spot_img
19 C
Vietnam
Thứ Ba,14 Tháng Năm
spot_img

Chuyện cổ về thuật châm cứu, thầy thuốc xuống Âm Phủ trị bệnh

(Tân Thế Kỷ) Thời Trung Quốc cổ đại, y thuật và Đạo có sự liên quan chặt chẽ với nhau, người có y thuật ‘xuất thần nhập hóa’ đều có ở khắp nơi. Nếu không được tận mắt chứng kiến, không tự mình trải nghiệm trực tiếp, có lẽ nhiều người sẽ khó tin.

Chuyện cổ về thuật châm cứu, thầy thuốc xuống Âm Phủ trị bệnh
Châm cứu là một trong những phương thức trị bệnh kỳ diệu của Trung Y

Rất nhiều trường hợp, thầy thuốc chỉ cần châm một kim là bệnh hết, một muỗng thuốc là người bệnh có thể đứng dậy, một thang thuốc là có thể cứu sống người bệnh. Những y án này được ghi chép rõ ràng chi tiết trong sách sử.

Vô số khoảnh khắc thần kỳ như vậy đã thực sự xảy ra trong hàng ngàn năm trước. Trung y vốn là “y học của Đạo gia” có những Đạo sĩ tự nhiên có thể hiểu biết, thấu đáo bí ẩn của cơ thể con người.

Vào thời Đường, chẳng những xuất hiện thầy thuốc có thể “ra vào Âm Phủ trị bệnh”, mà còn có một số Tể tướng và Đạo sĩ có tuyệt kỹ, tinh thông thuật châm cứu.

Vị danh tướng chỉ châm một kim đã trị được bướu thịt

Danh tướng Địch Nhân Kiệt triều Đường giỏi xử án, đồng thời y thuật của ông cũng rất phi thường. Nếu không vì một lần ông gặp một trẻ nhỏ đầu chóp mũi có mọc bướu thịt, thì e là không ai biết đến kỹ thuật châm cứu thần diệu của ông!

Khi đó, Địch Nhân Kiệt đang làm quan ở Biện Châu. Một hôm, sau khi nhận được chiếu thư, ông liền khởi hành đến Trường An yết kiến Hoàng đế Cao Tông. Lúc đi đến Hoa Châu, người đi lại trên đường dần dần đông lên.

Địch Nhân Kiệt và tùy tùng cưỡi ngựa đi qua một khu chợ phiên. Chỉ thấy có rất nhiều người vây quanh bên một tấm bảng to cao, nghị luận sôi nổi. Ông lập tức dừng ngựa, nhìn về phía tấm bảng. Trên bảng viết: “[Ai] có thể trị khỏi bệnh cho cậu bé này, sẽ được trả thù lao ngàn xấp lụa.” Xem ra là có người bị bệnh nặng, vì thế Địch Nhân Kiệt tiến lên tìm hiểu thực hư thế nào.

danh y nguyen dai nang cham cuu chua benh
Tôi ra tay châm cứu lần này không phải là vì để kiếm sống, chẳng qua chỉ là giúp người khác lúc nguy cấp mà thôi”. Nói xong, Địch Nhân Kiệt liền dẫn đoàn người vội vàng rời đi – Hình minh hoạ

Địch Nhân Kiệt đi đến trước tấm bảng, phát hiện một gia đình giàu có đang tìm thầy thuốc giỏi trị bệnh cho con của mình. Cậu bé khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, trên chóp mũi mọc lên một cái bướu thịt to, hình như chưa có thầy thuốc nào chữa trị được.

Cái bướu thịt cứ trĩu xuống, mũi của cậu bé đã bị kéo xuống dài như chiếc đũa, vừa chạm vào là đau đớn vô cùng. Con mắt của cậu bé cũng đã bị kéo sụp xuống theo, không nhìn thấy được con ngươi đen, chỉ nhìn thấy tròng trắng mắt. Vẻ mặt cậu bé thống khổ tuyệt vọng, nằm ở nơi đó chỉ còn lại hơi thở mà thôi.

