Giá vàng SJC liên tục lập đỉnh trong khi đó làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu xuất hiện. Dòng tiền đầu tư sẽ đổ mạnh vào kênh nào trong thời gian tới?
Giá vàng liên tục phá đỉnh
Hai tuần trở lại đây, vàng miếng SJC trong xu hướng tăng và nới rộng khoảng cách với thế giới bất chấp giá vàng thế giới ít biến động và Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng đấu thầu vàng. So với cách đây một tuần, giá vàng SJC tăng 2,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 2 triệu đồng ở chiều mua vào. Nếu so với thời điểm đầu năm, giá vàng SJC tăng 11,5 triệu đồng mỗi lượng, tương đương khoảng 15%.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn cũng được điều chỉnh tăng trở lại lên trên 75 triệu đồng/ lượng. Nếu so với thời điểm đầu năm, giá vàng nhẫn tròn trơn cũng tăng trung bình gần 13 triệu đồng mỗi lượng, tương đương khoảng 20,6%.
Lãi suất tiết kiệm bắt đầu tăng trở lại
Trong khi giá vàng liên tục phá đỉnh, lãi suất tiết kiệm cũng bắt đầu tăng trở lại. Kể từ đầu tháng 4/2024 đến nay, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu lan rộng với số lượng áp đảo số lượng nhà bằng điều chỉnh giảm lãi suất.
Chỉ tính từ đầu tuần đến nay, đã thêm 3 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm là Bac A Bank, Sacombank, BVBank. Nếu tính từ đầu tháng 5 đến nay, số lượng các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lên tới 7 nhà băng bao gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, Bac A Bank.
Còn trong tháng 4, theo khảo sát của chúng tôi, có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB. Đáng chú ý, có một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm tới 2 lần. OceanBank còn là ngân hàng tăng mạnh lãi suất nhất tại tất cả các kỳ hạn.
Trước đó vào tháng 3, thị trường ghi nhận làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm vẫn lan rộng. Đến nửa cuối tháng 3 mới ghi nhận 4 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn.
Theo các chuyên gia, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút lượng tiền gửi. Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố cho thấy, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023.
Dòng tiền sẽ đổ vào đâu?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vàng đang là kênh đầu tư hấp dẫn người dân rót vốn. Dù thừa nhận lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng song vị chuyên gia này cho rằng, mức tăng chưa đủ hấp dẫn dòng tiền. Ông Hiếu đánh giá bất động sản, chứng khoán hiện vẫn là kênh đầu tư rủi ro.
Chia sẻ thêm về dòng tiền sẽ đổ vào đâu, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cao về sức hấp dẫn của kênh đầu tư vàng. Khuyến nghị về rủi ro của kênh đầu tư này, song ông Hiếu vẫn cho rằng, do tâm lý của người dân Việt chuộng vàng, trong khi giá vàng tăng mạnh khiến đây vẫn là nơi hút tiền tốt.
Trong khi đó, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế từng chia sẻ tại một tọa đàm mới đây rằng, thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tư vào bất động sản, đợi lên giá và bán, trong thời gian ngắn gọi là đầu cơ, một số người đợi lâu để đầu tư.
Các chuyên gia đồng thời nhận định rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư sẽ có tâm lý cẩn trọng và cân nhắc kĩ khi xuống tiền. Khi các kênh đầu tư lên “cơn sốt” như vàng, nhà đầu tư nên đề phòng rủi ro.
Hoàng Nam ( Đức Anh-CafeF).
Xem thêm:
Vàng miếng tăng sốc, mua từ đầu năm đến nay lãi hơn 11 triệu