spot_img
28 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Ghé thăm 5 làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam

Tân Thế KỷGốm là một trong những phát minh quan trọng của tổ tiên chúng ta từ nhiều ngàn năm nay, đồ gốm đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhân dân ta. Với trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm, gốm cổ Việt Nam đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian sâu sắc.

Đồ gốm thời tiền sử ở Việt Nam đều là gốm mộc, nặn bằng tay, được nung ở ngoài trời với nhiệt độ khoảng 700oC, xương gốm thô, chủ yếu được làm từ đất trộn với vỏ nhuyễn thể và bã thực vật. Hoa văn trang trí đơn giản ở phía ngoài như các vạch chéo, văn sóng nước, văn chải răng lược… Các hoa văn này được tạo ra khi sản phẩm còn ướt, một số được tạo bằng bàn dập hoặc dùng que nhọn để vẽ, vạch.

Theo từng bước phát triển, sang thời đại kim khí, đồ gốm truyền thống Việt đã có những bước chuyển mới, từ kỹ thuật nặn tay đã chuyển sang kỹ thuật tạo hình bằng bàn xoay, tạo nên sự phong phú về chủng loại và kiểu dáng của sản phẩm, tiêu biểu là những đồ gốm giai đoạn Tiền Đông Sơn (văn hóa Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun). Bên cạnh các sản phẩm đun nấu còn thấy những sản phẩm gốm để chứa đựng, dụng cụ ăn uống, trang sức, công cụ lao động và gốm mỹ thuật.

Hành trình lịch sử cùng Gốm Việt Nam- một truyền thống riêng biệt - Ảnh 3.
Đồ gốm Việt Nam, thể kỷ I-III (Ảnh sưu tầm)

Có thể nói, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, kể từ khi ra đời, đồ gốm đã trở nên phổ biến, giữ vai trò chủ đạo và luôn là một nghề thủ công có vị trí xứng đáng trong đời sống của cư dân thời tiền – sơ sử cho đến sau này.

Làm gốm là nghề lâu đời và tiếp diễn liên tục nhất trong lịch sử Việt Nam. Ở mỗi địa phương khác nhau, gốm Việt mang diện mạo, bản sắc rất riêng biệt, đa dạng. Có nhiều làng nghề vẫn còn tồn tại và phát triển cho tới ngày nay nhưng cũng có những làng nghề đã mai một và mất đi.

lo gom
Hình ảnh một làng gốm xưa của Việt Nam (Ảnh Du Lịch)

Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) 

Từ thế kỷ XV, vào cuối thời Trần, ở nước ta đã bắt đầu hình thành làng gốm nổi tiếng Bát Tràng (Hà Nội), nơi định cư của những người thợ gốm từ làng Bồ Bát, tỉnh Thanh Hóa tới. Làng gốm Bát Tràng nổi tiếng với các sản phẩm gốm men ngọc, men rạn (thời Lê-Trịnh), gốm hoa lam (cuối thời Lê đầu thời Nguyễn). Ngày nay, làng gốm Bát Tràng nằm tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

du lịch làng gốm bát tràng
Làng gốm Bát Tràng

Qua nhiều thăng trầm, làng gốm Bát Tràng vẫn còn tồn tại vững vàng và phát triển mạnh mẽ, trở thành làng nghề gốm cổ truyền lớn nhất nước ta. Sản phẩm gốm Bát Tràng không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

2421 anh bai kc
Bát Tràng là một trong những làng gốm nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay (Ảnh baocongthuong)

Không như một số làng nghề gốm cổ truyền khác thường bị gián đoạn, mai một do các biến cố lịch sử, gốm Bát Tràng vẫn giữ được những dòng men cổ thuở xưa nhờ làm nghề liên tục. Các công đoạn tạo dáng đều được làm bằng tay nên xương gốm khá dày chắc, cứng cáp. Lớp men đặc trưng thường ngả màu ngà, đục. Bên cạnh đó còn có một số dòng men riêng độc đáo chỉ có tại Bát Tràng như men xanh, men rạn.

Làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, Hải Dương) 

Thôn Chu Đậu là một vùng quê yên bình bên tả ngạn sông Thái Bình. Chu Đậu theo tiếng Hán có nghĩa là bến thuyền đỗ. Những năm trước đây, cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông nên địa danh Chu Đậu ít được mọi người biết đến.

Dòng gốm sứ này được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong khoảng từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XVIII, sau đó đột ngột biến mất. Có nguồn nói nó bị mai một do chiến tranh Lê-Mạc cuối thế kỷ XVI. Gốm Chu Đậu nổi tiếng với dòng gốm hoa lam cực kỳ tinh xảo. Từ thuở ban đầu, gốm Chu Đậu cùng với những dòng gốm khác của Việt Nam đã có một vị thế quan trọng trong thị trường gốm sứ ở các nước lân cận như Nhật Bản, các quốc gia hải đảo Đông Nam Á.

làng gốm Chu Đậu
Gốm Chu Đậu nổi tiếng với dòng gốm hoa lam cực kỳ tinh xảo

Cho đến đầu những năm 2000, gốm Chu Đậu được các chuyên gia nghiên cứu và phục hồi lại kỹ thuật chế tác, chất men, kiểu dáng. Ngày nay gốm Chu Đậu đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và rất được lòng thị trường châu Âu, Nga, Nhật Bản bởi màu men độc đáo và họa tiết thuần Việt. Từ đó gốm Chu Đậu dần trở mình mạnh mẽ, viết tiếp lịch sử thời hoàng kim của làng nghề.

Giới chuyên môn đánh giá cao gốm Chu Đậu từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… tất cả đều đẹp hoàn hảo. Gốm Chu Đậu được thể hiện dưới nhiều hình thức như vẽ, khắc, họa, đắp nổi đều phóng khoáng, trữ tình, hài hòa, tinh xảo. Những họa tiết, hoa văn trên gốm thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông… Phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men màu tam thái.

Làng gốm Bàu Trúc (Bình Thuận) 

Làng gốm Bàu Trúc là làng gốm sứ của người Chăm và thuộc loại làng nghề sản xuất gốm cổ xưa nhất trong khu vực Đông Nam Á. Gốm của người Chăm đã từng đạt tới thời kỳ đỉnh cao của văn hóa rồi suy tàn. Các di tích của đế chế Chăm-pa còn tồn tại ở khu vực miền Trung đã thể hiện rất rõ tính thẩm mỹ cũng như chất lượng của gốm Chăm.

xahoi cdn.congly.vn news 2022 12 08 gom bau truc 1 1024x683 1
Gốm Bàu Trúc được yêu thích bởi vẻ đẹp mộc mạc đơn sơ của gốm mộc

Gốm Bàu Trúc mộc mạc, không phủ men và mang đậm văn hóa bản địa. Hoa văn chạm trổ là những đường khắc vạch sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay đơn giản, gần gũi. Sản phẩm gốm có màu xương đất và không đồng đều. Vì trong quá trình nung lửa bị cháy táp nhiều và nhiệt độ không đồng đều do gốm Bàu Trúc không nung trong lò mà nung ngoài trời bằng rơm củi.

Ngày nay, gốm Bàu Trúc không còn quanh quẩn ở hiên nhà chái bếp của người dân địa phương nữa mà đã được rất nhiều du khách thích thú tìm kiếm bởi vẻ đẹp mộc mạc thô sơ mang đậm linh hồn của gốm mộc.

Làng gốm Cây Mai (TP. Hồ Chí Minh) 

Làng Gốm Cây Mai được thành lập ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn vào nửa cuối thế kỷ XVIII, nổi tiếng với gốm sành tráng men màu với các sản phẩm mang tính thẩm mỹ độc đáo. Gốm Cây Mai tồn tại trong vòng 200 năm thì dần mất dấu theo thăm trầm của lịch sử. Tuy vậy dấu tích khu lò gốm Cây Mai (nằm ở sau chùa Cây Mai) nay vẫn còn.

Tìm hiểu cội nguồn của một dòng gốm lâu đời của nước ta - gốm Cây Mai - Ảnh 1.
Khung cảnh lò gốm Cây Mai xưa

Các sản phẩm đặc trưng của gốm Cây Mai là gốm men nhiều màu như trắng, xanh lam, xanh lục, nâu, vàng… với đa dạng kiểu tô, chén, đĩa, muỗng, bình, cốc, đôn, chậu kiểng, lư hương, bát nhang, tượng thờ; gốm trang trí kiến trúc như rồng, voi, ngựa và các quần thể tiểu tượng theo phong cách người Hoa Chợ Lớn.

don-gom-cay-mai
Gốm sứ cổ Sài Gòn – Gia Định xưa (Nguồn: Internet)

Trong hơn 200 năm tồn tại, từ gạch, ngói, lu, hũ, đôn, chậu… của xóm Lò Gốm “Chơn vò vò Bàn Cổ xây trời” đến những sản phẩm sành men màu “Đề Ngạn/Mai khư”, các lò gốm ở vùng đất Sài Gòn xưa (tức Chợ Lớn sau này) đã tạo nên được một danh mục sản phẩm gốm phong phú. Gốm sành men màu Cây Mai đã xuất hiện trong lịch sử gốm mỹ thuật Nam Kỳ như những kẻ tiên phong. Chính vì vậy, bản thân nghề thủ công này và những thành tựu của nó có giá trị lịch sử đáng kể. Riêng ở lĩnh vực mỹ thuật, gốm Cây Mai đã cống hiến một loại gốm sành cứng men màu đặc trưng mà ảnh hưởng của nó đối với gốm sành xốp men màu thời sau là rất quan trọng.

Làng gốm Biên Hòa (Đồng Nai)

Làng gốm Biên Hòa là một trong những làng gốm nổi tiếng ở Đồng Nai với nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng. Đây cũng được biết đến là một trong những làng nghề truyền thống có từ lâu đời tại mảnh đất này. Từ cuối thế kỷ 19, gốm Biên Hòa đã nổi tiếng lừng danh trên làng gốm thế giới và cho tới ngày nay, có rất nhiều những sản phẩm được xem là vô cùng quý hiếm, đặc biệt là những người đam mê sưu tầm đồ gốm cổ.

Khám phá làng gốm truyền thống Biên Hòa
Gốm Biên Hòa là sự hòa quyện tài tình giữa đất, nước và lửa, tạo nên những sản phẩm đặc trưng bản sắc, điểm tô cho văn hóa Việt

Làng gốm Biên Hòa nằm ven sông Đồng Nai thơ mộng với hơn 300 năm tuổi, nổi tiếng với 2 làng gốm lớn nhất đó là làng gốm Tân Vạn và cụm gốm Trường Mỹ thuật thực hành Biên Hòa đến này vẫn còn tồn tại và phát triển hưng thịnh. Chính nơi đây là nơi bắt nguồn của các làng gốm phương Nam nổi tiếng như gốm Bình Dương, gốm Thủ Đức,… Với hơn 100 cơ sở sản xuất lớn nhỏ bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, làng gốm là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Biên Hòa.

Trước đây, gốm Biên Hòa còn nổi tiếng tới mức còn có trường dạy nghề gốm ở Đông Dương được mở vào năm 1903. Có thể nói thời kỳ này chính là thời kỳ hoàng kinh và hưng thịnh nhất của làng gốm này với tiếng vang lớn khắp các chợ quốc tế lúc bấy giờ như thị tường Nhật Bản, Pháp,… Đó là sự kết hợp phong cách làm gốm của cả Việt Nam với gốm Trung Quốc và gốm Limoge của Pháp.

gom bien hoa

Gốm Biên hòa trước chỉ là đồ gia dụng như vại muối dưa, làm mắm, hũ gạo… Dưới bàn tay tài hoa và sự sáng tạo của các nghệ nhân, gốm Biên Hòa xuất hiện thêm nhiều mẫu mã hoa văn mới hiện đại hơn có giá trị nghệ thuật cao hơn. Sản phẩm gốm Biên Hòa đa dạng bao gồm bình bông, hũ, lọ, chóe, chậu, đôn, đôn voi, bộ bàn ghế tròn, đèn lồng, đĩa trang trí, tượng voi, tượng lân, tượng người… Ngày nay, gốm Biên Hòa rất nổi tiếng với dòng gốm Bách Hoa có tính thẩm mỹ cao và công đoạn chế tác tỉ mỉ, công phu.

Hiện làng nghề sản xuất gốm kết hợp với văn hóa, du lịch để lưu giữ và bảo tồn nét truyền thống hàng trăm năm nay. Đây vừa là cách giữ gìn và cũng là cách truyền bá tinh hoa các sản phẩm mỹ nghệ của Biên Hòa giúp cho du khách tứ phương có thể được chiêm ngưỡng, học hỏi và tự hào.

Nghi Vân (t.h)

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 2

Xem thêm:

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều