(Tân Thế Kỷ)- Giấy, in ấn, la bàn và thuốc súng là tứ đại phát minh quan trọng của Trung Quốc cổ đại, được coi là “chất xúc tác” cho các nền văn minh vĩ đại cũng như làm thay đổi toàn thế giới.
Trung Hoa là một đất nước có nền văn hoá trải dài 5000 năm lịch sử. Cùng với đó, sự sáng tạo đã làm nên vẻ đẹp của mảnh đất này. Từ xa xưa, người Trung Quốc cổ đại đã tạo ra những món đồ đóng góp không nhỏ cho nhân loại, nổi bật với bốn phát minh, đó là: giấy, la bàn, thuốc súng và kỹ thuật in ấn. Bốn phát minh đã thúc đẩy sự phát triển chính trị, kinh tế và văn hóa ở Trung Quốc cổ đại. Sau đó được truyền bá sang phương Tây thông qua nhiều con đường khác nhau, gây ảnh hưởng lớn đến lịch sử văn minh thế giới.
Kỹ thuật làm giấy
Vào năm Hưng Nguyên thời Đông Hán (năm 105), Thái Luân tấu trình kỹ thuật làm giấy lên Hán Hòa Đế (Hoàng đế thứ tư của nhà Đông Hán), được Hoàng đế ban thưởng lớn và cho phép sử dụng rộng rãi. Năm 116, Thái Luân được tấn phong làm Long Đình Hầu. Trí tuệ của Thái Luân đã mang lại lợi ích cho muôn dân, nên người ta gọi giấy do Thái Luân làm ra là “giấy Thái Hầu”, lưu danh thiên hạ.
Thái Luân tự Kính Trọng, là người gốc Quý Dương thời Đông Hán, hiện nay là thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ông là Thái giám thời Đông Hán, mất năm 121.
Sách “Hậu Hán thư – Thái Luân truyện” ghi: “Từ xa xưa, chữ viết đa phần được viết trên thẻ tre, có người viết trên lụa nên gọi là chỉ (giấy). Lụa thì đắt tiền còn thẻ tre thì nặng, không thuận tiện cho con người. Thái Luân liền nảy ra ý tưởng sử dụng vỏ cây, cây gai dầu, vải cũ và lưới đánh cá để làm giấy”.
Kể từ thời Thái Luân, kỹ thuật và nguyên liệu làm giấy đã không ngừng phát triển qua các triều đại, nhưng nguyên lý làm giấy của Thái Luân vẫn được sử dụng cho đến tận ngày nay.
Kỹ thuật in ấn
Kỹ thuật in ấn nguyên bắt nguồn từ con dấu và in dập thời cổ đại. Các con dấu thời Chiến Quốc hầu hết là các chữ chìm khắc vào trong ấn, đến thời Lưỡng Hán (Đông Hán và Tây Hán) chữ khắc nổi dần dần trở nên phổ biến. Từ việc sử dụng con dấu, người xưa đã phát minh ra phương pháp khắc chữ nổi viết ngược để tạo ra chữ viết xuôi, tức là phương pháp khắc chữ nổi.
Kỹ thuật in dập bắt đầu xuất hiện vào thời Đông Tấn, người xưa dùng giấy ướt ép chặt lên bia đá, đợi giấy khô rồi dùng mực chà lên các chữ viết hay hình vẽ, gọi là “dập đá”. Kỹ thuật in dập đá là chữ chìm viết xuôi, tức bản in ra là chữ trắng trên nền đen, còn dùng con dấu chữ khắc nổi thì cho ra bản in là chữ đen trên nền trắng. Sau này phương pháp khắc chữ chìm viết xuôi mô phỏng theo con dấu đã được thay thế bằng phương pháp khắc chữ nổi viết ngược, bôi mực đen lên con dấu rồi đóng lên mặt giấy, gọi là kỹ thuật khắc in. Khắc in là sự kết hợp hai phương pháp con dấu và in dập, kỹ thuật này bắt nguồn từ thời nhà Đường.
Sau khi nền văn hóa rực rỡ thời Tây Hán kết thúc, văn hóa Trung Nguyên vốn tôn sùng Nho giáo và Đạo giáo, bắt đầu du nhập tư tưởng Phật giáo. Vào năm Vĩnh Bình thứ 10 triều đại Đông Hán (năm 67), Hán Minh Đế cử sứ thần triều đình đi về phía Tây tới nước Thiên Trúc lễ Phật, từ đó Phật giáo bắt đầu truyền đến phía Đông, tức truyền vào Trung Nguyên. Sự truyền bá của Phật giáo ở Đông Thổ vừa vặn cùng thời với sự xuất hiện của nghề làm giấy. Vào năm 105, Thái Luân phát minh ra giấy Thái Hầu, từ đây thời đại dùng vải lụa để chuyển tải chữ viết đã tiến sang thời đại dùng giấy để chuyển tải chữ viết, phương thức truyền bá văn hóa cũng thay đổi từ việc giáo dục một thầy một trò của thời kỳ dùng vải lụa sang giáo dục rộng rãi vào thời kỳ dùng giấy. Các phương tiện in ấn cơ bản đã được hoàn thiện.
Văn hóa Đôn Hoàng trong thời Đại Đường bước vào thời kỳ hoàng kim, đây là kho báu chứa đựng tinh hoa tượng trưng cho nền văn hóa Thần truyền của Trung Nguyên. Việc phát minh ra kỹ thuật in ấn vào thời nhà Đường có nguyên nhân sâu xa từ sự hồng truyền các kinh sách Phật giáo.
Vào năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627), hòa thượng Huyền Trang đi đến nước Thiên Trúc ở phía Tây để cầu Pháp thỉnh kinh, sau 18 năm ông trở về Trường An, ở lại chùa Hoằng Phúc để dịch kinh Phật. Đường Huyền Trang từng in rất nhiều “tranh Phổ Hiền Bồ Tát” và phân phát cho các tín đồ. Vào năm Đường Vĩnh Huy thứ ba (năm 652), Huyền Trang tấu xin vua cho xây dựng Nhạn Tháp để cất giữ kinh và tranh. Trong cuộc đời mình, hòa thượng Huyền Trang đã dịch khoảng 75 bộ kinh Phật, tổng cộng là 1.335 quyển.
Kể từ khi ra đời vào thời nhà Đường, kỹ thuật in ấn luôn sử dụng phương pháp in đơn sắc, thường là màu đen, đôi khi là màu đỏ hoặc xanh lam. Ngoài in văn tự, một lĩnh vực ứng dụng khác của in xen màu là in ảnh. Lúc đầu dùng mấy loại màu để tô lên một tấm chạm khắc, chẳng hạn để in một bức tranh ba màu thì màu nâu đỏ tô trên cành cây, màu xanh lá cây vẽ trên lá và màu hồng vẽ trên hoa. Nhưng in theo cách này thì màu sắc dễ bị lẫn lộn không rõ.
Vì vậy người ta lại dựa theo mức độ đậm nhạt và sự tương phản màu trong bản vẽ gốc mà phân loại màu sắc, khắc thành nhiều tấm in, sau đó dựa theo màu sắc mà in xen màu hoặc in chồng màu, để có được màu sắc như ý. Bộ sách Thập Trúc Trai họa phổ vào những năm đầu niên hiệu Thiên Khải, Triều Minh (Minh Hi Tông 1621 – 1627) không chỉ có màu sắc tươi sáng, mà còn nổi bật từng đường nét của mây và sóng nước. Đến lúc này thuật in ấn cổ đại đã bước vào giai đoạn hoàn thiện.
La Bàn
La bàn thời nhà Hán bao gồm một chiếc thìa nhỏ và một đĩa xoay tạo thành, chiếc thìa nhỏ được mài thành từ nam châm tự nhiên, đáy của chiếc thìa là một bề mặt hình bán cầu, khi tay cầm của thìa bị ngoại lực di chuyển thì thân chiếc thìa sẽ quay trên đĩa xoay với đáy thìa là tâm.
Đĩa xoay được làm bằng đồng, có hình tròn bên trong và hình vuông bên ngoài. Bát Quái, Thiên Can, Địa Chi và 28 chòm sao được bố trí theo thứ tự ở ngoại vi của vòng tròn trung tâm. Ngoại trừ các phần trùng hợp, tổng cộng có 24 hướng chỉ đường được đánh dấu. Thiên Can, Địa Chi tượng trưng cho thời gian, Bát Quái và 28 chòm sao tượng trưng cho vũ trụ và 28 nhóm tinh tượng đối lập nhau.
Theo ghi chép trong cuốn Mộng Khê Bút Đàm của Thẩm Quát, vào thời Bắc Tống có bốn loại thiết bị la bàn sử dụng các phương pháp đo khác nhau, gồm phương pháp nổi trên mặt nước, phương pháp treo sợi tơ, phương pháp chỉ móng tay và phương pháp xoay muôi.
Khi Thẩm Quát thử nghiệm phương pháp la bàn treo, ông đã nhiều lần phát hiện ra rằng kim chỉ nam không chỉ hướng chính Nam và chính Bắc, mà hơi lệch về phía Tây Bắc và Đông Nam, do đó ông đã phát hiện ra độ nghiêng từ tính — góc nghiêng được tạo ra với đường nối hai cực Bắc Nam của địa cầu, đây là ghi chép sớm nhất trên thế giới về độ nghiêng từ tính của Trái đất.
