; không có hòa khí thì nhà không hưng thịnh”.

Điều thực sự làm nên sự thịnh vượng của gia đình không phải là có bao nhiêu của cải. Đôi khi càng giàu có, lại càng dễ rước họa vào nhà.

Thịnh vượng của gia đình, ấy chính là đến từ sự hòa thuận giữa các thành viên. Khi xảy ra mâu thuẫn, không có cãi vã, phẫn nộ, mà trái lại, mỗi người nhịn đi một chút, dùng yêu thương và cảm thông để duy trì hòa khí.

ab933d20cc632ee685784bbeb8138470 1
Hoà thuận là điều cần thiết cho gia đình hạnh phúc – Ảnh minh hoạ: Internet

“Tâm bình thản thì sao phải khổ não với việc giữ giới; hành động chính trực thì không cần tọa thiền; cha mẹ có ơn nên phải phụng dưỡng; như thế mới khiến người trên kẻ dưới hòa thuận”.

Chính là bảo mỗi thành viên trong gia đình đều cần giữ cho tâm bình thản, hành động đúng chuẩn mực, kính trên nhường dưới, để tạo nên hòa khí, từ đó gia đình mới mong hưng thịnh.

Những lời dạy của Tăng Quốc Phiên quả không sai. “Cần kiệm”, “hiếu thảo” và “hòa thuận” chính là điều cần được chăm chút và dạy dỗ con cái để gia đình có thể thịnh vượng, vững bền. 

Gia tộc duy nhất trong lịch sử ‘cửu đại đồng đường’ nhờ chữ Nhẫn

Trong xã hội ngày nay, do những bất đồng thế hệ nên những gia đình “tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường” không còn mấy phổ biến. Có thể thấy 9 thế hệ với hơn 900 người cùng chung sống dưới một mái nhà khó tới nhường nào. Nhưng Trương Công Nghệ thời nhà Đường bên Trung Quốc đã làm được như vậy, tất cả là nhờ vào một chữ: Nhẫn.

Trương Công Nghệ, quê ở Thọ Trương, Vận Châu (nay là huyện Tiền Đài, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), sống qua bốn triều đại: Bắc Tề, Bắc Chu, Tùy và Đường. Ông là người chú trọng đạo đức, tu dưỡng bản thân, tề gia lễ độ, thiết lập công bằng và chính nghĩa, chế định điều lệ gia pháp để ước thúc con cái, anh chị em trong nhà.

ntdvn zhang gongyi
Trải qua 4 triều đại, gia tộc duy nhất trong lịch sử có 9 thế hệ có thể cùng chung sống, tất cả là nhờ vào một chữ “Nhẫn”. (Một phần bức tranh “Chín thế hệ nhà Trương Công Nghệ cùng chung sống” do danh họa Triệu Mạnh Phủ thời Nguyên vẽ)

Nhờ đó mà gia đình ông phụ từ tử hiếu (cha nhân từ, con hiếu thảo), huynh hữu đệ cung (anh em yêu thương, kính trọng lẫn nhau), phu chính phụ thuận (vợ chồng chung sống hài hòa), hơn 900 người thuộc 9 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, hàng ngày khi tiếng trống nổi lên là mọi người tề tựu để cùng dùng bữa, gia đình vô cùng hòa thuận.

Một đại gia đình như vậy là vô cùng hiếm có, từ thời Bắc Tề, Tùy – Đường, cho đến thời vua Đường Thái Tông và Đường Cao Tông nhà Đường, gia tộc của Trương Công Nghệ đều được treo biển tôn vinh.

Một gia tộc có hơn 900 người thuộc 9 thế hệ chung sống hòa thuận. (Ảnh minh họa: Một phần của bức tranh thời nhà Thanh “Thăng Bình Lạc Thị Đồ”)

Vào năm Lân Đức thứ hai của triều đại nhà Đường (năm 665), vua Đường Cao Tông và hoàng hậu Võ Tắc Thiên tới núi Thái Sơn cúng tế trời đất. Khi đi qua Thọ Trương đã đích thân đến nhà của Trương Công Nghệ để tầm vấn đạo trị gia của ông. Trương Công Nghệ xin ban giấy bút và viết hơn trăm chữ “Nhẫn”. Hoàng đế Cao Tông liên tục khen ngợi và ban cho ông lụa mỏng (giấy viết chữ thời xưa).

