Tân Thế Kỷ – Liên tiếp trong những ngày qua, thiên tai dồn dập ập xuống tại nhiều châu lục với diễn biến trái quy luật thông thường, kèm theo mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra hiện tượng mưa lũ, ngập lụt, hạn hán ở nhiều quốc gia trên thế giới, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Nhật Bản: Trận động đất có độ lớn 6 làm rung chuyển Hokkaido
Theo TTXVN, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức (GFZ) cho biết, sáng 11/8, một trận động đất có độ lớn 6 đã làm rung chuyển đảo Hokkaido Nhật Bản.
Theo GFZ, trận động đất có chấn tiêu ở độ sâu 46km dưới bề mặt Trái Đất.
Hiện chưa có thống kê về thiệt hại do trận động đất và cảnh báo sóng thần nào được đưa ra.
Cách đây đúng 2 tháng, ngày 11/6, một trận có cường độ ban đầu là 6,2 đã xảy ra ở một số khu vực thuộc tỉnh Hokkaido.
Trung Quốc: Đông Bắc Trung Quốc đứng trước nguy cơ ‘bão chồng bão, lũ chồng lũ’
Theo NTD, vào tối ngày 9/8, thành phố Thượng Chí, tỉnh Hắc Long Giang, nơi vừa bị lũ lụt do ảnh hưởng của hoàn lưu ngoại vi bão Doksuri, đã ban hành một thông báo khẩn cấp về cơn bão Khanun. Trong ba ngày từ ngày 10-12/8, toàn bộ thành phố này sẽ nghỉ làm, nghỉ học, ngừng sản xuất, ngừng vận chuyển hành khách, ngừng kinh doanh.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của chính quyền thành phố Thượng Chí ra thông báo cho biết, kể từ ngày 2/8 tới nay, cơn bão Doksuri đã gây ra thảm họa mưa lớn cho thành phố, nay lại xuất hiện cơn bão Khanun. Tình huống bão chồng bão này sẽ mang lại những thách thức lớn hơn cho công tác phòng chống lũ lụt của địa phương.
Thông báo đề nghị tất cả công dân không đi ra ngoài nếu không cần thiết. Tất cả các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học và các lớp học hè của thành phố đều ngừng dạy học. Ngoại trừ các đơn vị dịch vụ công đảm bảo an sinh xã hội, tất cả các loại hình doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khác đều ngừng hoạt động. Tất cả các khu du lịch trong thành phố đã bị đóng cửa.
Thông báo này cũng yêu cầu đóng cửa không gian, bãi đỗ xe dưới lòng đất. Tất cả các công trường xây dựng ngừng thi công, ngừng hoạt động xây dựng trên cao và ngoài trời.
Trung Quốc: Người chạy lũ ở Hắc Long Giang trở thành vô gia cư
NTD đưa tin, vào ngày 3/8, một tình huống nguy hiểm đã xảy ra tại đoạn sông Mã Nghĩ chảy qua khu vực thành phố Thượng Chí, khi ấy nước sông dâng cao ngang bờ kè. Vào ngày 4/8, khu vực nội đô Thượng Chí đã bị ngập lụt và biến thành đại dương, nhiều ô tô trôi nổi trên mặt nước chỉ thấy nóc xe. Nơi đây cũng bị mất nước và mất điện.
Một ngôi làng ở Hắc Long Giang bị ngập lụt, dân làng chạy lên núi đăng video cầu cứu, nói: “Thôn Mãn Tây chỉ còn lại mấy người sống sót này, những người khác đều bị cuốn trôi, còn có hơn 10 người mất tích. Nhìn xem, chúng tôi đều không còn nhà để về, không có gì cả, nhà cửa cũng sập rồi, cây trồng cũng không còn, bây giờ đến bữa ăn cũng là một vấn đề”.
Trong video, những người dân chạy lũ đang ngồi trên mặt đất, có người đã đốt một đống củi để hong quần áo. Có những người già bị bệnh, không thể di chuyển, còn có cả trẻ nhỏ. Người quay video nói rằng, hy vọng những người xem được video này nhanh chóng đến cứu giúp họ.
Làng Tân Dân ở thị trấn Nhất Diện Pha, thành phố Thượng Chí cũng bị ngập lụt, chỉ còn lại một số mái nhà lộ trên mặt nước. Một dân làng quay video nói, “Trước thảm họa lớn, con người thật nhỏ bé, chúng tôi mất vài năm, vài chục năm, thậm chí cả trăm năm để xây dựng nên quê hương tươi đẹp này, nhưng đã tiêu tùng chỉ sau một trận lũ”.