Địch Nhân Kiệt thấy đau lòng cho cậu bé kia, không khỏi sinh lòng thương cảm. Ông do dự trong chốc lát, mới nói với cha mẹ của cậu bé: “Để tôi thử một chút!” Cha mẹ cậu bé không biết Địch Nhân Kiệt, nhưng thấy rốt cuộc cũng có người chịu ra tay giúp đỡ, liền lập tức bảo cả nhà quỳ xuống. Họ còn sai người kéo ra một xe chở đầy một ngàn xấp tơ lụa để tỏ lòng cảm ơn của mình.

Địch Nhân Kiệt đỡ cha mẹ cậu bé dậy, sau đó đi thẳng đến bên cậu bé. Ông nhìn cậu bé một chút, rồi châm một kim vào sau đầu cậu bé. Ông còn hỏi cậu bé đã cảm thấy châm khí đến được nơi bị bệnh rồi không. Cậu bé gật gật đầu, Địch Nhân Kiệt bèn nhanh chóng rút kim châm ra ngoài. Trong nháy mắt, cái bướu thịt đột nhiên rụng ra, rớt xuống nằm trên đất. Lúc này, cái mũi, con mắt của cậu bé cũng đã khôi phục trở lại như bình thường, và không còn cảm thấy đau đớn nữa.

Cha mẹ cậu bé kia nhìn thấy con mình đã khôi phục lại như trước đây, bèn dắt cả nhà quỳ xuống lần nữa, dập đầu cảm tạ Địch Nhân Kiệt, còn dâng lên tạ lễ đúng như lời đã nói trước kia. Song Địch Nhân Kiệt lại cười nói: “Tôi thấy tính mạng của con trai các vị chỉ một sớm một chiều, thực sự là trong lòng không nỡ. Tôi ra tay châm cứu lần này không phải là vì để kiếm sống, chẳng qua chỉ là giúp người khác lúc nguy cấp mà thôi”. Nói xong, ông liền dẫn đoàn người vội vàng rời đi.

Đạo sĩ chỉ châm một kim trị được chân bị thương

Vào thời vua Đường Đức Tông (779-805), có một vị quan viên bị ngã từ trên ngựa xuống, bị thương ở chân. Hoàng đế phái thái y trong cung đến châm cứu. Khi thái y vừa rút kim châm ra khỏi chân, ở lỗ châm liền có một dòng khí bắt đầu bay thoát ra ngoài, làm thế nào cũng không dừng lại được. Vì vậy, thái y chỉ có thể dùng kim châm cứu châm vào lại vết châm cũ. Khí ở bên trong không thoát ra ngoài được, dần dần tích tụ phồng lên thành một cái bọc to. Chờ đến khi thái ý muốn rút kim châm ra lần nữa, thì đã không thể rút ra được nữa rồi. Đến lúc chập tối, vị quan viên kia bắt đầu suy yếu, không bao lâu chỉ còn hơi thở yếu ớt.

Khi tất cả mọi người không biết làm cách nào, có một vị Đạo sĩ bỗng đi ngang qua cổng nhà vị quan kia. Đạo sĩ nói với hộ vệ ở ngoài cổng rằng: “Vừa hay bệnh này ta có thể trị được!” Đạo sĩ được mời vào trong nhà. Ông đi đến trước giường người bệnh, nhìn vào vị trí thái y châm kim, rồi nói với thái y: “Kim này châm quá bất cẩn rồi. Kinh mạch của con người giống như các con sông vậy, kết nối với vô số huyệt vị. Mà trong đó, khoảng cách giữa tử huyệt và hoạt huyệt chỉ chênh nhau một chút xíu thôi. Trước khi hạ kim châm xuống nhất định phải cẩn thận tiến hành phân biệt, phải tìm chính xác vị trí trọng yếu mới được. Tay nghề của ông không tệ, nhưng vị trí châm lại không đúng.”

Vị Đạo sĩ bảo người nâng bệnh nhân đưa ra phòng ngoài. Ông cầm lấy kim châm chuẩn bị châm vào cái bọc khí phồng to trên chân bị thương kia. Lúc này, Đạo sĩ quay người lại nói với thái y rằng: “Cái kim châm kia của ông không rút ra được cũng không sao, chỉ cần kim này của tôi châm xuống, kim châm của ông có thể bật văng ra, mà nó còn có thể bật cao đến tận mái hiên.” Quả đúng như vậy, khi Đạo sĩ vừa châm kim vào sâu một tấc, cây kim châm của thái y liền bật văng ra, còn bật một cái cao lên đến mái hiên.

Chỗ bọc khí phồng lên ở trên chân của vị quan viên bị thương lập tức dẹp xuống bình thường trở lại. Không bao lâu sau, chân bị thương của ông cũng khỏi hoàn toàn. Vị quan viên và thái y cùng nhau hành lễ bái tạ Đạo sĩ, còn dâng lên rất nhiều vàng làm tạ lễ. Song, Đạo sĩ đều không nhận, chỉ uống một cốc trà, rồi đứng dậy rời đi.

Thầy thuốc xuống Âm Phủ trị bệnh

Thời vua Đường Văn Tông (827-840), ở Phúc Châu (thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc ngày nay) có một vị thầy thuốc tên là Vương Siêu, kỹ thuật châm cứu của ông vô cùng xuất sắc. Chỉ cần ông ra tay châm cứu, là không có bệnh nào không trị khỏi.

Một buổi trưa nọ, khi Vương Siêu đang ở yên trong nhà, ông cũng không hề mắc bệnh gì, nhưng đột nhiên lại qua đời. Sau một đêm, ông sống lại. Vương Siêu kể cho người thân nghe những gì ông đã trải qua trong đêm qua đời đó. Ông nói rõ còn nhớ được là mình đã đi đến một nơi nhìn giống như cung điện. Trong điện có một người đang nằm, người đang nằm gọi ông tiến lên khám và trị bệnh.

Người đó để lộ ra một bên vai, chỉ thấy ở xương bả vai của ông đã bị sưng một khối to như miệng chén. Vương Siêu lập tức thực hiện châm cứu cho người đó. Chỉ chốc lát sau, nơi đó liền chảy ra hơn một thăng dịch mủ, khối sưng ở bả vai cũng nhanh chóng tiêu mất. Lúc này, người kia gọi một vị quan đi đến, rồi chỉ vào Vương Siêu nói: “Người này có thể lĩnh tất rồi.”

Vương Siêu không biết “lĩnh tất” là gì, chỉ có thể đi theo vị quan viên kia ra ngoài. Hai người đi đến trước một cánh cổng lớn, Vương Siêu nhìn thấy trên cổng viết hai chữ “Tất viện.” Đi vào bên trong đình viện, ông lại nhìn thấy một chỗ cách đó không xa chất một đống đầy những con mắt, rất nhiều con mắt, ước chừng có khoảng mấy ngàn đôi mắt.

Những con mắt này thỉnh thoảng còn hiện ra thân người, như ẩn như hiện. Vị quan dẫn đường nói với Vương Siêu: “Lập tức liền phải tất rồi.” Người này gọi hai hộ vệ có thân hình to cao đi tới. Hai hộ vệ này đứng tách xa, sau đó rút ra một cây quạt to lớn, quạt về nơi những con mắt người đang tụ tập. Những con mắt người đó, có con đang bay, có con đang đi, có con lại biến thành hình người, khi bị quạt phất tới thì đều nhanh chóng biến mất không thấy nữa.

Vương Siêu hỏi thăm vị quan dẫn đường kia, vì sao mình lại được đưa tới nơi này. Vị quan trả lời: “Những người đến chỗ này đều là có dương thọ chưa hết, mặc dù đã qua đời rồi, nhưng sau khi lĩnh tất, thì có thể sống trở lại.” Vị quan vừa nói dứt lời, Vương Siêu đã tỉnh lại rồi.

Banner 1

(Tư liệu tham khảo: “Khâm định cổ kim đồ thư tập thành”).

Tiểu Minh biên dịch từ Epoch Times Hoa ngữ.

Xem thêm: 

Giây phút giàu có nhất trong cuộc đời

Vì sao cổ nhân nói: “Mọi bệnh tật đều khởi phát từ tâm”?

3 loại hoa người thông minh nên trồng trong nhà

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều