spot_img
19 C
Vietnam
Thứ năm,19 Tháng chín
spot_img

Cúi đầu là trí huệ, là cảnh giới

co nhan 1 1659798827
Người biết cuối đầu mới là cảnh giới trí huệ – Ảnh minh hoạ: Internet

Tân Thế Kỷ – “Những người thông thái thật sự cũng tựa như những bông lúa. Khi còn lép, chúng vươn cao đầu lên đầy kiêu hãnh, nhưng khi hạt đã đầy và chắc, chúng bắt đầu khiêm nhường cúi đầu xuống”. Trong đời, càng là người học rộng, tài cao thì càng thấu được đạo lý khiêm tốn, hiểu được rằng làm người phải học cách “cúi đầu”… 

Cúi đầu là cảnh giới trí huệ

Bất cứ người Nhật trưởng thành nào cũng đều lấy câu thành ngữ: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” để làm kim chỉ nam cho văn hóa ứng xử của mình. Hành động cúi chào là điều phổ biến trong cách hành xử văn minh của nền văn hóa xứ Phù Tang.

2910 7 diferentes formas de saludarse segun el lugar del mundo 2
Với người Nhật, việc cúi đầu là rất phổ biến và bình thường – Ảnh minh hoạ: Internet

Bức ảnh tại một cây xăng mới mở ở Hà Nội chụp hình ảnh ông Tổng giám đốc đứng rất lâu dưới trời mưa, cúi đầu mời và cảm ơn khách hàng vào đổ xăng đang làm dậy sóng cộng đồng mạng thời gian trước.

Đối với nhiều người Việt, hình ảnh gập người, cúi đầu của ông chủ cây xăng trong mưa gió có thể… gây sốc. Bởi trong quan niệm của nhiều người, “cúi đầu” là hành động tạ lỗi, là biểu hiện cho thấy mình thấp kém hơn người đối diện. Nhưng với người Nhật, cái cúi đầu là một cử chỉ hàng ngày, vô cùng quen thuộc và quan trọng.

Không chỉ là sự tạ lỗi, cái cúi đầu ấy còn là một lời chào, lời cảm ơn và đặc biệt là sự tôn trọng đối với người đối diện. Có thể thấy “cúi đầu” chính là một cách ứng xử, một nét đẹp truyền thống.

Lại có một câu chuyện khác kể rằng: một hôm có người hỏi Socrates, triết gia nổi tiếng Hy Lạp cổ đại, rằng: “Ông là người có học vấn uyên thâm nhất thiên hạ, vậy có biết khoảng cách giữa trời và đất là bao nhiêu không?”. 

Socrates trả lời: “Ba thước” (Một thước = 0,33 m). 

Socrates
Socrates – Ảnh: Internet

Người này tỏ vẻ nghi hoặc nói: “Thưa ông, ngoài trẻ con ra thì con người chúng ta ai cũng cao 5, 6 thước. Nếu khoảng cách giữa trời và đất chỉ có 3 thước, thì chẳng phải chúng ta đã đâm thủng bầu trời rồi hay sao?”. 

Socrates tiếp tục nói: “Đúng vậy, phàm là ai cao hơn ba thước, nếu muốn đứng được ở giữa trời và đất, thì phải biết cúi đầu xuống”.

Câu chuyện cổ xưa này nói cho chúng ta biết một đạo lý thực sự sâu sắc. “Cúi đầu” chính là một cảnh giới ứng xử, một cảnh giới xử thế trong đời. 

Cúi xuống để thấu hiểu mình hơn

Cúi xuống không chỉ là hành động cụ thể mà là cách hành xử giữa người với người. Cúi xuống không đồng nghĩa với sự nhẫn nhục, luồn cúi thấp hèn. Cái cúi xuống ở đây chính là sự cúi đầu giản dị, khiêm nhường của những người có đạo đức, văn hóa trong xã hội. Cúi xuống cũng chính là để hiểu rõ mình hơn, nhận ra giá trị, vị thế của mình. Biết cúi mình khiêm tốn cũng chính là tự nâng mình lên một bậc.

Người xưa nói: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” hay “Ngoài núi còn có núi cao hơn“, người giỏi sẽ có người giỏi hơn. Cúi đầu chính là biểu hiện của tinh thần học hỏi, cầu tiến, thừa nhận sự bình thường, yếu kém của bản thân để học hỏi những người xung quanh. Cúi xuống là để hiểu người hơn, là để nâng người khác lớn lên. Cúi xuống cũng là để hiểu mình hơn, để tự nâng mình lên.

images 4
Cúi đầu để hiểu mình hơn – Ảnh: Internet

Có những người luôn thích kiễng chân lên, vươn cổ cao lên để vượt hơn người khác, nổi danh hơn người khác. Chứng kiến địa vị của bạn bè, đồng nghiệp đều thăng lên như “thang máy”, trong khi bản thân mãi cứ lận đận liền cảm thấy oán trách trời đất, xã hội bất công. Nhưng chỉ cần họ cúi đầu xuống sẽ phát hiện ra những thứ mà bản thân mình có được là rất nhiều, chính là vì họ mải “ngẩng lên” mà không nhận ra và trân trọng nó mà thôi! 

Cuộc đời nhắc nhở chúng ta rằng: Rất nhiều người cả đời ngẩng đầu phấn đấu, cuối cùng nhìn lại mới nhận ra, thứ mà mình giành được rốt cuộc cũng chỉ là phù du, mây khói, là vật ngoài thân mà thôi. Những người có sự nghiệp thuận lợi nhất, tiến bộ nhanh nhất thông thường đều là những người hiểu được rằng làm người phải biết “cúi đầu” khiêm tốn. 

Những người có sự nghiệp thuận lợi nhất, tiến bộ nhanh nhất thông thường đều là những người hiểu được rằng làm người phải biết “cúi đầu” khiêm tốn (Ảnh: Shutterstock).

Khiêm tốn để thành công

Trong khiêm tốn, người ta tự cho mình là kém và cần học nữa, họ coi thành công như sự an ủi. Các nhà bác học càng lớn càng thấy mình cần phải khiêm tốn là lẽ đương nhiên. Nhà vật lý học Isaac Newton đã so sánh mình như một đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển may mắn nhặt được hòn sỏi đẹp và trước mắt là bể chân lý bao la. Ông còn nói: “Sở dĩ tôi nhìn xa là vì tôi ngồi trên vai người khổng lồ”.

Thái độ khiêm tốn, giản dị luôn được coi là một biểu hiện của văn hóa và đạo đức ở mọi thời. Người sống khiêm tốn sẽ nhận được nhiều sự yêu mến, kính trọng của người khác. Những người càng có đạo đức thì càng biết sống nhún nhường, giản dị, không khoe khoang hình thức. Sự giản dị, khiêm tốn ấy không làm cho họ mất đi giá trị mà chỉ càng khiến cho người xung quanh kính nể hơn. 

bong lua GJQM
Cúi đầu là bông lúa chín, ngẩng đầu là cỏ dại – Ảnh minh hoạ: Internet

Abraham Lincoln đã kinh qua hết thất bại này đến thất bại khác trong suốt 28 năm. Năm 1833, ông mắc chứng suy nhược thần kinh và bị thua cuộc khi ra ứng cử chức vụ phát ngôn viên. Năm 1848, ông bị thua trong cuộc đua tái nhiệm vào Quốc hội và bị gạt bỏ chức nhân viên đất đai (land officer) vào năm 1849. Năm 1854, ông bị thua trong cuộc bầu cử vào Thượng Nghị Viện. Hai năm sau ông lại bị thua trong cuộc bổ nhiệm vào chức Phó tổng thống và một lần nữa thất bại trong cuộc bầu cử cho Thượng Nghị Viện năm 1858. Tuy nhiên, lòng ông vẫn kiên định, bất chấp những thất bại. Năm 1860 ông đắc cử Tổng thống và đi vào lịch sử là một trong những Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ.

Ngoài ra, người ta còn biết Lincoln cũng là một người đàn ông phải chịu nhiều đau khổ và cay đắng. Người yêu đầu tiên của ông đã chết trước khi ông có thể cưới cô. Cuộc hôn nhân của ông với Mary Todd có lẽ cũng đủ để tiêu hủy bất cứ người đàn ông nào có ít can đảm và nghị lực hơn Lincoln. Tuy nhiên, các sử gia đều đồng ý rằng, nếu Lincoln hạnh phúc trong hôn nhân, có lẽ ông đã không bao giờ trở thành một vị Tổng thống. 

Abraham Lincoln đã không ngừng nỗ lực đứng dậy từ những thất bại và đau thương trong đời. Ông đã tận tụy dấn thân và hy sinh quên mình để đem lại hòa bình, phúc lợi và phẩm giá cho người dân. Trong một ngày lễ Tạ Ơn, ông đã phát biểu như sau: “Tất cả những điều tốt đẹp chúng ta có ngày nay không phải do một người nào trên đời hướng dẫn hay do bàn tay của con người làm nên. Tất cả những điều đó là những món quà quý giá đặc biệt mà Thiên Chúa toàn năng đã làm cho chúng ta”. Cuối cùng ông đã có thể dâng hiến chính mạng sống mình cho chính nghĩa vĩ đại. Cuộc đời ông đã trở thành bản trường ca yêu thương và tạ ơn Thượng Đế.

