Những tác phẩm đầy cảm hứng của họa sĩ Lâm Dụ Huyên từ năm 14 tuổi đã thể hiện trí tuệ vượt xa tuổi tác của mình.
Họa sĩ Đài Loan Lâm Dụ Huyên đã nhận được nhiều lời khen ngợi cho những bức tranh sơn dầu của mình khi mới 14 tuổi. Năm 2019, tại cuộc thi vẽ tranh nhân vật quốc tế NTD lần thứ năm (NIFPC), cô đã đạt được giải thưởng văn hóa và nhân văn cho bức tranh “ Worldly Journey” (Hành trình trần gian). Gần đây nhất tại NIFPC lần thứ sáu, cô đã giành được giải thưởng Họa sĩ trẻ xuất sắc cho bức tranh “ Merciful Encouragement” (Sự khích lệ đầy từ bi).
Cả hai bức tranh đạt giải của cô đều nêu bật hoàn cảnh khó khăn của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, những người đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại một cách có hệ thống kể từ năm 1999. Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện tinh thần và thiền định với những bài giảng đạo đức dựa trên nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn.
Tại lễ trao giải NIFPC lần thứ sáu, cô Lâm nói với The Epoch Times rằng: cô muốn những bức tranh của mình mang lại “niềm hy vọng cho mọi người, để họ có thể đối mặt với cuộc sống của chính mình, ngay cả trong những thời điểm khó khăn”.
Hy vọng và gian khổ
Trong bức tranh “Hành trình trần gian”, cô miêu tả một học viên Pháp Luân Công kiên định phát tài liệu giảng chân tướng vào nửa đêm, để vạch trần cuộc đàn áp đức tin của ĐCSTQ. Một vầng trăng bạc xuyên qua những đám mây và thắp sáng khung cảnh. Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, người đàn ông này có nguy cơ bị bắt, nhưng không có gì ngăn cản anh bảo vệ đức tin của mình. Chiếc áo sơ mi của anh đã ướt sũng sau trận mưa rào, khi lội qua con đường ngập nước, anh vác chiếc xe đạp trên vai này và cậu con trai bé bỏng đang ngủ trên vai kia.
Các tờ rơi chân tướng trong bức tranh “Hành trình trần gian” có lẽ bao gồm các báo cáo về các học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc.
Theo trang web Minghui.org, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công đang diễn ra ở Trung Quốc, anh Điền Nghĩa Lợi và vợ mình là Chấn Ngọc Kiệt cùng cô con gái 3 tuổi của họ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Họ cùng nhau giúp quảng bá môn tu luyện này, và tại nhà họ có khi có tới 30 học viên đang tập các bài công pháp của Pháp Luân Công.
Vào tháng 7/1999, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ra lệnh thực hiện một cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công và ước tính khoảng 100 triệu học viên Trung Quốc. Vào ngày 21/7/1999, hai vợ chồng học viên này đã đi hàng trăm dặm tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho cuộc bức hại này. Gần một tháng trời, họ ngủ trong ống cống xi măng ở thành phố để tránh bị bắt.
Vào tháng 8/1999, cảnh sát đã bắt cô Chấn. Khi xe cảnh sát đang đến gần thành phố Thiên Tân, cô và một học viên khác đã cố gắng trốn thoát và nhảy ra khỏi xe, dẫn đến cô đã thiệt mạng khi chỉ mới 28 tuổi.
Cảnh sát đã bắt anh Điền ba lần, nhưng lần nào anh cũng trốn thoát. Khi trở về nhà với gia đình, anh thấy mọi người đang tụ tập quanh nhà mình. Họ đến dự đám tang của vợ anh, nhưng anh không hề biết rằng cô đã qua đời.
Sau đó, anh rất đau buồn, anh Điền sống cùng cô con gái nhỏ trong hoàn cảnh đầy khó khăn. Cảnh sát liên tục tống tiền anh. Đau lòng và kiệt sức vì sức nặng của cuộc đàn áp, anh qua đời vào ngày 11/8/2002, ở tuổi 32, để lại đứa con gái 8 tuổi mồ côi cha mẹ.
“Sự khích lệ đầy từ bi”
Cô Lâm rất thương cảm trước hoàn cảnh khó khăn của đôi vợ chồng này, và được truyền cảm hứng bởi cách họ tiếp tục tiến về phía trước bất chấp những thử thách. Cô đã tái hiện lại cảm giác đó trong bức tranh “Sự khích lệ đầy từ bi” của mình.
Ở giữa bức tranh, anh Điền đặt một tay lên chiếc quan tài trống rỗng của vợ mình. Chiếc còng tay không được mở khóa lủng lẳng trên cổ tay anh, nhắc nhở chúng ta rằng anh đã trốn thoát khỏi một cuộc bắt giữ. Trong đau buồn, tức giận và hoài nghi trước cái chết của vợ, anh siết chặt tấm vải mà mình đang ngồi.
Anh nhìn chằm chằm vào một ngọn nến đang cháy, một họa tiết thường thấy trong các bức tranh Baroque vanitas (một loại tranh tĩnh vật) để biểu thị dòng thời gian đang trôi qua rất nhanh, và sự ngắn ngủi của cuộc đời. Ngọn nến cũng biểu thị đức tin và lòng tôn kính, với làn khói kết nối nhân gian và các cõi Thiên giới.
Trên giá sách bên cạnh thi hài của cô Chấn là một bức ảnh gia đình được chụp trong những khoảng thời gian hạnh phúc, và bìa sách màu xanh tươi sáng của cuốn “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chính của Pháp Luân Công. Cô mặc trang phục màu trắng, màu tang của người Trung Quốc. Một bức màn mở ra cho thấy một Thiên quốc và ba tiểu Thiên sứ giáng xuống, với những lời chúc phúc từ Thiên đường dành cho vợ chồng họ.
Dù cô miêu tả những câu chuyện bi thương hay vui vẻ, niềm hy vọng luôn là trọng tâm trong tranh của cô Lâm. Tên của bức tranh “Sự khích lệ đầy từ bi” của cô còn vượt xa hơn việc lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. “Từ bi” có nghĩa là thể hiện lòng khoan dung tử tế đối với tội phạm, kẻ thù hoặc nhân vật có quyền thế. Tác phẩm “Sự khích lệ đầy từ bi” của cô với các Thiên Thần, cho thấy bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể vượt qua những thử thách lớn nhất bằng đức tin và lòng khoan dung của mình.
Cô chia sẻ: “Tôi muốn dùng tác phẩm của mình để cho mọi người thấy rằng mặc dù mọi thứ có thể không tốt đẹp ở tầng diện con người, nhưng chúng ta vẫn có thể có hy vọng và nhìn về tương lai một cách tích cực bất kể hoàn cảnh xung quanh”.
Thiên Hòa/NTDVN biên dịch
Theo Lorraine Ferrier – The Epoch Times
Xem Thêm:
Hàng chục quan chức Canada chúc mừng “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới” 13-5
Một tạp chí nhân quyền lên án việc tra tấn nữ tù nhân tàn khốc trong nhà tù Trung Quốc
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*