Mỹ: Cháy rừng thiêu rụi thị trấn nghỉ mát Hawaii, ít nhất 53 người chết
Ít nhất ba đám cháy lớn bùng phát cuối ngày 8/8 ở bờ biển phía tây đảo Maui và nhanh chóng lan rộng, bao trùm thị trấn ven biển Lahaina. Ngọn lửa lan quá nhanh khiến nhiều cư dân và du khách mất cảnh giác, bị mắc kẹt trên đường hoặc phải nhảy xuống biển để thoát thân.
“Trong bối cảnh các nỗ lực chữa cháy tiếp tục, thêm 17 trường hợp tử vong đã được xác nhận, nâng số người chết lên 53”, chính quyền hạt Maui cho biết ngày 10/8.
Lực lượng tuần duyên Mỹ thông báo họ đã cứu được 50 người nhảy xuống biển do các đám cháy.
Thống đốc Hawaii Josh Green trước đó nói rằng số người chết sẽ tăng đáng kể, trong khi nhiều người bị bỏng, ngạt khói và các vết thương khác.
“Năm 1960, chúng tôi ghi nhận 61 trường hợp tử vong khi sóng thần xảy ra ở Đảo Lớn. Lần này, rất có khả năng tổng số người chết sẽ vượt xa con số đó”, ông Green hôm 10/8 cho hay.
Theo ông Green, khoảng 80% thị trấn Lahaina đã biến mất. Ít nhất 271 công trình bị phá hủy hoặc hư hại, 1.700 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Thị trấn là một trong những điểm thu hút du lịch của đảo Maui, với hai triệu du khách mỗi năm, tương đương khoảng 80% du khách đến đảo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố tình trạng thảm họa ở Hawaii, cho phép các cá nhân và chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nộp đơn xin trợ cấp phục hồi kinh tế và nhà ở.
Đầm phá ở Tây Ban Nha “kêu cứu” vì hạn hán
Đầm phá lớn nhất của công viên quốc gia Donana, miền Nam Tây Ban Nha, đã bị khô hạn hoàn toàn do hạn hán kéo dài và việc khai thác quá mức các tầng chứa nước. Đây là mùa Hè thứ hai liên tiếp đầm phá này rơi vào tình trạng như vậy.
Trong một thông báo, Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha ngày 10/8 cho biết tình trạng nói trên chưa bao giờ xảy ra tại đầm phá Donana kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu về khu vực này cách đây 50 năm.
Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình hạn hán hiện nay, đe dọa bảo tồn đa dạng sinh học tại đầm phá này, chẳng hạn như các loài rùa và cá chình.
Theo các nhà nghiên cứu, trong 2 năm qua, đầm phá Donana ghi nhận lượng mưa thấp nhất trong vòng một thập kỷ, trong khi nhiệt độ trung bình hằng năm cũng ở mức cao nhất từng được ghi nhận là 18,53 độ C.
Ngoài mối đe dọa bởi hạn hán và nền nhiệt cao, đầm phá Donana cũng chịu ảnh hưởng bởi mô hình trồng cây trong nhà kính với một hệ thống đường ống phức tạp để lấy nước tưới từ các giếng khoan bất hợp pháp.
Trong khi đó, chính quyền khu vực Andalusia lại hợp thức hóa những hoạt động tưới tiêu bổ sung, lấy nguồn nước xunh quanh đầm phá Donana, làm dấy lên sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường.
Công viên quốc gia Donana nằm trong diện bảo vệ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). UNESCO coi công viên này là khu bảo tồn sinh quyển quan trọng, đồng thời cũng là điểm thu hút khách du lịch.
Công viên có một hệ sinh thái đa dạng và là nơi cư trú của nhiều loại động vật hoang dã, trong đó có những loại có nguy cơ tuyệt chủng như loài linh miêu Iberia và đại bàng hoàng đế Tây Ban Nha.
Nghi Vân (t.h)
Xem thêm:
Trung Quốc: hàng trăm con cá nhảy khỏi mặt nước, vịt và côn trùng đi vòng tròn là hiện tượng gì?
Dị tượng xảy ra trước và sau động đất ở Sơn Đông, Trung Quốc báo hiệu điều gì?
Tử Cấm Thành nhiều lần ngập nước, thầy phong thủy báo điềm xấu
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*