Không biết cúi đầu, làm bạn với Thần tiên cũng vô ích

Vào thời nhà Đường, có một nam nhân tên Trịnh Hữu Huyền cư ngụ trong thành Trường An. Hữu Huyền xuất thân trong một gia đình danh giá, còn nhà Lư Khâu Thị, hàng xóm của Hữu Huyền, có gia cảnh bần hàn và thuộc một giai tầng thấp hơn trong xã hội.

Nhi tử nhà họ Lư lại là bạn đồng môn với Trịnh Hữu Huyền. Hữu Huyền tính tình kiêu ngạo vì bản thân là con nhà thanh danh quyền quý, nên thường xuyên giở giọng trịch thượng với con trai nhà Lư Khâu. Một ngày nọ, Trịnh Hữu Huyền nói với con trai ông Lư: “Nhà Lư Khâu Thị các người so với gia đình ta quả là không cùng đẳng cấp, nhưng chúng ta lại học cùng một thầy. Dù ta không nói ra, nhưng lẽ nào ngươi không cảm thấy hổ thẹn ư?”

Sau khi nghe xong, con trai của Lư Khâu Thị cảm thấy vô cùng buồn bã. Vài năm sau, chàng thư sinh này ngã bệnh và qua đời.

Chinese Immortal Sculpture Yi WenWen shutterstock 1419427775 web 700x420 1
Bức tượng điêu khắc một vị Thần tiên Trung Hoa ở Bắc Kinh. Mặc dù Hữu Huyền có một mối duyên tiền định với Đạo giáo, nhưng tính cách kiêu ngạo đã khiến Hữu Huyền đánh mất cơ duyên trở thành Thần tiên. (Ảnh: YiWenWen/Shutterstock)

Nhiều năm sau đó, Trịnh Hữu Huyền đỗ kỳ thi khoa cử và được điều về Quận Đường An làm huyện úy. Hữu Huyền đã kết bạn với một chàng thanh niên 20 tuổi tên là Cừu Sinh. Ngày nào hai người họ cũng gặp nhau, còn thường xuyên đi du ngoạn cùng nhau.

Cha của Cừu Sinh là một thương nhân thành đạt với khối gia sản lên đến hàng chục vạn, và Cừu Sinh cũng không ngần ngại chia sẻ gia tài của mình với Hữu Huyền. Cừu Sinh thường hay tặng cho Hữu Huyền tiền bạc cũng như bất kỳ tài vật nào mà anh cần.

Tuy nhiên, Cừu Sinh không phải là người xuất thân từ một gia đình dòng dõi quý tộc. Bởi giai tầng khác nhau, nên Hữu Huyền thường không dùng lễ nghĩa mà đối đãi với Cừu Sinh, mặc cho Cừu Sinh có đối đãi tử tế và rộng lượng với người nhà họ Trịnh thế nào chăng nữa.

Một ngày nọ, Hữu Huyền tổ chức một buổi tửu tiệc thết đãi tất cả bạn hữu, trừ Cừu Sinh. Trong buổi tiệc đó, một vị khách đã lên tiếng trách móc Hữu Huyền vì điều này, hỏi anh vì sao không mời Cừu Sinh mặc dù họ rất thân thiết và cùng nhau ăn uống mỗi ngày.

Hữu Huyền cảm thấy hổ thẹn và lập tức mời Cừu Sinh đến dự tiệc.

Sau khi Cừu Sinh đến, Hữu Huyền châm tửu vào chén lớn mời Cừu Sinh, bảo anh uống cạn chén rượu này. Khi Cừu Sinh tỏ lời từ chối, rằng anh không thể uống được, Hữu Huyền bèn nổi giận và mắng nhiếc Cừu Sinh.

Hữu Huyền nói: “Ngươi đúng là thứ dân chợ búa, chỉ biết mỗi cái dùi, con dao. Sao ngươi không vứt bỏ thân phận thấp hèn của mình và sống như một người quyền cao chức trọng? Đáng lẽ ngươi nên cảm thấy vinh hạnh khi được làm bạn với ta, vậy mà ngươi dám từ chối uống chén rượu ta mời là sao?”

Sau khi nói xong, Hữu Huyền đứng bật dậy và rời khỏi buổi tiệc.

Cừu Sinh cảm thấy xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu, đành gập người cúi đầu mà từ tạ. Không lâu sau, Cừu Sinh từ quan, đóng cửa không tiếp khách, ai tới cũng từ, không giao du qua lại. Chỉ vài tháng sau, Cừu Sinh lâm bệnh mà qua đời.