Ngoài các loại la bàn trên, vào thời nhà Nguyên, người ta còn tạo ra các công cụ la bàn hình con rùa, con cá. Trong các loại la bàn này thì một cục nam châm sẽ được đặt vào bụng cá khắc gỗ hoặc rùa khắc gỗ, rồi đặt lên một cây kim thẳng đứng. Đến năm Gia Tĩnh triều Minh, lại xuất hiện la bàn khô. La bàn khô được đỡ bởi một chiếc đinh ở trung tâm của kim chỉ nam, làm cho lực ma sát của kim chỉ nam rất nhỏ, kim chỉ nam có thể quay tự do. Vì kim chỉ nam có điểm tựa cố định nên sẽ không lắc lư như khi ở trên mặt nước. Do đó la bàn khô thích hợp với hàng hải hơn so với la bàn nước.
Trịnh Hòa, một nhà hàng hải Trung Quốc vào thời nhà Minh đã từng bảy lần dẫn theo hạm đội lớn sang phương Tây. Trịnh Hòa dẫn đầu một hạm đội hơn 27.000 người trên hơn 60 con thuyền lớn có la bàn và bản đồ hàng hải, những con thuyền lớn này được gọi là “Bảo thuyền” (thuyền quý). “Bảo thuyền” lớn nhất dài 40 trượng và rộng 18 trượng, là con thuyền lớn nhất trên biển vào thời điểm đó. Đội thuyền đã đến nhiều nơi ở bán đảo Đông Dương, quần đảo Nam Dương, Ấn Độ, Ba Tư và Ả Rập, cho đến tận bờ biển phía Đông của châu Phi. Họ đã đi qua hơn 30 quốc gia.
Vào khoảng thế kỷ 12, la bàn đã đến Ả Rập thông qua hoạt động thương mại, và sau đó được truyền đến châu Âu.
Thuốc súng
Thuốc súng (火药) là phát minh nổi tiếng nhất của Trung Hoa cổ đại. Vào khoảng thế kỷ thứ VI, nhà luyện đan, đạo sĩ hay nhà chiêm tinh thời Đường quan niệm con người có thể trường sinh bất lão. Trong khi mày mò nghiên cứu tìm cách chế tạo “tiên đan”, có người đã vô tình để lửa bén vào gây nổ, cuối cùng tạo ra thuốc nổ. Tuy nhiên, khi đó thuốc nổ chỉ được dùng làm pháo đốt, pháo bông phục vụ cho lễ hội.
Vào thời Đường, có người tên là Thanh Hư Tử đã đề xuất công thức chế thuốc nổ theo tỉ lệ hai lạng lưu huỳnh, hai lạng đá tiêu, ba chỉ rưỡi aristolochic.
Cuối thời nhà Đường, đầu thời nhà Tống, người Trung Quốc đã thêm thuốc súng lên các mũi tên, gọi là “Hỏa tiễn”, tăng lực sát thương so với mũi tên thông thường, và đó là loại vũ khí có thuốc súng thời đầu của Trung Quốc. Thuốc súng màu đen đồng thời xuất hiện vào thời nhà Đường.
Những năm cuối thời Bắc Tống, người Trung Quốc đã chế tạo ra các loại vũ khí mang tính phát nổ cực mạnh, và là cuộc cách mạng mang tính lịch sử của các loại vũ khí như “Chấn thiên lôi”, “Đột hỏa thương”, … Chúng đã phát huy được uy lực to lớn của mình vào thời Chiến Quốc. Đồng thời, thuốc súng còn được người Trung Quốc sử dụng để phá đá khai thác khoáng sản, chế tạo pháo hoa,… Những điều này đã thể hiện rõ ràng năng lực cải tạo thiên nhiên của con người.
Người Trung Quốc chế tạo nên thuốc súng và các loại vũ khí sử dụng thuốc súng. Vào khoảng thế kỉ thứ 12, 13, chúng lần đầu được truyền đến các nước Ả rập, sau đó tiếp tục truyền đến các nước châu Âu, thậm chí là những nơi khác trên thế giới. Các nước Anh, Pháp đến giữa thế kỉ thứ 14 mới ứng dụng thuốc súng và hỏa khí, tuy nhiên trên phương diện nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí, xe tăng, máy bay bằng việc sử dụng thuốc súng càng ngày càng có những tiến bộ vượt bậc, vượt xa Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là quốc gia phát minh ra thuốc súng, mang đến những đóng góp vô cùng to lớn đến thế giới, mang những bước tiến văn minh đến xã hội loài người, thúc đẩy nền kinh tế và văn hóa khoa học phát triển.
Nghi Vân (t.h)
Nguồn Chánh Kiến, chineserd
Xem thêm:
Người xưa làm thế nào để tránh tai họa? Biết được cách này thì không còn sợ hãi nữa
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*