Người xưa nói: “Nhẫn những điều người khác không thể nhẫn, mới có thể làm những điều người khác không thể làm”. Trương Công Nghệ dùng “Nhẫn” để trị gia, rốt cuộc ông đã làm điều đó bằng cách nào. Có thể hiểu đôi điều từ bài gia huấn “Bách Nhẫn Ca” (Bài ca trăm chiều Nhẫn) do ông viết:

Bách Nhẫn Ca, Ca Bách Nhẫn

Nhẫn là khí lượng của đại nhân; Nhẫn là căn bản người quân tử.

Nhẫn, mùa hè không nóng; Nhẫn, mùa đông không lạnh;

Nhẫn, nghèo mà vẫn vui; Nhẫn, thọ mà mãi mãi;

Sang không Nhẫn, sụp đổ; giàu không Nhẫn, tổn thất;

Không Nhẫn, chuyện nhỏ thành chuyện lớn; không Nhẫn, việc thiện thành hận thù;

Cha con không Nhẫn, từ – hiếu mất; anh em không Nhẫn, ái – kính tiêu;

Bạn bè không Nhẫn, nghĩa khí mất; vợ chồng không Nhẫn, cạnh tranh nhiều;

Lưu Linh danh hủy hoại, chỉ vì không Nhẫn rượu;

Trần Linh nước diệt vong, chỉ vì không Nhẫn sắc;

Thạch Sùng nhà tan nát, chỉ vì không Nhẫn tài;

Hạng Vũ mạng tiêu tan, chỉ vì không Nhẫn nộ;

Kẻ phạm tội thời nay, đều do không biết Nhẫn;

Người sáng nghiệp xưa nay, có ai mà không Nhẫn.

Bách Nhẫn Ca, Ca Bách Nhẫn.

Kẻ nhân Nhẫn điều người khó Nhẫn; người trí Nhẫn điều người không Nhẫn.

Nghĩ trước nghĩ sau là phép Nhẫn; giả câm giả điếc là chuẩn Nhẫn;

Chữ Nhẫn đi được khắp thế gian; chữ Nhẫn kết thành láng giềng gần;

Nhẫn được đạm bạc nuôi dưỡng thần; Nhẫn được đói rét nên phẩm đức;

Nhẫn được cần khổ, có của dư; Nhẫn được hoang dâm, không bệnh tật;

Nhẫn được cốt nhục, giữ luân thường; Nhẫn được uống ăn, giữ mạng vật;

Nhẫn được lời nói, tránh thị phi; Nhẫn được tranh đấu, tiêu thù hận;

Nhẫn được người mắng không mắng lại; lời ác khẩu tự khắc tiêu tan;

Nhẫn được người đánh không đánh lại, hạ độc thủ tự nhiên vô lực;

Cần biết Nhẫn nhượng là quân tử; chớ nói Nhẫn nhượng là xuẩn ngu;

Khi Nhẫn người, chỉ cười ngốc ngu; Nhẫn qua người, tự biết tỉnh tu;

Dù người chê cười cũng phải Nhẫn; đừng nghe người nói lại không Nhẫn;

Người ngốc thế gian cười kẻ Nhẫn; Thần linh trên trời trọng người Nhẫn;

Nếu ta không kiên trì phải Nhẫn; người ta lại càng không thể Nhẫn;

Khi sự việc tới cần Nhẫn nhất; sự việc qua rồi vẫn phải Nhẫn;

Đời người không sợ trăm sự Nhẫn; đời chỉ sợ một lần không Nhẫn.

Không Nhẫn, trăm phúc đều tiêu tán; một Nhẫn, vạn họa đều tiêu tan.

Một gia đình, một gia tộc muốn hưng thịnh cần phải biết tu dưỡng, biết tôn trọng và làm theo những tiêu chuẩn truyền thống. Ngày nay dù vật đổi sao dời, thời đại thay đổi nhưng những giá trị này vẫn nguyên giá trị. Nếu học tập là làm theo những điều này vẫn có được một gia đình, gia tộc hưng thịnh vững bền.

Chân Tâm t/h

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 9

Xem thêm:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều