spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Ôm hận vì được “bác sĩ TikTok” nâng mũi

Nếu như ở mạng xã hội Facebook, hàng loạt các phòng khám, viện thẩm mỹ mạo danh được tạo ra nhằm “câu” khách thì trên nền tảng TikTok, vô vàn tài khoản “bác sĩ X”, “Doctor Y”, “chuyên gia C”… xuất hiện, khiến người xem “thật giả khó lường”. Không ít người tin theo và lâm vào cảnh tiền mất tật mang. 

Tin “bác sĩ TikTok”, nam thanh niên 27 tuổi bị nhiễm trùng sau khi nâng mũi 

Vì tin vào những lời quảng cáo trên TikTok, nên vào nửa cuối tháng 12/2023, anh L. đã thực hiện nâng mũi tại địa chỉ Liền kề 522, Dịch vụ 13, Khu dịch vụ Đìa Lão, KĐT Mậu Lương, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Mặt ngoài “cơ sở” này có tấm biển ghi: BS. Hoàng Long – Khơi dậy vẻ đẹp tiềm ẩn.

Sau vài ngày phẫu thuật, anh L. thấy mũi bị viêm rò. Đến cuối tháng 1/2024, anh phải đến Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để điều trị và phẫu thuật tháo chất liệu nâng mũi.

Bác sĩ Hoàng Văn Hồng, phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm đỏ, chảy mủ dịch, nhiễm trùng da vết mổ ở đầu mũi. Chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm trùng sau mổ nâng mũi tại cơ sở tư nhân.

Anh L. giải thích do không có kinh nghiệm và thiếu thông tin về địa chỉ làm đẹp uy tín, nên anh đã tự tìm qua nền tảng mạng xã hội.

Cơ sở này thậm chí cam kết đảm bảo không xảy ra bất kỳ biến chứng nào và bảo hành trọn đời, giúp khách hàng có được dáng mũi ưng ý nhất, điều này khiến anh L. cảm thấy như bị lọt vào ma trận và đồng ý nâng mũi, anh nói thêm.

Cũng theo anh L., khi đến tận nơi, anh chỉ có thể nói chuyện với bác sĩ trong 1 – 2 phút, thời gian còn lại đều tiếp xúc trực tiếp với nhân viên tư vấn. Khi hỏi về giấy tờ pháp lý, họ có xu hướng tránh né và chỉ cam kết đầy đủ giấy tờ bằng miệng.

Hình ảnh anh L. nhập viện trong tình trạng viêm đỏ, chảy mủ dịch, nhiễm trùng vết mổ.
Hình ảnh anh L. nhập viện trong tình trạng viêm đỏ, chảy mủ dịch, nhiễm trùng vết mổ.

Khi xuất hiện biến chứng, anh L. đã quay lại vài lần để kiểm tra. Tuy nhiên, những người tại đây cho rằng vấn đề mà anh gặp phải chỉ là tình trạng nhỏ, không nghiêm trọng.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng không thấy thuyên giảm, anh L. đã liên hệ đòi bồi thường.

Anh cho biết bác sĩ tại cơ sở nói trên lấy lý do rằng anh không tuân thủ chế độ ăn kiêng (mặc dù đây không phải là nguyên nhân thực sự, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay), họ cũng đã hoàn lại 20 – 30% số tiền làm phẫu thuật trước đó.

Bác sĩ Hồng đoán rằng bệnh nhân làm mũi tại cơ sở có điều kiện vật chất không đảm bảo, hoặc trình độ chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật không tốt nên kết quả không được như ý.

“Bác sĩ tiktok” sửa mũi 100 triệu đồng, cô gái xinh đẹp bị tai biến nặng nề

Chị N. (31 tuổi, quê Tây Ninh) thường theo dõi các video trên tài khoản TikTok tên N.P.Nh.. Với hàng ngàn người theo dõi, N.P.Nh tự nhận mình là bác sĩ thẩm mỹ.

Kênh này thường xuyên đăng tải các clip sửa mũi, làm đẹp, chỉnh sửa mũi hỏng, với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn.

Ngày 8/2, N. tìm đến một thẩm mỹ viện trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM) để gặp “bác sĩ tiktok”. Qua tư vấn, cô gái chấp nhận để bác sĩ Nh. nâng mũi cấu trúc và đặt sụn mũi, làm trụ mũi cho mình, với giá 100 triệu đồng.

Sau ba tuần kể từ thời điểm phẫu thuật, chị N. quay trở lại gặp bác sĩ Nh. để tái khám trong tình trạng 2 bên cánh mũi lõm vào, đầu mũi co rút nặng.
Sau ba tuần kể từ thời điểm phẫu thuật, chị N. quay trở lại gặp bác sĩ Nh. để tái khám trong tình trạng 2 bên cánh mũi lõm vào, đầu mũi co rút nặng. (Ảnh bệnh viện cung cấp)

Tuy nhiên khi thực hiện, N. lại được chuyển đến một bệnh viện thẩm mỹ khác trên địa bàn quận 10. Cô được tiến hành gây mê trong lúc sửa mũi.

Khoảng 3 tuần sau, chị N. quay trở lại gặp bác sĩ Nh. tái khám trong tình trạng 2 bên cánh mũi lõm vào, đầu mũi co rút nặng.

Người nhận sửa mũi cho chị N. trấn an cô rằng đây là tình trạng “tăng sinh mô”, từ từ sẽ trở lại bình thường. Nếu muốn, bác sĩ Nh. sẽ tiêm collagen để mũi sớm đầy đặn lại. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng tiêm, mũi của cô gái chẳng những không đầy mà còn bị sưng đỏ, sau đó chuyển dần sang màu tím đen.

Bác sĩ Nh. lại giải thích “không sao, chừng vài ngày sẽ hết”, nhưng tình trạng càng lúc càng nặng nề. N. liên hệ một số bác sĩ khác để nhờ tư vấn thì được cảnh báo mũi có nguy cơ đã hoại tử nặng.

Lúc này, cô gái mới ý thức mũi mình gặp vấn đề, nên cương quyết yêu cầu cơ sở thẩm mỹ phải rút sụn mũi và trả lại tiền đóng trước đó.

“Lúc đầu họ nhất quyết không đồng ý yêu cầu của tôi. Chỉ khi tôi chạy đến trụ sở làm căng thẳng, bác sĩ Nh. mới chịu cho nhân viên rút sụn mũi và trả lại 30% số tiền 100 triệu đồng đã đóng trước đó của tôi” – bệnh nhân chia sẻ.

Bác sĩ tiktok sửa mũi 100 triệu đồng, cô gái xinh đẹp bị tai biến nặng nề - 4
Bác sĩ phẫu thuật rút 60 cọng chỉ trong mũi bệnh nhân (Ảnh: Dân Trí)

Sau khi rút sụn, chân mũi của chị N. tiếp tục bị sưng đen. Quá lo sợ, ngay sáng hôm sau, chị N. tìm đến Bệnh viện Trưng Vương cầu cứu. Tại đây, bác sĩ phát hiện bệnh nhân không được tiêm collagen mà là filler (chất làm đầy) trên nền mũi đã từng chỉnh sửa trước đó, khiến mũi bị tắc mạch, hoại tử nặng.

Điều đáng nói là khi bệnh nhân gặp biến chứng lần đầu, cơ sở thẩm mỹ đã rút sóng mũi ra và tiếp tục cấy thêm trung bì mũi, trên nền mũi đang hoại tử, khiến tình trạng diễn tiến xấu hơn.

Những lưu ý khi nâng mũi để không ôm hận vì “bác sĩ TikTok”

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TPHCM, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, nếu bạn đang có ý định, hoặc vừa thực hiện phẫu thuật nâng mũi để cải thiện nhan sắc, có nhiều điều liên quan đến việc chăm sóc sau mổ cần phải chú ý.

1. Dùng thuốc đầy đủ theo đúng toa của bác sĩ, bao gồm kháng sinh, giảm đau, chống phù nề, thuốc chống sẹo. Thứ hai, thay băng để kiểm tra vết thương trong vòng 24h sau phẫu thuật.

2. Phải tái khám đúng theo lịch hẹn. Đó là ngày thứ 5 và thứ 10, sau đó là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm sau phẫu thuật.

3. Có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Kiêng một số thức ăn gây dị ứng với bản thân.

4. Hạn chế va chạm hoặc tì đè vào khu vực mới làm phẫu thuật vì có thể gây chảy máu, tụ máu.

5. Chườm lạnh trong vòng 2 ngày đầu sau phẫu thuật để giúp giảm sưng tấy. Lưu ý không được để nước đá chảy vào vết thương gây nhiễm khuẩn và tránh bỏng lạnh.

6. Chườm ấm từ ngày thứ 3 trở đi để giảm sưng và thâm tím.

7. Súc miệng và họng 2 tiếng/lần với nước muối hay dung dịch pha sẵn.

8. Không được tự động tháo thanh nẹp và phần băng trên vùng phẫu thuật.

9. Vệ sinh vết mổ bằng nước muối sinh lý và thuốc mỡ Betadine ngày 2 lần. Vệ sinh vùng mũi bằng gạc sạch và nước cất.

10. Cắt chỉ sau phẫu thuật 10 ngày và phải đúng hạn.

11. Không được đi bơi hay xông hơi trong ít nhất 4 tuần sau phẫu thuật.

12. Không đeo kính, không tập thể thao trong ít nhất 4 tuần sau phẫu thuật.

13. Có thể gội đầu và tắm ngay sau khi phẫu thuật nhưng tránh để nước tiếp xúc với vùng phẫu thuật.

14. Lau mặt bằng khăn mềm cho đến khi cắt chỉ. Sau khi cắt chỉ thì có thể trang điểm bình thường.

15. Vết thâm tím khi nâng mũi sẽ cải thiện dần trong khoảng 2 tuần, nếu thực hiện đúng kỹ thuật.

16. Người nâng mũi có thể đội mũ hoặc bôi kem chống nắng lên các vết thâm tím, để tránh hình thành vệt nám do ánh nắng chiếu trực tiếp lên da.

Nghi Vân (t.h)

BÀI CHỌN LỌC:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều