Dòng người xếp hàng dài mua vàng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) bất chấp số lượng vàng được mua bị giới hạn cũng như thủ tục mua bán rườm rà, phức tạp đã trở thành một hiện tượng trên các trang truyền thông. Có vẻ như việc kéo giá vàng trong nước gần với vàng thế giới của NHNN đang thúc đẩy một tâm lý kỳ vọng mua vàng giá rẻ của nhà nước để kiếm lời.
Chênh lệch giá vàng – ‘Củ khoai lang nóng’
Trong hai năm qua, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới lên tới 20 – 30% giá vàng thế giới, làm tăng cầu vàng miếng SJC độc quyền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đặc biệt là tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới. Siêu lợi nhuận từ chênh lệch giá vàng đã thúc đẩy các vụ buôn lậu vàng ngày một lớn và khó kiểm soát.
Tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày một trầm kha vì NHNN đã không cấp phép nhập khẩu nguyên liệu vàng. Lý do là NHNN e sợ sợ nhu cầu nhập khẩu cao sẽ tác động xấu tới tỷ giá (do cầu về USD nhập khẩu vàng tăng). Bên cạnh đó, để hạn chế người dân ưa thích vàng miếng, NHNN đã độc quyền sở hữu vàng miếng thương hiệu SJC. Tuy nhiên, từ khi sở hữu thương hiệu này, NHNN chỉ bán đấu thầu vàng một lần vào năm 2013 và sau đó là vài ba lần gần đây trong năm 2024. Tất cả các lần đấu thầu vào miếng của NHNN đều thúc đẩy chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới gia tăng bởi giá đấu thầu định ở mức cao hơn giá thị trường.
Trước làn sóng của dư luận, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phải kéo giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới. Lần này, NHNN đã đưa ra chính sách đặc biệt: bán vàng miếng SJC cho dân tại các 04 NHTM nhà nước lớn với mức giá ấn định bởi NHNN.
Lịch sử NHTW bán vàng bình ổn tâm lý thị trường
Việc các ngân hàng trung ương (NHTW) bán vàng cho dân cư đã từng có tiền lệ trong lịch sử, thường là xảy ra khi đồng nội tệ lạm phát cao, người dân mất niềm tin và trú ẩn tài sản tích luỹ vào vàng. Lúc này, nếu các NHTW có nguồn vàng dự trữ dồi dào, việc vừa nhập khẩu vàng để giảm đà mất giá của đồng nội tệ vừa bán vàng cho dân cư để bình ổn tâm lý thị trường đã từng là những lựa chọn chính sách thành công.
Vào trước 1975, chính quyền miền Nam coi vàng là một công cụ dự trữ ngoại hối và hỗ trợ chính sách tiền tệ. Vàng thường xuyên chiếm khoảng 10% tổng dự trữ quốc gia trong giai đoạn 1961-1975. Đến năm 1966, dự trữ vàng tại NHTW ở mức cao nhất là 26 triệu USD, tương đương 23 tấn vàng.
Năm 1966, trước tình hình lạm phát tăng mạnh, người dân đổ xô đi mua vàng để bảo vệ giá trị tài sản. Mất niềm tin với kinh tế vĩ mô càng thúc đẩy cầu về vàng gia tăng, đồng nội tệ mất giá. Khi đó, chính quyền miền Nam Việt Nam đã bán vàng dự trữ cho dân cư để đáp ứng nhu cầu về vàng. Căng thẳng về giá vàng lập tức giảm, tỷ giá cũng bình ổn sau đó do vàng đã giúp NHTW hút tiền nội tệ khỏi lưu thông, làm thu hẹp cung tiền.
Không chỉ chính quyền miền Nam từng sử dụng vàng như một công cụ hiệu quả cho chính sách tiền tệ. Chính quyền Việt Nam [sau thống nhất 1975] cũng từng nhập khẩu vàng để giảm lạm phát và đạt kết quả hết sức tích cực, lạm phát giảm nhanh hơn cả kỳ vọng của Chính phủ khi đó.
Theo TS. Huỳnh Thế Du, chính sách “nhập khẩu vàng để chống lạm phát” vào cuối những năm 1980 mà cố giáo sư Đặng Phong đã nêu trong “Tư duy Kinh tế Việt Nam” đã mang lại hiệu quả bất ngờ cho nền kinh tế. Cho đến nay, vẫn chưa biết chính xác lượng vàng đã được nhập khẩu là bao nhiêu. Chủ trương của chính quyền khi đó là nhập khẩu 160-200 tấn vàng. Vào thời điểm đó, theo số liệu được ghi nhận, ít nhất bốn tấn vàng được nhập khẩu và số vàng này được bán để lấy tiền và số tiền đó được dùng để mua gạo dư thừa vì không có tổ chức nào có đủ tiền để mua. Kết quả của chính sách này đã giúp Việt Nam hút bớt tiền trong lưu thông, giải quyết tình trạng thừa lương thực tạm thời, đồng thời ngân sách nhà nước đã có được một khoản thặng dư đáng kể do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng như giá lương thực trong nước và thế giới trong bối cảnh rào cản ngoại thương với thế giới bên ngoài còn rất lớn.
Có thể nói, cũng như ngoại tệ, vàng biến động theo cung – cầu, trong khi cung cầu về vàng chịu tác động bởi lạm phát. Nguồn gốc của lạm phát lại luôn là nợ công do chiến tranh, thiên tai, tham nhũng, các khoản chi tiêu quá mức của chính phủ,… Ngoài nợ công, nguồn gốc của lạm phát cũng là do theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức so với sức hấp thu vốn của nền kinh tế.
Vì sao cũng bán vàng, NHNN lại thúc đẩy tâm lý ‘găm giữ’ vàng mạnh mẽ hơn?
Với lý thuyết kinh tế học và thực tiễn ở trên, việc NHNN bán vàng ra bình ổn giá vàng trong nước, đưa giá vàng trong nước gần với giá thế giới thông qua kênh phân phối là các NHTM thuộc sở hữu nhà nước thay vì đấu thầu được xem như một giải pháp khả thi. Tuy nhiên, bất kỳ thị trường nào cũng cần nhìn vào cung – cầu. Nếu nguồn cung vẫn không được mở rộng nhờ nhập khẩu theo chính ngạch, thì việc NHNN bán vàng ra cho thị trường từ nguồn vàng dự trữ với mức giá mà NHNN định ra (không phải do cung – cầu quyết định ra) có thể tạo ra những kỳ vọng xấu.
Sau 5 ngày bán vàng tại 04 NHTM, giá vàng mà NHNN bán ra giảm dần trong 4 ngày đầu. Giá vàng đã không giảm trong ngày thứ 5, ngày 6/6/2024. Số lượng vàng bán ra bị giới hạn ở mức mỗi người được mua tối đa 3 lượng vàng, kèm điều kiện công khai thông tin cá nhân chi tiết. Dòng người xếp hàng mua vàng ngày một dài. Ở một số địa điểm, chưa kết thúc giờ hành chính nhưng NHTM đã công bố không còn vàng để bán cho dân. Dường như cung vàng từ NHNN với giá bình ổn đang kích thích cầu đầu tư và trữ vàng trong dân mạnh mẽ hơn.
Một đại biểu Quốc hội đã đặt ra câu hỏi: “NHNN có thể bán vàng tới bao giờ?”. Một câu hỏi có chiều sâu. Thực tế, dự trữ vàng tại NHNN không nhiều. Theo nguồn tin từ Hội đồng vàng thế giới, con số này chỉ khoảng 650 triệu USD. Nếu tính theo mức giá 2.300 USD/ouce vàng và mỗi ounce = 0,8 lượng thì số vàng mà NHNN sở hữu là 226.086 lượng vàng.
Nguồn cung vàng nguyên liệu, vàng miếng gần như không thay đổi, trong khi giá vàng bán ra giảm tới 10 – 11 triệu đồng mỗi lượng so với vài ngày trước đó đã khuyến khích các tổ chức, người đầu cơ và người dân tranh giành mua vàng SJC do NHNN bán ra với kỳ vọng khi chương trình “ưu đãi” phi thị trường này kết thúc, khối vàng mua theo giá nhà nước sẽ sinh lời.
Một chuyên gia tài chính (giấu tên), khi bình luận về chính sách bình ổn giá vàng của NHNN, đã chia sẻ với NTDVN rằng: “Nếu tôi là một tổ chức kinh doanh vàng theo cấp phép của NHNN hoặc một nhà đầu cơ “tay to”, tôi sẽ thuê người đứng xếp hàng mua vàng ở các NHTM, dù mỗi người chỉ được mua 2 – 3 lượng vàng. Ngay khi NHNN không thể cung ứng vàng miếng nữa thì giá vàng miếng trong nước sẽ tăng trở lại, duy trì khoảng cách 20-30% so với giá vàng thế giới như trước kia. Bởi vì, ở đây là vấn đề cung cầu. Việc khan hiếm nguồn cung, tỷ giá tăng mạnh và kỳ vọng lạm phát đang kích thích tâm lý trữ vàng trong dân. Nhưng NHNN lại giải toả cơn khát này bằng một chính sách hành chính, bán vàng dự trữ mà không nhập khẩu vàng để điều hoà tỷ giá“.
Ông nói thêm: “Rõ ràng, khi NHNN dùng USD để nhập khẩu vàng, tăng cầu về USD nhưng bù lại họ cũng hút tiền đồng về do bán được vàng trong dân cư, điều này làm chặn lại sự mất giá của tiền đồng trong bối cảnh Fed chưa có dấu hiệu cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 tới đây”.
Nhân viên của một công ty kinh doanh vàng tại Hà Nội nói với phóng viên của NTDVN rằng hiện họ ngừng bán vàng cho khách lẻ. Tiếp cận vàng khó khăn tại các NHTM và cả cửa hàng vàng truyền thống đang thúc đẩy tâm lý trữ vàng mạnh mẽ hơn.
Cho tới nay, NHNN vẫn luôn cho rằng việc cơ quan này không cho nhập khẩu vàng và kiểm soát chặt chẽ nguồn vàng nhập khẩu chính thức sẽ giúp tỷ giá giữa đồng nội tệ và USD ổn định. Nhưng chênh lệch giá vàng trong nước đã thúc đẩy buôn lậu. Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới, dù không được nhập khẩu chính thức, nhưng Việt Nam đã nhập khẩu tới 55 tấn vàng vào năm 2023. Như vậy, ít nhất mỗi năm, khoảng 1 tỷ USD đã được gom trên thị trường tự do để phục vụ cho nhu cầu nhập lậu vàng. Theo Hiệp hội vàng Việt Nam, khoản chênh lệch giá trong nước và thế giới mỗi 1 triệu đồng/lượng đã đủ để kích thích hoạt động buôn lậu vàng gia tăng.
Thực tế, tài khoản Lỗi và Sai sót cộng dồn trong bảng Cán cân thanh toán quốc tế, công bố bởi NHNN trong giai đoạn 2022 – 2023 lên tới âm 50 tỷ USD. Ngày 29/5/2024 vừa qua, NHNN đã công bố bảng Cán cân thanh toán quốc tế cho quý 1 năm 2024, tài khoản Lỗi và Sai sót trong kỳ lên tới âm 7,9 tỷ USD. Trong các khoản USD chảy khỏi biên giới quốc gia không được hạch toán chính thức luôn bao gồm các khoản buôn lậu; trong đó không thể loại trừ buôn lậu vàng. Rõ ràng, việc không cho nhập khẩu nguyên liệc vàng chính thức không làm giảm nhu cầu USD, không tác động tốt hơn cho tỷ giá giữa VND và USD mà ngược lại. Chính sách vàng đang tác động tiêu cực ít nhiều lên sự mất giá của tiền đồng trong cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Theo Quang Nhật, NTDVN
BÀI CHỌN LỌC:
Xem thêm:
Tất cả nhà vàng hạ giá về dưới 80 triệu đồng/lượng, xu hướng còn giảm tiếp
NHNN “chốt” giá bán vàng bình ổn ngày 3-6: 78,98 triệu đồng/lượng
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*