Mới đây, hãng tin Daily Economic News của Trung Quốc cho biết – Nhiều bệnh viện ở Trung Quốc đã ngừng cung cấp dịch vụ sinh sản trong năm nay. Đồng thời các chuyên gia trong ngành cũng cảnh báo về một “mùa đông sản khoa” do nhu cầu giảm trong bối cảnh tỷ lệ trẻ mới sinh giảm kỷ lục.
Theo báo cáo, các bệnh viện ở nhiều tỉnh khác nhau, bao gồm miền đông Chiết Giang và miền nam Giang Tây, trong hai tháng qua đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa khoa sản.
Bệnh viện Nhân dân số 5 của thành phố Cám Châu ở Giang Tây cho biết trên tài khoản WeChat chính thức rằng các dịch vụ sản khoa sẽ đình chỉ bắt đầu từ ngày 11/3.
Bệnh viện Y học cổ truyền Giang Sơn của Chiết Giang cũng thông báo trên trang WeChat rằng hoạt động kinh doanh sản khoa của họ sẽ ngừng hoạt động từ ngày 1 tháng 2.
Việc đóng cửa khoa sản tại bệnh viện xảy ra khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang vật lộn với việc làm thế nào để thúc đẩy mong muốn có con của các cặp vợ chồng trẻ, trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề đau đầu về nhân khẩu học ngày càng tăng do một xã hội đang già đi nhanh chóng.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện đang giảm mạnh và sản khoa là lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng. Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc cho thấy, cuối năm 2023, tốc độ tăng dân số ở nhiều tỉnh chậm lại, thậm chí xuống mức âm, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm. Số ca sinh vào năm 2023 chỉ là 9,02 triệu người và tổng dân số giảm 2,08 triệu người so với cuối năm 2022.
Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp do tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và tỷ lệ tử vong cao do COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình suy thoái mà các quan chức lo ngại sẽ có tác động lâu dài sâu sắc đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Dữ liệu gần đây nhất của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho thấy số lượng bệnh viện phụ sản đã giảm từ 807 vào năm 2020 xuống còn 793 vào năm 2021.
Truyền thông địa phương, trong đó có Daily Economic News, cho biết số lượng trẻ sơ sinh giảm mạnh đồng nghĩa với việc nhiều bệnh viện không thể tiếp tục vận hành các dịch vụ sản khoa được nữa.
Hôm thứ Sáu, tờ báo đưa tin: “‘Mùa đông sản khoa’ dường như đang đến một cách lặng lẽ”.
Nhiều phụ nữ ở Trung Quốc đã chọn cách không sinh con một phần vì chi phí chăm sóc con cái cao.
Trước đó, tổ chức tư vấn “Nghiên cứu Dân số Yuwa” của Trung Quốc đã công bố “Báo cáo chi phí sinh con Trung Quốc phiên bản 2024”. Đây là tổ chức chuyên nghiên cứu về dân số Trung Quốc và các vấn đề chính sách công liên quan.
Báo cáo này cho biết, chi phí sinh và nuôi con ở Trung Quốc cao hơn cả Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, “gần như cao nhất thế giới”. Chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến khi tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc là khoảng 680.000 nhân dân tệ (khoảng 2,3 tỷ VND). Theo kết quả khảo sát mẫu năm 2017 của Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia Trung Quốc, thì lý do hàng đầu khiến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không có kế hoạch sinh thêm là gánh nặng tài chính (chiếm 77,4% số lượng được khảo sát).
Nguyên nhân thứ hai khiến nhiều người ngại sinh nở, là do tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc rất nan giải. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Năm và tháng Sáu năm 2023 của thanh niên từ 16-24 tuổi lần lượt là 20,8% và 21,3%. Đây lại là một kỷ lục mới kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 2018.
Nguyên nhân thứ ba, là do chênh lệch nam nữ quá lớn và tâm lý xã hội phức tạp khiến việc dựng vợ gả chồng khó khăn. Theo số liệu từ “Niên giám thống kê Trung Quốc 2021”, tỷ số giới tính ở nông thôn Trung Quốc lúc bấy giờ là 107,91, tức là cứ 100 nữ thì có 107,91 nam. Sự mất cân bằng này ở Thượng Hải và Bắc Kinh là nghiêm trọng nhất, lần lượt là 130,93 và 120,21.
Trước tình hình này, các nhà chức trách Trung Quốc đã cố gắng đưa ra các ưu đãi và biện pháp để tăng tỷ lệ sinh, bao gồm mở rộng thời gian nghỉ thai sản, trợ cấp tài chính và thuế khi sinh con và trợ cấp nhà ở. Tuy nhiễn tình hình vẫn không quá khả quan.
Hoàng Dung (t/h)
Xem Thêm:
TQ: Nhiều người trẻ đua nhau ứng tuyển vị trí việc nhẹ lương cao, ngồi một chỗ kiếm bạc triệu/ngày
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*