Tân Thế Kỷ – Trong năm nay, Ủy ban Châu Âu có kế hoạch đề xuất các biện pháp đối phó với các rủi ro an ninh do việc đầu tư ra nước ngoài mang lại, đồng thời tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với các loại hàng hóa công dụng kép. Mà trọng tâm là để đối phó với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc.
Trong một tài liệu có tựa đề “Chiến lược An ninh Kinh tế Châu Âu” mà Reuters đã xem trước buổi thuyết trình hôm thứ Ba, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra quan điểm của mình về cách Liên minh có thể làm cho nền kinh tế trở nên kiên cường hơn và xác định các rủi ro mới nổi.
Ủy ban cho biết những rủi ro đó có thể phát sinh từ việc xuất khẩu và đầu tư, khiến một “tập hợp nhỏ các công nghệ kích hoạt chính có ý nghĩa quân sự” bị rò rỉ cho các đối thủ nước ngoài. Ví dụ như: trích dẫn điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, 6G, công nghệ sinh học và người máy.
Cơ quan hành pháp EU sẽ đệ trình “thông báo” của mình tới các nhà lập pháp EU và các quốc gia khác. Lãnh đạo các nước này sẽ thảo luận về quan hệ với Trung Quốc tại Brussels vào tuần tới.
Tài liệu không nêu tên của “Trung Quốc”, nhưng nhấn mạnh việc hợp tác với các quốc gia có chung mối quan tâm với EU, đồng thời sử dụng thuật ngữ “giảm rủi ro” – trong chính sách làm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Ngoài ra, cơ quan điều hành EU sẽ cần phải hành động cẩn thận vì việc cấp giấy phép xuất khẩu và cân nhắc các lợi ích an ninh là năng lực quốc gia mà các chính phủ EU muốn giữ lại. Ví dụ điển hình là một kế hoạch của Hà Lan nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua các công cụ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất của ASML.
EU đã kiểm soát việc xuất khẩu một số mặt hàng được chỉ định có thể ứng dụng trong quân sự. Ủy ban châu Âu cũng có kế hoạch đưa ra một danh sách khác cho các thành viên EU về những công nghệ quan trọng đối với an ninh kinh tế.
Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Các quốc gia thành viên EU chưa sẵn sàng bàn giao toàn bộ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, nhưng chúng ta có thể thấy nhiều thứ hơn như tăng cường hợp tác”.
Ủy ban cũng sẽ xem xét đầu tư trong nước và có thể đề xuất sửa đổi cơ chế sàng lọc của mình vào cuối năm 2023.
Các nhà ngoại giao EU nói rằng khối này phải xác định cẩn thận những rủi ro mà họ muốn hạn chế và chứng minh rằng chúng không thể bị ngăn chặn bởi các biện pháp hiện có.
Tài liệu của Ủy ban Châu Âu cho biết họ sẽ tập trung vào các rủi ro đối với chuỗi cung ứng, bao gồm cả năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như mạng viễn thông, đồng thời đề phòng sự ép buộc kinh tế và rò rỉ các công nghệ hàng đầu.
Hoàng Dung biên dịch
Theo Reuters
Xem Thêm:
Fed tạm dừng tăng lãi suất ảnh hưởng thế nào đến người tiêu dùng?
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*