Một năm sau đó, Trịnh Hữu Huyền bị bãi chức quan và lui về sống trong Phật tự ở Quận Mông Dương. Tại đây, Hữu Huyền nghe thiên hạ đồn rằng trên Thục Môn Sơn có một một vị Đạo sĩ họ Ngô danh tiếng lẫy lừng, là một người tu Đạo đức hạnh, vì thế anh bèn cưỡi ngựa lên núi tìm vị Đạo sĩ để bái sư học Đạo.

Ngô Đạo sĩ nói: “Bởi vì ngươi có lòng tôn kính Thần tiên, vậy nên ngươi nên ở lại trong chốn sơn lâm này, đừng lãng phí thời gian trôi dạt trong chốn nhân gian nữa.”

Hữu Huyền mừng rỡ nói: “Tiên sinh quả nhiên là người hữu Đạo. Tại hạ nguyện ý theo làm đồ đệ của người, không biết có được không?”

Vị đạo sĩ đồng ý và cho phép Hữu Huyền ở lại trong núi. Tuy nhiên, 15 năm sau, quyết tâm tu Đạo của Hữu Huyền ngày một giải đãi.

Ngô Đạo sĩ bèn nói với Hữu Huyền: “Nếu ngươi không giữ vững cái tâm tu Đạo của mình, vậy thì thời gian ở trên núi của ngươi cũng chỉ là hoài công vô ích mà thôi.”

Nghe xong, Hữu Huyền cáo từ, quyết định xuống núi và sống những ngày tháng không có mục đích ở Quận Mông Dương khá lâu trước khi trở về thành Trường An.

Trên đường trở về thành Trường An, Hữu Huyền đi ngang qua Bao Thành. Tại đó, ông dừng chân ở một quán trọ, nơi ông gặp được một tiểu đồng cỡ chừng 12 tuổi, có tướng mạo thanh tú. Hữu Huyền trò chuyện với cậu bé và nhận thấy tiểu đồng tử này rất thông minh và có tài ăn nói.

Trong khi trò chuyện, cậu bé hỏi ông: “Ngày trước ta và ông từng là cố nhân — ông vẫn còn nhớ ta chứ?”

Hữu Huyền đáp: “Thực tình ta không nhớ gì cả.”

“Ta từng là con trai của nhà Lư Khâu Thị ở Trường An,” cậu bé nói. “Chúng ta cùng học chung một lớp. Bởi vì ngươi cho rằng gia đình ta bần hàn đê tiện, nên ngươi đã khinh thường ta.”

Cậu bé này nói tiếp: “Sau đó, ta lại chuyển sinh vào nhà họ Cừu và trở thành bằng hữu của ngươi. Ta đã đem cho ngươi tất cả tiền bạc và mọi thứ ngươi cần. Ngươi không những không cảm tạ ta, mà còn mắng ta là đồ thứ dân chợ búa. Vì sao ngươi lại kiêu ngạo đến thế?”

Hữu Huyền vô cùng kinh ngạc, dập đầu tạ lỗi. Ông nói, “Kỳ thực, những việc này đều là lỗi của ta. Cậu chắc hẳn phải là một bậc thánh nhân. Nếu không, làm sao cậu có thể biết rõ những việc đã xảy ra trong hai đời trước?”

“Ta là chân nhân đến từ Thái Thanh Tiên cảnh,” cậu bé đáp. “Bởi vì ngươi có một mối duyên tiền định với Đạo giáo, nên Thượng Đế đã phái ta xuống trần gian để làm bạn với ngươi, đồng thời truyền dạy cho ngươi Đạo thuật để mai này trở thành Chân Tiên. Thế nhưng, bởi vì ngươi tính tình kiêu ngạo, nên đã đánh mất cơ duyên học những Đạo thuật này. Thật đáng buồn thay!”

Sau khi dứt lời, cậu bé liền biến mất.

Trịnh Hữu Huyền đột nhiên minh bạch tất cả những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng mọi việc đã quá muộn màng. Ông cảm thấy trong tâm hổ thẹn khôn cùng và oán hận bản thân. Cuối cùng, Hữu Huyền đã ra đi trong ưu sầu và hối tiếc.

Khiêm tốn, cúi đầu không phải khuyến khích người ta chỉ biết cúi xuống cam chịu mà là để nhắc nhở cho người ta biết cách ứng xử cần thiết để trưởng thành hơn. Tuổi thanh niên luôn có ý thức khẳng định mình và cũng tràn đầy khát khao ý chí. Đó là điều rất đáng trân trọng. Nhưng tuổi trẻ cũng dễ mắc những nhược điểm như: tự phụ, tự mãn, hiếu thắng, đôi khi thiếu nhường nhịn, không khiêm tốn. Vì quá tự tôn nên đôi khi không thể chấp nhận thành công của người khác, không chịu học tập người khác.

Chân Tâm t/h
Tham khảo: DKN, Epoch Times Việt
Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 19

Xem thêm:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều