(Tân Thế Kỷ) – Những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc hàng trăm ha đất rừng sẽ phải hủy bỏ để thực hiện dự án hồ thủy lợi Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Được biết, chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019).
Hồ chứa nước Ka Pét có tổng dung tích hơn 51 triệu m3 với tổng mức đầu tư dự án gần 875 tỷ đồng.
Mục tiêu dự án là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Cánh rừng 600ha và những gì sẽ mất
Hầu hết chúng ta không biết đến dự án hồ chứa nước Ka Pét nếu truyền thông trong nước không đăng tải những bộ ảnh cho thấy khu rừng 600ha khổng lồ đó không đơn giản chỉ là một khu rừng.
Qua ảnh, ta có thể thấy rừng ở Mỹ Thạnh là các loại cây gỗ quý như lim, cẩm, hương, trắc, căm xe, mun, bằng lăng. Trong đó có hình ảnh một cây lim đá trên 100 năm tuổi.
Khu rừng này tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua. Hiện, khu rừng do Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét quản lý, có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng địa phương thông qua chính sách nhận khoán.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường do Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam lập tháng 6/2023, bên cạnh hiệu quả to lớn về kinh tế – xã hội như cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp; điều tiết lũ cho hạ du, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực dự án, việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét sẽ gây ra những tác động tiêu cực nhất định đến môi trường xã hội.
Cụ thể, dự án sẽ làm giảm diện tích đất rừng tự nhiên, làm phân mảnh các hệ sinh thái tự nhiên ảnh hưởng đến quần cư của các loài động vật hoang dã. Việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất (đặc biệt là đất rừng) sẽ làm giảm diện tích đất rừng tự nhiên, về lâu dài sẽ gây lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn. Do đó, dự án cần phải có phương án giải phóng mặt bằng và phương án trồng rừng thay thế phù hợp.
Theo VnExpress, trong 600 ha rừng tự nhiên ở xã Mỹ Thạnh có 137 ha rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Rừng ở đây nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, ít bị con người tác động.
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận phải trồng lại hơn 1.844 ha ở những nơi khác để thay thế diện tích rừng bị mất. Điều này thực hiện theo nguyên tắc rừng thay thế phải được trồng lại gấp ba lần diện tích rừng tự nhiên bị chuyển mục đích sử dụng. Dự kiến tổng kinh phí trồng rừng thay thế khoảng 177 tỷ đồng.
Nhiều tác động tới môi trường
Trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư dự án đã nêu ra nhiều vấn đề tác động đến môi trường và xã hội khi xây dựng công trình.
Trong đó thừa nhận diện tích đất rừng các loại tương đối lớn, vì vậy quá trình triển khai xây dựng chủ đầu tư phải xem xét kỹ, đầy đủ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật để chuyển nhu cầu sử dụng đất rừng sang đất phục vụ công trình.
Chính quyền địa phương phải thông báo đến từng hộ dân về việc nhà nước đầu tư xây dựng công trình. Nghiêm cấm nhân dân phát triển sản xuất trong vùng lòng hồ, để giảm chi phí đền bù sau này.
Tổng diện đất cần sử dụng trong quá trình xây dựng công trình hồ chứa nước Ka Pét là 697,73ha, trong đó diện tích sử dụng đất rừng là 679,72ha (đất có rừng là 619,58ha, đất rừng nhưng không có rừng là 60,14ha), còn lại hơn 18ha là đất sản xuất nông nghiệp.
“Như vậy, đây là diện tích đất sẽ bị thu hồi để phục vụ công tác xây dựng dự án. Trong phần diện tích đất này không có các công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, chỉ có khoảng 20 ngôi mộ nằm trong vùng ngập lòng hồ”, báo cáo ĐTM cho hay.
Báo cáo ĐTM cho rằng việc giảm diện tích đất rừng tự nhiên sẽ làm phân mảnh các hệ sinh thái tự nhiên (khu vực cư trú, đường đi tìm thức ăn của các loại sinh vật). Điều này có ảnh hưởng lớn đến quần cư của các loài động vật hoang dã. Một nguy cơ có thể xảy ra, là tăng khả năng tiếp cận của dân địa phương, dân săn trộm, công nhân xây dựng vào các vùng sâu hơn.
Về lâu dài việc mất rừng sẽ mang lại những hệ lụy vô cùng lớn: Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn,… ngày càng nghiêm trọng do tình trạng rừng bị tàn phá. Vì vậy, đối với dự án cần phải có phương án giải phóng mặt bằng và phương án trồng rừng thay thế phù hợp.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp), sẽ làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cũng như làm thay đổi chất lượng đất, làm giảm khả năng tái tạo, phục hồi môi trường và hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực (tác động dài hạn).
Việc xây dựng hồ chứa làm dâng cao mực nước ngầm ở khu vực xung quanh hồ, song vấn đề này sẽ thúc đẩy sự phát triển của cây cối, góp phần cải tạo vi khí hậu.
Bên cạnh đó, do lượng nước dự trữ toàn lưu vực tăng và được bảo tồn thường xuyên trong hồ chứa sẽ tác động đến chất lượng đất: Độ ẩm đất vùng ven hồ trong mùa khô tăng đáng kể, dự kiến từ 10-15%. Lượng mưa rơi trên lưu vực có thể tăng….
Báo cáo ĐTM được gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra các biện pháp giảm thiểu đối với hệ sinh thái gồm: Thiết lập và thực hiện kế hoạch bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, dọn lòng hồ, quản lý nguồn thải nhằm giữ vệ sinh vùng hồ; thiết lập phương án trồng rừng thay thế.
Ngoài ra, cần tăng cường lực lượng kiểm lâm, tuần rừng để giảm thiểu áp lực, phòng ngừa hoạt động khai thác gỗ trái phép, săn bắn, … và tiếp tục áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các hoạt động trái phép trong rừng. Thực hiện chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho dân địa phương và cho công nhân xây dựng…
Được biết, theo quy định hiện hành, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, phê duyệt ĐTM dự án trong thời gian 45 ngày.
Chiều 7/9, Bình Thuận họp báo thông tin về dự án
Theo Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết trước những thông tin trái chiều về việc thực hiện xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức họp báo vào chiều 7/9.
Tại buổi họp báo, tỉnh Bình Thuận sẽ thông tin đầy đủ dự án hồ chứa nước Ka Pét, ý nghĩa của việc thực hiện dự án và tiến độ thực hiện dự án với đại diện UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm…
Nghi Vân (t.h)
Xem thêm:
Cảnh sát Hàn Quốc: tiếp viên Việt Nam chuyển hàng lậu đã có từ lâu
Tội phạm nhận hối lộ tăng hơn 300% và cho vay lãi nặng tăng hơn 90%
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*